Mike Bassano: Một vị thánh Kitô nơi các tiện dân ở Thái Lan

314

James Nachtwey – Paris Match 3064 – 13-02-2008James Nachtwey – Paris Match 3064 – 13-02-2008

James Nachtwey: Nhiếp ảnh gia chiến tranh nổi tiếng, có mặt trên các trận chiến Đông Âu, Phi Luật Tân, Áp-gha, Rwanda, Srilanka, Soudan…

Từ năm 2000, ông chụp hình các bệnh nhân bị bệnh sốt rét, sida, ho lao và những người săn sóc họ ở Phi Châu, Á Châu. Năm nay ông triển lãm các tác phẩm ông chụp trong 8 năm vừa qua ở phòng triển lãm Laboratoire ở Paris.

Ông nói: “Không ai có thể đối diện được với nỗi khổ của nhân loại nhưng đừng quay lưng, đừng nghĩ là không có. Có những người tận tâm săn sóc bệnh nhân một cách rất đơn giản, thay tả, cắt tóc, cạo râu, tắm. Nhưng đối với tôi, thật là khó khăn khi là chứng nhân của những nỗi đau khổ này, nhưng tôi phải vượt các khó khăn về mặt xúc cảm để có thể đến gần các bệnh nhân để chụp hình họ. Tôi mong muốn qua nghệ thuật và khoa học, các bức hình này sẽ giúp người xem ý thức được các nỗi khổ to lớn này để cùng tìm giải pháp giúp giải quyết, giúp con người bớt đau khổ.”

Mike Bassano: Sinh ở Binghamton, một thành phố nhỏ ở New-York, thụ phong linh mục năm 1975. Năm 1987, tham dự tổ chức truyền giáo Maryknoll. Mới đầu cha được phái đi làm việc ở Chili dưới thời Pinochet. Ở đó cha giúp các gia đình bị cầm tù, những người “mất tích” chính trị. Từ năm năm nay cha làm việc ở Thái Lan, ở nhà thờ Đức Mẹ Lên Trời và ở dưỡng đường dành cho những người bệnh sida, gần ngôi chùa Phật Giáo Wat Phrabat Nampo ở Lopburi, một ngôi làng nhỏ cách Bangkok 150 cây số về phía bắc.

Nói về cha Bassano, ông Nachtwey chỉ đơn giản nói: “Đó là một vị rất thánh thiện mà tôi được gặp.”

Mà đúng thật, về những người quá thánh thiện thì chẳng lời nào có thể nói lên đủ.

Trong những năm 1990, Thái Lan đã phải chiến đấu để chống cơn dịch sida. Hơn nửa triệu dân Thái sống với siêu vi khuẩn sida. Cần thuốc men, cần điều trị nhưng cũng cần lòng thương xót, lòng bao dung. Nạn kỳ thị và ruồng bỏ người mắc bệnh là vấn nạn thường xuyên ở Thái. Chính vì để giúp những người bên lề xã hội này mà ông Alongkot Dikkapanyo, mà một cựu kỹ sư, đã xuất gia và xây ngôi chùa Wat Phrabat Nampo năm 1987. Bây giờ ngôi chùa này được người Thái đặt tên là “ngôi chùa sida” và một dưỡng đường săn sóc người bệnh sida được xây trong khuôn viên chùa cả nước ai cũng biết.

Dưỡng đường đón hàng trăm bệnh nhân nhưng cha Bassano lo cho những người yếu nhất và những người sắp chết: “Chính khi tôi lo cho họ ăn uống, xoa nắn tay chân, rửa ráy cho họ là chính lúc lời Phúc âm của Chúa sống trong tôi.” Các bệnh nhân ở đó gọi cha là “ông cha” nhưng cha không đến với họ với tư cách linh mục. Ông Nachtwey nói: “Cha không bao giờ lôi kéo ai. Tầm nhìn của cha về thế giới rất lớn nên cha chỉ thấy các khía cạnh tốt trong mọi tôn giáo.” Khi các tu sĩ trong chùa cầu nguyện cho người chết, cha cũng tham dự vào buổi cầu nguyện với họ.

Trong nhà thờ cha quỳ gối dưới chân thánh giá. Với người bệnh, cha cầu nguyện trước bức xác ướp. Trái với truyền thống thiêu xác của Phật giáo, có một vài người bệnh đồng ý ướp xác sau khi chết và để xác ướp này trong viện bảo tàng Sự Sống để làm chứng cho sự đau khổ do bệnh sida đem lại. Họ hy vọng cái xác gầy còm hốc hác của họ sẽ giúp người xem ý thức hơn để phòng chống bệnh sida. Như thế họ không chết trong quên lãng dửng dưng giống như 7 000 người chết để tro trong những túi xách mà hai phần ba thân nhân không buồn đến nhận tro.

Trên những túi xách này, cha Bassano hay các tu sĩ ghi tên, ngày và giờ chết để “chúng tôi không bao giờ quên là họ đã ở với chúng tôi”, cha Bassano nói.

Ông Nachtwey nói: “Tôi nghĩ cha Bassano nhớ tất cả mọi người bệnh, nhớ khuôn mặt họ, nhớ những gì họ đã tâm sự với cha.”

Còn đối với cha Bassano, dưỡng đường không phải là chỗ chờ chết bởi vì : “Cũng có những người còn sống. Dù sao, đây cũng là nơi để ca ngợi sự sống.” Cha thông cảm sâu xa hoàn cảnh bị ruồng bỏ mà các bệnh nhân này gánh chịu: “Họ cũng là người như mình, đừng làm họ sợ.” Cha thú nhận có những ngày làm việc xong, cha buồn vô tận. “Lúc đó tôi nghĩ đến lời nói của một người bạn: không phải lúc nào can đảm là nói lớn tiếng. Can đảm đôi khi là nói thì thầm: ngày mai cố gắng thêm nữa.”

Tổ chức Y Tế Liên Hiệp Quốc lượng định có 40 triệu người mang mầm bệnh sida. Từ đây đến năm 2030 căn bệnh này sẽ trở thành lý do tử vong thứ tư.

Ông Nachtwey nói: “Bệnh sida làm con người đau khổ tận cùng, điều quan trọng là biết có những người như cha Bassano. Những người đi giúp người khác với chính con người của họ, những người có lòng nhân bao la.”

Cha Bassano chăm sóc cho một bệnh nhân

Nguyễn Tùng Lâm chuyển dịch