Mùa Chay với các Tổ phụ Sa mạc: khổ hạnh

218
Mùa Chay với các Tổ phụ Sa mạc: khổ hạnh
Mùa Chay! Trong 40 ngày, chuyên gia về các Tổ phụ Sa mạc sẽ đồng hành với chúng ta trên con đường dẫn đến Lễ Phục Sinh. Một hành trình trong đức tin, lắng nghe Lời Chúa, hướng về nguồn tưới mát cho chiều sâu tâm hồn chúng ta.
lavie.fr, Jean-Guilhem Xerri, 2023-03-02
Các bạn thân mến, tôi rất vui được gặp lại các bạn. Kể từ tuần trước, tôi đã chọn lời Kinh Thánh làm gậy chống để lên đường. Cũng không dễ tìm thấy, vì đôi khi cảm xúc và tâm trí tôi đi theo mọi hướng một chút. Chính khi thầm hỏi lại mình, tôi thấy một lời như ló ra. Tôi đón nhận. Các bạn còn nhớ, tôi đã mời một số Tổ phụ Sa mạc cùng lên đường với chúng ta đến lễ Phục sinh. Chắc chắn các chuyên gia về đời sống nội tâm, những người sáng lập ra hệ thống tu viện, họ là những người lão luyện trong lãnh vực này. Tôi đã biết một ngài, Tổ phụ Symeon. Để hiểu rõ, tôi đến với ngài để biết cách ngài sống. Tương truyền ngài sống khổ hạnh hơn 30 năm trên cột cây. Trước sự ngạc nhiên của tôi, tôi không thấy ngài là vận động viên phi thường, nhưng là một người rất giản dị, thăng bằng và nghịch lý thay lại cân đối.
Buông bỏ thì tốt hơn là nhận
Ngài giải thích cho tôi, vào thời của các Tổ phụ, tinh thần khổ hạnh thể hiện qua việc buông bỏ của cải, rút lui khỏi thế giới, ăn mặc tối đơn giản, ở những nơi thiếu tiện nghi, thiếu phương tiện để làm cho cơ thể “mệt mỏi”: canh thức, ăn chay, làm việc cực nhọc. Nhưng chúng ta nên nhớ, không có chuyện làm để có thành tích hoặc khoái khổ. Họ tìm biện pháp thích hợp như một điều kiện thuận lợi để sinh hoa trái.
Các Tổ phụ dùng dụ ngôn trái đất và hạt giống để so sánh thân xác và Thần Khí. Tinh thần khổ hạnh là cần thiết để làm việc trên mảnh đất trái tim, làm cho nó phù hợp để nhận hạt giống của Chúa Thánh Thần. Nhưng có thể có cạm bẫy xảy ra: bỏ bê và phóng đại tinh thần khổ hạnh. Bỏ bê là làm cho đất không thể gieo và sinh hoa trái. Phóng đại hay tệ hơn, xem nó là cứu cánh thì còn tác hại hơn.
Những người làm xáo trộn nội tâm
Cảm thấy tự tin, tôi hỏi Tổ phụ Symeon cụ thể hơn một chút. Ngài khuyên tôi nên xác định chiến lược “bảo vệ nội tâm của mình”. Với hai mục tiêu: thứ nhất, xác định những gì có thể làm ô nhiễm đời sống nội tâm, sau đó làm sao để tiếp xúc ít nhất có thể với những chất gây ô nhiễm này. Tôi hiểu, cơ thể có những yếu tố gây rối loạn nội tiết làm thay đổi thăng bằng sinh học thì tâm hồn cũng có những yếu tố làm rối loạn. Tôi gọi chúng là chỉ số “gây rối loạn nội tâm”.
Ở thế kỷ 21, những rối loạn nội tâm này là tiếng ồn, màn hình, quảng cáo, quá tải thông tin, hiếu động thái quá, các cuộc gọi, các tin nhắn liên tu bất tận, áp lực làm ngay lập tức, kỹ thuật số xâm lấn. Chúng làm ô nhiễm nội tâm chúng ta. Và giống như tất cả các chất gây ô nhiễm, chúng làm cho chúng ta bị bệnh. Trong đời sống tâm linh, bệnh tật làm tổn hại đến sự hiện diện của chúng ta với chính mình, với người khác và với Chúa.
Một lời mời hiện diện
Đúng, đời sống nội tâm trước hết là vấn đề của hiện diện, Tổ phụ  Syméon nhấn mạnh ở điểm này. Ngài khuyên tôi nên gặp Hesychius xứ Batos, người cũng rất tập trung vào sự thanh đạm như ngài. Ngài giúp tôi tìm kiếm tốt hơn những gì là cần thiết, đúng đắn, bỏ bớt những gì là phù phiếm. Tôi đã không bắt đầu lại từ đầu khi nói đến thực phẩm, tiêu dùng, các sinh hoạt, nội tâm hay các mối quan hệ. Nhưng nếu thách thức là thúc đẩy đời sống nội tâm để đón nhận hạt giống Chúa Thánh Thần tốt hơn, thì tôi đã có dụng cụ.
Đời sống thiêng liêng giống như tác phẩm điêu khắc: để làm tác phẩm của mình, nhà điêu khắc không thêm bớt gì, nhưng loại bỏ tất cả những gì dư thừa để lộ ra những gì đã có, để làm nổi bật bản chất. Có lẽ chúng ta được mời gọi đơn giản hóa mình để những gì trong chúng ta hiện ra, giúp con người bên trong của chúng ta bật ra. Đây có lẽ là “chức năng” của thanh đạm.
Marta An Nguyễn dịch
Bài đọc thêm:  Mùa Chay với tác giả Jean-Guilhem Xerri và các Tổ phụ Sa mạc