Linh mục Dòng Tên David McCallum đào tạo các linh mục thành các nhà lãnh đạo
cath.ch, Ban biên tập, 2022-12-18
Linh mục Dòng Tên David McCallum điều khiển Học viện Lãnh đạo Phân định tại Rôma từ năm 2021 | © Severina Bartonitschek/KNA
Linh mục Dòng Tên người Mỹ David McCallum điều khiển Viện Lãnh đạo Phân định ở Rôma, một ‘start-up’ khởi động đang phát triển nhanh chóng. Linh mục và các cộng sự của ngài đang giúp các nhà lãnh đạo Giáo hội thành những nhà lãnh đạo hiện đại và hiệu quả hơn. Ngài thảo luận về những điểm yếu của các nhà lãnh đạo thiêng liêng, khả năng thay đổi trong Giáo hội và phẩm chất lãnh đạo của Đức Phanxicô.
Học viện Lãnh đạo Phân định là một dự án dưới sự bảo trợ của Hiệp hội Quốc tế các trường Đại học Dòng Tên (IAJU). Linh mục David McCallum được bổ nhiệm làm giám đốc của viện tháng 1 năm 2021.
Các nhà lãnh đạo Giáo hội không nhất thiết phải có tiếng là những nhà lãnh đạo xuất sắc…
Linh mục David McCallum: Thường khi họ được bổ vào các vị trí lãnh đạo trong Giáo hội, họ không được đào tạo trước trong lãnh vực này. Họ là các nhà thần học hay triết gia giỏi, nhưng đột nhiên họ phải điều hành một cơ quan. Trong lãnh vực nào xã hội cũng điều hành tương tự? Tuy nhiên, đó là điều chúng ta làm trong Giáo Hội, và không có gì ngạc nhiên khi điều đó làm thất vọng.
Khi một linh mục hay tu sĩ được bổ nhiệm làm giám mục, hay ở một vị trí lãnh đạo trong hệ thống phẩm trật Vatican hoặc một dòng tu, thì người đó thấy mình phải đối diện với những trách nhiệm lớn lao và nhiều mong chờ. Đôi khi họ cảm thấy khó đáp ứng được.
“Các thành viên của hàng giáo phẩm thường cảm thấy họ không có gì để học hỏi từ người khác.”
Như thế, đặc biệt có thể dẫn đến nhu cầu kiểm soát để ấn định lại một loại thứ trật. Chuyện này xảy ra không phải vì người đó xấu hay ác ý, mà vì họ được thăng chức vượt quá khả năng của họ.
Có sự khác biệt nào ở cấp độ này giữa giáo sĩ và giáo dân không?
Điều đáng chú ý là các giáo sĩ thường cảm thấy họ không có gì để học hỏi từ người khác. Thậm chí, một số còn xem việc thường huấn là tấn công cá nhân. Sự phản kháng lại việc bị những người bên ngoài không phải là giáo sĩ dạy là phản ứng phụ trong quá trình đào tạo của họ.
Cha muốn thay đổi điều này như thế nào?
Trong chương trình lãnh đạo của chúng tôi, không có đào tạo cá nhân. Chúng tôi có các nhóm gồm khoảng 25 đến 30 giáo dân, tu sĩ và giáo sĩ, đến từ khắp nơi trên thế giới. Sự đa dạng này làm phong phú thêm cho những người tham dự trong tầm nhìn của họ về thế giới và do đó, trong cách họ giữ các vị trí lãnh đạo của mình.
Kinh nghiệm của các giáo sĩ là cực kỳ tích cực, tôi có thể nói là 90%. Họ thường trải qua một loại biến đổi hoặc hoán cải, nhận ra tất cả những gì họ có thể học, chẳng hạn từ các nữ tu, những người có thể là các nhà truyền giáo, hoặc từ các giáo dân, thường có trình độ cao hơn họ rất nhiều.
Làm thế nào để những điều này có thể thực hiện một cách cụ thể?
Trong số những người tham dự, có nhiều người nhận ra lòng dũng cảm và đào tạo là rất quan trọng để trở thành nhà lãnh đạo giỏi. Điều này đồng thời đòi hỏi một sự sẵn sàng nhận thấy mình dễ bị tổn thương. Có nghĩa, thừa nhận mình không phải là câu trả lời cho tất cả và đáp ứng được nhu cầu của người khác. Đó là thừa nhận điểm yếu và sai lầm của mình, để xin tha thứ và rút kinh nghiệm. Hãy mạo hiểm, làm điều gì đó mới mẻ và để một số thứ chết đi để sinh ra những thứ khác.
“Chúng tôi liên kết sự phát triển thiêng liêng của con người với sự phát triển các kỹ năng lãnh đạo và quản lý của chính họ.”
Nhu cầu rõ ràng là rất lớn vì chương trình không ngừng phát triển. Bây giờ các khóa học bằng ba ngôn ngữ và cha đang hướng đến quốc tế.
Chúng tôi đã nhận ra các nhà lãnh đạo cần loại đào tạo này, họ muốn một cái gì đó không theo thứ trật các nghiên cứu quản trị giáo hội. Họ mong chờ một hình thành bắt nguồn từ truyền thống công giáo của chúng ta. Vì thế chúng tôi liên kết sự phát triển thiêng liêng của con người với sự phát triển các kỹ năng lãnh đạo và quản lý của chính họ.
Quá trình đào tạo diễn ra như thế nào?
Khóa học của chúng tôi bao gồm ba giai đoạn. Trước hết là nhìn lại bản thân, xác định điểm mạnh và điểm yếu của chính mình. Các bài tập cung cấp các công cụ và hiểu biết sâu sắc từ các lãnh vực lãnh đạo và quản lý khác nhau.
Bước thứ nhì chúng tôi chuyển từ tính cách cá nhân sang các mối quan hệ giữa các cá nhân: xây dựng nhóm, giao tiếp hiệu quả, kể cả trong các tình huống xung đột. Để làm điều này, các người tham gia phát triển các giải pháp lấy cảm hứng từ phúc âm nói lên hòa giải, tha thứ, hòa hợp và đa dạng. Giai đoạn thứ ba liên quan đến cấp độ tổ chức. Làm thế nào để chẩn đoán các vấn đề hệ thống? Làm thế nào để có được các giải pháp nội bộ dẫn đến thay đổi? Làm thế nào để thực hiện một chiến lược hiệu quả? Chúng tôi kết nối người tham gia với huấn luyện viên và cố vấn tinh thần. Chúng tôi cũng có cố vấn trong nhiều lãnh vực liên hệ đến các tổ chức.
Các quan chức cấp cao của Vatican có tham gia chương trình không?
Chúng tôi có các quan chức cấp cao của Vatican ở các vị trí quản lý và lãnh đạo, cũng như các nhà lãnh đạo các dòng tu và giáo dân làm việc trong các tổ chức công giáo. Chẳng hạn linh mục Juan Antonio Guerrero Alves đã tham gia chương trình của chúng tôi trước khi ngài được bổ nhiệm làm người đứng đầu Ban Thư ký Kinh tế của Vatican (ngày 30 tháng 11 Đức Phanxicô đã chấp nhận đơn từ chức vì lý do sức khỏe của ngài).
“Khi Đức Phanxicô sai lầm, ngài xin lỗi và cố gắng giải quyết những gì đã xảy ra”
Trên nguyên tắc, những người tham gia từ Vatican thường là những nhà quản lý cấp trung hoặc cấp cao. Họ có sự nghiệp trước mắt họ hơn là các hồng y cầm quyền, những người thường giữ chức vụ trong một nhiệm kỳ hạn chế.
Cha nghĩ gì về phẩm chất lãnh đạo của Đức Phanxicô?
(Cười) Rất khó để nói với tư cách là đồng hữu Dòng Tên. Nhưng theo tôi, Đức Phanxicô là nhà lãnh đạo xuất sắc. Bản thân ngài đã ở vị trí lãnh đạo trong nhiều giai đoạn, ngài thừa nhận ngày xưa ngài rất độc tài.
Khi về Rôma, nhiệm vụ của ngài rất rõ ràng: cải tổ Giáo triều. Ngài làm việc này với lòng tín thác vào Thiên Chúa, đó là nét đặc trưng của ngài và ngài không sợ bị chỉ trích. Ngài thực sự không muốn phân cực – dù ngài bị cho là một nhân vật phân cực – nhưng muốn phục vụ Tin Mừng, phục vụ cho sứ mệnh của Giáo hội. Tôi nghĩ ngài có thể nắm bắt được sự phức tạp của thế giới, cũng như những khó khăn thực sự của người công giáo.
Như vậy phải làm mọi thứ cho đúng không?
Ngài có hoàn hảo không? Không, tôi không nghĩ vậy. Và chắc chắn chính ngài cũng không nghĩ vậy. Theo tôi, đôi khi ngài tấn công hơi gay gắt một số khía cạnh của Giáo hội như với chủ nghĩa giáo quyền. Tôi tự hỏi liệu ngài có đẩy người khác đến giới hạn của họ và làm cho họ chống lại ngài nhiều hơn không. Tôi tự hỏi không biết ngài có muốn có một cách tiếp cận khác thích ứng hơn không.
Nhưng tôi nghĩ ngài biết việc ngài làm. Về cơ bản, ngài luôn cho thấy mình chính trực. Khi phạm sai lầm, ngài xin lỗi và cố gắng giải quyết những gì đã xảy ra.
Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch