Vatican sẽ chống mafia như thế nào

183

Vatican sẽ chống mafia như thế nào

Vào đầu tháng 5, Vatican thông báo việc ra mắt một nhóm nghiên cứu việc dứt phép thông công những người mafia. Mục tiêu: thiết lập một giáo điều Giáo hội công giáo về vấn đề này mà cho đến bây giờ Giáo hội chưa có giáo điều này.

la-croix.com, Loup Besmond de Senneville, Rôma, 2021-05-31

Ông Vittorio Alberti ngày 26 tháng 9 năm 2013, tại Rôma. MIGLIORATO / CPP / CIRIC / MASSIMILIANO MIGLIORATO / CPP

Trong văn phòng của ông trên tầng hai của Palazzo San Callisto, quận Trastevere, Rôma, ông Vittorio Alberti, áo sơ mi trắng và tóc muối tiêu làm nhớ lại một trong những nhân vật đã quyết định thay đổi thế giới bằng sức mạnh của đôi tay. Trên thực tế, trong dinh này, nơi có nhiều văn phòng của giáo quyền la mã, nhiệm vụ mà Vatican giao cho triết gia và nhà văn người Ý 43 tuổi này thật nhức đầu.

Từ vài năm nay, ông Alberti là một trong các nhà tư tưởng của giáo hoàng trong cuộc chiến chống tham nhũng, ông vừa đứng đầu một nhóm nhỏ mà chức danh ở trên trang của báo chí thế giới: nhóm làm việc nghiên cứu về việc dứt phép thông công những người mafia.

Bên cạnh ông là những nhân vật chính trong cuộc chiến chống Mafia ở Ý: linh mục Luigi Ciotti và linh mục Marcello Cozzi, Tổng Giám mục Sicilia Michele Pennisi, và thẩm phán chống mafia Giuseppe Pignatone, tháng 10 năm 2019, ông là chủ tịch tòa án của Vatican. Nhiều người trong số họ được đặt dưới sự bảo vệ chặt chẽ thường xuyên. Mục tiêu làm việc của nhóm được công bố vào ngày 9 tháng 5, ngày phong chân phước cho ông Rosario Livatino, quan tòa chống mafia ở Sicily bị ám sát năm 1990: thành lập một giáo điều công giáo về mafia.

Chân phước Rosario Livatino, quan tòa chống mafia ở Sicily bị ám sát năm 1990

“Chúng tôi muốn bình tĩnh đào sâu chủ đề này”

Bởi vì, dường như đáng ngạc nhiên, nếu Giáo hội luôn muốn lên án rõ ràng các tội ác của mafia, nhưng không có gì về việc này trong giáo lý, học thuyết xã hội hoặc ngay cả trong bộ giáo luật. Ông Vittorio Alberti giải thích: “Có một số tuyên bố của các giám mục ở các vùng liên hệ về một vài tài liệu được công bố, nhưng không có gì toàn diện. Kết quả: Khi một giám mục hoặc một linh mục muốn đề cập đến một văn bản cụ thể chống tham nhũng, không có gì có thể giúp họ.”

Ông nói, các công việc của nhóm đã nhận được sự hỗ trợ của hai cơ quan chiến lược: Bộ Tín Lý và Hội đồng Giáo hoàng về Văn bản Lập pháp, cơ quan có ưu thế về luật nội bộ của Giáo hội công giáo. Triết gia Alberti khẳng định: “Chúng tôi muốn bình tĩnh đào sâu chủ đề này”, ông nhấn mạnh không thể vừa là người công giáo và cùng lúc lại thuộc về mafia.

Ông cũng muốn nhấn mạnh, đây không phải là hiện tượng thuần túy của người Ý: “Các người mafia không có biên giới. Mexico, Colombia và Nigeria đều có mafia. Và nó đã trở thành vấn đề quốc tế, lại càng bị nặng hơn với cuộc khủng hoảng sức khỏe.” Ông nói thêm: “Trong nhóm chúng tôi, chúng tôi có các quan điểm rất đa dạng. Quan tòa muốn trấn áp, tuyên úy nhà tù muốn cứu, các linh mục muốn đối thoại. Thách thức là phải tính đến tất cả những điều này, tìm một quan điểm chung và đưa ra các sáng kiến.”

“Chúng ta phải đi trước mafia chứ không đi sau”

Ông Alberti xác định: “Đứng trước vấn đề lớn lao này, chúng ta không thể chỉ hài lòng công bố các tài liệu”. Vì thế các bài diễn văn là không đủ. Ngoài việc có khả năng dứt phép thông công, nhóm cũng muốn làm việc về giáo dục và cần thiết là phải “giải cấu trúc huyền thoại lãng mạn về mafia.”

Ông nói: “Chúng ta phải đi trước mafia chứ không đi sau.” Nhóm sẽ họp chính thức mỗi tháng một lần, nhưng ông Vittorio Alberti cho biết mỗi ngày ông đều tiếp xúc với các thành viên của mình.

Nhưng vì sao Vatican lại đặc biệt quan tâm đến vấn đề này? Bà Clotilde Champeyrache, giảng viên bộ môn tội phạm học tại Viện Thủ công và Nghệ thuật Quốc gia, đồng thời là chuyên gia nghiên cứu về mafia phân tích: “Ngay từ đầu, lòng mộ đạo đã rất hiện diện trong các mafia Ý.” Vì vậy, hình ảnh các thánh không hiếm trong các nghi thức khởi xướng và nó có thể xảy ra, như năm 2019 ở Villafrati, Sicily, theo yêu cầu của linh mục, đám rước tôn giáo đã dừng lại trước nhà của một ‘bố già’ địa phương.

“Đừng đụng ổ kiến”

Bà Champeyrache giải thích: “Điểm đặc biệt của mafia là mafia bao gồm những tội phạm rất hòa nhập vào xã hội dân sự và có thế lực trên toàn vùng lãnh thổ. Hàng ngày, khi tôi đối diện với mafia, tôi có ba lựa chọn: trở thành đồng phạm, chịu đựng hoặc chiến đấu. Lựa chọn thứ ba là rất rủi ro. Các vấn đề này đặt ra cho mọi người, các linh mục cũng không thoát được. Cha xứ cũng như doanh nhân, không thể làm gì mà không có họ.”

Thật vậy, dấn thân của Vatican để chống mafia là chuyện xưa cũ. Vào thời Đức Gioan-Phaolô II, trong một bài phát biểu nổi tiếng ngày 9 tháng 5 năm 1993 khi đi thăm Sicily, ngài đã lên tiếng phản đối. Ngài kêu gọi giáo dân “từ chối văn hóa mafia, đó là văn hóa của cái chết, vô nhân đạo tận căn, phản đạo đức, kẻ thù của phẩm giá con người và sự chung sống dân sự”. Nhưng kể từ đó, Vatican vẫn chưa thực sự nhúc nhích. Một nguồn tin ở giáo quyền nhận xét: “Có lẽ do thận trọng quá mức. Hoặc không muốn đụng ổ kiến kiến.”

Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch