Crux – Inés San Martín – 11-4-2015
Khi tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama và tổng thống Cuba Raul Castro, bắt tay nhau hôm thứ sáu, đánh dấu sự tan băng sau hơn 5 thập kỷ đoạn tuyệt, thì Giáo hoàng Phanxicô, người đã có vai trò chủ chốt thúc đẩy chuyện này, đã thúc giục các lãnh đạo châu Mỹ này hãy đi xa hơn các động thái xã giao này mà dấn thân vào cuộc chiến chống đói nghèo đến tận gốc rễ.
Đức Phanxicô nói rằng, ‘Tôi tin chắc rằng sự bất bình đẳng, sự phân bổ tài sản và tài nguyên không công bằng, chính là gốc rễ của xung đột và bạo lực giữa các dân tộc, bởi sự bất bình đẳng này cho rằng sự tiến bộ của một số người cần phải được xây dựng trên sự hi sinh mất mát của những người khác, cũng có nghĩa là để sống có phẩm giá, chúng ta phải chiến đấu chống người khác.’
Lời này trong thư của Giáo hoàng Phanxicô gởi đến Hội nghị Thượng đỉnh thường niên của các nước Mỹ châu, diễn ra tại Panama, và được hồng y Quốc vụ khanh Vatican, Pietro Parolin, đọc trước các lãnh đạo Mỹ châu. Hội nghị năm nay đặc biệt thu hút nhiều chú ý bởi bầu khí mới giữa Hoa Kỳ và Cuba tiếp sau việc phục hồi quan hệ hồi tháng 12 vừa qua.
Obama và Castro đã gặp nhau và bắt tay trong bữa tiệc tối ngày thứ sáu. Cả hai có những trao đổi cụ thể hơn nữa trong ngày thứ bảy và chúa nhật.
Trong một thông điệp cá nhân gởi cho các nguyên thủ, Đức Phanxicô cho rằng chỉ đơn thuần lịch sự với người khác thôi thì không đủ. Ngài nhấn mạnh rằng, để chấm dứt xung đột, các chính phủ phải xác định được các nguyên do sâu xa của nó.
Đức Phanxicô viết rằng, ‘Thật không thể chấp nhận, khi người nghèo phải nhặt vụn bánh rơi ra từ bàn ăn của người giàu.’ Vị giáo hoàng đầu tiên đến từ châu Mỹ La tinh nói rằng ngài thấy tương hợp với chủ đề của hội nghị, ‘Thịnh vượng với Công bằng: Thách thức về Hợp tác ở các nước châu Mỹ.’
Đức Phanxicô nói rằng sự thịnh vượng đạt được nhờ bất bình đẳng là một thứ bất công từ gốc rễ, và nó xói mòn phẩm giá của tất cả mọi người.’ Theo giáo hoàng, có những ‘của’ căn bản, như mảnh đất, công việc, và căn nhà, cùng những ‘dịch vụ công’ như y tế, giáo dục, an ninh và bảo vệ môi trường, mà không một người nào lại không được hưởng.
Và ở đoạn điểm nhấn, giáo hoàng kêu gọi ‘toàn cầu hóa tình đoàn kết và huynh đệ thân ái’ chứ không phải ‘toàn cầu hóa thói kỳ thị và lãnh đạm.’
Đức Phanxicô nhắc các nhà lãnh đạo rằng dù chắc chắn có nhiều quốc gia đã tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ trong những năm qua, nhưng những nước khác vẫn đang chìm trong nghèo đói. Hơn nữa, trong các nền kinh tế mới nổi, khoảng cách giữa người giàu và người nghèo ngày một tăng cao.
Và giáo hoàng khẳng định, các hành động trực tiếp chăm lo cho những người khuyết tật, và những thành viên nhỏ bé nhất trong gia đình, ‘phải là ưu tiên hàng đầu của các nhà làm luật,’
Ngài cũng nói đến vấn đề nhập cư, một trong những chủ đề có lẽ ngài cũng sẽ nói với Lưỡng viện Hoa Kỳ vào tháng 9 tới đây. Đức Phanxicô nói rằng sự chênh lệch khổng lồ về mặt kinh tế giữa các quốc gia, đã buộc nhiều người phải bỏ quê hương và gia đình, và ‘trở thành con mồi dễ dàng của những kẻ buôn người và nô lệ lao động.’
Giáo hoàng cho rằng việc thiếu hợp tác giữa các quốc gia đã khiến nhiều người bị nằm ngoài vòng pháp luật và không được bảo vệ, khiến cho họ bị biến thành nạn nhân bị ngược đãi.
‘Đôi khi ngay trong lòng một quốc gia, vẫn tồn tại những chênh lệch giàu nghèo ghê gớm, đặc biệt là đối với dân bản xứ tại các vùng nông thôn hay ở ngoại ô các thành phố lớn. Không có sự bảo vệ thực sự cho những người này chống lại thói kỳ thị chủng tộc, bài ngoại, và tàn bạo bất dung, thì nhà nước pháp chế đã đánh mất đi tính chính đáng của mình.’
Hội nghị châu Mỹ, quy tụ lãnh đạo của 35 quốc gia từ Bắc, Trung và Nam Mỹ. Năm nay đánh dấu mốc lần đầu tiên Cuba tham dự hội nghị, một thành quả trực tiếp từ việc nối lại đối thoại với Hoa Kỳ.
Khi tuyên bố sự kiện phục hồi quan hệ mang tính lịch sử này và đầu tháng 12 năm ngoái, cả tổng thống Obama lẫn Castro đều cảm ơn Giáo hoàng Phanxicô vì ‘vai trò then chốt’ của ngài trong tiến trình này.
J.B. Thái Hòa chuyển dịch