Tại sao giáo hoàng Phanxicô thường nói tự phát

315

Tại sao giáo hoàng Phanxicô thường nói tự phátCNS – Elise Harris

Trong buổi họp báo ngắn gọn với các nhà báo Phi Luật Tân, phát ngôn viên Vatican cha Federico Lombardi đã thử giải thích lý do vì sao Giáo hoàng Phanxicô quá thường nói tự phát thoát khỏi các bài diễn văn soạn sẵn.

‘Mỗi khi chúng ta ở trong một tình huống đặc biệt mãnh liệt, và lúc đó, Giáo hoàng khao khát nói lên tiếng nói từ trái tim.

Đôi khi có lẽ ngài mệt hay ngài thấy mình không thể tìm đươc từ cho đúng, thì ngài đọc bài diễn văn soạn sẵn, nhưng nếu ngài thấy xúc động và có sức để nói lên lòng mình một cách tự phát, thì ngài sẽ làm thế.’

Buổi họp báo ngắn gọn diễn ra sau chuyến công du nửa ngày đến đảo Leyte của Phi Luật Tân, vốn dự định là cả ngày theo lịch trình ban đầu, nhưng phải rút ngắn do bởi một cơn bão nhỏ đang đến.

Cha Lombardi nói rằng, cho đến bây giờ, chuyến công du của giáo hoàng ‘đang biến hóa’ bởi giáo hoàng đã rất nỗ lực chuẩn bị sẵn các bản văn tiếng Anh để mọi người có thể dễ dàng hiểu ngài, nhưng ngài vẫn nói tự phát.

‘Đôi khi ngài thấy mình có thể bày tỏ tốt hơn nữa những gì trong lòng, bằng những lời tự phát bằng tiếng Tây Ban Nha, đôi khi bằng tiếng Ý.’ Và cha Lombardi cũng nhắc đến thánh lễ ban sáng hôm qua ở Tacloban thật ‘tuyệt vời’ bởi có người phiên dịch.

‘Tôi nghĩ sự pha trộn này thực sự rất tốt … sáng hôm nay không thể kéo dài giờ thêm, nhưng rồi Giáo hoàng đã có một lời tóm gọn từ lòng mình và thế là đủ cho mọi người đang hiện diện ở đó.’

Một nhà báo cũng hỏi xem điều gì khiến rất nhiều người bật khóc khi thấy giáo hoàng, và nói thêm là ông để ý thấy đó có vẻ không giống ‘những giọt nước mắt vui sướng bình thường.’

Cha Lombardi trả lời rằng, có những lúc khi ‘chúng ta xúc động sâu sắc, chạm đến tận gốc rễ tâm hồn, hiện thể của chúng ta, và khi đó chúng ta hơi bối rối, và thật không dễ giải thích được cảm nghiệm trong lòng mình.’

Khi chúng ta cảm nhận một sự gì đó khiến chúng ta xúc động sâu sắc, thì thường chúng ta bộc lộ bằng nước mắt, và cha Lombardi tiếp rằng, trong đức tin Kitô giáo, chúng ta được mời gọi an ủi những ai đang cảm nghiệm đau khổ tột độ hay sự hoán cải chuyển mình.

‘Như thế, đức tin Kitô giáo phải tuyên bố rằng ‘Chúa Kitô ở cùng bạn,’ và đây là thông điệp mà Giáo hoàng đã đem lại cho chúng ta: nếu bạn xúc động và đau khổ tột cùng, bạn không cô đơn.’

Tổng giám mục Manila, hồng y Luis Antonio Tagle, cũng có mặt trong buổi họp báo và đã trả lời bằng cách giải thích rằng trong truyền thống Kitô giáo, có một sự gọi là ‘ơn của nước mắt.’

‘Đây là một ơn, bởi sự này đến khi có một cảm nghiệm mãnh liệt, đặc biệt là một cảm nghiệm nhân sinh sâu sắc vén mở cho bạn một sự thiêng liêng, sự này quá mãnh liệt và bạn biết bạn đang đối diện với sự đó, cơ thể bạn phản ứng theo một cách rất thể lý, và một trong những cách đó là những giọt nước mắt.’

Dù một số người bật khóc trước giáo hoàng, dường như không phải là khóc vì hạnh phúc, nhưng nếu được hỏi, họ sẽ nói, và sự thật rằng, họ đang khóc vì vui mừng.

Hồng y Tagle nói, ‘Đây là những giọt nước mắt vui mừng và đồng thời cũng là những giọt nước mắt an ủi, hay cảm thấy mình được xem trọng, hay là nước mắt khi nhận ra mình có giá trị, mình được chạm đến, được nhìn thấy … Các bạn có thể thấy được điều này.’

Sau khi từ Tacloban về Manila sớm hơn dự kiến, giáo hoàng Phanxicô dành thời gian còn lại để nghỉ ngơi chứ không thực hiện các chuyến viếng thăm khác.

Hồng y Tagle và cha Lombardi cũng nói về sức mạnh của Giáo hoàng trong chuyến công du này, và lưu ý rằng dù việc phải đứng lâu giờ và gặp gỡ nhiều người đã vắt sức của ngài, nhưng ngài hồi phục nhanh chóng.

‘Kinh nghiệm của chúng tôi cho thấy ngài có một sinh lực phi thường và khả năng phục hồi năng lượng tốt sau 2 giờ nghỉ ngơi.’ Cha Lombardi thêm rằng, khi giáo hoàng hủy một sự kiện nào đó ở Roma vì ngài thấy quá mệt là ngài ‘đang làm một việc tốt cho Giáo hội.’

Dù vậy, sau khi hủy sự kiện, giáo hoàng nghỉ một thời gian rồi lại bắt đầu tiếp tục làm việc.

Cha Lombardi nói tiếp, Giáo hoàng Phanxicô ‘có thể khỏe trở lại rất nhanh, chúng tôi luôn luôn ngạc nhiên trước việc một người với độ tuổi như ngài lại có thể làm những việc ngài đang làm, khi ở Roma và khi công du,’ đồng thời cha lưu ý thêm rằng bản thân Giáo hoàng xem nguồn sinh lực bất thường này là ‘ơn trách vụ’ mà Chúa ban cho những người mà Ngài đã chỉ định sứ mạng.