Đức Phanxicô ở Phi Luật Tân giữa lòng mộ đạo bình dân và việc xét mình lại của Giáo hội Phi

257

Đức Phanxicô ở Phi Luật Tân giữa lòng mộ đạo bình dân và việc xét mình lại của Giáo hội Phi

lavie.com, Marie-Lucile Kubacki, Manila, 14-1-2015

Trong khi dân tộc Phi Luật Tân, mà 80% dân số là người có đạo, đang phấn khởi chờ dự thánh lễ Đức Thánh Cha dâng, thì đã đến lúc Giáo hội địa phương phải tự xét mình. Rất nhiều người thích chuyến đi này của Đức giáo hoàng, ngài mang đến niềm hy vọng cho người nghèo, và đây là dịp suy nghĩ sâu xa về nạn nghèo đói và các phương tiện nào có thể dùng để thoát ra.

Đức giáo hoàng đến Manila ngày 15-1 và hình ảnh của ngài ở khắp nơi. Các áp-phích bên cạnh quảng cáo của McDonalds, hoặc bên cạnh một tiệm ăn quảng cáo món cá hồi, bên trong các nhà thờ, hình Đức Phanxicô bằng giấy cứng cao bằng người thật để người Phi có thể chụp chung với “Đức Phanxicô”, hình ảnh ngài trong các tin quảng cáo trên đài truyền thanh, hoặc trên taxi mà chiếc xe nào cũng treo tràng chuỗi ở kính chiếu hậu.

Nói về Đức Phanxicô là một cách để mở đầu câu chuyện. Chỉ cần nói câu: “Bạn có đến Công viên Luneta để gặp Đức giáo hoàng không?” là bạn sẽ thấy nụ cười của người Phi toét đến mang tai! Câu trả lời luôn luôn là: “Đó là một ân phúc cho người Phi, chúng tôi muốn làm cho Đức giáo hoàng vui lòng.” Ở đây người ta còn muốn làm hơn chuyến đi của Đức Gioan-Phaolô II (mà hình ảnh của ngài treo trong các chiếc xe taxi, chỉ sau tràng chuỗi) và quảng trường Rizal sẵn sàng chứa 5 triệu người hành hương từ khắp nơi trên đất nước Phi đổ về thủ đô Manila.

Ở một xứ mà ngày 9-1 có năm triệu người xuống đường rước kiệu “Black Nazarene” được xem như một phép lạ, thì lòng mộ đạo bình dân là đích thực và người dân náo nức chờ được nghỉ chính thức 5 ngày để đón Đức giáo hoàng, cả các phiến quân NPA (New People’s Army) hưu chiến để tôn trọng ước mong được mừng lễ của người dân Phi.

 

Tránh “bác ái bề mặt”

Nhưng sau niềm vui và nụ cười, người ta nhận ra một mong chờ sâu đậm. Qua đòi hỏi không nhân nhượng của Đức Phanxicô đối với Giáo triều và lời kêu gọi một Giáo hội “nghèo cho người nghèo” là dịp để Giáo hội địa phương xét mình.

Một tuần sau lời chúc cứng rắn của Đức Phanxicô, Chủ tịch Hội đồng Giám mục Phi, tổng giám mục Socrates Villegas đã công bố một lá thư gởi hàng giáo sĩ, kêu gọi họ quét cổng nhà: “Một linh mục chết trong sự giàu có là một chuyện bê bối”, ngài viết. “Bệnh tích lủy đã nhanh chóng ám ảnh chúng ta. Tiền dính chặt vào tay chúng ta thay vì đem cho người đang thiếu thốn.” Ngài nói thêm: “Xe cộ trở nên biểu tượng cho địa vị của chúng ta kể cả những người vừa được chịu chức, khi dầu thánh còn chưa khô. Các lạc thú càng ngày càng cầu kỳ, thích đi du lịch ở những nơi mà giới thợ thuyền không dám mơ tới. Chúng ta không còn thiếu thức ăn; chúng ta chọn thức ăn sau khi được ăn ở các cung vàng điện ngọc.” Vậy mà Giáo hội địa phương đã ra sắc lệnh năm 2015 là “năm của người nghèo.”

Vì thế nhiều người thích hiệu ứng Phanxicô được kéo dài và nhấn mạnh sự nghèo khó phải đi theo một hình thức cải tổ cơ cấu và phải có cách thực hành mới để biến đổi xã hội theo chiều sâu, tránh cơ nguy của một loại “bác ái trên bề mặt”, theo cách nói của nữ tu Sophie của Sứ Mệnh Acay, xơ làm một công việc có chiều sâu với các em vị thành niên trong tù, những cô gái nạn nhân của bạo lực và của gia đình các em để giúp các em này xây dựng lại cuộc đời.

“Đảm trách cả một hệ thống”

Trong một đất nước có rất nhiều tổ chức Phi Chính Phủ, với đủ chương trình, những “chương trình nuôi ăn” thì điều khẩn cấp là phải suy nghĩ và đặt đúng chỗ các chiến thuật để giúp người nghèo thoát ra khỏi cảnh đói khổ. Chẳng hạn Sứ mệnh Acay mà ba cô gái trẻ phải đọc kinh trong cuộc gặp của Đức Phanxicô với các gia đình, việc dạy dỗ trước hết phải thành lập một bầu khí thân tình dễ chịu, ở ngoài các thành phố ổ chuột, trong một căn nhà xinh xắn, không giống như một tổ chức, để mang đến một phong cách sống mới cho người trẻ và phát triển lòng tự tin nơi họ.

“Vấn đề căn bản là: lòng trắc ẩn nào, lòng thương xót nào mà người ta sẽ nói đến? Xơ Sophie phân tích. Đâu là lôgic? Cái nhìn của tôi với người tôi đang giúp là cái nhìn nào? Lòng trắc ẩn là cáng đáng cả hệ thống: Chúng ta không ngừng ở “Em bé này đang cần ăn” nhưng chúng ta cũng phải nói “Em bé này có cha mẹ, em bé này ở trong một cộng đoàn”. Nếu không, sáng kiến cao cả ban đầu sẽ trở thành một cái gì làm ấu trĩ hóa cả hệ thống.

Một quan điểm được một chủng sinh Phi Luật Tân cùng chia sẻ, anh cho rằng Giáo hội phải nhân chuyến đi này của Đức Phanxicô và nhân việc truyền thông nhắc đến sự kiện này, để đập một cú mạnh vào nạn tham nhũng đang làm đất nước kiệt quệ. “Đất nước đã bị rúng động vì nhiều chuyện bê bối xảy ra gần đây. Là Kitô hữu, chúng ta không chấp nhận nạn tham nhũng vì tất cả tiền bạc tham nhũng này có thể giúp phát triển xã hội, có những biện pháp tạo công ăn việc làm để người Phi Luật Tân không còn tha phương cầu thực, với hậu quả tai hại trên gia đình bị phân tán mà lợi lộc từ tiền tham nhũng chỉ phục vụ cho một số người.”

Nguyễn Tùng Lâm dịch