“Từng giọt chết người”: các dòng tu muốn phát hiện những lạm dụng trong đời sống hàng ngày

162

“Từng giọt chết người”: các dòng tu muốn phát hiện những lạm dụng trong đời sống hàng ngày

la-croix.com, Christopher Henning, 2022-11-23

Ngày thứ hai 21 tháng 11, 120 nhà lãnh đạo các dòng khác nhau đã họp để suy nghĩ về cách phát hiện “những dấu hiệu nhỏ” có thể dẫn đến các vụ lạm dụng. Đời sống cộng đoàn có thể là nơi trở thành bối cảnh cho những “lạm dụng hàng ngày” khó tố cáo.

Nữ tu Véronique Margron, chủ tịch Hội đồng nam nữ tu sĩ Pháp nhấn mạnh: “Trong đời sống bình thường, lạm dụng đi từng bước chân rón rén, nhưng là từng giọt chết người. Dần dần và từng chút một, sự khống chế len vào cộng đoàn, một loại độc tài kiểu “bạn phải vác thập giá của mình, phải tỏ ra vâng lời, phải trở nên khiêm tốn”, tất cả đều có thể làm nhiễm độc cộng đoàn.

Đối diện với cuộc khủng hoảng đang làm rung chuyển Giáo hội, 120 nhà lãnh đạo của các dòng tông đồ hay chiêm niệm – Cát Minh, Biển Đức, Huynh đoàn Thánh Gioan hoặc Nữ tu dòng Mông Triệu – đã họp vào ngày thứ hai, 21 tháng 11 theo lời mời của Hội đồng nam nữ tu sĩ Pháp về Paris bàn về những dấu hiệu lạm dụng nhỏ hàng ngày trong đời sống cộng đoàn.

Những câu giết người

Trên thực tế, sự im lặng của các nữ tu, “mặc cả” khi bổ nhiệm, những câu nói nho nhỏ giết người, hoặc khi có khác biệt về văn hóa đều là những tình huống có thể dẫn đến lạm dụng. Một bề trên cộng đoàn phát biểu: “Giữa những điều chưa nói và những điều đã nói, chúng tôi như ở trên sườn núi chênh vênh. Đây là cả một thách thức của một lời phát biểu có trách nhiệm.”

Sơ Isabelle Le Bourgeois, nữ tu phụ tá và là nhà phân tích tâm lý, cùng với giáo sư triết gia Cathy Leblanc, chuyên gia về thế giới tập trung dẫn chương trình cho ngày huấn luyện, họ mô tả chuỗi nguy hiểm bắt đầu từ những “vị trí” trong cộng đoàn có thể dẫn đến các vụ lạm dụng. Giáo sư Leblanc cho biết: “Cảm giác nhục nhã có thể bắt nguồn từ những chuyện nhỏ nhặt và tiêu diệt nhân tính trong chúng ta. Nếu có những thói quen, những cuộc gặp áp đặt chúng ta, thì điều cần thiết là chúng ta phải biết làm chủ đời sống hàng ngày của mình.”

Sơ Isabelle giải thích: “Ảnh hưởng phát sinh từ quá độ, đó là cơ chế tạo nên mạng lưới để nắm quyền người khác dưới danh nghĩa vâng lời”. Đôi khi dẫn đến những lạm dụng nghiêm trọng hơn như bạo lực hay tấn công tình dục trong những trường hợp nặng nhất.

Chi phối

Nếu việc đào tạo tập trung vào những lạm dụng có thể đe dọa đời sống cộng đoàn thì nói rộng hơn, các trở ngại và đôi khi các chấn thương của đời sống tu trì xảy ra trong những trao đổi. Một nữ tu dòng Xitô lo lắng: “Làm thế nào để diễn tả “tôi” và tập thể, khát vọng cá nhân và đời sống cộng đoàn?” Một câu hỏi liên quan đến quản trị cộng đoàn và những “sự cố” liên quan đến các lạm dụng hàng ngày.

Những hành vi lạm dụng thông thường này có thể dẫn đến sự thống trị tuyệt đối của kẻ phạm tội trên người anh chị em của mình. Một vài ví dụ cho thấy tiến trình chi phối này đang tiến hành: lôi cuốn người kia nói dối, làm cho người kia nghĩ rằng mình là “người được yêu thích” hoặc ngược lại nói nhiều lời trách móc…

Một nam tu sĩ hỏi: “Nhưng làm thế nào được khi người lạm dụng và người bị lạm dụng ở chung một mái nhà?” Sơ Isabelle xác nhận: “Đôi khi phải công nhận hai người không thể sống cùng nhà. Chúng ta không buộc phải ở nơi mình bị tổn thương, cho mình hay cho người khác.”

Khát khao lý tưởng

Nếu sự phân tích về những lạm dụng hàng ngày này áp dụng đặc biệt cho đời sống tu trì thì dĩ nhiên nó cũng giống với tất cả các thực tại của con người. Dù trong môi trường tu trì hay không, chúng ta phải ý thức về phần vô thức của mình.

Sơ Isabelle Le Bourgeois đặc biệt nhấn mạnh đến điều này, “sự thiếu rõ ràng với bản thân có thể làm chúng ta dễ bị tổn thương. Thêm nữa, khát khao lý tưởng có thể trở thành cái bẫy”. Rất nhiều vấn đề làm cho các nhà lãnh đạo cộng đoàn phải xem lại về vấn đề phân định ơn gọi và đào tạo.

Bổn phận cảnh giác này trong cộng đoàn bao gồm việc lắng nghe, không chỉ nhằm mục đích xác định các nguy cơ lệch lạc và lạm dụng, mà còn là tiếp nhận người khác để mọi người có thể “phát triển trong tự do”.

Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch