Thế hệ kỷ nguyên 2000 và lòng tin

97

Thế hệ kỷ nguyên 2000 và lòng tin

Jessica Roy

le-verbe.com, Lamphone Phonevilay, 2021-08-21

Trong vài năm qua, những người trẻ thế hệ đầu kỷ nguyên 2000 thường xuất hiện trên báo chí. Theo Trung tâm Nghiên cứu Pew, họ là những người sinh từ năm 1981 đến năm 1996, kể từ năm 2019, trên kỹ thuật số, thế hệ này đã thay thế cho thế hệ Thế hệ baby-boomer ở Mỹ. Họ thường được xem là những người thách thức các chuẩn mực và quy ước đã thiết lập, như thế những người trẻ của đầu kỷ nguyên 2000 sẽ đánh giá đức tin của họ như thế nào? Ba người trẻ của thế hệ này đồng ý chia sẻ kinh nghiệm của mình.

Bây giờ họ ở độ tuổi từ 25 đến 40, thế hệ này là lực lượng nhân khẩu học không thể phủ nhận, họ biết cách dành vị trí của mình trong xã hội.

Về mặt tôn giáo, cuộc thăm dò Léger cho biết, ở Canada chỉ có 26% thế hệ kỷ nguyên 2000 tuân thủ các chuẩn mực và giá trị của một tôn giáo. Dù thiểu số, nhưng vẫn có những người có lòng tin và “giữ đạo”.

Vậy họ là ai?

Ba chân dung

Marie-Anne Giannatos

Marie-Anne Giannatos, 37 tuổi, xuất thân từ gia đình có đức tin nhưng không thực hành. Cô đã trở lại ở một nhà thờ trong chuyến đi Assisi: “Một khi vào bên trong nhà thờ, tôi cảm thấy như thời gian đứng yên. Tôi không biết chuyện gì xảy ra. Tôi cảm thấy thật lạ, cứ như thể tôi tràn ngập tình yêu.” Sau kinh nghiệm thiêng liêng này, khi về, cô liên lạc với giáo xứ của mình và cô thêm sức khi cô 28 tuổi.

Cô là ca sĩ kiêm nhạc sĩ, thỉnh thoảng cô tổ chức các buổi hòa nhạc ở Place des Arts, Montréal. Cô đã phát hành hai đĩa CD và phần lớn các bài hát của cô đều liên quan đến tín ngưỡng.

Jessica Roy

Jessica Roy, 32 tuổi, cũng xuất thân từ gia đình có đức tin nhưng ít thực hành. Với cô, kinh nghiệm đi núi đã làm cho cô mở lòng ra với Chúa. Cô là nhà kế toán, nhà leo núi dày dạn kinh nghiệm, cô người gốc Québec nhưng từ năm 2018 cô sống ở Hoa Kỳ, mỗi chuyến leo núi của cô đích thực là một kinh nghiệm thiêng liêng.

Một ngày nọ, cùng với người hướng dẫn địa phương, cô leo lên Núi Imja Tse, cao hơn 6.000 mét ở dãy Himalaya. “Tôi cảm thấy rất gần Chúa nhân lành! Tôi ở trên đám mây, bao quanh tôi là những ngọn núi cao nhất thế giới. Tôi cảm thấy có một cái gì đó thực sự mạnh. Nó đã thay đổi tôi hoàn toàn.”

Lê Minh Nhật

Lê Minh Nhật xuất thân từ gia đình giữ đạo sốt sắng. Nhật 31 tuổi, cha mẹ là người Việt, anh sinh ra tại thành phố Montréal, anh làm việc trong lĩnh vực kỹ thuật số và công nghệ. Đam mê khoa biện giáo và tích cực trên mạng xã hội, anh thích xem các YouTube của Giáo hội Hoa Kỳ sản xuất:

“Tôi lấy “hình mẫu” của tôi trong thế giới anglo-saxon. Họ là những người đã làm cho tôi thích thú đào sâu đức tin một cách thần học hơn.”

Một tinh thần cởi mở lớn lao

Các bạn trẻ của thế hệ kỷ nguyên 2000 này có một tinh thần cởi mở rất lớn, họ lớn lên trong một thế giới được đánh dấu bởi Internet và sống trong một xã hội đề cao sự đa dạng.

Sự cởi mở này ảnh hưởng trên việc đi tìm tôn giáo và quan hệ của họ với đức tin.

Ví dụ, trước khi chọn kitô giáo, cô Marie-Anne đi du lịch rất nhiều, cô muốn tìm hiểu các linh đạo Á châu. Còn Jessica có hai nhóm bạn có khuynh hướng rất khác nhau, nhưng cô không phải chỉ chơi với những người có lòng tin: “Thứ bảy, tôi dành thì giờ với bạn đồng nghiệp ở sở. Chúa nhật tôi gặp bạn ở nhà thờ.” Còn Nhật thì thỉnh thoảng đi dự các buổi hòa nhạc pop-ca tụng của… tin lành!

Một mối quan hệ êm dịu với giáo lý công giáo

Sự cởi mở tinh thần này không làm mất bản sắc công giáo của họ. Dù không nhất thiết tuân theo giáo huấn của Giáo hội, nhưng dường như họ không chống lại. Cô Marie-Anne nhấn mạnh: “Tôi không chống lại giáo huấn. Tôi hiểu Giáo hội tìm những điều tốt nhất cho chúng tôi.”

Còn theo anh Minh Nhật, nếu mình yêu Chúa Kitô thì mình cũng yêu Giáo hội: “Tôi luôn trung thành với Giáo hội, dù đôi khi có những điều tôi không hiểu. Khi mình bị đau, mình phải tin tưởng vào bác sĩ của mình vì ông chăm sóc mình.”

Còn Jessica thú nhận, không dễ để theo giáo lý của Giáo hội về mọi mặt: “Tôi thấy những người triệt để theo giáo huấn của Giáo hội thật hay, họ hoàn toàn trung tín và họ có một đức tin vững mạnh. Nhưng chúng ta sống trong một thế giới mà học thuyết không phải lúc nào cũng dễ áp dụng. Đó là lý do vì sao tôi phân biệt quy tắc với ứng dụng. Nếu ý định của tôi trong sáng, tôi có thể an bình với thực tế, rằng không phải lúc nào tôi cũng hoàn toàn tuân theo quy tắc.”

 Quan tâm đến việc truyền tải

Mối quan hệ êm dịu của ba người này với giáo huấn của Giáo hội, có thể tương phản với quan hệ của các thế hệ đi trước họ, do đức tin công giáo của họ không bị ép buộc.

Trên thực tế, sức mạnh đức tin của họ có thể là câu trả lời cho một thiếu hụt thông báo khi trao truyền tôn giáo mà họ cảm thấy họ đã phải trả giá. Anh Minh Nhật nói: “Những người trẻ thuộc thế hệ thiên niên kỷ chúng tôi ít biết về đức tin, vì thế hệ đi trước chúng tôi cũng đã không được phúc âm hóa, nên đã làm cho chúng tôi có một khái niệm mơ hồ về đức tin!” Cô Jessica thú nhận: “Ở nhà, chúng tôi không nghe nói về tôn giáo. Có lẽ mẹ tôi không cảm thấy thoải mái khi nói về tôn giáo.”

Còn cô Marie-Anne thì nhờ gương của cô, mẹ cô bắt đầu đi nhà thờ lại: “Tôi mời mẹ tôi đi nhà thờ vài lần. Và cuối cùng, mẹ tôi cảm thấy mong muốn về lại với nhà thờ.”

“Tôi thấy thật tuyệt khi đi dạy giáo lý cho trẻ em, vì trẻ em sẽ thấy, mình có thể vừa là tín hữu kitô, vừa có đức tin và vừa… cool!” – Jessica

Ngoài việc thường xuyên đi lễ, ba người trẻ chúng tôi phỏng vấn, tất cả đều tham gia vào sinh hoạt giáo xứ: dạy giáo lý cho trẻ em, sinh hoạt với các nhóm trẻ, giúp chuẩn bị các bí tích..v.v. Họ xem việc làm chứng cho đức tin của mình trong một xã hội rất thế tục hóa là điều cần thiết.

Cô Jessica nói: “Tôi thấy thật tuyệt khi đi dạy giáo lý cho trẻ em, vì trẻ em sẽ thấy, mình có thể vừa là tín hữu kitô, vừa có đức tin và vừa… cool!”

Còn Minh Nhật thì nhấn mạnh: “Tôi ước tôi có thể đi truyền giáo và giúp các thế hệ sau để đến lượt họ, họ cũng đi truyền giáo. Đó là mục đích của tôi. Tôi quan tâm đến việc trao truyền vì hiện nay, đúng là không có trao truyền nào!”

Đối với họ, làm chứng cho đức tin của mình cũng là một cố gắng vượt lên khoảng trống hiện sinh mà họ nghĩ khoảng trống này ảnh hưởng đến thế hệ của họ một cách cụ thể.

Cô Anne-Marie nói: “Tôi nghĩ thế hệ của kỷ nguyên 2000 đang ở trong cuộc khủng hoảng hiện sinh so với các thế hệ khác. Thế hệ cha mẹ baby-boomer của chúng tôi là một trong những thế hệ đầu tiên bác bỏ tôn giáo. Họ muốn để lại cho con cái của họ sự tự do tuyệt đối. Nhưng tôi nghĩ họ đã để lại một loại hoang mang nào đó, một khoảng trống trong con cái họ. Chúng tôi có cảm tưởng như bây giờ chúng tôi có quá nhiều lựa chọn, nên thật khó để có một quyết định trong cuộc sống.”

Minh Nhật cho biết thêm: “Ngày nay có quá nhiều thuyết tương đối, nên đôi khi làm chúng tôi mất các điểm chuẩn trong cuộc sống.”

Một đức tin được nuôi dưỡng bằng trí tuệ

Đối với các bạn trẻ này, việc nuôi dưỡng đức tin một cách trí tuệ là điều cơ bản. Bởi vì theo họ, quan trọng là mình phải hiểu những gì mình tin. Đó là lý do vì sao họ đọc rất nhiều và liên tục tìm kiếm các tài liệu mới trên web để giúp họ. Internet thực sự là một công cụ không thể thiếu cho đức tin của họ.

Cô Jessica ghi nhận: “Thế hệ kỷ nguyên 2000 của chúng tôi, chúng tôi đến với kiến thức của mình và với khả năng tiếp cận thông tin của chúng tôi. Nó làm cho đức tin của chúng tôi trở nên rất mạnh. Chúng tôi hiểu rõ đức tin của mình mà có thể thế hệ baby-boomer đã không làm được.”

Còn với Minh Nhật, việc anh bị cuốn hút vào khoa biện giáo là một cách để anh thỏa cơn khát kiến thức của mình: “Điều tôi yêu thích ở khoa biện giáo là nó thực sự làm cho đức tin của tôi được vững mạnh. Chẳng hạn, tôi không biết sự sống lại của Chúa Giêsu là sự sống lại thể lý! Vì vậy, tôi nghiên cứu các biện giáo ủng hộ và chống lại, và bây giờ tôi có thêm can đảm để đi truyền giáo, bởi vì tôi biết mình đang nói về điều gì!”

Đức tin trưởng thành

 Mặc dù họ là những người trẻ tuổi, nhưng họ có một đức tin trưởng thành đáng ngạc nhiên.

Minh Nhật rất tích cực sinh hoạt với các bạn trẻ Việt Nam. Cô Jessica và Marie-Anne mới đầu nghĩ đến đời sống tu trì nhưng sau đó các cô chọn kết hôn. Cả ba đều hiểu, không nhất thiết phải vào dòng mới sống trọn vẹn là tín hữu kitô. Cô Anne-Marie nhấn mạnh: “Điều thu hút tôi vào đời sống tu trì là ý tưởng dâng trọn vẹn đời tôi cho Chúa. Nhưng bây giờ tôi biết, bất kỳ ơn gọi của chúng ta là gì, chúng ta đều được mời gọi đến với đỉnh cao của tình yêu. Tôi cố gắng dem mọi thứ về với tình yêu.”

Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch

Lamphone Phonevilay, tu sĩ Dòng Đa Minh, học thần học tại Đại học Montréal và xã hội học tại EHESS ở Paris. Hiện tu sĩ đang làm luận án tiến sĩ về thần học thiêng liêng Thánh Catherine Siena tại Đại học Đa Minh ở Ottawa.