Đức Phanxicô trên Canal 5: “Tiết kiệm chi phí Noel, đây là Giáng sinh thời chiến”

35

Đức Phanxicô trên Canal 5: “Tiết kiệm chi phí Noel, đây là Giáng sinh thời chiến”

Đức Phanxicô nói về chiến tranh, khủng hoảng, máng cỏ, tỷ lệ sinh đẻ giảm, tham nhũng và cả World Cup: “Tôi xin nói với anh chị em, xin anh chị em nhìn em bé, nhìn ngôi sao, thêm một em bé là thêm hy vọng.”

Bài phỏng vấn của Đức Phanxicô trước Noel, bây giờ đã qua năm mới, nhưng tiết kiệm chi tiêu vẫn là chuyện hàng ngày vì chúng ta đang ở thời chiến tranh và thời của vất giá leo thang khủng khiếp!

famigliacristiana.it, Fabio Marchese Ragona, 2022-12-19

Phóng viên Fabio Marchese Ragona của hãng tin Mediaset giải thích nhân cuộc phỏng vấn độc quyền với Đức Phanxicô ngày 18 tháng 12 năm 2022 trên Canale 5: “Hôm nay chúng ta sẽ nói về World Cup, về chính trị, về người nghèo, về chiến tranh. Và chúng tôi bắt đầu ở vùng đất Ukraine, nơi người dân đang trải qua hoàn cảnh quá khó khăn và từ đó xuất hiện chim bồ câu này bay rất nhiều nơi, một cô gái tị nạn đã vẽ con bồ câu này. Con chim bồ câu có hai mặt, một mặt là cái chết, nơi có mảnh tên lửa của Nga, và mặt kia là sự sống. Đó là bồ câu vui vẻ và cô bé đã vẽ. Là dấu hiệu chính xác nhắc chúng ta tình trạng thế giới đang trải qua, một tình trạng quá khó khăn, một tình trạng quá nặng nề khi người dân sống trong giá lạnh, không điện, không nước. Đã thế lại còn có phòng tra tấn trẻ em ở Ukraine. Vì sao các nhà lãnh đạo hai quốc gia này không thể ngồi vào bàn nói chuyện với nhau?”

Đức Phanxicô: “Tôi đã nói từ lâu, chúng ta đang trải qua cuộc chiến tranh thế giới thứ ba từng mảnh. Vấn đề Ukraine làm chúng ta thức tỉnh một chút vì nó ở gần, nhưng Syria đã trải qua cuộc chiến khủng khiếp từ 13 năm. Yemen bao nhiêu năm? Myanmar và các nước khác ở châu Phi. Thế giới đang có chiến tranh. Đau lòng lắm, đau lắm. Năm 2014, khi ở Redipugli, tôi đã khóc. Tôi đã khóc! Đó là ngày kỷ niệm 100 năm Thế chiến thứ nhất. Tôi không thể tin được những chuyện này ở thời đại con người. Sau đó, cứ mỗi ngày 2 tháng 11, tôi đến nghĩa trang. Một năm nọ, tôi đến nghĩa trang Anzio chôn lính Mỹ ở Ý. Khi nhìn tuổi thanh thiếu niên tử trận, tôi đã bật khóc. Làm thế nào con người lại đi đến nông nổi này? Làm sao cuộc sống lại bị hủy hoại ở tuổi này? Chiến tranh là bí ẩn của hủy diệt. Rồi đến ngày kỷ niệm lần thứ 60 cuộc đổ bộ ở Normandy, nước Pháp, đúng, tôi thấy các nhà lãnh đạo chính phủ nhớ lại thời điểm giải phóng châu Âu khỏi chủ nghĩa phát xít, chủ nghĩa nazi. Nhưng có 30.000 thanh niên còn lại trên bãi biển. Tôi không hiểu, chiến tranh hủy diệt. Tôi nghĩ đến những bà mẹ khi người đưa thư gõ cửa: “Thưa bà, có thư cho bà. Thưa bà, chúng tôi vinh dự báo tin bà là mẹ của một anh hùng”. Chỉ còn bức thư của người con trai gởi cho mẹ. Chiến tranh là điên rồ, nó luôn hủy diệt. Và bây giờ ông nói đến tàn ác, vì xâm lược này dẫn đến xâm lược khác, cứ thế cho đến các cuộc xâm lược vô tận. Nó luôn tiếp tục. Còn phá hoại thì như trò chơi. Sau đó là đói lạnh, là hủy diệt vì chiến tranh là hủy diệt. Việc buôn bán vũ khí. Ngành công nghiệp vũ khí, một ngành công nghiệp thay vì thúc đẩy nhân loại tiến bộ thì lại làm hủy diệt. Chúng ta thật điên rồ. Tôi xin nói với mọi người, xin đừng sợ, nhưng hãy khóc một chút. Hôm nay chúng ta không khóc được cho những tàn ác này. Tôi đã tiếp nhiều trẻ em Ukraine đến đây trong các buổi tiếp kiến chung. Không một em nào cười, không một, các em chào khách nhưng không có nụ cười, làm sao biết các em đã thấy gì…”.

Kể từ khi chiến tranh bùng nổ, trong các buổi tiếp kiến chung, các giờ Kinh Truyền Tin, cha đã viết, đã nói rất nhiều, cha đã xin gặp tổng thống Putin ở Matxcova để cố gắng ngăn chặn chiến tranh, cha đã nhiều lần nói chuyện với tổng thống Zelensky, đề nghị cả hai ngồi vào bàn thương thuyết. Và cha đã khóc ở quảng trường Tây Ban Nha ngày lễ Đức Mẹ Vô Nhiễm 8 tháng 12 khi cha cầu nguyện cho Ukraine. Cha đã viết nhiều, đã gom các bài phát biểu của cha trong tập sách “Thông điệp về hòa bình ở Ukraine”. Tôi tự hỏi liệu có lúc nào mà ngay cả giáo hoàng, sau nhiều tháng chiến tranh, trước tình trạng này cũng phải nói, ‘tôi có thể làm gì khác?’

Đó là điên cuồng của chiến tranh và cách này cách khác, nó luôn xảy ra như thế. Chiến tranh bắt đầu với Cain. Não trạng Cain. Giết người vì ghen, vì lợi ích, như ông đã biết. Nó thật xấu xa. Bây giờ là hậu quả xã hội, hậu quả khắp châu Âu. Chúng ta chuẩn bị, phải chuẩn bị.

Bây giờ nhiều cơ sở thương mại có nguy cơ đóng cửa vì họ không cách nào thanh toán nợ, họ gặp khủng hoảng. Làm sao những gia đình, những cơ sở nhỏ, những thương gia này có thể tiếp tục sống an lành? Họ phải cầu cứu ai?

Đó có phải là hậu quả của chiến tranh không? Giá cả tăng vọt. Không còn chủ động vì mọi thứ đều được kết nối. Tất cả đều được kết nối với nhau. Tôi nghĩ đến Yemen, nơi trẻ em sẽ chết đói và đó là vì dụ điển hình của chiến tranh. Đầu tiên là khí đốt, sau đó là ánh sáng. Tôi nhớ đến một phụ nữ đã chiến đấu trong Thế chiến thứ hai, tôi gặp bà ở Buenos Aires, bà có hai con và chồng chết ở mặt trận, bà nói và lời nói của bà vẫn còn trong trái tim tôi: “Chúng con đói, chúng con đói!” Cả ông và tôi không biết cảm giác đói là gì. Một ngày nào đó chúng ta sẽ biết chăng? Có nhiều người đã bắt đầu biết (ngài chỉ vào biên lai).

Đây là ví dụ liên quan đến nước Ý, nhưng còn có những người không biết thanh toán hóa đơn là gì, đơn giản là họ không có nhà! Và ở đây có rất nhiều. Tôi có hai dấu hiệu: một cái chăn và một ít bánh mì.

Có một điều làm tôi lo lắng, đó là thái độ dửng dưng. Một nhiếp ảnh viên của chúng tôi ở đây chụp tấm hình, trời lạnh, một phụ nữ lớn tuổi mặc áo lông thú, bà mang găng, đội mũ. Bà vừa ra khỏi tiệm ăn và có người ở cửa xin bà giúp. Bà nhìn đi chỗ khác. Điều tệ nhất là chúng ta nhìn đi chỗ khác. Chúng ta phải xem lại chi tiêu của chúng ta trong dịp lễ Giáng Sinh. Giáng Sinh năm nay là Giáng Sinh buồn, Giáng sinh chiến tranh. Có người chết đói. Chúng ta nên rộng lượng và đừng mua sắm như thể không có chuyện gì xảy ra. Dửng dưng là điều chúng ta phải dứt khoát bỏ và nhà báo quý vị có sứ mệnh đánh thức lương tâm để chúng ta không rơi vào văn hóa thờ ơ này.

“Tôi nhìn chỗ khác, tôi rửa tay, đó không phải việc của tôi”. Nhưng đó là vấn đề của tất cả mọi người. Lãng phí. Chúng ta phải nhận thức về thời điểm lịch sử này, về nghèo đói, về những gì ông cho chúng tôi thấy (con chim bồ câu của trẻ em Ukraine vẽ). Rằng có những em bé đang chơi với tên lửa của Nga, các em bị đói. Có người chết đói. Mừng Chúa giáng sinh là điều tốt đẹp, nhưng nên có chừng mực.

Với những người sống ngoài đường phố, họ có một Giáng Sinh trong giá lạnh, trong khó khăn. Và rồi chúng ta tự hỏi, nhà cầm quyền, chính phủ nên làm gì?

Đó là chuyện gây điều tiếng. Tất cả chúng ta đều có tội. Tất cả, ông và tôi, tất cả chúng ta. Và mỗi ngày chúng ta xin Chúa tha thứ cho lỗi lầm của mình. Tôi sợ. Phạm tội nhưng không được thoái hóa, không tham nhũng. Ngày nay chúng ta trượt dài từ tội lỗi đến thoái hóa, chúng ta không được dung thứ cho điều này. Vì sao, Âu châu đối diện với rất nhiều nhu cầu, vì sao nhiều người lãnh đạo châu Âu lại rơi vào tham nhũng theo kiểu này? Theo tôi, đây là một tiêu chuẩn. Và chúng ta không được phạm tội, nhưng họ yếu đuối. Đúng, đúng, yếu. Tôi cũng yếu, chúng ta đều yếu. Mỗi người đều có điểm yếu nhất của mình, chẳng hạn như tính cách: người thì nói dối, người thì dễ tức giận, người có tính xấu. Mỗi người đều có tính xấu riêng của mình. Tội lỗi thì có phạm, nhưng tham nhũng thì không, đúng không? Dứt khoát không với tham nhũng. Những gì ông nói là tham nhũng, nó không còn là tội, nhưng còn tệ hơn tội vì tham nhũng làm tâm hồn mình thối nát.

Cha đã nói: tham nhũng “bốc mùi”

Nó hôi ở Lombardi, nó hôi ở Ý (cười).

Cha đã nói nhiều lần, nếu quý vị không có con, quý vị không có tương lai. Nước Ý có đủ trưởng thành để hiểu điều này không?

Ở Ý ngày nay là mùa đông nhân khẩu, đúng không? Có lần tôi nghe một ông không lớn tuổi lắm nhưng chín chắn, ông nói, ‘ngày mai ai sẽ trả lương hưu cho tôi nếu nước Ý không có con?’. Có một văn hóa sinh sản và có một văn hóa cho rằng không sinh con thì tốt hơn. Tốt hơn là đi du lịch, mua sắm nhà cửa. Tôi biết có người nghĩ như vậy. Cách đây vài tuần, một thư ký kể cho tôi, ông đi ngang quảng trường và thấy một phụ nữ đang đẩy xe em bé, ông đến gần để xem em bé. Nhưng trong xe là con chó nhỏ. Vì lý do này, một số quốc gia như nước Pháp đã có các chương trình hỗ trợ gia đình rất tốt, vì thế tỷ lệ sinh sản của họ tăng khá nhiều. Bây giờ ở Ý chúng ta cần giúp đỡ các gia đình có con. Nhiều phụ nữ sợ có thai vì các ông chủ công ty thấy bụng to là đuổi ngay. Và cũng có phụ nữ không tìm được việc làm vì chủ sợ cô sẽ mang thai. Một đứa con là một đe dọa bây giờ. Nhưng chúng ta đang ở đâu? Có con nên là một phúc lành. Đó là lý do tại sao tôi nghĩ chúng ta phải bắt đầu lại. Xin hãy có con. Đất nước chúng ta cần trẻ em. Xin làm ơn bớt ích kỷ.

Trẻ con chẳng cần gì nhiều để làm chúng cười: một quả bóng chơi trên hè phố là đủ.

Thể thao là cao quý. Thể thao mang đến quý phái. Có bộ phim Argentina tên là Pelota de trapo (banh làm bằng nùi giẻ) của Enrique Mueňo. Tôi xem khi còn nhỏ, từ năm 1945. Đó là cuốn phim phim hay nói về thời đại, có một chút bí ẩn về những đứa trẻ chơi với những gì chúng có trong tay. Thánh Don Bosco đã nói: “Nếu bạn muốn tập họp các cậu bé, bạn đặt quả bóng ngoài đường và chúng sẽ đến ngay lập tức, giống như ruồi bay đến bánh ngọt”. Trẻ con vui đùa và chúng ta có một cái gì rất đẹp, đó là giá trị của vui đùa, của thể thao, của thấy được trò chơi của mình. Chơi và thể thao. Thật may mắn khi có thể làm được chuyện này, vì thể thao rất cao quý. Tất cả chúng ta đều cần sự vô vị lợi này của thể thao. Đó là lý do vì sao tôi rất vui khi thấy mọi người hào hứng với  thể thao, nhất là khi thể thao không bị mất khía cạnh nghiệp dư, đúng không? Thể thao là miễn phí, là nghiệp dư. Hiện nay có nhiều khía cạnh thương mại nhưng sẽ không tệ nếu chúng vừa phải. Với điều kiện môn thể thao đó không mất tính nghiệp dư của nó. Thể thao đích thực phải tự do, phải nghiệp dư.

Hiện nay mọi người chú tâm vào trận chung kết World Cup, cha gởi lời chúc nào cho đội thắng giải?

Tất cả mọi người đều gởi lời chúc tốt đẹp nhất cho đội thắng giải. Tôi mong họ khiêm tốn. Và với những người không thắng, tôi mong họ vui sống vì giá trị lớn nhất không phải là chiến thắng nhưng là chơi công bằng, chơi đẹp. Cả hai bên có can đảm để bắt tay nhau. Khi tôi thấy hai bên không bắt tay nhau khi kết thúc trận đấu… tôi đang nói về năm 46 – ngày chúa nhật hàng tuần gia đình chúng tôi, cha mẹ anh chị em đến sân vận động để xem đá banh. Và ở đó, chữ xấu nhất chúng tôi nghe là khi trọng tài nói ‘bán độ’, nhưng sau đó trận đấu kết thúc và họ bắt tay nhau. Đó là tinh thần thể thao. Thể thao làm bạn cao quý hơn, cả khi đá với quả bóng bằng nùi giẻ. Chúng ta phải làm cho tinh thần thể thao phát triển, tôi hy vọng giải vô địch thế giới này sẽ giúp chúng ta tìm lại tinh thần thể thao, điều làm cho chúng ta trở nên cao thượng.

Trong vài tháng nữa cha kỷ niệm mười năm triều giáo hoàng, có điều gì cha đã làm được và chưa làm được…

Khi tôi được bầu, tôi hiểu mong muốn của các hồng y trong các cuộc họp trước mật nghị về những gì giáo hoàng kế tiếp sẽ làm, dù họ chưa biết người đó là ai. Tôi xem đó là con đường để tiến về phía trước. Cũng có nhiều việc cần phải làm và đang được làm. Các hồng y đã giúp tôi rất nhiều để thực hiện các thay đổi này. Một trong những điều quý vị thấy rõ nhất, không phải là quan trọng nhất, đó là làm sạch kinh tế, tránh những điều tồi tệ về kinh tế. Bây giờ tổ chức kinh tế mạnh mẽ. Trong những ngày này, Hội đồng Kinh tế đã họp và đang hoạt động tốt. Tôi bắt đầu làm, với sự giúp đỡ của mọi người, điều mà các hồng y đã yêu cầu. Nhưng, trên hết là tinh thần truyền giáo, tinh thần loan báo Tin Mừng. Điều này rất quan trọng: chúng ta có thể có một giáo triều, một giáo xứ, một giáo phận rất có tổ chức, nhưng nếu không có tinh thần truyền giáo, không cầu nguyện, bạn sẽ không ở đó. Cầu nguyện là rất quan trọng.

Có điều gì cha phải làm và cha muốn tránh không làm không?

Phần kinh tế. Tôi không có khiếu. Tôi chỉ đưa ra hướng dẫn. Nhưng cảm tạ Chúa, công việc tiến hành tốt đẹp với Hội đồng Kinh tế, với Ban Thư ký Kinh tế. Tất cả đã được hồng y Pell nắm rõ vấn đề. Ngài đã làm nhưng sau đó ngài phải về Úc gần hai năm, vị bị vu khống trong một vụ án tình dục, ngài trắng án nhưng họ đã làm ngài trở nên xấu xí, tội nghiệp, ngài không còn ở trong ban quản trị nhưng chính ngài là người đã vạch ra kế hoạch, làm thế nào để tiến hành. Ngài là người có nhiều kỹ năng và chúng tôi nợ ngài rất nhiều thứ.

Có rất nhiều hình ảnh cha gần gũi với giáo dân, những vòng ôm, những nụ hôn mà cha phải bị ngưng vì Covid. Trong các cuộc gặp của cha, hình ảnh nào để lại dấu ấn sâu đậm trong lòng cha?

Các em bé bị bệnh. Khi tôi nhìn nhìn một em bé bị bệnh, em bé ngồi xe lăn, khi cha mẹ mang con sắp chết của họ đến cho tôi, tôi rất xúc động. Đó là câu hỏi của nhà văn Dostoevsky: “Vì sao em bé đau khổ?”, đó là điều bí ẩn. Nhưng bí ẩn này đưa chúng ta đến gần Chúa hơn. Một trong những niềm vui đẹp nhất của tôi là được vuốt ve trẻ em, người lớn tuổi, tôi rất thích. Thật lạ lùng. Trẻ em, người lớn tuổi là một thông điệp, là sự dịu dàng.

Một câu hỏi hơi riêng tư, cha đang trong những ngày sinh nhật lần thứ 86. Có người nói, quan trọng là mình cảm thấy tâm hồn trẻ trung, cha có cảm thấy cha trẻ không?

Tôi không nghĩ vậy, theo nghĩa này. Tôi có thể nói tôi hạnh phúc. Chúa đồng hành với tôi, tôi cảm thấy mình là mục tử, tôi thực hiện ơn gọi của tôi, tôi là kẻ tội lỗi. Ngày mai tôi xưng tội, cứ mỗi 15 ngày cha giải tội đến giải tội một lần, tôi vui vì thấy Chúa giúp tôi tiến bước.

Cha hình dung Chúa Giêsu sinh ra như thế nào và cha có làm máng cỏ ở nhà không?

Có, gia đình tôi luôn làm máng cỏ với các bức tượng nhỏ bằng thạch cao. Rất giản dị. Sau đó chúng tôi làm kỹ hơn, thêm cỏ cho lạc đà của Ba vua. Điều tôi thích nhất là sau thánh lễ nửa đêm, chúng tôi đặt Hài Nhi vào máng cỏ. Chúng tôi là gia đình đơn sơ, chúng tôi không giàu, cha tôi có việc làm tốt nhưng chỉ có thế. Chúng tôi có máng cỏ, Giáng sinh của chúng tôi là máng cỏ, chúng tôi không có cây thông…

Giáng Sinh là dấu hiệu của hy vọng, Hài nhi đến, mang thông điệp đến cho những ai muốn lắng nghe…

Tôi xin nói với mọi người, chúng ta hãy nhìn Hài nhi, hãy nhìn ngôi sao. Thêm một trẻ em là thêm hy vọng: Hài nhi sinh ra trong khó nghèo, bị bách hại, phải đi trốn. Hài nhi không có ngôi sao không hoạt động, ngôi sao không có Hài nhi không hoạt động. Cả hai đều là sứ điệp của Lễ Giáng Sinh hôm nay. Tôi xin mỗi người trong chúng ta lắng nghe, Chúa ban cho chúng ta sự dịu dàng của một em bé để chúng ta không đánh mất sự dịu dàng của con người. Nếu chúng ta nhìn vào ngôi sao, như Ba vua, chúng ta sẽ biết con đường ở đâu. Nếu chúng ta nhìn Hài nhi, chúng ta sẽ biết lòng mình cảm thấy thế nào. Đây là lời nhắn của tôi, xin mỗi người nhìn vào Hài nhi và nhìn ngôi sao.

Tôi xin chúc anh chị em một Giáng sinh vui vẻ và thánh thiện. Xin Chúa chúc lành và xin Đức Mẹ gìn giữ anh chị em. Xin cám ơn.

Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch