Michael O’Loughlin _ 13-02-2015
Giáo hoàng Phanxicô không phải là người theo chủ nghĩa Marx, nhưng như thế không bác bỏ việc ngài lên tiếng kêu gọi làm sao để nền kinh tế hoạt động cho tất cả mọi người, nhất là những người nghèo.
Đây là thông điệp của hồng y Óscar Andrés Rodríguez Maradiaga từ Honduras, một trong các thân tín của giáo hoàng, và là trưởng nhóm cố vấn G9 của giáo hoàng.
Hồng y Maradiaga, là hồng y đầu tiên của Honduras, nói rằng người Công giáo phải thách thức các lãnh đạo chính trị và kinh doanh đưa vào những chính sách nâng đỡ người nghèo, nếu không sẽ là mạo hiểm đối mặt với bất ổn xã hội và thậm chí là bạo lực.
Ngài nói rằng, ‘Người Công giáo phải đặt ra những câu hỏi về một hệ thống dựa trên quyền lực quá đáng của tài chính. Chúng ta, ai ai cũng nói rằng chuyện này không thể thay đổi, nhưng nếu nền kinh tế không vị nhân sinh, thì nó cần phải được thay đổi.’
Hồng y Maradiaga nói trong buổi giới thiệu quyển sách ‘Nền kinh tế này giết người,’ một tổng hợp các huấn giáo xã hội của Đức Phanxicô, được tập hợp nhờ hai nhà báo Ý, Andrea Tornielli và Giacomo Galeazzi.
Nhắc lại một bài diễn văn hồi năm ngoái tại Hoa Kỳ, hồng y Maradiaga nói rằng người giàu khăng khăng không chịu nhìn nhận sự thật rằng người nghèo chịu đau khổ là do bởi thị trường mở. Nhưng, nếu họ cứ như vậy, và nếu sự bất bình đẳng vẫn không được kìm hãm, thì các hậu quả sẽ xảy đến.
‘Với sự bất bình đẳng, sớm hay muộn, bạo lực cũng sẽ xảy đến. Chúng ta không thể sống với sự bất công xã hội, chúng ta không thể dung dưỡng cho nó được.’
Hồng y tôn vinh những ‘lời đơn sơ và mạnh mẽ’ của giáo hoàng lên án sự bất bình đẳng kinh tế, và nói rằng những người Công giáo không nắm bắt được huấn giáo công bằng xã hội của Giáo hội, sẽ dễ hiểu lầm quan điểm của giáo hoàng.
‘Có những người cáo buộc giáo hoàng là theo chủ nghĩa Marx, và lời cáo buộc như thế thể hiện sự thiếu hiểu biết về các nội dung của huấn giáo xã hội của Giáo hội.’
Hồng y cũng nói rằng giáo hoàng không chống lại việc tự do làm ăn, nhưng phải có ‘các nguồn lực cân bằng, đưa ra giới hạn và làm gì đó.’
Và hồng y Maradiaga cũng lên án các tiêu chuẩn khắt khe, đặc biệt là ở các nước châu Âu kể từ sau cuộc khủng hoảng kinh tế năm 2008, nói rằng việc cắt giảm quỹ nhà nước thường ảnh hưởng nặng nhất đến người nghèo.
‘Tầng lớp trung lưu đang biến mất, và người nghèo thì càng nghèo hơn, vậy nên không thể cứ làm như thế được. Các chính sách này khiến người nghèo phải chịu khốn khổ, trong khi kết quả thì không có gì là chắc chắn.’
Hồng y nói rằng, tệ hơn nữa, khi những người chịu trách nhiệm cho cuộc khủng hoảng tài chính này biết rằng họ đang làm sai, nhưng vẫn ngoảnh mặt làm ngơ.
‘Tất cả họ đều có những khoản lương thưởng khổng lồ, và không một ai giải trình được về những việc họ đã làm. Còn bây giờ, họ đang sung sướng chơi gôn.’
Hồng y Maradiaga còn nói rằng, trong các thảo luận về cách cấu trúc nền kinh tế, thiếu vắng một tiếng nói luân lý.
‘Chúng ta không thể giao mình trong tay các tổ chức tài chính này được. Về các biện pháp, chúng ta cần đối thoại nhân sinh, chứ không phải đối thoại kỹ thuật. Các quyết định họ đưa ra, có chiều kích xã hội nào không?’
Maradiaga, người lên tiếng chống lại các chính sách kinh tế tự do ở Washington hồi năm ngoái, sát cánh với tổng giám mục Blase Cupich trước khi ngài được nhậm tòa Chicago, đã nói rằng sự tham lam và kêu ngạo của con người trong các hệ thống, không chỉ gây hại cho mọi người về mặt tài chính mà thôi, nhưng còn về bầu khí nữa.
Ngài nói, ‘Thật không thể thở được trong một thế giới đang bị bóp nghẹt.’
J.B. Thái Hòa chuyển dịch