Linh mục Bruno-Marie Duffé: Đức Phanxicô “con người của sự thật”

224

Linh mục Bruno-Marie Duffé: Đức Phanxicô “con người của sự thật”

Theo linh mục Bruno-Marie Duffé, Đức Phanxicô “là người của sự thật.” Ngày thứ tư 30 tháng 6, linh mục Bruno-Marie Duffé sẽ kết thúc chức vụ thư ký ở Bộ Phát triển Toàn diện Con người, linh mục trả lời trên trang I. Media tầm nhìn của cha về Đức Phanxicô, về nước Pháp và về Tòa Thánh. Theo linh mục, mỗi người được gọi để tìm ra ơn gọi đích thực của mình.

cath.ch, Arthur Herlin, I. Media, 2021-06-20

Nhà báo Arthur Herlin của trang I. Media có cuộc phỏng vấn linh mục Duffé ở Rôma.

Linh mục Bruno-Marie Duffé, thư ký sắp mãn nhiệm của Bộ Phát triển Toàn diện Con người | © Arthur Herlin I. Media.

Trong vòng năm năm, theo thời gian, cha đã gặp và tạo được tin tưởng nơi Đức Phanxicô.  Xin cha làm sáng tỏ nét tâm lý của ngài.

Linh mục Bruno-Marie Duffé: Chúng ta đối diện với người biết lắng nghe, không hời hợt nhưng rất tích cực và thấu hiểu. Trước hết và trên hết, ngài là một con người, một mục tử và là người anh em trong tình nhân loại. Đây là trọng tâm tầm nhìn của ngài về gặp gỡ: với ngài, điều quyết định, đó là học cách gặp gỡ và đi gặp gỡ.

Ngài là tu sĩ Dòng Tên, người có thể phân định, đo lường, giải thích những gì ngài lắng nghe. Điều này chúng ta thấy nơi ngài qua thách thức ngài dành cho tương lai và khi ngài phân tích các mâu thuẫn. Hơn cả một tu sĩ Dòng Tên, trước hết ngài là người sống đúng tinh thần Inhaxiô, theo nghĩa của phân định.

Thêm nữa, chúng ta tìm thấy ở ngài một cái gì đó theo thứ trật của một tầm nhìn. Theo tôi, dường như ngài theo đuổi một con đường có chân trời trong tầm mắt. Tôi rất nhạy cảm với điều này, chẳng hạn như khi ngài viết trong Thông điệp Tất cả anh em Fratelli tutti: “Chúng ta không thể xây bất cứ điều gì về niềm tin và hòa bình nếu không có sự thật”. Bởi vì thực chất, ngài là con người của sự thật. Dĩ nhiên đôi khi công việc của sự thật là một công việc đắt giá, dù trong khoa phân tâm học hay trong luân lý thần học. Chúng ta thấy điều này khi ngài công khai cám ơn một hồng y, hay khi ngài “khiêu khích” Giáo triều trong bài phát biểu về “mười lăm căn bệnh”, hoặc khi ngài yêu cầu đánh giá các công việc của Tòa Thánh.

Bài đọc thêm: Thư của Đức Phanxicô gởi hồng y Marx

Hình thức khiêu khích này được hiểu theo nghĩa “vì ơn gọi của bạn.” Có vẻ như ngài muốn nói với chúng ta: “Tôi nói điều này để bạn có thể tìm thấy chính bạn và giúp tôi tìm thấy chính tôi.”

Mặt khác, chính Đức Phanxicô là người không ngừng đi tìm mình là ai, và làm thế nào để có thể trở thành một mục tử thực thụ. Các cuộc phỏng vấn của ngài với các nhà làm phim, nhà báo, người viết chuyên mục, nhà văn, tất cả đều là dịp để ngài nói: “Việc này giúp tôi có dịp nói chuyện với bạn.” Ngài không phải là người đã có sẵn một thông điệp, nhưng là người đang viết thông điệp cho Giáo hội, cho sứ mệnh, để thế giới này tìm ra ơn gọi của chính mình.

Giáo hoàng đưa ra nhiều thông điệp. Cha nghĩ ngài vẫn còn nhiều điều để chia sẻ không?

Tôi có thể nói, kiến trúc thần học và mục vụ đã được xây dựng. Trong Thông điệp Tất cả anh em Fratelli tutti, ngài viết: “Chúng ta cần một kiến trúc hòa bình, nhưng trên hết là một nghệ nhân hòa bình”. Kiến trúc sư và người thợ thủ công phải gặp nhau. Những năm sắp tới sẽ là những năm chính xác, đặc biệt là với cuộc cải cách mục vụ của ngài. Nó sẽ được đưa ra, nhưng chúng ta có thể cảm thấy ngài đang điều chỉnh nó. Ngài vẫn đang trong quá trình hoàn thiện một cái gì đó cho tương lai. Tương tự như vậy, việc bổ nhiệm các hồng y hay các chuyến viếng thăm của ngài dự phần trong ước muốn làm tinh tế tư thế truyền giáo này, một cương vị giữa Giáo hội và thế giới. Ngài dành thì giờ để đi đến cùng.

Cái nhìn của cha về Tòa Thánh có cùng là cái nhìn như khi cha mới đến không?

Sự ì ạch ở các cấp ở Vatican vẫn còn. Những quy trình hành chính và ra quyết định vẫn còn nặng nề. Ở một khía cạnh nào đó, Đức Phanxicô thiếu kiên nhẫn. Ngài sốt ruột muốn thấy một nền hành chính minh bạch hơn, sáng suốt hơn, có trách nhiệm và mềm dẽo với khả năng đảm đương trách nhiệm truyền giáo.

Nhưng triều giáo hoàng của ngài bị đánh dấu bởi những lực phản kháng mạnh mẽ.

Đó là những lực nào?

Ở châu Âu và bên kia Đại Tây Dương, có những nhạy cảm “cự lại” với giáo hoàng của đối thoại trong tình huynh đệ này. Người ta thấy rõ có một số đề xuất đã gây khó chịu cho những người ủng hộ một thể chế công giáo cổ điển, tự cho mình là trọng tâm. Vì thế các công trường, các ì ạch đã được nhận diện. Điều làm tôi ngạc nhiên là ngày nay có một số hợp tác được dễ dàng hơn, với Bộ Truyền thông, Phủ Quốc Vụ Khanh, Bộ Văn hóa và Giáo dục. Tất cả đều hoạt động một cách năng động và trực tiếp hơn. Những chuyện này chúng ta phải mang ơn Đức Phanxicô. Cương vị của ngài không những chỉ giúp chúng tôi làm việc chung với nhau, nhưng là làm việc cùng với chúng tôi. Đó là tạo ra các tương tác, hành động qua về, sức mạnh tổng hợp, chúng tôi không còn ở trong tình trạng khép kín. Sự khép kín rõ ràng đang giảm bớt. Chúng tôi vẫn còn quá chậm với thời gian, nhưng khi muốn, chúng tôi có thể nhấc điện thoại nói chuyện với nhau. Đức Phanxicô đã nói về điều này: sức lôi cuốn quan trọng là khả năng ở bên nhau. Chính trong hợp tác mà chúng ta có thể tiến bộ.

Sự ra đi của cha như dấu hiệu của việc giảm sự hiện diện của người Pháp trong giáo triều la-mã. Chúng ta có nên lo cho việc nước Pháp bị mất ảnh hưởng tại Tòa thánh không?

Trước hết là mất mát ngôn ngữ Pháp. Tôi là một trong những người đấu tranh để tiếng Pháp được dùng và nói ở Vatican. Tôi thấy thật đáng buồn khi tiếng Pháp không còn là ngôn ngữ chính thức và ngoại giao của Tòa thánh.

Nước Pháp với văn hóa và lịch sử, đóng một vai trò trong Giáo hội và trong sứ mệnh của Giáo hội. Thật khó để hiểu nước Pháp khi ở Vatican. Các cuộc tranh luận về thế tục vẫn còn bám trong các trao đổi với Giáo hội, nhưng cũng với các nước trên thế giới. Mọi người không hiểu vì sao chúng tôi lại triển khai sức lực trí tuệ, chính trị, xã hội vào những vấn đề này của xã hội. Đức Phanxicô cảm thấy khó để biết chúng ta sẽ đi về đâu với điều này, và tự hỏi vì sao chúng ta không dễ dàng hơn trong một đất nước có lịch sử được đánh dấu bởi việc đối thoại của các nền văn hóa. Giữa tinh thần chào đón của nước Pháp và triều giáo hoàng của Đức Phanxicô, đôi khi chúng tôi có cảm tưởng như cuộc hẹn bị bỏ lỡ. Hơn một lần, tôi đã xin ngài đến nước Pháp. Ngài nói với tôi: “Tôi phải nói gì với nước Pháp? Tôi có thể nói gì với các bạn? Chúng ta có thể chia sẻ những gì?”

Cuối cùng ngài bày tỏ ý định muốn đến thành phố Marseille. Dự định sẽ là gặp một Giáo hội, nơi gặp gỡ chứ không phải một Giáo hội bị bó cứng trong quan hệ với một Quốc gia thế tục… không, điều này không làm ngài chú ý. Tôi xin ngài đến thành phố Marseille, nhưng cũng đến Taizé để cầu nguyện với những người trẻ Pháp và Âu châu đang sống trong tình huynh đệ. Ngài không phản đối chuyện này. Như thế là được với ngài. Nhưng chuyến đi không nên theo thủ tục, mà chúng ta có thể nói: “Nước Pháp là nước thế tục, vì sao chúng ta lại chào đón giáo hoàng?”  Không có chuyện này. Với chúng tôi, nước Pháp là để cho thấy, đất nước này có một lịch sử vĩ đại được đánh dấu bởi phẩm giá con người và khả năng chống lại áp bức, là nhân chứng của niềm tin và hy vọng.

Đức Phanxicô có cái nhìn nào về các giám mục Pháp? Ngài có kêu gọi họ phục vụ Tòa Thánh không?

Ngược với một số người nghĩ, ngài không bỏ nước Pháp. Bản thân tôi là người Pháp. Tôi luôn được trân trọng và được đón nhận một cách nồng hậu. Tôi rất băn khoăn khi biết ngài chú ý đến một suy tư của tôi. Giáo hội ở Pháp và chung chung là đất nước đơn thuần nên có nhiều khả năng cống hiến hơn. Chúng ta phải xét mình, chúng ta không đề xuất đủ về mặt thần học, các kỹ năng khác nhau và về đối thoại với hiện đại, y học và công nghệ. Sự phong phú của nước Pháp là không thể tin được. Vì sao nó lại khép kín như vậy trong mối quan hệ với chiều kích tôn giáo? Như thử xác tín tôn giáo là một điểm yếu, nhưng chính ra đó là điểm mạnh! Và điều này không còn tương ứng với các thế hệ mới.

Marta An Nguyễn dịch