Hồng y Pietro Parolin: “Chúng ta không được sợ sự thật”

218

Hồng y Pietro Parolin: “Chúng ta không được sợ sự thật”

Hồng y Pietro Parolin trả lời cuộc phỏng vấn dài và độc quyền với báo La Croix về các mối quan hệ với Pháp, tình trạng thế tục, vai trò của người công giáo trong xã hội, các vụ lạm dụng tình dục, cải cách tài chánh tại Giáo triều. Ngài trả lời các câu hỏi của chúng tôi vài ngày sau chuyến thăm Alsace, nước Pháp.

la-croix.com, Loup Besmond de Senneville, phóng viên thường trực của báo La Croix tại Rôma, 2021-07-11

Hồng y Pietro Parolin ngày 14 tháng 2 năm 2020 tại Vatican. Evandro Inetti / Zuma / Rea

La Croix: Đức Phanxicô có đi Pháp không?

Hồng y Pietro Parolin: Tôi không biết. Có một dự trù. Ngài đã bày tỏ sự quan tâm của mình với Tổng thống Emmanuel Macron. Nhưng tôi không thể đưa ra một ngày. Tôi hy vọng điều này có thể thực hiện càng sớm càng tốt vì nước Pháp đáng được ngài đến thăm.

Từ một trăm năm nay, nước Pháp là đối tác ngoại giao của Tòa Thánh. Cha nghĩ gì về các quan hệ hiện nay giữa nước Pháp và Vatican?

Quan hệ giữa nước Pháp và Tòa Thánh luôn tích cực. Luôn có các cuộc tiếp xúc ở các cấp độ khác nhau, kể cả ở Rôma với Đại sứ quán Pháp tại Tòa thánh và với các các nhà cầm quyền Pháp. Tại Paris, ở văn phòng Thủ tướng luôn có các cuộc họp giữa các nhân viên chính phủ và tòa giám mục, đó là nơi có những cuộc thảo luận mang tính xây dựng.

Chúng tôi chia sẻ các mối quan tâm chung, chẳng hạn sinh thái đã trở thành chủ đề trọng tâm các hoạt động quốc tế của Tòa thánh, cũng như việc quản lý đại dịch. Nhưng chúng tôi cũng có một số khác biệt, như vấn đề giải trừ vũ khí hay năng lượng hạt nhân.

Trong vài ngày tới, Quốc hội sẽ tiếp tục xem xét luật tách biệt. Cha hiểu thế nào về tình trạng thế tục ở Pháp?

Đó là một chủ đề rất tế nhị ở Pháp. Thế tục ở Pháp có những đặc điểm không thể tìm thấy ở bất kỳ nơi nào khác, liên quan đến lịch sử của nước Pháp và đặc biệt là Cách mạng Pháp, nhưng cũng với các giai đoạn khác nhau trong lịch sử đã dẫn đến việc tách biệt các Giáo hội với Nhà nước, và đôi khi dẫn đến sự từ chối tôn giáo .

Tất cả những tình huống này đã để lại những dấu vết và góp phần gạt ra bên lề các chiều kích tôn giáo trong đời sống xã hội. Như thế là không tốt. Lý tưởng là luôn có sự tự lập chính trị với Giáo hội và có được sự cộng tác lành mạnh giữa hai bên. Mục tiêu chung của Giáo hội và Nhà nước là đóng góp vào lợi ích chung.

Thời gian tranh cử tổng thống đến gần, xã hội Pháp gặp nhiều căng thẳng về căn tính, cha có lo lắng cho điều này?

Ở một khía cạnh nào đó, căng thẳng là cần thiết vì chúng cho phép chúng ta tiến lên phía trước. Một số căng thẳng gia tăng, đó là điều bình thường khi chiến dịch tranh cử đến gần. Nước Pháp có khả năng ứng phó với điều này, vì nước Pháp có truyền thống dân chủ rất mạnh. Điều quan trọng là những căng thẳng này không biến thành xung đột bạo lực, không biến thành các cuộc tấn công cá nhân góp phần tạo ra bầu khí hủy diệt.

Luật đạo đức sinh học vừa được thông qua ở Pháp, một số người công giáo phản đối sự tiến triển này, họ tự hỏi làm thế nào để xác định vị trí của mình. Cha trả lời với họ như thế nào?

Đây là lĩnh vực thuộc về sự phân định của Giáo hội địa phương, nghĩa là của các giám mục trong hiệp thông với những người thuộc thành phần dân Chúa. Điều quan trọng là người công giáo có thể nói lên tiếng nói của mình với những lập luận dựa trên đức tin của mình, kể cả trong những cuộc tranh luận tế nhị như vậy. Ngay cả khi luật đã được thông qua,  vì họ làm trên danh nghĩa bảo vệ phẩm giá và giá trị cuộc sống của mỗi con người. Nhưng nó phải luôn là một cuộc tranh luận về lý trí, không lệch qua mặt ý thức hệ.

Từ nhiều tháng nay, nhân cuộc khủng hoảng sức khỏe, Đức Phanxicô đã xin chúng ta thay đổi mô hình, nhưng cám dỗ để quay về như cũ là rất mạnh. Làm thế nào để không nhượng bộ khuynh hướng này?

Đúng là người ta có thể có cảm giác đi ngược lại đàng sau. Đây là dấu hiệu cho thấy một số người thực sự có ký ức rất ngắn, như thể họ đã quên trải nghiệm mà chúng ta vừa đi qua. Như Đức Phanxicô đã nói trong Thông điệp Tất cả anh em Fratelli Tutti, tất cả chúng ta đều là thành phần của một gia đình nhân loại chung và chúng ta có nhiệm vụ chăm sóc lẫn nhau. Nhưng tôi tin, chúng ta cũng phải chấp nhận một số thay đổi nào đó, một số hy sinh nào đó. Chúng ta không thể tiếp tục có lối sống cũ bằng cách khai thác thế giới như chúng ta đã làm từ trước đến nay. Chính sự thay đổi này sẽ giúp chúng ta có được một cuộc sống hạnh phúc.

Từ khi được bầu chọn, Đức Phanxicô đã tiến hành cải tổ Giáo triều. Giáo triều có hoạt động tốt hơn trước không?

Nhiều cải cách đã được thực hiện kể từ đầu triều giáo hoàng Phanxicô. Chẳng hạn trong lãnh vực kinh tế, chúng tôi đã chuyển giao việc quản lý ngân quỹ cho Cơ quan Quản trị Tài sản của Tòa Thánh (Apsa) và cho Ban Thư ký Kinh tế.

Với chúng tôi, bây giờ đã đến lúc chúng tôi bắt đầu sống cải cách. Trong một thể chế phức tạp và có hàng thế kỷ lịch sử như Giáo triều La Mã, sự thay đổi có thể tạo một số khó khăn. Nhưng có một ý chí thực sự để đảm bảo, đây là công cụ để phục vụ Đức Thánh Cha vì lợi ích của Giáo hội. Bây giờ chúng ta phải tránh bất cứ điều gì có thể làm mờ hình ảnh của các phục vụ của Giáo hội trong quá khứ. Vì thế chúng tôi có một trách nhiệm lớn lao.

Khi nào thì bản hiến chế mới được công bố?

Tôi chưa có ngày để nói. Điều này tùy thuộc vào giáo hoàng. Văn bản, nhằm mục đích đưa ra một khuôn khổ nhất quán cho tất cả các cải cách đã được thực hiện, hiện đang được các nhà giáo luật xem xét để điều chỉnh thuật ngữ cho phù hợp với đặc tính pháp lý của văn bản.

Cải cách cũng liên quan đến vụ án sắp được Vatican xử trong vụ đầu tư bất trắc ở London. Phiên tòa này có phải là một bước ngoặt?

Tôi sẽ không nói như thế. Bước ngoặt, đúng hơn là cải cách đã được thực hiện từ nhiều năm nay.  Sự thay đổi là đó. Phiên tòa này là hệ quả của những cải cách trước đó.

Liệu phiên tòa này có phải là giây phút của sự thật không?

Tôi nghĩ vậy, dù sao đây là sự thật pháp lý. Sự thật thực sự, chỉ có Chúa biết điều đó. Sự thật được thiết lập tại tòa án là sự thật của con người. Nhưng tôi thực sự hy vọng sự thật sẽ có thể được thấy trong phiên tòa này, vì lợi ích cho tất cả.

Tại Pháp, Ủy ban Độc lập về Lạm dụng Tình dục trong Giáo hội công giáo sắp đưa ra các kết luận.

Theo cha, đâu là thái độ đúng đắn để đối diện với nó?

Có thể đây là sẽ là giây phút rất đau khổ. Nhưng chúng ta không nên sợ sự thật. Chúng ta phải nhìn sự thật trong bối cảnh này. Và đó cũng là lý do vì sao chúng tôi yêu cầu thành lập hiến chế của ủy ban này để hiểu những gì đã thực sự xảy ra. Chúng tôi rất buồn, và tôi biết nhiều người công giáo sẽ rất đau buồn và bị tai tiếng bởi những gì họ đọc được. Nhưng chúng ta phải trải qua thử thách này. Từ đó có thể nảy sinh nhận thức mới để đấu tranh chống lại những hiện tượng này và ngăn chặn những hành vi này lặp lại.

Hồng y Pietro Parolin, người Ý 66 tuổi, thụ phong linh mục năm 1980.

Tốt nghiệp giáo luật, năm 1986 ngài phục vụ trong ngành ngoại giao Tòa Thánh, ngài làm việc ở Nigeria và sau đó ở Mexico.

Năm 2002, ngài được bổ nhiệm làm Thứ trưởng trong phân bộ các quan hệ với các Quốc gia của Phủ Quốc Vụ Khanh. Ngài trở thành trụ cột của Tòa thánh để đạt được hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân.

Năm 2013, ngài được Đức Phanxicô bổ nhiệm làm Quốc vụ khanh (người cộng tác đầu tiên của giáo hoàng trong guồng máy Giáo hội). Năm sau, ngài được phong hồng y.

Hồng y Pietro Parolin chủ trương một “ngoại giao của tình yêu” với hai mối quan tâm chính: miền Nam bán cầu và sự đóng góp của Vatican cho công cuộc xây dựng châu Âu.

Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch