Đối diện với các vụ lạm dụng tình dục, làm thế nào để Giáo hội đào tạo các linh mục tương lai

537

Đối diện với các vụ lạm dụng tình dục, làm thế nào để Giáo hội đào tạo các linh mục tương lai

lefigaro.fr, Guyonne de Montjou (bài viết) và Axelle de Russé (hình ảnh), 2021-10-01

Kẹt trong tình trạng xáo động, Giáo hội Pháp  tiếp tục thu hút những người trẻ muốn làm linh mục. Trong khi Ủy ban Độc lập về các vụ Lạm dụng tình dục trong Giáo hội Pháp, Ciase, đưa ra bản báo cáo vào ngày thứ ba 5 tháng 10, về các vụ tấn công tình dục trong Giáo hội từ bảy mươi năm nay. Báo Le Figaro đã đến Chủng viện quốc tế Ars-sur-Formans ở Ain để gặp những người được gọi này.

“Tình dục tràn ngập tất cả cuộc sống. Từ bỏ nó là dấu hiệu cho sự tồn tại của tôi.” Vừa chuyển tốc độ của chiếc xe Peugeot hơi bị móp của mình, lướt ngón tay vào tràng hạt bằng gỗ treo bức hình đen trắng của Cha xứ Ars, linh mục Roch Valentin trả lời các câu hỏi không được kín đáo lắm của chúng tôi. Nhận trách nhiệm từ tám năm nay để đào tạo hơn bốn mươi chủng sinh tuổi trong khoảng từ 20 đến 35 ở Bourgogne, linh mục Valentin rất thẳng thắn. Phải làm gì với ham muốn tình dục, với ức chế, với cô đơn với tình trạng độc thân khi một người trẻ chọn chức tư tế? “Ngày nay, tất cả những câu hỏi này không còn im lặng trong Giáo hội. Ngược lại, chúng tôi xử lý, linh mục Valetin nói khi quẹo xe hơi sát trên con đường quê hương xinh đẹp này. Đối với tôi, tình trạng cân bằng của chủng sinh là quan trọng. Chúng tôi canh chừng, để họ là những người đàn ông trọn vẹn, hạnh phúc trong cuộc đời.”

Lý tưởng của sự khiết tịnh

Ngồi trong tòa nhà với các cửa sổ lớn ở tầng một, các “ứng sinh” tên họ được gọi ở đây, nói chuyện tự nhiên. Trong tuần tựu trường này, các chủng sinh kể cho nhau nghe kỷ niệm mùa hè của mình: đi trại hè dưới mưa, đạp xe đạp đi hành hương, hoặc phục vụ ở một giáo xứ hơi thất vọng, những mẫu chuyện râm ran làm buổi nói chuyện thêm đậm đà. Dĩ nhiên thỉnh thoảng họ nói những câu chuyện thân mật hơn, nói về mối nghi ngờ có thể đã len lỏi vào, những đấu tranh nội tâm họ phải đương đầu điểm tô cho con đường của họ. Ngay từ đầu họ kín đáo. Họ có đề cập những câu hỏi tế nhị với nhau hay với cha linh hướng tháp tùng họ, những vấn đề làm bận tâm, chẳng hạn các ham muốn, hoang tưởng hay nghiện ngập không?

Bà Marie-Rose Boodts, giáo sư và nhà tâm lý học lâm sàng làm việc ở chủng viện Paris từ mười mấy năm nay giải thích: “Trong thời gian sống ở chủng viện, có một số chủng sinh thanh thản với vấn đề sống độc thân và khiết tịnh, như một người đang ở giai đoạn đầu của  tình yêu. Họ được thúc đẩy bởi dấn thân này. Nhưng cũng như trong đời sống vợ chồng, những đấu tranh có thể nảy sinh ở các giai đoạn khác nhau trong cuộc đời. Các chàng trai này thường nuôi một lý tưởng rất mạnh. Nhưng thế giới ngày nay không tạo điều kiện thuận lợi cho sự dấn thân lâu dài, cũng như khiết tịnh trong các mối quan hệ. Sự lo lắng và sợ hãi của việc không đạt được lý tưởng này đòi hỏi họ phải làm việc trên tâm lý cá nhân. Đó là một hành trình, một công việc từng bước, mỗi người một khác. Nó mang lại hoa trái và tăng thêm tự do.” Trong suốt tám năm đào tạo, bất cứ lúc nào họ muốn, mỗi tuần họ có thể đến gặp một nhà tâm lý học mà họ lựa chọn. Khoản đầu tư quan trọng này vẫn còn nhỏ trong ngân sách trung bình 15.000 âu kim mỗi năm mà Giáo hội chi cho mỗi chủng sinh.

Thoải mái trong tình trạng của mình

Các chủng sinh chỉ mặc cổ cồn la-mã và mặc áo chùng sau thời gian dài được đào tạo về thiêng liêng, mục vụ, trí tuệ, cũng như tâm lý và nhân bản. Ở chủng viện Ars cũng như trên toàn nước Pháp, họ học Kinh Thánh, lịch sử Giáo hội, triết học, phụng vụ hoặc môn bí truyền học trong các phòng học nhỏ. Trong những năm gần đây, chương trình có thêm các buổi tư vấn hôn nhân, tâm lý, tình cảm và tình dục. Khủng hoảng của các vụ ấu dâm cũng được nói ở đó… Mọi linh mục dưới 80 tuổi đều đã trải qua.

115.000 chủng sinh hiện đang được đào tạo trên thế giới giống như những người sống sót sau vụ đắm tàu, họ vẫn còn hơi thở dù trải qua phong ba bão táp cực mạnh. Linh mục Émeric Colas des Francs chịu chức năm 1992 kể: “Một ngày nọ, tôi đang đi dạo ở Le Havre bên bờ biển. Tôi đi gần một nhóm nhỏ cũng đang đi dạo như tôi, một ông chỉ vào tôi và nói với con trai của ông: con nhìn này, chắc chắn đây là một linh mục ấu dâm. Lời nói này làm cho tôi bị sốc, nhưng nó khẳng định với tôi, tôi phải xứng đáng với chiếc áo linh mục của tôi.”

Trong quá trình đào tạo, các người trẻ này được tháp tùng chặt chẽ, họ có nguy cơ ở trong lồng. Một thanh niên 23 tuổi, mắt xanh, cựu kỹ sư và đam mê nhiếp ảnh nói: “Chúng tôi không có giờ để đọc báo, cũng không có giờ để điện thoại dông dài với người thân. Theo tôi, điều quan trọng là học cách sống với người khác, nơi chúng tôi đang ở.” Mỗi cuối tuần, họ đến một giáo xứ bên cạnh, sống hai ngày với cha xứ để học “nghề.” Các buổi thể thao hoặc chơi bóng đá giúp tiêu hao năng lượng dư thừa giữa những giờ học và đọc sách cô đơn.

Linh mục Patrick Clément, 39 tuổi, tân giám đốc chủng viện Ars cho biết: “Chỉ cần đọc mỗi ngày một giờ, trong một năm họ sẽ đọc xong toàn bộ Kinh thánh. Trong túi, điện thoại ở chế độ im lặng, và trong phòng, không có internet trong máy tính cá nhân. Sáu máy tập thể được truy cập tự do ở tầng hầm. “Bạn biết đó, ngày tháng trôi qua nhanh chóng. Sau bữa ăn tối, chúng tôi khuyên mọi người về phòng. Phương pháp ở đây là nhiệt tình: không có gì ràng buộc, tất cả là bằng tình yêu.”

Nhà tâm lý học Marie-Rose Boodts quan sát thế hệ mới: “Các chủng sinh trẻ đến gặp tôi để chữa chứng nghiện internet và ảnh hưởng của nó trên tự do nội tâm, sức khỏe và giấc ngủ.” Sau một lúc suy tư, bà tiếp tục nói với giọng bình thản: “Tình trạng nghiện của chúng ta ngày nay là do chúng ta gặp khó khăn trong việc phát triển đời sống nội tâm, khi sống trong cô độc, chúng ta rất bị tổn thương bởi những đòi hỏi vô tận của xã hội mạng.”

Cú sét ái tình

Dù cô đơn là một phần trong đời sống linh mục, nhưng suốt quá trình đào tạo, các chủng sinh sống đời sống cộng đoàn. Tính cách, các khuynh hướng, các hoạt động đều nói lên về mình dưới cái nhìn của các linh mục kinh nghiệm. Linh mục Valentin cười: “Chúng tôi không quan sát họ như trong phòng thí nghiệm, nếu không họ giống như con ốc sên khi chúng tôi đến gần, họ sẽ ‘co râu’ và tất cả các dấu hiệu sẽ biến mất. Ngược lại, với lòng nhân từ, chúng tôi cùng đồng hành với họ, giúp họ tiến lên và phát hiện những điểm yếu của họ.”

Rất nhiều người bỏ chủng viện nửa chừng. Linh mục Valentin tin chắc: “Họ trở về đời sống bình thường tốt hơn trước.” Một linh mục đào tạo kể: “Trong thời gian cách ly, một nhóm thanh niên đến phục vụ nhà thờ và làm việc trực tuyến ở chủng viện Ars. Có các cô và các thanh niên ngoài hai mươi tuổi. Các chủng sinh của chúng tôi chia sẻ những khoảnh khắc với họ. Cuối cùng, một trong các nữ sinh viên nhẹ nhàng cho chúng tôi biết, có một chủng sinh phải lòng cô. Cú sét ái tình chăng?! Đó là cuộc sống. Một buổi nói chuyện với ứng sinh của chúng tôi sau sự việc này giúp anh phân định ơn gọi thực sự của mình. Và như thế là hữu ích.”

Người chủng sinh của thế kỷ 21 chú ý hơn đến những chuyển động nội tâm, sự kích động, thách thức, đặt lại vấn đề, thậm chí cả những thu hút đồng tính. Họ vừa được bảo vệ khỏi thế gian, vừa được huấn luyện để đi vào thế gian. Linh mục Eila Mouannes, người Lebanon sống bậc sống độc thân dù linh mục thuộc Giáo hội Đông phương được phép lập gia đình, ngài kể: “Tôi đã gặp nhiều cám dỗ, nhất là trong thời gian ở chủng viện và những năm đầu linh mục. Một phụ nữ Ý gọi tôi ở giáo xứ của tôi vài năm sau đó. Cha viện trưởng khuyên tôi tránh gặp phụ nữ này để không bị bà lôi cuốn.”

“Nếu một chủng sinh nói với tôi, anh không có một thích thú nào với phụ nữ, tôi sẽ gởi anh về nhà ngay lập tức, linh mục Valentin vừa nói vừa đưa mắt nhìn về nóc chuông nhà thờ của cha. Tôi nghĩ bây giờ tôi đã bước qua cột mốc quan trọng. Tôi đã 50 tuổi, mọi thứ êm đềm. Tôi cảm thấy gần như bình thường hơn, tôi bình yên với việc này.” Các linh mục lớn tuổi thoải mái khi nói về cuộc đấu tranh khiết tịnh của họ hơn, một trong các linh mục tâm sự: “Một ngày nọ, tôi hiểu tình dục hoạt động theo các ngưỡng. Có những thời điểm rất đau đớn và khó khăn. Chúng dày xé chúng tôi như con quỷ. Phải cầu nguyện rất nhiều và dâng sự hụt hẫng của mình cho Chúa. Sống đời sống kitô là hy sinh. Hôm nay, tôi cảm thấy tự do hơn nhiều so với một người vẫn còn bị nô lệ cho bản năng của mình.”

Vào thời điểm số ứng sinh giảm sút quá mạnh, khi chỉ có 415.000 linh mục làm việc trên thế giới cho 1,3 tỷ người Công giáo, chúng ta có thể nghĩ Giáo hội nên nới lỏng các tiêu chuẩn tuyển chọn và ít nhìn đến các xu hướng và các điểm yếu của nhau. Cuối cùng, vì sự xói mòn ơn gọi này cọng thêm khủng hoảng của thể chế, nên mọi sự đảo ngược.

Ở chủng viện Ars, không ai trong số những người trẻ chúng tôi phỏng vấn có bất kỳ một nghi ngờ nào về hiệu năng của bậc sống độc thân của họ. Ý nghĩa của bậc sống này được liên kết trực tiếp với các bí tích mà họ sẽ cử hành, một khi họ là linh mục, bắt đầu với bí tích Thánh Thể đòi hỏi họ phục vụ hoàn toàn.  Cụm từ thường xuất hiện trong lời nói của họ là “hiến mạng sống mình”, một cụm từ mà những người không tin sẽ rất khó hiểu. Linh mục Patrick Clément giải thích: “Giống như cách mà các cặp đính hôn vui mừng hứa chung thủy với nhau trong hôn nhân, người chủng sinh cũng tràn đầy niềm vui khi dâng trọn cuộc đời mình cho Chúa. Chúng ta được tạo nên để hoàn toàn cống hiến.”

Tình cảm trưởng thành

Dù Đức Phanxicô đã nói rõ ràng, không có việc các linh mục kết hôn, nhưng xã hội vẫn tiếp tục tranh luận về chủ đề này, đảm bảo rằng một linh mục lập gia đình sẽ ít có khả năng mắc chứng ấu dâm hơn người độc thân, hoặc ít bị cám dỗ hơn. Tất cả những điều này vẫn còn phải được chứng minh. Năm 2020, Đức Bênêđictô XVI đã xin Giáo hội “không bị ấn tượng” bởi “những lời van xin tồi tệ, dàn dựng sân khấu cho những lời nói dối ma quỷ, những lỗi thời trang muốn làm giảm giá trị bậc sống độc thân của linh mục”. Liệu viễn cảnh sống độc thân suốt đời có ngăn cản một số ứng sinh chức tư tế không?

“Chắc chắn, và đó là vấn đề chúng tôi phải đối diện. Độc thân, cô đơn, từ bỏ tình phụ tử có thể là những khó khăn. Lựa chọn những điều này một cách có chủ ý, vào thời buổi mà trẻ con đòi hỏi rất nhiều quyền, có thể bị xem như chủ trương khổ dâm. Ngày nay, hầu hết các chủng sinh đều có bằng tốt nghiệp ngoài đời và đã hành nghề trước khi vào chủng viện. Nhà tâm lý học Marie-Rose Boodts nhấn mạnh, họ đã đương đầu với thế giới này. Đó là những ơn gọi đã qua sàng lọc của cuộc đời, và các nhà đào tạo rất chú ý đến sự trưởng thành về mặt tình cảm của các chủng sinh. Công việc của tôi với họ là để kiểm xem, có phải họ chọn con đường linh mục đơn giản chỉ vì họ sợ tình dục, sợ gần gũi mật thiết, sợ mối quan hệ với phụ nữ, hoặc họ có các vấn đề khác về tình dục không.” Tình trạng độc thân của các linh mục đã được thử thách qua mười thế kỷ, mở ra một con đường khác, và qua đó đề xuất tương đối hóa tính tuyệt đối tình dục đang ngự trị trong xã hội.

Nhìn 25 chàng trai cao to này, thật khó để phân biệt họ với những sinh viên bình thường khác. Nhưng họ tạo một ấn tượng, họ có sự tập trung bay lơ lửng trong không khí. Ánh mắt của họ không chạy trốn và cử chỉ của họ như được cân đo. Họ nói chuyện với nhau từ một khoảng cách vật lý tạo thành một vòng kết nối mở, ở đó không ai bị loại trừ. Họ trông giống như những hành khách của một đoàn tàu, được phóng về cùng một hướng. Nhóm không đồng nhất của họ đôi khi giống như tình anh em trong quân đội, tình đồng chí mà một thử thách chung gắn kết họ lại với nhau. Anh Chris cười: “Trong thời gian tôi về nghỉ hè để bắt đầu năm thứ ba ở chủng viện, tôi nhớ đời sống anh em ở đây.”

Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch

Bài đọc thêm: 1950-1980, những năm đen tối của tình trạng lạm dụng tình dục trong Giáo hội Pháp

Đức Phanxicô bày tỏ “nỗi đau vô biên” của ngài trước các vụ lạm dụng ở Pháp

Có 330.000 nạn nhân của các vụ lạm dụng tình dục trong Giáo hội Pháp

“Ở nhiều quốc gia, chúng tôi không muốn bôi bẩn Giáo hội”

Năm con số quan trọng của báo cáo Ciase về lạm dụng tình dục trong Giáo hội công giáo

Những điểm cần ghi nhớ từ báo cáo của Ủy ban Độc lập về các vụ Lạm dụng tình dục trong Giáo hội Pháp