Tại Đấu trường la-mã, Đức Phanxicô lên tiếng kêu gọi hòa bình như một ơn để “tiếp nhận và vun trồng”

149

Tại Đấu trường la-mã, Đức Phanxicô lên tiếng kêu gọi hòa bình như một ơn để “tiếp nhận và vun trồng”

Cầu nguyện Liên tôn giáo cho Hòa bình Thế giới được tổ chức ngày thứ ba, 25 tháng 10 tại Đấu trường La Mã. (Vatican Media)

vaticannews.va, 2022-10-25

Cùng với các nhà lãnh đạo tôn giáo trên khắp thế giới về đây dịp này, Đức Phanxicô đến dự lễ bế mạc cuộc họp liên tôn quốc tế lần thứ 36 do cộng đồng Sant’Egidio tổ chức tại Rôma từ ngày 23 đến ngày 25 tháng 10 để cầu nguyện cho hòa bình thế giới.

Bây giờ ngày cầu nguyện này đã trở thành truyền thống, các nhà lãnh đạo tôn giáo trên thế giới, giáo sĩ Riccardo Di Segni của Rôma, giám mục Olav Fykse Tveit, chủ tịch Hội đồng Giám mục của Giáo hội Liên minh Châu Âu, thiền sư Shoten Minegishi, đại diện thiền tông Sôtô đã tham dự buổi cầu nguyện cho hòa bình trên thế giới. Năm nay, cuộc họp liên tôn giáo có các nguyên thủ quốc gia nước Pháp, tổng thống Emmanuel Macron, nước Ý, thủ tướng Sergio Mattarella tham dự và trong bối cảnh cuộc chiến ở Ukraine.

Trong những dòng đầu tiên bài diễn văn, Đức Phanxicô nêu rõ, “ngày nay hòa bình bị xâm phạm nghiêm trọng, bị tổn thương, bị chà đạp: nó đang xảy ra ở Âu châu, lục địa đã trải qua thảm kịch của hai đại chiến”. Ông Vincent Picard, phó chủ tịch cộng đồng Sant’Egidio ở Pháp nói với chúng tôi hôm qua: “Cuộc chiến Ukraine do Nga gây ra ngày 24 tháng 2 là vết thương lớn ảnh hưởng đến tất cả những người tham dự trên toàn Âu châu và cả trên toàn thế giới.”

Đức Phanxicô nhắc lại: “Hòa bình là trọng tâm của các tôn giáo, trong Sách Thánh và trong sứ điệp của, tiếng kêu hòa bình thường bị nhận chìm không những bởi lời hùng biện cho chiến tranh mà còn do thờ ơ. Nó bị lui về im lặng khi hận thù ngày càng lớn, khi chúng ta phải chiến đấu.”

Ngày cầu nguyện cho hòa bình thế giới, thứ ba 25 tháng 10 tại Đấu trường la-mã

Thượng phụ Giáo hội Assyria phương Đông, Mar Awa III, hồng y Louis Raphaël Sako, giáo chủ Emmanuel, tòa thượng phụ Babylon của người Chalđê cùng dự ngày cầu nguyện cho hòa bình ở Đấu trường La Mã.

Đức Phanxicô nói tiếp: “Tiếng kêu cho hòa bình không được im bặt này là tiếng kêu từ trái tim của các bà mẹ, được viết trên khuôn mặt của người tị nạn, của những gia đình phải đi trốn, những người bị thương hoặc đang hấp hối”.

Trở lại với mối đe dọa hạt nhân

Cách đây đúng 60 năm, khi có cuộc khủng hoảng tên lửa Cuba, Đức Gioan XXIII đã kêu gọi các nhà lãnh đạo thế giới tránh dùng bom hạt nhân. Thứ ba hôm nay, Đức Phanxicô nhắc lại lời kêu gọi này: “Thực tế ngày nay, điều mà chúng ta lo sợ và không bao giờ muốn nghe đang xảy ra: việc sử dụng vũ khí nguyên tử, đã tiếp tục sản xuất và thử nghiệm cực kỳ nghiêm trọng sau Hiroshima và Nagasaki, giờ đây mối đe dọa ngày càng nặng, những lời của Đức Gioan XXIII mang tính thời sự nổi bật.”

Sau khi nghe chứng từ của người tị nạn Argentina và Niger, những người đã đi qua địa ngục của các nhà tù ở Libya, ngài nói tiếp: “Vì vậy, ơn hòa bình phải được chúng ta đón nhận và vun trồng, nhất là người tín hữu chúng ta. Chúng ta đừng để mình bị vướng vào lô-gích  sai lầm của chiến tranh, chúng ta đừng rơi vào bẫy hận thù của kẻ thù.”

Cùng với Đức Phanxicô, còn có sự hiện diện của bà Edith Bruck, nhà văn Ý gốc Hungary, người sống sót sau Trại Tập trung do thái và sư huynh Aloïs, bề trên cộng đoàn đại kết Taizé.

Sự tiến bộ của tình anh em

Đức Phanxicô thúc giục: “Chúng ta hãy đặt hòa bình trở lại trọng tâm của hướng nhìn về tương lai, làm mục tiêu trọng tâm ở tất cả các cấp cho hành động cá nhân, xã hội và chính trị của chúng ta. Chúng ta hãy xoa dịu xung đột bằng khí cụ đối thoại.”

Lễ bế mạc cuộc họp liên tôn của cộng đồng Sant’Egidio tại Đấu trường la-mã.

Đức Phanxicô kết thúc bài phát biểu với một ghi nhận tích cực, ngài hoan nghênh sự tiến bộ của tình anh em giữa các tôn giáo. Đúng vậy, một năm trước, cũng vào dịp này, các tôn giáo trên toàn thế giới đã phát động lời kêu gọi hôm nay còn vang vọng trên các bức tường của Đấu trường la-mã: “Không được lợi dụng tôn giáo vì chiến tranh. Chỉ có hòa bình là thánh và đừng ai dùng danh Chúa để làm phép cho khủng bố và bạo lực. Nếu anh chị em thấy chiến tranh chung quanh mình, xin đừng cam chịu! Mọi người muốn hòa bình”.

Đức Phanxicô kết luận: “Chúng ta đừng cam chịu chiến tranh, chúng ta gieo mầm hòa giải; và hôm nay, chúng ta hướng về Trời với tiếng kêu hòa bình, một lần nữa với lời Thánh Gioan XXIII, ‘xin cho tất cả các dân tộc trên trái đất được hiệp nhất và cầu mong một hòa bình được nảy nở trong lòng mọi người và luôn ngự trị trên trái đất.”

Để kết thúc buổi lễ, cô sinh viên Elissar, người tị nạn Syria ở Rôma đọc lời kêu gọi hòa bình được đúc kết ở cuối cuộc họp liên tôn của cộng đồng Sant’Egidio. Lời kêu gọi được Đức Phanxicô và những người đồng cấp các tôn giáo khác có mặt ở Đấu trường la-mã ký.

Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch