Giám mục của Tề Tề Cáp Nhĩ (Qiqihar), Giuseppe Wei Jingyi, cho biết ‘Chỉ có thương lương với chính quyền, thì mới hạn chế được sự chia rẽ trong người Công giáo ở Trung Quốc.’
Vatican Insider – Gianni Valente
Sự chia rẽ giữa Trung Quốc và Giáo hội Công giáo, vẫn là một ‘vết thương hở miệng’ ‘từ thời xưa’ và ‘phải được xoa dịu và chữa lành.’ Do đó, Tòa Thánh cần phải tận tâm đối thoại với chính quyền Trung Quốc, thậm chí có thể ‘đi bước trước.’ Bởi chỉ khi mối quan hệ rối ren giữa Giáo hội và giới cầm quyền chính trị Trung Quốc được gỡ rối, thì mới giải quyết được sự phân rẽ trong người Công giáo ở nước này. Giám mục của Tề Tề Cáp Nhĩ (đông bắc Hắc Long Giang), Giuseppe Wei Jingyi, đã lên tiếng thẳn thắn và tự do về vấn đề này. Mọi người đều biết rằng chức Giám mục của ngài không được chính quyền thừa nhận, và ngài nổi tiếng là đại diện nhiệt thành của bộ phận bị gọi là ‘bất hợp pháp’ của Giáo hội Trung Quốc, một từ thật sai lầm và đáng buồn được dùng để mô tả nhóm các giám mục, linh mục, và tín hữu không chịu khuất phục dưới các thể chế và phương pháp trong chính sách tôn giáo của Bắc Kinh. Trong quá khứ, Đức cha Wei, 57 tuổi, từ giáo phận Bảo Định, đã bị giam giữ 3 lần, và bị hạn chế tự do cá nhân. Thời gian giam giữ lâu nhất là hơn 2 năm, từ tháng 9, 1990 đến tháng 12, 1992 Việc này phần nào là do những lời hùng hồn và thành thật của ngài.
Cha sinh năm 1958. Thời đó Mao Trạch Đông đang nắm quyền. Vậy cha trở thành Kitô hữu như thế nào?
Người đầu tiên trong gia tộc tôi được rửa tội, là ông nội. Khi tôi lớn lên, cha mẹ là điểm quy chiếu của tôi, họ là những Kitô hữu tốt. Khi còn là một cậu bé, chúng tôi phải chịu nạn đói nặng nề, buộc phải di cư từ tỉnh Hà Bắc, phụ cận Bắc Kinh, đến miền đông bắc, ở tỉnh Cát Lâm.
Cha lớn lên trong thời kỳ Cách mạng Văn hóa. Làm sao cha giữ vững được đức tin trong thời kỳ gian khó đó?
Nhiều năm trôi qua, mà chúng tôi chẳng gặp được một linh mục nào. Các biểu hiện công khai về Đức tin Kitô giáo đều bị cấm. Có ít gia đình Công giáo trong vùng, và họ đều rất phân tán rải rác. Tôi nhớ chúng tôi thỉnh thoảng có gặp được họ và cùng nhau cầu nguyện kín trong nhà, thường là trong những lễ lớn. Đây là cách chúng tôi tiếp tục giữ đức tin.
Cho đến khi nào?
Mọi chuyện bắt đầu thay đổi vào cuối thập niên 1970. Đó cũng là lúc ước mong làm linh mục nảy nở trong tôi. Trước thời Cách mạng Văn hóa, một người chú của tôi là tu sỹ dòng Xitô, và một chú nữa cũng từng học trong chủng viện.
Ở Trung Quốc hiện đại, các gia đình Kitô giáo vẫn còn đóng một vai trò quan trọng trong việc gieo rắc đức tin Kitô hay không?
Nhịp xã hội đã thay đổi, mọi thứ đang hối hả điên cuồng. Nhiều gia đình Kitô giáo thậm chí không còn có giờ để cầu nguyện chung như trước đây. Không phải là biến mất hết. Nhưng thói quen này không còn mạnh như thời trước nữa. Trước đây, các linh mục chờ giáo dân đến nhà thờ để giải tội, để cử hành thánh lễ, và cử hành các bí tích khác. Còn bây giờ, để lan truyền Tin mừng, bạn phải đi ra khỏi giáo xứ và cho mọi người thấy tình yêu Thiên Chúa và cách đức tin có thể triển nở trong đời sống thường ngày.
Giáo hoàng thường nói rằng, bản tính của Giáo hội là ‘đi ra’ khỏi bản thân mình. Cha có theo dõi huấn từ của ngài hay không?
Chúng tôi dõi theo mọi chuyện: từ các bài giảng của ngài trong các thánh lễ ban sáng ở Nhà trọ Martha, các diễn văn, bài giáo lý hôm thứ tư, các hội nghị và công du của ngài. Chúng tôi bắt kịp mọi sự ngài nói và làm, nhờ vào internet. Chúng tôi nắm bắt được mọi chuyện. Có thể trễ hơn một ngày, nhưng vẫn đến được.
Cha có ý kiến gì không?
Giáo hoàng Phanxicô là một ơn Chúa ban cho Giáo hội thời nay, và cho toàn thể nhân loại. Những việc ngài đề xuất rất thích đáng với hoàn cảnh hiện thời của Giáo hội và xã hội Trung Quốc.
Giáo hoàng Phanxicô nói rằng còn đường chúng ta cần đi theo đã được vạch ra trong thư của Đức Bênêđictô XVI gởi Giáo hội Trung Quốc vào năm 2007. Có đúng như vậy không?
Tất nhiên rồi. Thư này chỉ ra một đường ranh rất quan trọng. Chỉ rõ cho thấy những người Công giáo Trung Quốc phải đương đầu và sống trong hiện tại với tất các vấn đề của mình ra làm sao.
Một trong những vấn đề đó là sự phân rẽ giữa cái gọi là Công giáo ‘hợp pháp’ và Công giáo ‘bất hợp pháp.’ Có vẻ như điều này lại thường được thúc đẩy bởi các tham vọng cá nhân và đấu đá quyền lực
Thói tham danh vọng và tranh chấp vị trí lãnh đạo, cũng có trong những phân rẽ hiện thời. Buồn thay, trong Giáo hội đã có sự tranh chấp quyền lực suốt 2000 năm qua. Nhưng, ở Trung Quốc ngày nay, về căn bản đây là kết quả của áp lực từ bên ngoài. Có sự phân rẽ về cách mà chính quyền đối xử với Giáo hội, và những phân rẽ này đã cô lại chai cứng hơn nữa qua dòng lịch sử. Vậy nên, nếu vấn đề quan hệ với chính quyền được giải quyết, thì có thể chữa lành sự phân rẽ giữa những người Công giáo qua thời gian. Bởi thế, vấn đề quan hệ của Giáo hội với nhà cầm quyền chính trị cần phải được giải quyết càng sớm càng tốt.
Một vài người nói rằng nếu Tòa Thánh thương lượng với chính quyền Trung Quốc, thì rơi vào nguy cơ trở nên dễ bảo hay thậm chí là ‘phản bội chính mình.’
Ngược lại thì đúng hơn. Chính bởi có vấn đề, nên mới cần tìm các giải pháp thông qua việc tận tâm đối thoại và thương lượng với chính quyền, thiết lập các kênh đối thoại ngoại giao nữa. Đây là cách để cố gắng vượt qua các chướng ngại đang thổi bùng sự phân rẽ. Đây là con đường cần phải theo, để hướng đến sự hiệp nhất Giáo hội. Ngay cả khi nó có nguy cơ mạo hiểm và có thể bị hiểu lầm.
Tại sao?
Bởi sự phân rẽ bắt rễ từ vết thương vẫn luôn hằn dấu trong quan hệ giữa Giáo hội và Trung Quốc kể từ thời xưa. Nó là một vết thương hở, cần được xoa dịu và chữa lành. Sự rạn nứt này giữa Giáo hội và Trung Quốc, vốn cũng được phản ánh trong xã hội Trung Quốc, cần phải được giải quyết, bởi một trong những tác động của nó là gây nên phân rẽ giữa những người Công giáo ‘hợp pháp’ và ‘bất hợp pháp.’ Cần phải phân tích lịch sử để hiểu được các nguyên do, và điều này chỉ có thể đạt được qua đối thoại giữa Giáo hội và chính quyền.
Nhiều người nói rằng Giáo hội không nên quá tin tưởng vào Trung Quốc, và phải có một vài bảo đảm mới được.
Tôi nghĩ rằng, bất kỳ kiểu suy nghĩ nào theo kiểu tranh chấp cho đến tận cái kết cay đắng hay một kiểu chiến tranh lạnh, đều đi ngược lại với tâm hồn Kitô giáo. Các xung đột và sai lầm trong quá khứ, cần phải được đưa ra thảo luận, chúng ta cần có một tâm hồn biết hoán cải, biến đổi. Chính Giáo hoàng Phanxicô đã nói như thế. Đây là con đường mà những người Công giáo chúng ta cũng như chính quyền cần đi theo, để phục hồi quan hệ, và chỉnh đốn mọi sự cần được thay đổi, mở ra một giải pháp mới, và gạt sang một bên những quyết định sai trái trong quá khứ. Tất cả mọi người cần phải làm phần việc nhỏ của mình để đạt được sự hòa hợp, hòa giải và hòa bình. Đây là con đường của Tin mừng. Tư tưởng Trung Hoa cũng ủng hộ bất kỳ điều gì thúc đẩy hòa giải và giải quyết các bất đồng khác biệt.
Ai cần phải đi bước đầu tiên?
Các bước đầu tiên đã được thực hiện rồi. Chúng tôi ủng hộ tất cả mọi bước đi mà giáo hoàng đang làm để truyền ý chí của ngài cho việc đối thoại. Một Kitô hữu luôn luôn cố gắng là người đi bước trước để đem lại hòa giải và chữa lành các vết thương của con người và xã hội. Vậy nên, thật đúng đắn khi Giáo hội đi bước trước. Cứ giữ khoảng cách thì chẳng tốt chút nào. Đây không phải là một cuộc thi xem ai sẽ đi bước tiếp theo, nhưng là xem ai đi bước đầu tiên trước.
Nhưng các cộng đoàn Công giáo sẽ phản ứng thế nào nếu đối thoại giữa Trung Quốc và Tòa Thánh trở nên cụ thể rõ ràng?
Đại đa số sẽ chào mừng việc đối thoại với chính quyền, như một cách để giải quyết các vấn đề của Giáo hội. Đây là cách để làm cho đời sống của các tín hữu trở nên nhẹ nhàng hơn.
Ngay cả các cộng đoàn ‘bất hợp pháp’? Liệu có nguy cơ làm trầm trọng thêm sự phân rẽ hay không?
Hầu hết các thành viên của cộng đoàn bất hợp pháp cũng sẽ ủng hộ giải pháp này. Lúc đầu, một nhóm nhỏ thấy phiền lòng, họ nói rằng Giáo hoàng không hiểu và Giáo hội không nên bị mất mặt. Nhưng theo thời gian, họ hiểu ra và sẽ đi theo con đường mọi người cùng đi.
Về các giám mục, thư của Đức Bênêđictô năm 2007 có viết: ‘Tôi tin tưởng rằng có thể đạt được thỏa ước với Chính quyền để giải quyết các vấn đề nhất định về việc chọn các ứng viên cho chức giám mục.’
Để là một phần của Giáo hội Công giáo, các giám mục cần phải thông hiệp với Giáo hoàng, Đấng kế vị thánh Phêrô. Trong những hoàn cảnh thông thường, sự thông hiệp này được thể hiện công khai. Cho dù là bằng cách nào đi nữa, thì các tân giám mục phải được bổ nhiệm một cách độc lập. Việc bổ nhiệm phải do Giáo hoàng chỉ định, hoặc tán thành và thừa nhận. Chúng ta có thể thảo luận về chuyện này. Nhưng đây là điểm đầu tiên cần thực hiện.
Còn có các tiêu chuẩn then chốt khác cần có hay không?
Cương vị lãnh đạo mục vụ và giáo luật của Giáo hội ở Trung Quốc phải được thực hiện qua các giám mục. Các cơ quan như ủy ban đại diện Công giáo và Liên hiệp Công giáo Yêu nước, có thể giải tán. Mà cũng có thể giữ lại nhưng không được thực hành quyền quyết định về các vấn đề mục vụ, bí tích và giáo luật có ảnh hưởng đến đời sống Giáo hội, vốn không phải là một tổ chức chính trị. Mọi chuyện đã thay đổi rất nhiều kể từ thập niên 1950 và 1970. Nếu không giải tán các cơ quan này, thì có thể thay đổi chúng theo hướng tích cực, và biến thành những công cụ chức năng và thực tiễn sao cho phù hợp hơn với mối liên hệ giữa các thể chính trị và Giáo hội trong bối cảnh ngày nay. Phải thấy được sự tiến bộ trong các quy chế của các cơ quan này. Các quy chế nói rằng các cơ quan này không can thiệp vào các vấn đề liên quan đến đời sống đức tin. Các cơ cấu và cơ quan có thể cập nhật hóa để tương thích hơn với bản tính của Giáo hội. Điều quan trọng là các cơ quan này không được cố gắng kiểm soát các giám mục về các vấn đề đời sống nội bộ của Giáo hội.
Giáo hội Công giáo ở Trung Quốc đang sống. Nhưng, như Đức Bênêđictô XVI từng nói, đức tin đôi khi như ngọn lửa có thể lụi tắt. Điều gì bảo vệ ngọn lửa này, ngay cả trong những nghịch cảnh?
Ngày nay, ai ai cũng dùng điện thoại di động. Nó là một công cụ hữu ích. Nhưng khi hết pin, và bạn không sạc được, thì nó không hoạt động và trở nên vô dụng. Giáo hội cũng như vậy. Chúng tôi có thể đấu tranh cho hiệp nhất. Nhưng nếu không hiệp nhất trong tình yêu của Thiên Chúa, qua lời cầu nguyện, thì chẳng thành được sự gì. Và tất cả mọi nỗ lực xây dựng hiệp nhất của chúng ta đều sẽ rơi vào vô vọng.
J.B. Thái Hòa chuyển dịch