Bầm dập và tổn thương – Hiểu về tự tử

282

Bầm dập và tổn thương – Hiểu về tự tử

07Ronald Rolheiser, 2021-07-18

Có chuyện cần phải nói, nói đi nói lại cho đến khi không cần nói nữa. Nữ thi sĩ Canada Margaret Atwood đã viết như thế. Tôi trích lại câu này vì năm nào tôi cũng viết một bài về tự tử, và hầu như lần nào cũng nói một điều như nhau, bởi vì có những chuyện cần được nói đi nói lại về tự tử cho đến khi chúng ta hiểu hơn về nó.

Chuyện gì cần được nói đi nói lại?

  1. Trước hết, tự tử là một căn bệnh, một thứ mà trong hầu hết trường hợp đẩy con người ra khỏi cuộc sống này, ngược với ý muốn của họ, một căn bệnh cảm xúc tương đương như ung thư, đột quỵ.
  2. Thứ hai, là chúng ta, những người bị bỏ lại trên đời, không nên dành thời gian và sức lực thái quá để đoán già đoán non xem chúng ta đã phụ lòng người đó như thế nào, lẽ ra chúng ta phải để ý thấy gì và lẽ ra chúng ta đã làm được gì để ngăn chuyện tự tử. Tự tử là một căn bệnh, và như với các căn bệnh thuần thể lý, chúng ta có thể yêu thương người đó vô cùng nhưng vẫn không thể nào cứu được người đó khỏi cái chết. Thiên Chúa cũng yêu thương người đó và Ngài cũng chia sẻ sự bất lực cùng chúng ta trong việc cố giúp người đó.
  3. Chúng ta cần hiểu thêm về sức khỏe tâm thần. Sự thật, không phải ai cũng có một nội tâm đủ mạnh để giúp họ duy trì sự hăng hái và ổn định. Sức khỏe tâm thần cũng tương đương với sức khỏe thể lý, có thể yếu ớt và không hoàn toàn trong tầm kiểm soát của người ta. Hơn nữa, cũng như các bệnh tiểu đường, thấp khớp, đột quỵ, xơ cứng teo cơ một bên, và đa xơ cứng, vốn có thể gây suy nhược và tử vong, thì các chứng bệnh tâm thần cũng có sức tàn phá mạnh, cũng gây đủ loại suy nhược và có lúc là cái chết do tự tử.
  4. Vai trò tiềm tàng của sinh hóa trong tự tử cũng cần được khám phá thêm. Nếu một số chứng trầm cảm kèm xu hướng tự tử có thể trị được bằng thuốc, thì rõ ràng một số vụ tự tử là do sự khiếm khuyết về sinh hóa, cũng hệt như các căn bệnh khác đang giết chúng ta vậy.
  5. Gần như luôn là thế, người chết vì tự tử là người rất nhạy cảm. Tự tử hiếm khi là hành vi ngang ngược, như thể một hành động khinh dễ. Dĩ nhiên có những ví dụ về những người quá kiêu hãnh không chấp nhận sự may rủi bình thường và tự giết mình vì kiêu ngạo, nhưng đó là một dạng tự tử rất khác, không phải là dạng mà chúng ta thường gặp nơi những người thân yêu. Thường thì, với những người đã ra đi vì tự tử, chúng ta thấy nơi họ nhiều đặc điểm, nhưng kiêu ngạo thì không. Đúng hơn, họ là những người bị bầm dập quá đỗi và bị tổn thương một cách sâu sắc đến nỗi chúng ta không thể hiểu nổi hay giúp họ chữa lành nổi. Thật vậy, thường thì khi đã qua một thời gian, chúng ta nhìn lại sẽ hiểu được đôi chút về vết thương của họ, thấy đó không còn là chuyện bất ngờ đến vậy. Có sự phân biệt rõ ràng giữa bị bầm dập đến độ không thể sống tiếp tục trên đời và kiểu quá kiêu ngạo không thèm ở lại trong cuộc đời. Chỉ có kiểu thứ hai mới là một tuyên bố tinh thần, chê bỏ những tình cảm tiếc thương, và thách thức lòng nhân từ của Thiên Chúa.
  6. Tự tử thường là lời kêu cầu tuyệt vọng của một linh hồn đau khổ. Linh hồn có thể đưa ra những đòi hỏi đi ngược lại cơ thể, và tự tử thường là thế.
  7. Chúng ta cần phải biết tha thứ cho mình nếu chúng ta cảm thấy giận người thân yêu đã tự kết liễu cuộc đời mình theo cách đó. Đừng mang mặc cảm tội lỗi khi cảm thấy giận dữ, đó là chuyện tự nhiên, một phản ứng có thể hiểu được khi một người thân yêu chết vì tự tử.
  8. Chúng ta cần hành động để chuộc lại ký ức về những người thân yêu đã chết vì tự tử. Làm sao để cách họ chết không trở thành lăng kính để chúng ta nhìn cuộc đời họ. Đừng cất bỏ hình ảnh của họ, và cố gạt đi những câu chuyện về họ và cái chết của họ. Chúng ta đâu làm thế nếu họ chết vì ung thư hay đột quỵ. Thật khó khăn khi mất đi một người thân yêu vì tự tử, nhưng chúng ta cũng không được để mất đi sự thật và tình nồng ấm dành cho sự khổ sở của họ và ký ức về họ.
  9. Cuối cùng, chúng ta đừng lo Thiên Chúa sẽ phán xét thế nào đối với người thân yêu đó của chúng ta. Tình yêu của Thiên Chúa, không như tình yêu của chúng ta, có thể băng qua những cánh cửa đóng kín, xuống tận địa ngục, và ban bình an khi mà chúng ta không thể. Hầu hết những người chết vì tự tử, ở đời sau, tỉnh dậy thấy Chúa Kitô đã đứng trong cánh cửa đóng kín của họ, bên trong hỗn loạn của họ mà nhẹ nhàng bảo rằng, “Bình an ở cùng con!” Sự thông hiểu và tình thương của Thiên Chúa vượt xa của chúng ta vô hạn. Những người thân yêu đã chết của chúng ta đang ở trong một bàn tay an toàn hơn bàn tay chúng ta. Nếu chúng ta, với những giới hạn của mình, có thể vượt qua bi kịch này với sự thông hiểu và tình yêu, thì chúng ta có thể an tâm, rằng, với chiều sâu của tình yêu Thiên Chúa, những người đã chết vì tự tử khi qua đời sau sẽ gặp được một tình thương và thông hiểu sâu sắc và bao la hơn của chúng ta nữa.

Julian thành Norwich đã nói, “Đến cuối cùng, tất cả sẽ tốt đẹp, và tất cả sẽ tốt đẹp, và mọi hiện sinh sẽ tốt đẹp”. Sẽ như thế, kể cả sau khi tự tử. Thiên Chúa có thể và thật sự đi qua những cánh cửa đóng kín, thổi hơi bình an vào một trái tim bị giày vò, hỗn loạn.

J.B. Thái Hòa dịch

Bài đọc thêm: Tự tử và u sầu

Tự vẫn – đòi lại ký ức của người thân yêu