lalibre.be, Bosco d’Otreppe, 2021-08-13
Như những trái tim nóng bỏng (Comme des cœurs brûlants). Ở tuổi ba mươi, nữ tác giả kiêm nhà báo người Pháp Alexia Vidot đã kể lại câu chuyện thú vị chuyện cô trở lại đạo công giáo vào một ngày mùa đông ở vùng núi tuyết nước Pháp cách đây 12 năm. Để hiểu rõ hơn, phản ánh và làm sâu đậm đức tin – chữ mà ngày nay chúng ta rất khó hiểu, cô giải thích trên kênh France 5 -, cô đưa ra chân dung của 8 người trở lại của thế kỷ 20, ở những chân trời đa dạng như Rwanda, Nhật Bản, Nga hoặc Hoa Kỳ. Ở đó, chúng ta gặp những cuộc đời đầy bất ngờ và trọn vẹn của nghệ sĩ Geneviève Gallois, nhà cách mạng Dorothy Day, hay nhà khoa học Takashi Nagai. Câu văn rõ ràng và cân đối, con đường mà tác giả Alexia Vidot vạch ra là tận căn, là yêu thương, thậm chí còn nhiều hơn.
Chuyện gì đã xảy ra vào ngày 12 tháng 2 năm 2008?
Alexia Vidot: Khi đó tôi 20 tuổi, tôi là sinh viên trường Khoa học Chính trị Paris. Ngược với nhiều người ngày nay, tôi không nhận thức là phải đi tìm cho đời mình một ý nghĩa hay một đời sống thiêng liêng. Nhưng tôi cần thinh lặng, cần rời thành phố, cần xa những mời mọc khuyến dụ và sự ồn ào của nó. Hai cô bạn thời trung học bán cho tôi “phiếu đi nghỉ trên núi” trong một tu viện, nơi các cô nói ở đây không bắt buộc phải đi lễ. Đối với một nữ sinh viên, đó là lý tưởng và tôi tự nhủ “tại sao không.” Tôi điện thoại cho các sơ và tôi cho biết, tôi không đến tu viện để cầu nguyện, tôi còn chưa rửa tội. Các sơ nói: “Đến đây, chúng tôi chờ cô.”
Và chuyện gì đã đổi ngược đời sống của cô ở đó?
Trước hết tôi được đánh động bởi phong cảnh nên thơ của vùng này, nơi có những ngọn núi cao vút, nơi tĩnh lặng được tăng nhờ tuyết phủ. Rồi, ngay buổi tối đầu tiên, qua cái nhìn, qua sự quan tâm và lắng nghe nhân từ của một nữ tu. Nhưng động cơ thực sự là khi tôi nhận ra tình yêu của Chúa dành cho tôi. Tôi nhận ra Ngài là người yêu tôi, Alexia, với một tình yêu duy nhất và đặc biệt. Như Đức Bênêđictô XVI đã nói, “chúng ta không phải là sản phẩm ngẫu nhiên và vô nghĩa của một quá trình tiến hóa. Mỗi người chúng ta đều được mong muốn, đều được yêu thương, mỗi người chúng ta là cần thiết”. Tôi cảm nhận điều này trong tận xương thịt của tôi, và sự khai thị này đã làm cho tôi choáng ngợp.
Cú ‘clic’ này có phải là điểm chung của tất cả các vụ trở lại không?
Có. Tất cả các cuộc trở lại đều khác nhau, nhưng tất cả đều có điểm chung là nhận thức –một cách không chống đỡ được, chúng ta có giá dưới mắt Chúa. Một lần nữa, Đức Bênêđíctô XVI nhắc lại, “gốc ngọn của sự kiện chúng ta là tín hữu kitô không phải là một quyết định đạo đức hay một ý tưởng vĩ đại, nhưng là sự gặp gỡ với một sự kiện, với một Đấng mang lại cho cuộc sống một chân trời mới và từ đó là một định hướng quyết định cho cuộc sống”. Đó đích thực là những gì tôi đã sống.
Cô cảm nghiệm sự trở lại này như thế nào? Làm thế nào để đảm bảo đây không phải là ảo tưởng, một cái nạng tâm lý, một loại tuyên truyền?
Đây là cả một tiến trình điều chỉnh liên tiếp, đặc biệt là nơi người có tâm hồn dày vò và lo lắng như tôi. Lúc đầu, tôi hoàn toàn choáng váng trước sự trở lại bất ngờ này. Còn cha mẹ tôi thì rất lo lắng, họ sợ tôi rơi vào tà phái. Rồi thời gian sấm sét đầu tiên dần dần nhường chỗ cho một tình yêu ít nồng nàn hơn, nhưng sâu đậm hơn, chân thật hơn, được tôi luyện trong lòng trung tín, bị cạo sạch bởi thực tế của cuộc sống. Thật ra, đời sống đức tin của tôi cũng có những diễn biến giống như tình bạn hay tình yêu của con người: đó là cuộc gặp gỡ giữa hai thực thể tự do, tự do của Chúa và tự do của tôi. Vì thế cũng có những lúc thăng trầm, nhưng tôi quan sát thấy, điều này xảy ra một cách có hệ thống khi tôi ít cầu nguyện, ít đọc Kinh Thánh, ít đi lễ, tôi tự cắt đứt mối quan hệ này.
Vì sao cô cũng quay về với những gì Giáo hội nói? Có phải sự trở lại này trước hết là khám phá một năng lượng quan trọng hay nền tảng không? Chính xác có phải là Thiên Chúa của người công giáo mà cô gặp không?
Đúng, đó là Chúa của Giáo hội công giáo chỉ cho tôi. Điều này có thể là một cái gì khác chăng? Có thể, nhưng thực tế là vậy.
Rất nhiều người ngày nay thích sống đời sống đức tin ngoài Giáo hội hay thể chế. Theo Giáo hội có hạn chế quyền tự do của cô hay cô có một hành trình cá nhân cho mình?
Không, tôi tin chắc Giáo hội làm cho tôi tự do hơn. Chúng ta không sống đời sống tín hữu kitô một mình, chúng ta cần người khác, cần một cộng đồng soi sáng cho chúng ta, cưu mang chúng ta, nơi chúng ta sống hiệp thông với các thánh và với người có tội. Nhà báo người Mỹ, bà Dorothy Day (1897-1980) đã giúp tôi hiểu rõ hơn điều này. Những bước đầu tiên khi bà rửa tội rất đau đớn, vì bà không thể dung hòa hoạt động chính trị, bảo vệ công bằng xã hội với tư cách thành viên của mình trong Giáo hội, mà theo bà có vẻ như Giáo hội dửng dưng với số phận của người lao động. Nhưng thể chế mà bà không thấy mình ở trong đó và thường là “chướng mắt” dưới mắt bà, nhưng bà đã yêu thương Giáo hội bất chấp tất cả vì Giáo hội là để “Chúa hiển hiện” với bà. Bà Dorothy đồng ý “sống trong tình trạng thất vọng vĩnh viễn với Giáo hội.” Và tôi cũng vậy! Giáo hội giống như một gia đình: đầy rẫy những mảng tối, những lỗi lầm, những tổn thương nhưng chúng ta yêu mến Giáo hội và Giáo hội giúp chúng ta lớn lên.
Vì sao không có nhiều cuộc trở lại hơn? Chúa có dè sẻn quá không? Có phải con người không còn biết nghe tiếng Chúa? Hay các cuộc trở lại đi theo những con đường khác: thiền, yoga, các linh đạo khác?
Chúa không ngừng đến gặp chúng ta. Không phải tất cả các con đường đều dẫn đến Ngài, nhưng Ngài dùng tất cả các con đường để đến gặp chúng ta. Con người đi đâu, Chúa đi theo. Ngài còn đi trước, Ngài chờ với hai tay rộng mở. Ngài không bao giờ mệt mỏi, không bao giờ thất vọng. Từ bao nhiêu thế kỷ nay, Ngài là người hành khất, Ngài gõ cánh cửa tự do của con người, Ngài không bao giờ ép buộc. Vì thế mọi thách thức là phải nghe tiếng nói của Ngài, và chúng ta phải nhận ra, ở thời đại tương đối hóa này, con người tự hào với chính mình, đi theo chủ nghĩa khoái lạc, chủ nghĩa duy vật thì chúng ta khó lắng nghe tiếng nói này, khó để sẵn sàng với tiếng nói của Chúa. Nhà văn Georges Bernanos đã viết năm 1946: “Chúng ta hoàn toàn không hiểu gì về nền văn minh hiện đại, nếu chúng ta không thừa nhận rằng, trước hết đó là âm mưu phổ quát chống lại tất cả các loại đời sống nội tâm”.
Trong tác phẩm của cô, cũng như trong câu chuyện ”Ân sủng”, tiểu thuyết gia Thibault de Montaigu đã kể câu chuyện trở lại của ông năm vừa qua, người ta nhận ra, bước đầu của sự trở lại này không phải là dòng sông dài yên ả. Điều đó có mâu thuẫn không, khi cô có kinh nghiệm của một Chúa muốn hạnh phúc của con người vượt lên trên mọi điều ác?
Chúng ta phải đọc lại các bức thư trao đổi giữa nhà thơ Paul Claudel và nhà văn học Jacques Rivière. Ông Rivière lo sợ tôn giáo sẽ báo hiệu “hồi kết của việc đi tìm đấu tranh”, rằng nó sẽ là một điều dễ dàng. Còn nhà thơ Pháp Paul Claudel, người trở lại ở nhà thờ Đức Bà, đã viết những trang rất mạnh để nói với bạn mình, rằng điều đó hoàn toàn ngược lại. Ông viết: “Ngày mà bạn nhận Chúa trong lòng… thì đó là men vĩ đại làm bùng nổ tất cả các bình, đó sẽ là cuộc đấu tranh, cuộc đấu tranh chống lại những đam mê, cuộc đấu tranh chống lại bóng tối của tâm trí. Đó là toàn bộ cuộc đấu tranh của đức tin, cuộc chiến nội tâm giữa kẻ có tội không muốn chết và ‘sinh vật mới’ đang đấu tranh để được sinh ra. Vì vậy, sự trở lại là điểm khởi đầu – chứ không phải là điểm kết thúc – của một cuộc phiêu lưu gay go, mà mục tiêu là hiến cho Chúa Kitô từng sớ thịt của mình. Trên con đường này, chúng ta không bao giờ đến. Ghi vào ô cho mình là tín hữu kitô là không đủ. Chính theo nghĩa này mà nhà văn Charles Péguy đã viết, “có một loại tâm hồn còn quá tệ, tệ hơn cả đồi trụy, đó là tâm hồn theo thói quen” Có nghĩa là tâm hồn tự mãn, yên thân, ngủ yên.
Người tín hữu kitô không đặt mình ra ngoài thế giới, chúng tôi thấy điều này qua các câu chuyện trở lại cô mô tả: nghệ sĩ, nhà khoa học, nhà báo… không thay đổi cuộc sống của họ. Nhưng làm thế nào để hiểu câu nói khó hiểu của Chúa Giêsu “ở trong thế gian, nhưng không thuộc về thế gian?”
Thánh Phaolô đã nói về điều này rất hay. Người tín hữu kitô hoàn toàn ở trong thế gian, họ được kêu gọi để yêu thế gian, nói ngôn ngữ của thế gian, ngồi giữa mọi người – như Chúa Giêsu – nhưng cũng để làm chứng cho đức tin của mình, cho tình yêu này mà Chúa dành cho loài người và trong tình yêu này, họ tin. Linh mục Maxence Bertrand viết: “Người tín hữu kitô được mời gọi mang công lý cho Caesar nhưng vẫn vinh danh Thiên Chúa”, linh mục viết trong một khảo luận nhỏ tuyệt vời vừa xuất bản có tựa đề Thiên Chúa hay thế gian? (Dieu ou le monde? Nxb. Cerf). Người tín hữu kitô phải là đại sứ của Chúa, bằng cách có được thái độ nội tâm của chính Chúa Giêsu.
Người công giáo mừng ngày Đức Mẹ Lên Trời 15 tháng 8. Đối với người tín hữu, Mẹ Maria là ai? Đôi khi người ta nói đó là một nữ thần…
Chính xác, Mẹ Maria sống trọn vẹn thái độ nội tâm của lòng thương xót, của tình yêu, của đức tin mà Chúa Giêsu mời gọi chúng ta. Đến mức người công giáo tin rằng, Mẹ sống tâm hồn và thể xác gần với Chúa nhất, ở trong chính Thiên Chúa Ba Ngôi. Với tước hiệu này, chúng ta có thể giao phó hết cho Mẹ: Mẹ làm huy hoàng các lời cầu nguyện vụng về nhất của chúng ta, mang những lời cầu nguyện này đến với Chúa Giêsu. Đó là Mẹ Maria ở tiệc cưới Cana trong Tân ước, đây là đoạn tôi đặc biệt thích: Mẹ canh chừng và báo cho con mình chủ nhà đã hết rượu. Đối với tôi, Mẹ Maria là người mẹ luôn chăm sóc tôi, quan tâm đến mọi nhu cầu của tôi.
“Như những trái tim nóng bỏng” (Comme des cœurs brûlants, Alexia Vidot, nxb. Artège, 2021,)
Marta An Nguyễn dịch