Giáo hoàng Phanxicô thăm Bosnia chìm trong đau khổ

216
7021065405_89403ea9a9_b
Hình xăm của người Công giáo Bosnia, một nét đẹp đau lòng.

Vatican Radio

Việc Giáo hoàng Phanxicô đến Bosnia-Herzegovina, sẽ được cộng đồng người Công giáo Croatia ở đất nước này chào đón, đúng thời điểm quốc gia đang chuẩn bị cho một lễ kỷ niệm buồn.

Giáo hoàng Phanxicô sẽ đến Sarajevo trong lúc Bosnia-Herzegovina đang tìm kiếm sự hiệp nhất để chữa lành các vết thương của cuộc nội chiến Bosnia 1992-1995, đã cướp đi hơn 100 ngàn sinh mạng.

Hai thập kỷ đã trôi qua từ khi hiệp ước hòa bình Dayton chấm dứt cuộc xung đột, đất nước này vẫn còn chia rẽ sâu sắc, phức tạp hơn nữa khi phải nỗ lực để giải quyết tình trạng tham nhũng, tỷ lệ thất nghiệp cao, và sự

phân cực chính trị.

Vẫn còn nhiều căng thẳng, đặc biệt là giữa những người Serbi Chính thống trong Cộng hòa Serbi [Republika Srpska] với Liên bang, vùng tự trị chủ yếu của người Hồi giáo Bosnia và người Công giáo Croatia.

Nhiều người vẫn còn đang khóc thương cho hàng ngàn người bị giết hay bị đẩy vào các trại tập trung, vào những năm 1990, thời người Serbi cố gắng trục xuất những người không thuộc dân tộc mình.

Ký ức về cuộc thảm sát

Giáo hoàng sẽ đến Bosnia-Herzegovina vào thời điểm đất nước Balkan này chuẩn bị kỷ niệm 20 năm xảy ra một sự tàn ác chưa từng thấy ở châu Âu kể từ sau vụ diệt chủng người Do Thái.

Ngày 11 tháng 7 năm 1995, các lực lượng người Serbi tấn công vào Srebrenica, giết 8000 đàn ông và trẻ trai Hồi giáo.

Hôm thứ sáu vừa qua, Tòa án tội ác chiến tranh Hague của Liên hiệp quốc đã tuyên án 5 người phạm tội trong cuộc thảm sát Srebrenica. Vujadin Popović và Ljubiša Beara bị tuyên án chung thân, còn Drago Nikolić chịu án tù 35 năm, Radivoje Miletić 18 năm và Vinko Pandurević 13 năm.

Nhưng nỗi đau vẫn còn trong lòng những người sống sót. Munira Subasic, chủ tịch nhóm Các bà mẹ Srebrenica nói rằng, ‘Tôi rất đau đớn vì trong toàn bộ lời buộc tội, không nhắc đến từ ‘diệt chủng.’

Án cho Miletic đã bị giảm nhiều, trong khi ông ta là người chịu trách nhiệm trong việc giết hại trẻ em, giết hại và hãm hiếp phụ nữ, và giết cả người già.’

Tình huynh đệ và Hòa bình

Nhưng giữa đau khổ, Giáo hoàng Phanxicô kêu gọi mọi người hãy cầu nguyện. Ngài muốn chuyến công du giáo hoàng đầu tiên đến Sarajevo trong vòng 18 năm qua, sẽ góp phần xây dựng tình huynh đệ và hòa bình.

Nhóm dân thiểu số Công giáo ở Bosnia, sẽ đáp lại lời kêu gọi cầu nguyện của giáo hoàng.

Dù gặp nhiều khó khăn, nhưng những người Công giáo Croatia vẫn thường quy tụ ở Medjugorje, một nơi hành hương nổi tiếng.

Các nhân viên cứu trợ Công giáo nói rằng có khoảng 440 ngàn người Công giáo ở quốc gia Balkan này, một nửa so với con số trước cuộc nội chiến.

Đó là lý do vì sao lời cầu nguyện sẽ vang khắp nơi khi biết ý của Giáo hoàng Phanxicô muốn đích thân nâng đỡ những người Công giáo đừng từ bỏ hi vọng.

Medjugorje
Giáo dân quy tụ quanh tượng Đức Mẹ ở Medjugorje

 

J.B. Thái Hòa chuyển dịch