Thông điệp mạnh mẽ của linh mục Samuel Lauras dòng Trappe về Chúa Thánh Thần

141

Thông điệp mạnh mẽ của linh mục Samuel Lauras dòng Trappe về Chúa Thánh Thần

Linh mục Samuel Lauras, bề trên đan viện Novy Dvur (Czechia) suy niệm cho báo Gia đình Kitô giáo về Chúa Thánh Thần và Lễ Hiện Xuống.

Xuất thân trong một gia đình công giáo đông con, năm 20 tuổi, linh mục Samuel Lauras rời xa Chúa. Một thời gian sau, cha đến thăm tu viện Sept-Fons ở Allier và ở lại đó suốt đời.

famillechretienne.fr, Samuel Pruvot, Théophane Leroux và Clémence de Longraye, 2022-06-05

Trong một thế giới đang hứng chịu đại dịch, liệu Chúa Thánh Thần có giúp chúng ta vượt qua nỗi lo lắng về tương lai không?

Linh mục Samuel Lauras: Cách đây vài tháng, trong giờ kinh thần vụ, câu Thánh vịnh 138 “Và đêm tối trở thành ánh sáng chung quanh tôi” đã đánh động tôi cách sâu đậm. Không phải ánh sáng xua đuổi màn đêm như mọi buổi sáng khi bình minh ló dạng, nhưng chính bóng đêm trở thành ánh sáng. Có một ánh sáng để chúng ta đi tìm trong những đêm tối chúng ta đi qua, và chính Chúa Thánh Thần giúp chúng ta khám phá ra. Một cảnh trong sách Công vụ tông đồ đã nói với tôi rất nhiều. Đó là khi các Tông đồ nói: “Chúa Thánh Thần và chúng ta đã quyết định…” Chúa Thánh Thần là một Ngôi vị hành động với sự cộng tác của chúng ta! Rất mạnh… Ngài không làm cho chúng ta thành con vẹt. Ngài đặt chúng ta vào tình huống, sau đó Ngài để chúng ta hành động.

Tuy nhiên, cuộc khủng hoảng sức khỏe đang cản trở hành động của chúng ta…

Một số người đã bị bệnh, một số khác có thân nhân bị bệnh hoặc đã chết. Chúng ta đã chứng kiến việc nhà thờ bị đóng cửa. Chúng ta đã học để sống chung với bóng tối dường như bao trùm cả thế giới này, và để phản ứng lại!

Chúa Thánh Thần để làm gì trong cuộc sống chúng ta?

Các ân sủng của Chúa Thánh Thần phục vụ trước hết để truyền sự sống. Trước hết các ân sủng của Chúa Thánh Thần thể hiện qua lời kêu gọi đến một điều gì đó vĩ đại hơn. Nó hơi giống như chiếc máy bay bị mắc kẹt trên đường bay của phi trường, bây giờ có rất nhiều máy bay bị kẹt như vậy. Máy bay chỉ thể hiện bản chất thật của nó khi nó bay. Con người chỉ thể hiện bản chất thật của mình khi con người phát triển chiều kích thiêng liêng, khả năng hướng về Thượng đế của mình.

Chúng ta cảm nhận được ảnh hưởng của Chúa Thánh Thần khi chúng ta trải nghiệm Ngài đã cho phép chúng ta làm những điều mà nếu không có Ngài, chúng ta không thể làm được. Phần lớn, Nhóm Mười Hai Tông đồ là những người đánh cá nghèo từ Galilê. Họ đạt được một điều gì đó phi thường chưa hề ghi dấu trong chiếc nôi sơ sinh của họ. Tôi là tu sĩ ở Cộng hòa Séc. Khi tôi sinh ra ở Auvergne, nước Pháp, không có gì báo trước tôi sẽ phiêu lưu trên con đường này. Chúa Thánh Thần thúc giục chúng ta có những quyết định tốt đẹp, bất ngờ và trung thành; hoặc nếu không thì Ngài làm cho chúng ta trần trụi. Chúng ta cảm thấy mình trần trụi như con giòi. Và như thế là tốt.

Đâu là phần của con người và đâu là phần của Chúa Thánh Thần?

Đức tin kitô giáo có một cái gì nghịch lý. Trong Điều lệ của Thánh Biển Đức, ngài mời gọi chúng ta cạo rỉ sét (chống lại Sự Dữ) mà không làm vỡ chiếc bình… Chúng ta đi bộ trên sườn núi. Chúng ta có nguy cơ rơi vào kiểu thụ động ngoan đạo hoặc hoạt động tích cực để có cảm tưởng chúng ta kiểm soát mọi sự trong tay.

Có những thời điểm trong lịch sử, con thuyền Giáo hội như chìm xuống…

Tôi nghĩ đến thời điểm quan trọng: lúc Thánh Phêrô và Thánh Phaolô tử đạo, khi các tín hữu kitô đầu tiên thấy mình đơn độc. Có những năm tháng rất đen tối đòi hỏi phải có đức tin dời núi. Các tín hữu này đã tin tưởng và đi trên con đường của họ. Họ hy vọng Chúa tái lâm, nhưng sự trở lại của Chúa phải còn chờ. Chúng ta không có quyền nói chúng ta đang sống trong thời đen tối. Chúng ta đi cùng bước với những người đi trước chúng ta. Đức tin của những tín hữu đầu tiên phải còn sống trong chúng ta. Chúa sẽ trở lại. Chúng ta hãy chờ Ngài, và hãy để Chúa Thánh Thần đến bảo chúng ta: “Lạy Chúa Giêsu, xin Chúa ngự đến!”

Làm thế nào để mở ra với đời sống thiêng liêng và quét sạch những quái vật bên trong ngăn chúng ta sống cuộc sống với Chúa Thánh Thần?

Điều đầu tiên, chúng ta chấp nhận luôn còn bụi bặm trong trái tim chúng ta. Chúng ta đừng để bị sốc vì sự khốn cùng của kitô hữu hay của hàng giáo phẩm công giáo… Ngay cả với Chúa Thánh Thần, chúng ta luôn bước đi trong cát bụi với đôi chân lấm bụi. Văn hào Péguy đã nói lên hình ảnh này: nếu trước khi vào nhà thờ, bạn bỏ quá nhiều thì giờ để chùi chân, bạn sẽ không có thì giờ để cầu nguyện! Chúng ta hãy chấp nhận để Chúa nói với chúng ta và để Chúa Thánh Thần hướng dẫn chúng ta mà không cần loại bỏ tất cả bụi trần. “Chính Người biết có gì trong lòng con người” (Ga 2, 25).

Điều này có nghĩa là tôi phải chấp nhận có bụi để quét nơi người khác. Và chuyện này không phải dễ dàng. Đó là một trong những chiến đấu lớn của đời sống tu trì, ngắn gọn, của đời thường. Chịu đựng sự những nghèo nàn của mình, chịu đựng những nghèo nàn của người khác, biết cách phản ứng và giữ một cái nhìn hy vọng về tương lai của tôi với Chúa. Và trên tương lai của họ…

Điều gì có thể hạn chế hành động của Chúa Thánh Thần?

Có những thái độ cản trở việc đón nhận ơn Chúa Thánh Thần. Chủ yếu là kiêu ngạo và sợ hãi. Chú ý: kiêu ngạo không phải là những chuyện huyênh hoang nhỏ nhặt của tự ái, luôn ngu ngốc, làm chúng ta cũng phải ngạc nhiên. Đó là ngoan cố từ chối phụ thuộc vào người khác vì chúng ta muốn mọi thứ đến từ chúng ta. Thói kiêu ngạo thể hiện trong các mối quan hệ của chúng ta: không chịu nghe lời khuyên, không nhận lời khuyên. Và nó thể hiện một cách xuất sắc trong mối quan hệ của chúng ta với Chúa. Trong văn hóa đương đại, có một cái gì đó kiêu ngạo một cách tận gốc. Con người muốn xây dựng chính mình mà không cần Chúa.

Sợ hãi, là thiếu hy vọng. Ngay khi tôi đồng ý phụ thuộc vào một  người khác, tôi phải chấp nhận tôi thấy một cái gì đó tôi thiếu. Sợ hãi làm tê liệt. Bản thân sợ hãi không phải là xấu, nó là một hình thức của chủ nghĩa hiện thực. Sợ hãi là một bàn đạp tuyệt vời để tạo ra tiếng kêu cầu nguyện, như các Tông đồ trong cơn bão: “Lạy Chúa, xin cứu chúng con!” Chúng ta đang ở trong cơn bão. Điều mới kể từ khi có Covid không phải là cơn bão, mà cuối cùng là chúng ta chúc tụng Chúa! khi chúng ta thấy cơn bão này! Nhờ có con vi-rút nhỏ bé tội nghiệp này, tôi thấy tôi không thể tự xoay sở được. Thật là đáng sợ. Và nếu tôi biến nỗi sợ hãi này thành một con đường mở ra, Ai Đó sẽ cho tôi những gì tôi có thể làm được, nhưng điều đó không thể mở ra chỉ do sức mạnh của bản chất con người.

Chúa Thánh Thần cần thiết cho hành động như thế nào?

Tôi nghĩ điều cốt yếu là trong trái tim mỗi tín hữu đều có một tu sĩ đang ngủ. Hay nói đúng hơn là người không ngủ! Một tu sĩ sống. Họ có xác tín này, làm những hành động cụ thể, nếu trong cuộc sống, chúng ta không dành một phần cho cầu nguyện nhưng không, đọc Lời Chúa nhưng không, tham dự phụng vụ nhưng không, chúng ta sẽ chết ngạt. Và nếu chúng ta bị ngạt, chúng ta không thể phản ứng.

Làm thế nào để sống tối đa với Lễ Hiện Xuống?

Chúng ta phải giáo dục các giác quan tâm linh của chúng ta. Chúng ta có các giác quan bên ngoài giúp chúng ta nhận thức thế giới vật chất. Chúng ta phải cố gắng dùng chúng thật tốt, để không quá bão hòa chúng. Nếu tai chúng ta bị bão hòa, chúng ta không còn nghe tiếng thì thầm. Do đó, điều đầu tiên là phải dọn dẹp sạch sẽ, ngay cả khi chúng ta biết chúng ta sẽ luôn đi trong bụi. Nếu không có quyết tâm nhường chỗ cho Chúa Thánh Thần, thì Ngài sẽ không thể hành động trong chúng ta, và chúng ta sẽ không thể phản ứng.

Lễ Hiện Xuống không phải là được tràn đầy với Chúa trong sự nhiệt thành sao?

Tôi không thực sự thích từ này, tôi thích “kiên trì” hơn. Đó là một đức tính cho phép bạn gắn bó với những quyết định mà bạn biết là tốt, nhưng rất đòi hỏi: chung thủy trong hôn nhân, thời gian dành cho con cái, cho sinh viên, cho việc học hành… Khi đến giờ kinh chiều, người tu sĩ phải dừng làm việc, nhưng ông chỉ muốn ở lại làm việc. Thời tiết đẹp, ông đang ở trong rừng, nhưng ông phải bỏ đồ nghề xuống, tắm rửa và đi lễ. Khi bạn làm điều này mỗi ngày, dù bạn kéo lê đôi chân, thì bạn đã kiên trì.

Có một từ khác được liên kết với Chúa Thánh Thần, đó là từ “tự do”. Vào Lễ Hiện Xuống, Chúa Kitô gởi “Thần Khí sự thật đến” (Ga 16:13). Nhưng Ngài nói, “sự thật sẽ giải phóng các ông” (Ga 8, 32). Sự hiện diện của Chúa Thánh Thần thể hiện qua một tự do đích thực. Nếu tôi thấy rõ được những lệ thuộc nhỏ, cho dù nó như thế nào làm cho tôi thành nô lệ, nếu tôi thấy được  những thứ tôi cố giữ, làm cho tôi khép kín lại, hay thấy được các mối quan hệ xấu của tôi thì có thể dần dần tôi sẽ nhận được tự do Chúa ban cho tôi. Sự tự do này thật hấp dẫn: chúng ta muốn sống tự do, trong tự do sâu xa, không phải sống tự do để làm bất cứ điều gì, nhưng đó là tự do không bị xiềng xích bên trong, tự do phục vụ Chúa và yêu mến Ngài.

Làm thế nào để kiên trì trong hoàn cảnh hiện tại?

Chúa Kitô chủ động, chính Ngài ra dấu cho chúng ta. Và chúng ta phải nhận ra dấu chỉ của Ngài. Chúng ta nhận thức rõ điều này khi chúng ta gặp khó khăn! Đó là lý do vì sao tôi lạc quan khi nhìn thời đại hiện nay. Trong hàng chục năm, sự tin tưởng của chúng ta ngày càng lớn dẫn đến ảo tưởng chúng ta tin có thể làm chủ mọi thứ, kể cả sự sống và cái chết… Khi rất nhiều thứ sụp đổ, khi đó chúng ta mới bắt đầu nhìn lại thực tế. Từ đó, chúng ta có thể bắt đầu kêu lên. Đó là câu chuyện ông Gióp. Ông gặp Chúa khi ông nhận ra những xác quyết ông xây dựng trong cuộc đời đã sụp đổ. Không có gì còn lại ngoại trừ một nỗi khát khao Chúa mãnh liệt đến mức ông nhận ra Chúa đằng sau nỗi khát khao này, Ai đó mới có khả năng làm dịu cơn khát. Chủ đề khát khao, mong muốn rất mạnh ở Thánh Bênađô.

Chúa Thánh Thần có làm cho chúng ta thành chứng nhân không?

Tôi tin Chúa Thánh Thần giúp chúng ta giao tiếp. Ngài ban cho chúng ta biết lắng nghe, và điều này không phải dễ. Chắc chắn đây là một trong những khía cạnh khó khăn nhất trong sứ vụ của tôi. Lắng nghe, có nghĩa là có người khác ở trước mặt mình, không những chỉ để họ nói mà còn mời họ tự bày tỏ. Im lặng. Nhìn khuôn mặt của họ, qua thái độ của họ để cố gắng tìm hiểu đâu là các vấn đề của họ trước khi đưa ra câu trả lời. Điều này có nghĩa bạn không nên nói quá nhanh để chắc chắn bạn đã hiểu. Bỏ những câu viết sẵn của sách giáo lý là chưa đủ. Cần một cuộc gặp mặt thật sự. Chúa Thánh Thần sẽ giúp chúng ta gặp người khác. Và nếu chúng ta yêu ai đó, chúng ta muốn họ tốt “Thầy không còn gọi anh em là tôi tớ nữa, nhưng Thầy gọi anh em là bạn hữu”. Tất cả trụ ở đó.

Mức độ sâu đậm của đời sống thiêng liêng có dẫn đến lòng nhiệt thành truyền giáo không?

Thánh Têrêxa Lisiơ trong Dòng Kín đã muốn “là tông đồ và người đi truyền giáo”. Vài tháng trước khi qua đời, Têrêxa đã kiệt sức. Bác sĩ khuyên Têrêxa đi bộ. Têrêxa đi trong dòng kín, thật khó và rất đau cho Têrêxa… Và Têrêxa nói: “Tôi đi bộ cho một nhà truyền giáo.” Đó là sự phong phú của tu sĩ chiêm niệm trong đời sống Giáo hội. Còn về nhà truyền giáo, rõ ràng đời sống nội tâm là nhựa sống, nhựa luân lưu trong cây, làm nảy sinh hoa lá cành. Nếu không có nhựa cây, nếu không có đời sống nội tâm thì không có sứ mệnh. Chúng ta chỉ ở trong đời sống với các dự án của con người. Chúng ta sẽ vẫn như chiếc máy bay mắc kẹt trên đường băng.

Marta An Nguyễn dịch

Bài đọc thêm: Ngày Thánh Têrêxa Lisiơ mở đầu cuộc cách mạng thiêng liêng