Thành công và tiền bạc làm chúng ta quay lưng với Chúa
Vatican Insider, Domenico Agasso Jr, Rôma, 26-2-2015
Linh mục Secondin: “Xin anh em dời bước về vùng ngoại ô, đi ăn với những người nghèo. Anh em sẽ hiểu Thiên Chúa chờ anh em ở đâu.”
Tiếp tục tuần tĩnh tâm qua ngày thứ tư ở Nhà Thầy Chí Thánh ở Ariccia (Rôma), linh mục Secondin đưa ra vài ý niệm để suy gẫm: “Anh em làm gì ở đây? Anh em nhìn gì? Anh em có để Chúa làm cho anh em ngạc nhiên không? Anh em có muốn biết quý vị sẽ đi đến đâu không?”, xin “anh em đi trở lui.” Chúng ta sẽ học phép ghi địa chấn!
Linh mục Secondin đã giải thích các thôi thúc này trong bài suy niệm đầu tiên khi lòng mình đã mở lòng ra với sự thật và gắn kết vào Chúa, trên con đường của Chúa.
Luôn luôn dựa trên câu chuyện của tiên tri Êlia, người đấu tranh với tính ích kỷ thái quá của mình, người bảo vệ nhiệt thành cho giao ước giữa Thiên Chúa và dân của Ngài, người cảm thấy mệt mỏi, sợ sệt trốn trong hang động núi Khô-rếp.
Linh mục Secondin giảng chương 19 Sách Các Vua nói về tình trạng bi thảm của tiên tri Êlia, bị “suy thoái tinh thần trầm trọng,” bị vét cạn sinh lực và chỉ muốn trốn đi. Một tình trạng suy thoái tinh thần mà theo cha Secondin không phải là hiếm “ngay cả trong đời sống tu trì. Rất nhiều người suy sụp trong hàng ngủ các linh mục.” Như thế phải để ý đến một vài dấu hiệu có thể dẫn đến các khó khăn nội tâm.
Trước hết là “sợ”. Sợ khi chúng ta nghĩ đến tương lai, nghĩ đến trách nhiệm của mình. Và nỗi sợ dễ dàng kèm theo “cô đơn”, cảm thấy “trống rỗng” do thất bại, “suy sụp cả về mặt tinh thần lẫn thể xác” và “tự lên án mình” như tiên tri Êlia đã tự nói: “Tôi không khá gì hơn cha ông tôi”.
Điều này có thể đưa đến tình trạng cảm thấy mình bị “lấy đi” – có thể là thật mà cũng có thể do tưởng tượng về mặt tâm lý – hoặc lặp đi lặp lại một cách ám ảnh vài động tác như uống rượu, ăn thái quá hay trốn vào thế giới ảo, hoặc cả tâm trạng “muốn chết”.
Để đối diện với những bi kịch đau thương, cả về mặt tâm lý và thiêng liêng, theo linh mục Secondin, điều quan trọng là phải có một đời sống “quân bình giữa việc làm, nghỉ ngơi, cầu nguyện và quan hệ xã hội.”
Và phải nhận ra ngay lập tức các “dấu hiệu của stress,” quan trọng là phải rìm ra giải pháp như câu chuyện của tiên tri Êlia, ông được thiên thần tới an ủi và khuyên ông đi ngay đến vùng Khô-rếp. Trong những lúc khó khăn, chúng ta có thấy chung quanh chúng ta bàn tay của thiên thần không?: Như bánh là sức mạnh và là lời an ủi cho tiên tri Êlia, chúng ta có thấy trong Thánh Thể là thức ăn cho cuộc hành trình của mình không?” Như chuyến hành trình đã đưa tiên tri Êlia về gốc rễ của Giao ước, con người hôm nay và của mọi thời có “tìm về nguồn cội” của đức tin không?
Một khi sự thật được thắp sáng trong chính mình, một khi chúng ta sẵn sàng lắng nghe, chúng ta có thể nhìn được Chúa Kitô. “Huyền nhiệm” tiên tri Êlia ở Khô-rếp nghe tiếng rì rào của cơn gió thoảng mà nhiều nhà chú giải đã bình giải sâu sắc, huyền nhiệm này sẽ giúp chúng ta rất nhiều trong việc suy gẫm riêng.
Bài suy niệm sáng thứ tư là cuộc đối thoại giữa Thiên Chúa và tiên tri Êlia qua tâm trạng của người mang cái tôi trương phồng, tự xem mình là trọng tâm vũ trụ, nhưng Chúa đã không để cho tiên tri Êlia ở trong tình trạng này, ngài đánh thức bằng câu hỏi: ‘Con làm gì ở đây”. Và Chúa đến với câu hỏi này, buộc con người phải nhìn vào tâm hồn mình, để những gì mình quan tâm có một tiếng nói.
Và đây là lời cầu xin của cha giảng phòng: Đôi khi đối với người thời nay cũng như mọi thời, Chúa là một “vật trang hoàng”; và chúng ta có nguy cơ “lèo lái” cũng một mức độ hăng say như tiên tri Êlia. Nhưng “Thiên Chúa thì tự do trước quyền lực và đương nhiên trước cơn giận của tiên tri Êlia”: sự thất bại của Êlia không làm Chúa giao động, ngài có chương trình dự định riêng của Ngài và Ngài có dân trung thành theo Ngài.
Tiên tri Êlia bị lay động, giống như thế giới bị trượt ra ngoài. Qua bài đọc này, một vài câu hỏi riêng tư có thể đặt ra, chính xác là: “Chúng ta có bị ám ảnh bởi vấn đề của một vài người, của công việc, của sự nghiệp không?” Và thêm một lần nữa, quan hệ của chúng ta với Thiên Chúa như thế nào? “Chúng ta có kính sợ Thiên Chúa, chúng ta có thói quen sống mật thiết với ngài không?”. Hay chúng ta bị xao nhãng vì “thành công, danh vọng phù du, tiền bạc, tội lỗi của người khác?”.
Và nếu giống như tiên tri Êlia, chúng ta bị thất vọng, mệt mỏi, chúng ta nghĩ mình hơn người và nghĩ rằng thế giới bị ma quỷ hoang dữ chiếm đoạt thì chúng ta phải để cho Chúa làm cho chúng ta ngạc nhiên và bắt đầu lại bằng một con đường mới.
Linh mục kết thúc bằng suy niệm: “Hãy trở lại!” với lời mời gọi: chia sẻ của cải với người nghèo, mở kho lẫm đầy những đồ vô ích và vứt chúng ra ngoài, mở vòng tay để làm hòa với những người mà mình không thể chịu đựng được, mở những chân trời mới với muôn vẻđẹp của sự thật, của các nền văn hóa, của các truyền thống phong phú để thấy những gì Thiên Chúa làm là đẹp.
“Xin anh em dời bước về vùng ngoại ô, đi ăn với những người nghèo. Anh em sẽ hiểu Thiên Chúa chờ anh em ở đâu.”
Nguyễn Tùng Lâm chuyển dịch