Khắp nước Mỹ có một số phụ nữ trẻ tuổi từ 20 đến 30 từ bỏ công danh sự nghiệp hứa hẹn, bỏ chồng chưa cưới để đi tu.
Bài của Jocelyne Zablit – AFP – Nữu Ước
Một cô trước là luật sư, cô kia là thương gia lái xe Mercedes như bay, cô thứ ba là sĩ quan hải quân chuyên lùng bắt các tay buôn thuốc phiện ở vùng biển phía Nam nước Mỹ; bây giờ họ đi tu và sống ở thị trấn Bronx, Nữu Ước.
Từ mười năm nay, tuy số các cô đi tu không đông, nhưng hiện tượng đủ đáng kể để làm ngạc nhiên cộng đoàn Thiên Chúa giáo.
Nữ tu Agnès Mary, mẹ bề trên cộng đoàn Các Nữ Tu của Sự Sống – Sisters of Life, Nữu Ước nói: “Các năm gần đây càng ngày càng có nhiều các cô trẻ xin đi tu, thường thường các cô trong độ tuổi hai mươi.”
Khi thành lập năm 1991, cộng đoàn này chỉ có bảy thành viên, bây giờ họ có 52, họ chia nhau sống trong sáu nhà dòng chung quanh Nữu Ước. Hai năm sắp tới, họ dự trù xây một nhà dòng thứ bảy.
Nữ tu Mary Karen, 33 tuổi, bề trên trung tâm huấn luyện tập sinh các Các Nữ Tu của Sự Sống ở Bronx, nơi có 18 cô khấn đức vâng lời, nghèo khó, khiết tịnh, giải thích cho thông tấn xã Pháp biết: “Tôi nghĩ các cô trẻ đi tìm một cái gì mà nền văn hóa của chúng ta không mang lại cho họ được nên họ hướng về Chúa.”
Trong số các nữ tu này có một cô tốt nghiệp đại học danh tiếng Yale, một cựu sĩ quan hải quân, một danh ca opéra, một cựu sinh viên y khoa và một cô thảo trình viên Internet.
Tất cả đều đã tốt nghiệp, từng du lịch, sống, tiếp cận với thời đại này. Từ nay họ bỏ điện thoại cầm tay, i-Pod, đôi khi từ bỏ cả chồng chưa cưới để sống chung, ở phòng ngủ chung, có khi là một căn phòng hẹp và tủ áo của họ từ nay chỉ vài bộ đồ dòng.
Cô Angela Karalekas, 28 tuổi, vào nhà dòng tháng chín vừa qua và sẽ có tên thánh tháng sáu sắp tới, cô nói: “Tôi ở trong binh chủng hải quân mười năm vì tôi muốn làm một cái gì to tát cho đời mình nhưng tôi nhận ra tôi không ham mê. Dù tôi nhận một nền giáo dục công giáo nhưng cha tôi và các anh em tôi khó chấp nhận việc tôi đi tu.”
Sau thời gian huấn luyện tám năm, một khi các cô khấn trọn đời, các cô phải từ bỏ của cải vật chất.
Họ dậy từ năm giờ sáng trong tuần, năm giờ rưởi hay sáu giờ sáng cuối tuần, buổi sáng cầu nguyện hoặc thinh lặng chiêm nghiệm. Những ai đã khấn thì làm việc thiện nguyện giúp những người không nhà không cửa, các phụ nữ mang thai hay những người nào cần đến họ.
Buổi chiều, các nữ tu mặc áo dòng được phép ra chơi, họ đi xe đạp, chơi bóng basket hay đi patanh có bánh trượt làm nhiều người ngạc nhiên không ít.
Theo Trung Tâm Nghiên Cứu Mục Vụ (CARA), hiện nay có khoảng 66 608 nữ tu trên nước Mỹ, so với con số 180 000 năm 1965.
Trên thế giới có 776 260 so với con số gần 1 triệu năm 1970.
Dù con số có giảm nhưng những dòng, đáng kể là những dòng lập trong thời kỳ giáo hoàng Gioan-Phaolô II thì số ơn gọi gia tăng từ mười năm nay. Internet cũng góp một phần. Đa số các dòng ngày nay đều có trang web và trên khắp nước My, có khoảng hai mươi nữ tu có trang blog riêng.
Sư huynh Bednarczyk, giám đốc Trung Tâm Ơn Gọi Quốc Gia khẳng định: “Giáo Hội bây giờ cần Internet vì đó là nơi thu hút người trẻ.”
Nguyễn Tùng Lâm dịch