Thư của Đức Phanxicô gởi hồng y Marx

328

Thư của Đức Phanxicô gởi hồng y Marx

Đức Phanxicô và hồng y Reinhard Marx trong buổi tiếp kiến riêng tháng 2 năm 2020.

cath.ch, I. Media, 2021-06-10

Trong thư ngày 10 tháng 6 năm 2021 gởi cho hồng y Reinhard Marx và được Văn phòng Báo chí Tòa Thánh truyền đi, Đức Phanxicô  đã từ chối đơn từ chức của hồng y Marx công bố ngày 4 tháng 6. Hồng y xin giáo hoàng cất mình khỏi chức vụ Tổng Giám mục giáo phận Munich-Freising, khi đối diện với sự thất bại của Giáo hội công giáo trong việc xử lý cuộc khủng hoảng lạm dụng tình dục ở Đức.

Trong bức thư dài gởi “người anh em thân yêu” của mình, giám mục giáo phận Rôma ca ngợi “lòng dũng cảm trong tinh thần kitô” của hồng y Marx. Trong quyết định rút lui để tố cáo và để tự gánh lấy “thảm họa” lạm dụng, theo Đức Phanxicô, chứng tỏ cho thấy hồng y “không sợ thập giá” cũng như “bị sỉ nhục khi đối diện với thực tế khủng khiếp của tội”.

Thánh Phêrô cũng “xin từ chức”

Vào cuối lá thư gởi Đức Phanxicô ngày 21 tháng 5, hồng y Marx nói ngài muốn cống hiến những năm tiếp theo của mình để phục vụ Giáo hội “nhiều hơn”. Đức Phanxicô chấp nhận lời xin này, nhưng xin hồng y Marx làm “trong cương vị Tổng Giám mục giáo phận Munich-Freising” Ngài nhắc lại, Thánh Phêrô cũng xin Chúa Kitô cho mình “từ chức”, nhưng lại được Chúa giao sứ mệnh dẫn dắt Dân Chúa.

Thư Đức Phanxicô gởi hồng y Marx

Nhà Thánh Marta, ngày 10 tháng 6 năm 2021

Người anh em thân mến,

Trước hết, tôi xin cám ơn lòng dũng cảm của anh. Đó là lòng dũng cảm trong tinh thần kitô, không sợ thập giá, không sợ hạ mình trước thực tế khủng khiếp của tội lỗi. Và đó là điều Chúa đã làm (Pl 2, 5-8). Đó là ơn Chúa đã ban cho anh và tôi thấy anh muốn nhận lấy và giữ lại để sinh hoa trái. Tôi xin cám ơn anh.

Anh nói với tôi anh đang trải qua giai đoạn khủng hoảng; không chỉ anh mà cả Giáo hội Đức. Toàn thể Giáo hội đang khủng hoảng vì các vụ lạm dụng. Hơn nữa, Giáo hội ngày nay không thể tiến thêm một bước nếu không đối diện với cuộc khủng hoảng này. Chính sách trốn chui chẳng dẫn đến đâu, và khủng hoảng phải được đối diện với đức tin phục sinh của chúng ta. Xã hội học và tâm lý học là không cần thiết. Đảm nhận cuộc khủng hoảng, với tư cách cá nhân cũng như cộng đồng là con đường sinh ích duy nhất, bởi vì từ khủng hoảng, chúng ta không đi ra một mình, nhưng đi ra cùng với cộng đồng, và chúng ta cũng phải ghi nhớ trong đầu, từ cuộc khủng hoảng, chúng ta đi ra tốt hơn hoặc xấu hơn, nhưng không bao giờ là không thay đổi” (1).

Anh nói với tôi, anh đã suy nghĩ chuyện này từ năm vừa rồi: anh lên đường, anh tìm ý Chúa với quyết tâm chấp nhận ý Ngài cho dù như thế nào.

Tôi đồng ý với anh khi anh cho lịch sử đáng buồn của các vụ lạm dụng tình dục và cách Giáo hội đã xử lý cho đến gần đây là một thảm họa. Nhận thức được sự giả hình này trong cách sống đức tin là một ơn, đó là bước đầu tiên mà chúng ta phải làm. Chúng ta phải gánh trách nhiệm với lịch sử, vừa trong tư cách cá nhân vừa trong tư cách cộng đồng. Chúng ta không thể thờ ơ với tội ác này. Gánh nó là tự đặt mình vào khủng hoảng.

Không phải ai cũng muốn chấp nhận thực tế này, nhưng đó là cách duy nhất, vì đưa ra các “quyết tâm” để đổi đời mà không “để da thịt mình lên lò nướng” thì chẳng đi đến đâu. Thực tế cá nhân, xã hội và lịch sử là cụ thể và không nên được giả định bởi các ý tưởng; vì các ý tưởng được thảo luận (và thật tốt khi chúng là như vậy) nhưng thực tế luôn phải được đảm nhận và phân định. Đúng là các tình huống lịch sử phải được giải thích với những đặc thù của thời chúng xảy ra, nhưng điều này không ngăn chúng ta phải đối phó với chúng và xem chúng như lịch sử “tội lỗi bao trùm chúng ta”. Đây là lý do vì sao, theo tôi, mỗi giám mục của Giáo hội phải nhận ra và tự hỏi: tôi phải làm gì khi đối diện với thảm họa này?

“Thú tội” khi đối diện với quá nhiều sai lầm của quá khứ, chúng ta đã hơn một lần mắc phải nhiều tình huống, dù cá nhân chúng ta không tham dự vào bối cảnh lịch sử này. Và đó cũng là thái độ đòi hỏi chúng ta ngày nay. Chúng ta đang được yêu cầu có một cải cách, mà trong trường hợp này, không bao gồm lời nói nhưng là ứng xử can đảm để đối diện với khủng hoảng, chấp nhận thực tế cho dù các hệ quả của nó. Và mọi cải cách đều bắt đầu ở chính mỗi người. Cải cách trong Giáo hội mà không được những người nam và người nữ không ngại rơi vào khủng hoảng và để mình được Chúa hoán cải. Đó là con đường khả thi duy nhất, nếu không chúng ta sẽ chẳng khác gì những “nhà tư tưởng cải cách” không để da thịt mình bị thử thách.

Chúa không bao giờ chấp nhận thực hiện “cải cách” (cho phép tôi dùng chữ này), không phải với dự án của người pharisêu, người sa-đu-sê, người zê-lốt, người ê-xê-nê. Nhưng Ngài làm với chính đời sống mình, lịch sử của mình, với da thịt mình trên thập giá. Và chính con đường này là con đường của chính anh, người anh thân yêu sẽ đi khi anh gởi đơn từ chức.”

Trong thư của anh, anh nói đúng, việc chôn vùi quá khứ của mình chẳng giúp chúng ta đi đến đâu. Im lặng, thiếu sót, đặt quá nhiều sức nặng lên uy tín của các thể chế chỉ dẫn đến thất bại cá nhân và lịch sử, và làm cho chúng ta sống với gánh nặng “có bộ xương trong tủ” như ngạn ngữ đã nói.

Có một nhu cầu cấp bách là phải “thông thoáng” cho thực tế các vụ lạm dụng và theo cách Giáo hội đã tiến hành, để Thần Khí dẫn chúng ta vào hoang mạc sầu khổ, đến thập giá và phục sinh. Đó là con đường của Thần Khí mà chúng ta phải đi theo, và điểm khởi đầu là khiêm nhường thú nhận: chúng ta đã phạm sai lầm, chúng ta đã phạm tội. Các cuộc thăm dò ý kiến và quyền lực của các thể chế không cứu được chúng ta. Uy tín của Giáo hội có khuynh hướng che giấu tội lỗi của mình cũng sẽ không cứu được chúng ta; sức mạnh của đồng tiền và ý kiến của giới truyền thông cũng không cứu được chúng ta (thường thường chúng ta quá lệ thuộc vào).” Chúng ta chỉ được cứu bằng cách mở cánh cửa cho Đấng có thể làm điều đó và bằng cách thú nhận sự trần trụi của mình: “Con đã phạm tội”, “chúng con đã phạm tội”  … và khóc lóc,  và lắp bắp nhiều nhất có thể câu “xin Chúa tránh xa con, vì con là kẻ có tội”, một di sản mà Giáo hoàng đầu tiên đã để lại cho các Giáo hoàng và các Giám mục của Giáo hội. Và khi chúng ta cảm nhận sự xấu hổ chữa lành, mở cánh cửa cho lòng lân tuất và cho lòng dịu dàng của Chúa, Đấng luôn ở gần chúng ta. Là Giáo hội, chúng ta phải xin ơn xấu hổ, xin Chúa cứu chúng ta khỏi thành cô gái hoang dâm ô nhục của sách tiên tri Êdêkien chương 16.

Tôi thích cách anh kết thúc bức thư của anh: “Tôi sẽ tiếp tục là linh mục và giám mục của Giáo hội này và tôi sẽ tiếp tục tham gia ở cấp độ mục vụ miễn là tôi thấy hợp lý và có cơ hội. Tôi muốn cống hiến những năm tháng tiếp theo của mình nhiều hơn cho việc chăm sóc mục vụ và dấn thân vào công cuộc đổi mới thiêng liêng của Giáo hội, như cha đã không mệt mỏi xin”.

Và đây là câu trả lời của tôi, người anh em thân mến. Tiếp tục như anh đề nghị, nhưng với tư cách là Tổng giám mục giáo phận Munich và Freising. Và nếu anh bị cám dỗ để nghĩ rằng, khi xác nhận sứ mệnh của anh, lại không chấp nhận để anh từ chức, thì giám mục giáo phận Rôma (người anh yêu thương em) không hiểu anh, anh hãy nghĩ về cảm nhận của Thánh Phêrô khi theo cách của mình đã xin Chúa cho mình từ chức: ‘Lạy Chúa, xin tránh xa con, vì con là kẻ tội lỗi!’ và anh hãy nghe câu trả lời: ‘Hãy chăm sóc chiên của Thầy’”

Với trọn tình anh em,

Phanxicô

(1) Điều nguy hiểm là không chấp nhận cuộc khủng hoảng và núp trong các cuộc xung đột, một thái độ cuối cùng sẽ làm ngộp và ngăn bất kỳ mọi chuyển đổi nào có thể xảy ra. Bởi vì khủng hoảng có mầm mống của hy vọng, ngược lại xung đột là mầm mống của tuyệt vọng; khủng hoảng liên hệ đến … xung đột – mặt khác – lôi kéo chúng ta và kích động thái độ phủi tay của Philatô: “Ta vô can trong vụ đổ máu người này. Mặc các người liệu lấy ”(Mt. 27, 24)… đã làm hại chúng ta và còn làm hại chúng tôi ta nhiều.

Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch

Bài đọc thêm: Vì vâng lời, hồng y Marx chấp nhận không từ chức

Giáo hoàng bác đơn từ chức của hồng y Marx và cho mọi người một bài học