Linh mục Arturo Sosa: điểm chung giữa Đức Phanxicô và Thánh I-nhã
americamagazine.org, Gerard O’Connell, 2021-05-20
Cha Arturo Sosa, Bề trên Tổng quyền Dòng Tên, phát biểu trong buổi giới thiệu sách Đi cùng Thánh I-Nhã (Walking with Ignatius). Quyển sách dựa trên cuộc phỏng vấn của nhà báo Dario Menor thực hiện với Cha Sosa. (Ảnh CNS / với sự cho phép của Curia Dòng Tên)
Linh mục Arturo Sosa Đức Phanxicô và nhà báo Dario Menor trong buổi giới thiệu sách Đi cùng Thánh I-Nhã ngày 3-5-2021
Linh mục Arturo Sosa, Bề trên Tổng quyền Dòng Tên có cuộc phỏng vấn với trang America ở Rôma vào hôm trước ngày ra mắt quyển sách vừa được xuất bản, trùng với Năm Thánh Ignatiô. Cha giải thích giáo hoàng Dòng Tên đầu tiên đang cải cách Giáo hội dù một số giám mục “không cùng quan điểm với ngài,” cha cũng tự hỏi liệu sự chống đối này có thể dẫn đến chia rẽ trong Giáo hội hay không.
Linh mục cũng đề cập đến vấn đề không khoan nhượng trong Giáo hội và các vụ bê bối lạm dụng trong Dòng. Cha cũng nói đến mối quan hệ xã hội của các tu sĩ Dòng Tên, những người đã rời bỏ Dòng và cách cha hình dung về xã hội trong tương lai. Linh mục cũng nói đến khả năng có một giáo hoàng Châu Mỹ La Tinh hoặc Dòng Tên khác. Cha nhận xét về tầm nhìn của Đức Gioan-Phaolô II về đời sống tôn giáo và việc ngài loại Linh mục Pedro Arrupe, Dòng Tên ra khỏi vai trò lãnh đạo Dòng.
Linh mục Arturo Sosa, Bề trên Tổng quyền Dòng trả lời phỏng vấn trang America về quyển sách vừa xuất bản của cha, trùng với Năm Thánh Ignatiô.
Chúng tôi đã nói chuyện vào ngày 10 tháng 5, một ngày trước khi ra mắt quyển sách Đi cùng Thánh I-Nhã, tác phẩm dựa trên các cuộc phỏng vấn của nhà báo Tây Ban Nha Dario Menor, người có gia đình, có con, không thuộc Dòng Tên. Quyển sách dày 270 trang, có những tài liệu sâu đậm và hứng thú để suy ngẫm và thảo luận trong Năm Thánh Ignatiô, kỷ niệm 500 năm Thánh I-Nhã trở lại sau khi ngài bị thương nặng vì một quả đạn đại bác ở Pamplona, Tây Ban Nha ngày 20 tháng 5 năm 1521. Năm Thánh I-Nhã bắt đầu ngày 20 tháng 5 – 2021 và kết thúc ngày 31 tháng 7 năm 2022, ngày lễ Thánh I-Nhã.
Tôi bắt đầu với nhận xét từ quyển sách – “Tôi thấy Thánh I-Nhã là nhà cải cách vĩ đại” – và hỏi liệu cha có xem Đức Phanxicô là nhà cải cách không?
Cha Sosa giải thích, cha đã dùng tính từ “vĩ đại” khi được hỏi liệu Thánh I-Nhã có thể được xem như “một tông đồ của cuộc phản-cải cách” không. Cha nhận xét, “Thánh I-Nhã và các bạn đồng hành của ngài thường được xem là ‘những người cải cách ngược lại’, nhưng điều tôi muốn nói, ngài không phản cải cách. Ngài là nhà cải cách và là nhà cải cách giỏi hơn Luther”. Cha nhắc lại, Luther chủ trương cải cách, nhưng “kết thúc bằng ly giáo mà ban đầu ông không muốn”, trong khi Thánh I-Nhã, như các nhà cải cách khác trong Giáo hội như Thánh Phanxicô Assisi “đã đạt được những cải cách mà không gây chia rẽ”.
Theo linh mục Sosa, “trong nghĩa này thì Đức Phanxicô là người tin rằng Giáo hội cần cải tổ và ngài biết việc cải tổ bắt nguồn từ Công đồng Vatican II. Vì thế ngài muốn cải cách theo phương cách này, cuộc cải cách được phân định và quyết định ở Công đồng Vatican II.”
Trong quyển sách, cha Sosa nhấn mạnh đến “tính đồng nghị”, một trong những yếu tố chính của cuộc cải cách Giáo hội. Cha giải thích: “Tính đồng nghị là từ bây giờ chúng tôi dùng, Công đồng Vatican II đã dùng thành ngữ ‘Dân của Chúa’.”
Cha nhắc lại, ở Argentina, Đức Jorge Mario Bergoglio “là một trong những người cổ động “thần học dân chúng” (Teologia del pueblo). Linh mục Sosa nói ngày nay “cuộc cải cách chính là cuộc cải cách để Giáo hội thực sự trở thành ‘Dân của Chúa’, điều này có nghĩa các sứ vụ viên là người phục vụ hoặc mục tử. Đức Phanxicô thường dùng hình ảnh mục tử, có nghĩa người này chăm sóc người kia. Mục tử không phải là người đứng đầu và những người khác là con cừu. Đó là một cuộc cải cách rất lớn và sâu đậm.”
Khi nói chuyện tại Nhà thờ Gesù ở Rôma ngày 27 tháng 9 năm 2014, nhân kỷ niệm 200 năm phục hồi Dòng Tên, Đức Phanxicô đã nhắc các đồng hữu Dòng Tên “chúng ta hãy cùng nhau chèo thuyền!” Tôi hỏi các tu sĩ Dòng Tên có làm điều này không. Cha Sosa trả lời: “Có! Đúng! Tôi nghĩ vậy. Chúng tôi cố gắng cùng nhau chèo và chèo sâu hơn”.
Tuy nhiên, cha nói, “nguy hiểm là có một số chèo theo một hướng, một số khác chèo theo hướng khác, vì vậy thách thức lớn là phải cùng nhau chèo theo một hướng. Và hôm nay, Đức Phanxicô đưa ra một hướng để Giáo hội cùng chèo chung”.
“Thách thức lớn là phải cùng nhau chèo theo một hướng. Và hôm nay, Đức Phanxicô đưa ra một hướng để Giáo hội cùng chèo chung”.
Khi được hỏi cha giải thích như thế nào khi có một số giám mục không chèo chung với Đức Phanxicô, cha cho biết điều này là do “sự đa dạng trong bản chất con người và Giáo hội. Các giám mục được phong ở nhiều thời điểm khác nhau, với nhiều tiêu chuẩn khác nhau. Có những giám mục mà Công đồng Vatican II, họp cách đây gần 60 năm, không phải là một phần trong tiến trình bình thường của họ”. Nhiều người vẫn không chấp nhận công đồng như phương tiện để cải cách Giáo hội hay con đường mà Giáo hội phải theo. “Rủi ro luôn ở đó,” cha nói về một “Giáo hội song song đang nổi lên, nhưng tôi không thấy nguy cơ gần như chia rẽ của Giáo hội.”
Trong quyển sách, khi được hỏi liệu cha có nghĩ rằng Giáo hội công giáo ở châu Âu và châu Mỹ có đang thành một Giáo hội của một thiểu số tinh tuyền nhỏ bé hay không, cha Sosa cảnh báo: “Chúng ta phải cẩn thận về sự tinh tuyền vì nó có thể là mầm mống của chủ nghĩa chính thống cực đoan, một loại chính thống tệ nhất trong các loại chính thống, vì nó giết người nhân danh Chúa và gieo bất khoan dung nhân danh Ngài.” Cha nói thêm: “Không có chỗ cho sự bất khoan dung trong Giáo hội”.
Tôi hỏi ngài, bây giờ ngài thấy ở đâu loại bất khoan dung này? Cha trả lời: “Tôi thấy nó khi không có lòng thương xót.” Chẳng hạn, “trong nhiều thái độ xung quanh hiện tượng của các vụ lạm dụng.”
“Những nạn nhân và những kẻ tấn công cần được chữa lành. Lạm dụng là một vết thương rất sâu đậm và chúng ta cần phải chữa lành vết thương đó.”
Linh mục Sosa nói: “Theo tôi, các vụ lạm dụng là tội rất trọng của Giáo hội, của hàng giáo sĩ và các thành viên khác của Giáo hội. Tôi không biện minh cho họ, và như Đức Phanxicô đã nói, tôi cũng nghĩ, chỉ một lần lạm dụng đã là một điều xấu hổ đối với chúng ta.” Cha nói thêm: “Đó là điểm khởi đầu. Tôi nghĩ, chúng ta đã làm điều gì đó về việc nhận ra lỗi lầm và tội lỗi, nhưng việc không khoan nhượng là ở các bước khác”.
Cha Sosa tuyên bố: “Những nạn nhân và những kẻ tấn công cần được chữa lành. Lạm dụng là một vết thương rất sâu đậm và chúng ta cần phải chữa lành vết thương đó. Nhưng làm thế nào để chữa lành? Với bất khoan dung ư? Không! Chúng ta chữa lành với lòng thương xót. Chúng ta chữa lành bằng cách đi theo các quy trình tháp tùng. Chúng ta chữa lành bằng cách hòa giải và tha thứ”.
Trong quyển sách, cha cũng nói về sự cần thiết phải tìm cách chữa lành cho những người đi tấn công.
Tôi hỏi cha có bị sốc hay ngạc nhiên khi thấy các vụ lạm dụng trong các tu sĩ Dòng Tên không? Cha nói, “Có. Đó là tình huống rất đau đớn. Rất đau đớn. Và không phải chỉ có một trường hợp, nhưng có rất nhiều trường hợp, và ở nhiều nơi khác nhau, Chi-Lê, Hoa Kỳ, Đức, Anh, Tây Ban Nha và các nơi khác. Đó thực sự là một cú sốc, một cú sốc theo nghĩa mà tôi chưa hình dung được khả năng xảy ra”.
“Nếu chúng ta nghiêm túc xem xét những gì chúng ta tin tưởng, cụ thể là, sự cứu chuộc cuối cùng là công việc của tha thứ và hòa giải, thì đó là một thách thức lớn, làm thế nào để đạt được điều này.”
Cha nhận thấy: “Một phần nguyên nhân là trong việc đào tạo của chúng tôi, nơi những người đồng hành của chúng tôi. Nhưng đó chỉ là một phần của vấn đề. Tôi nghĩ, chúng tôi không ở ngoài xã hội và điều rất quan trọng là phải hiểu – không phải để tự biện minh – mà là hiểu bản chất vô cùng to lớn của vấn đề này vì văn hóa của xã hội. Chúng tôi không đến từ hành tinh khác. Những thái độ này cũng có trong xã hội của chúng ta”.
Cha có nghĩ Giáo hội có thể khắc phục vấn đề này không? Cha Sosa nói: “Tôi nhận thấy Giáo hội bắt đầu khắc phục, nhưng vấn đề không ở sau lưng chúng ta, vấn đề ở trước mặt chúng ta và chúng ta phải đối diện với nó. Tôi nghĩ, Giáo hội đã bắt đầu có các biện pháp và thay đổi lớn tôi nhận thấy là Giáo hội đã đặt nạn nhân vào trọng tâm.” Linh mục nhắc lại: “Cách đây ba mươi năm hay hơn, phản ứng đầu tiên khi gặp những trường hợp đầu tiên này, là bảo vệ thể chế, của Dòng hay của giáo phận trước nạn nhân.
“Nhưng bây giờ nạn nhân được đặt lên hàng đầu, để nghe nạn nhân, tin nạn nhân, tin đau khổ của họ, điều này đã giúp thay đổi rất nhiều hành vi của Giáo hội và đã giúp thay đổi rất nhiều cách Giáo hội ứng xử, góp phần đặt lại các chuẩn mực và tiến trình và cứ như thế mà tiếp. Tôi nghĩ ngày nay, không có vụ nào mà không bị tố giác và được đặt dưới quyền của luật dân sự và giáo luật”.
Ngài nói tiếp: “Tuy nhiên, điều này vẫn chưa đủ. Chúng ta phải hành động, trong danh nghĩa nhóm, theo nghĩa, nạn nhân là nạn nhân, nhưng thủ phạm cũng có vấn đề. Hơn nữa, nạn nhân và thủ phạm là một phần của cộng đồng chúng ta, vì vậy cũng có khía cạnh thể chế cho những gì sắp xảy ra và có một khía cạnh văn hóa.”
“Châu Phi là Giáo hội trẻ nhất. Giáo hội đang phát triển ở châu Phi, cũng như Dòng Tên ở đây”.
Ngài nói: “Tất cả những điều này là một sự thay đổi lớn về văn hóa. Nếu chúng ta nghiêm túc xem lại những gì chúng ta tin, cụ thể là, sự cứu chuộc cuối cùng là công việc của tha thứ và hòa giải, thì đó là một thách thức lớn, làm thế nào để đạt được điều này. Chúng ta có một chặng đường dài để đi.”
Vì số tu sĩ Dòng Tên ngày càng giảm trong những thập niên gần đây, tôi hỏi Dòng có quan hệ như thế nào với những người đã rời Dòng. Cha Sosa giải thích: “Rất nhiều cựu tu sĩ Dòng Tên đang làm việc tông đồ với chúng tôi và làm việc một cách cách tốt đẹp. Thường thường đa số các tu sĩ rời Dòng đều cho rằng đây không phải là ơn gọi của họ, hoặc Dòng nói với họ, đây không phải là chỗ của họ. Đối với đa số, đây là một quá trình được thực hiện rất tốt qua đối thoại và (quyết định được đưa ra) với một thỏa thuận. Nhưng cũng có những trường hợp không được như vậy, và Dòng nói với họ, họ phải đi hoặc khi có vấn đề rất lớn xảy ra”.
Ngài nói: “Một số người rời đi trong quá trình đào tạo là chuyện bình thường. Đào tạo là để thử nghiệm. Nhưng nếu họ rời đi sau khi được đào tạo, thì đó là một vấn đề khác”. Cha cho biết, trong những năm gần đây có “một số lượng bất thường các linh mục trẻ rời Dòng” và điều này đặt ra các câu hỏi về việc “đào tạo và đồng hành của chúng tôi.”
Trong quyển sách, cha Sosa nói: “Ngày nay, châu Phi là nơi Dòng phát triển mạnh nhất, về ơn gọi cũng như các hoạt động và quan hệ đối tác của chúng tôi.”
Khi được hỏi trong cuộc phỏng vấn về sự phát triển này, cha nói, “Châu Phi là Giáo hội trẻ nhất. Giáo hội đang phát triển ở châu Phi, cũng như Dòng Tên ở đây”. Cha Sosa cũng cho biết, Dòng có nhiều ơn gọi ở Việt Nam, “nhưng bối cảnh ở đó khác và có thể liên quan đến ước muốn được tự do. Nhưng sự phát triển ở châu Phi quan trọng hơn và có thể giống như những gì đã xảy ra ở Châu Mỹ La Tinh một thế kỷ trước đây”.
Trong quyển sách, linh mục Sosa cho biết, ngày nay có nhiều ơn gọi trong Dòng không đến từ các cơ sở Dòng Tên.
Khi được hỏi liệu việc có giáo hoàng Dòng Tên có làm tăng ơn gọi cho Dòng không, cha trả lời: “Không thể chứng minh được, nhưng tôi nghĩ giáo hoàng là điểm quy chiếu của nhiều người.”
Trong quyển sách, linh mục Sosa cho biết, ngày nay có nhiều ơn gọi trong Dòng không đến từ các cơ sở Dòng Tên. Cha giải thích: “Trong những năm 1960 hoặc 1970, điểm quy chiếu chính cho các ơn gọi của Dòng là các trường học của Dòng, nhưng bây giờ không còn nữa vì có nhiều cách khác để tiếp xúc với Dòng, kể cả thông qua các công việc của chúng tôi với người tị nạn hoặc trong các giáo xứ và qua các bài tập linh thao.
Trên thực tế, “những người trẻ rất hứng thú với linh thao, và bây giờ chúng tôi có nhiều cách để giới thiệu các bài tập này, trước đây chúng tôi có mô hình cứng nhắc hơn.” Cha nói thêm: “Nhiều phụ nữ giảng linh thao cả cho các tu sĩ Dòng Tên, họ rất giỏi. Vì thế đó là cả một phát triển hoàn toàn mới.”
Khi được hỏi cha hình dung Dòng sẽ như thế nào trong 10 đến 20 năm nữa, cha Sosa trả lời: “Tôi nghĩ chúng tôi sẽ ít về số lượng hơn, có thể có từ 10.000 đến 12.000, nhưng chúng tôi sẽ trẻ hơn. Bây giờ chúng tôi có một nhóm lớn những người lớn tuổi – trong số này có tôi – và chúng tôi sẽ không ở đây sau 20 năm nữa”.
Khi hỏi cha hình dung Dòng sẽ như thế nào trong 10 đến 20 năm nữa, cha Sosa trả lời: “Tôi nghĩ chúng tôi sẽ ít về số lượng hơn, có thể có từ 10.000 đến 12.000, nhưng chúng tôi sẽ trẻ hơn.
Ngài nói: “Chúng tôi sẽ đa dạng hơn về văn hóa. Đó là hiện tượng đáng kinh ngạc khác của Dòng, đa dạng văn hóa và đa dạng hoàn cảnh xã hội và gia đình của những người mới nhập Dòng. Và sẽ có nhiều cộng đoàn liên văn hóa hơn”.
Linh mục dự kiến “sẽ có nhiều hợp tác với người khác, những người không thuộc Dòng Tên, không những chỉ cộng tác nhiều hơn trong các công việc của chúng tôi, mà chúng tôi cùng làm việc với người khác trong các dự án chung, với người công giáo và người ngoài công giáo.”
Ngài nói: “Chúng tôi có một nhóm rất lớn các tu sĩ Dòng Tên ở châu Á và châu Phi, ở những quốc gia có người theo đạo là thiểu số. Vì vậy, ngoài việc liên văn hóa, tôi nghĩ chúng tôi cũng sẽ liên tôn giáo ở nhiều nơi. Tôi hình dung một xã hội đối thoại nhiều hơn trong tất cả các tiến trình này, và rất tham gia vào công tác xã hội… liên quan đến khủng hoảng khí hậu và đói nghèo – ngày nay rất nhiều tu sĩ Dòng Tên làm việc với người nghèo.”
Khi được hỏi “liệu sau giáo hoàng Dòng Tên và Châu Mỹ La Tinh này, chúng ta có thể mong đợi gì?” Cha Sosa đưa tay chỉ về trời, cha muốn ám chỉ đến Chúa Thánh Thần. Cha nói, rất ít khả năng Giáo hội sẽ có một giáo hoàng Dòng Tên Châu Mỹ La Tinh, nhưng chúng ta sẽ có thể có một giáo hoàng từ lục địa khác”. Linh mục nói thêm, “rất khó để chúng ta có hai giáo hoàng Dòng Tên kế nhau,” nhưng cha thừa nhận trước khi Đức Phanxicô được bầu chọn, “tôi nghĩ các tu sĩ Dòng Tên chưa bao giờ nghĩ có một giáo hoàng Dòng mình và tôi cũng xác quyết như vậy”, vì thế nhìn về tương lai, “tôi có thể sai!”
“Đối với tôi, lợi thế là chúng tôi nói cùng ngôn ngữ,” Cha Sosa nói về quan hệ của mình với Đức Phanxicô.
Trong quyển sách, linh mục cho biết, “việc giáo hoàng là tu sĩ Dòng Tên đặt chúng tôi vào tình thế bất lợi vì ngài luôn cẩn thận để không tạo cảm giác ngài có quan hệ ưu đãi với Dòng.” Tôi nghĩ cũng có những thuận lợi nào đó, vậy là những thuận lợi nào?
“Đối với tôi, lợi thế là chúng tôi nói cùng ngôn ngữ, khi chúng tôi nói đến ‘phân định’ chẳng hạn, chúng tôi biết chúng tôi đang nói cùng một chuyện. Cũng như khi chúng tôi nói “tham vấn” hay “sẵn sàng” (disponabilitá), chúng tôi biết chúng tôi đang nói gì. Chúng tôi nói cùng một ngôn ngữ ”.
Cha nhớ lại, “rất khó để nói chuyện với Đức Gioan-Phaolô II. Ngài nói một ngôn ngữ khác. Ngài hiểu đời sống tu trì theo một cách rất khác với Đức Phanxicô. Và ông cũng có thể hỏi các nữ tu về chuyện này, chứ không chỉ hỏi các tu sĩ Dòng Tên. Đức Gioan-Phaolô II không hiểu một tu sĩ không chịu chức, ngài không hiểu một sư huynh. Đối với ngài, đời sống tu trì của phụ nữ, của người không chịu chức là đời sống hạng hai.”
Khi cha nhắc đến Đức Gioan-Phaolô II, tôi hỏi cha nghĩ gì khi Đức Gioan-Phaolô II loại cha Pedro Arrupe ra khỏi lãnh đạo của Dòng Tên năm 1981 và bổ nhiệm cha Paolo Dezza lúc đó 80 tuổi, làm đại diện đặc biệt của ngài ở Dòng?
Cha Sosa cho biết: “Điều đã loại cha Arrupe là do cái đầu của cha. Lúc đó cha bị đột quỵ do suy nhược. Thời điểm đó rất đặc biệt vì có thể cả hai đang căng thẳng, nhưng tôi nghĩ Đức Gioan-Phaolô II thực sự ngưỡng mộ cha Arrupe như một nhân cách. Sự căng thẳng không phải với cha Arrupe; nhưng với các tu sĩ của Dòng, với Dòng.”
Cha giải thích: “Vì thế khi cha Arrupe bị bệnh, đó là dịp để Đức Gioan-Phaolô II nói, ‘quý vị không thể bầu một Arrupe mới; không thể chọn một vị lãnh đạo mới cho đến khi tôi có thể nhìn vào nội bộ của quý vị.” Và đó là một tiến trình mất hai năm… tôi không biết có khó với cha Arrupe không, nhưng với Dòng thì rất khó.”
Cha Sosa nói, “bây giờ chúng ta phải nhìn lại nhân cách của cha Paolo Dezza. Ngài thật phi thường ”.
“Cha Dezza thực sự là người rất trung thành với Giáo hội và giáo hoàng, nhưng cũng với Dòng, ngài không bao giờ muốn để ơn gọi Dòng Tên của mình ra đàng sau, ngài thật sự muốn cứu Dòng và ngài đã làm! Ngài ‘điên’ đến mức nhận tôi vào Dòng. Và ngài chấp thuận để tôi được khấn trọn!”
Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch
Bài đọc thêm: Đức Phanxicô mở Năm Thánh I-nhã Theo Bề trên Tổng quyền Dòng Tên, “thế tục hóa là một cơ hội”