Theo Bề trên Tổng quyền Dòng Tên, “thế tục hóa là một cơ hội”

432

Theo Bề trên Tổng quyền Dòng Tên, “thế tục hóa là một cơ hội”

Ngày thứ năm 20 tháng 5, trong một cuộc phỏng vấn độc quyền dành cho báo La Croix nhân dịp thiết lập năm Thánh I-Nhã, linh mục Arturo Sosa, Bề trên Tổng quyền Dòng Tên nói về các ưu tiên của Dòng trên thế giới, và mối quan hệ của ngài với Đức Phanxicô.

la-croix.com, Loup Besmond de Senneville, 2021-05-20

Linh mục Arturo Sosa, 72 tuổi, người Venezuela, được bầu làm Bề trên Tổng quyền Dòng Tên ngày 14 tháng 10 năm 2016. Rocco Rorandelli, báo La Croix

La Croix: Tại sao cha thành lập năm Thánh I-Nhã?

Cha Arturo Sosa: Năm Thánh Inhaxiô, được khai mạc vào dịp kỷ niệm 500 năm ngày ngài bị thương trong trận chiến Pamplona, với tôi đây không phải là năm kỷ niệm nhưng là một quá trình đã bắt đầu từ 5 năm trước.

Năm 2016, chúng tôi mong muốn tham gia vào sứ vụ hòa giải vĩ đại dựa trên công lý, đức tin và tình liên đới với người nghèo. Và tôi phải nói, đại dịch Covid-19 đã củng cố cho nhu cầu này. Thánh I-Nhã đã thấy cuộc đời ngài thay đổi do mình bị thương, vì Chúa đã đến với ngài lúc đó, chúng ta có thể nói vết thương của chúng ta chính là đại dịch. Đây là cơ hội mà Chúa dùng để đến với chúng ta, và mở ra một con đường mà chúng ta chưa bao giờ nghĩ đến.

Những ưu tiên của Dòng bây giờ là gì?

Đó là những điều được Đức Phanxicô đưa ra năm 2019. Trước hết là thúc đẩy phân định và các bài tập linh thao, giúp chúng ta gặp Chúa Giêsu Kitô. Thứ hai là cùng đi với những người sống bên lề trên thế giới, hiện diện với những người rời bỏ nhà cửa, quê hương của họ, hoặc những người không có một quyền nào. Chúng ta có bổn phận cùng họ tham dự vào cuộc đấu tranh cho công lý. Một lần nữa, mục tiêu này càng trở nên cấp thiết hơn vì đại dịch, vốn đã làm gia tăng sự bất bình đẳng trên khắp thế giới. Ưu tiên thứ ba: chúng tôi cần phải tháp tùng những người trẻ để giúp họ xây dựng một tương lai đầy hy vọng. Trong những tháng gần đây, các bạn trẻ đã thấy thấy những dự án, giấc mơ, vũ trụ sống của họ tan tành… Chúng ta phải lắng nghe họ. Và cuối cùng, chúng ta phải làm việc để bảo vệ Tạo dựng của Chúa và ứng phó của thách thức lớn lao này của nhân loại, đó là ứng phó với biến đổi khí hậu.

Các tu sĩ Dòng Tên đối diện với tình trạng thế tục hóa của một số xã hội phương Tây như thế nào?

Theo quan điểm của tôi, thế tục hóa là một cơ hội. Nó tạo một không gian tự do, khuyến khích sự xuất hiện các xã hội số nhiều. Điều này có nghĩa chấp nhận những khác biệt về văn hóa, ý thức hệ và tôn giáo hơn. Với các tu sĩ Dòng Tên, đây cũng là một xã hội mà chúng ta có thể đưa ra các bài tập linh thao, vì đó là công cụ nhằm giúp mọi người đưa ra những lựa chọn tự do.

Theo tôi, một điểm tích cực khác, quá trình này phá vỡ mối dây giữa văn hóa và tôn giáo, điều đã buộc các tín hữu của các thế hệ trước không được tự do lựa chọn đức tin của mình. Nhưng tôn giáo không phải là một văn hóa được cho. Đó là lựa chọn bắt nguồn từ tự do của con người, một cuộc gặp gỡ với Chúa bắt nguồn từ tự do của mình và từ kinh nghiệm cá nhân. Với Giáo hội công giáo, đây là một thay đổi sâu đậm vì kể từ bây giờ, giáo hội được tạo nên bởi các tín hữu nhận thức được sự lựa chọn của mình. Các cộng đồng kitô hữu sẽ sống động hơn nhiều. Theo nghĩa này, thì đây là một cơ hội may mắn.

Theo cha, ơn gọi ngày nay là gì? Các tu sĩ trẻ dòng Tên là ai?

Không phải chúng ta kêu gọi, mà là Chúa! Chúng tôi cầu nguyện. Điều đã thay đổi ngày nay là cách mà người trẻ tìm hiểu về các tu sĩ Dòng Tên: chẳng hạn qua các cuộc gặp gỡ đông người hoặc qua Internet.

Rất khó để thiết lập một mô hình mẫu trong số 3.000 tu sĩ trẻ Dòng Tên hiện đang được đào tạo. Các người trẻ này rất đa dạng, do nguồn gốc văn hóa hoặc tuổi tác của họ. Ở Châu Âu và Hoa Kỳ, chủng sinh vào học viện Dòng Tên trễ hơn các nước khác trên thế giới. Chúng ta không còn ở thời mà 70% tu sĩ Dòng Tên đến từ các nền văn hóa phương Tây. Ví dụ, chúng tôi hiện có 1.000 chủng sinh ở Ấn Độ, Sri Lanka và Bangladesh. 600 tu sĩ trẻ ở Châu Phi.

Chúng ta đang ở vào một thời điểm lịch sử, khi giáo hoàng cũng như cha là tu sĩ Dòng Tên đến từ Châu Mỹ Latinh. Điều này có tạo nên sự gần gũi đặc biệt giữa Dòng và ngài không?

Các tu sĩ Dòng Tên luôn có quan hệ rất mật thiết với giáo hoàng. Dòng được thành lập là để phục vụ giáo hoàng. Nhưng tôi phải công nhận, không ai mong chờ một tu sĩ Dòng Tên được bầu làm giáo hoàng! Giữa chúng tôi, giáo hoàng và Dòng, có một mối quan hệ vừa rất tôn trọng vừa rất thân tình.

Một mặt, giáo hoàng biết ngài có thể tin tưởng vào các tu sĩ của Dòng. Nhưng ngài để Dòng hoàn toàn tự do trong việc quản trị. Chúng tôi không có các mối liên hệ đặc quyền: về phần tôi, tôi đến gặp ngài khi tôi cần giải thích cho ngài một vấn đề đặc biệt, nhưng không có đường dây điện thoại đỏ (hoặc trắng!) nào, giữa chúng tôi chỉ có đường dây trực tiếp. Để hẹn với ngài, tôi cũng như mọi người, đều phải qua thư ký của ngài.

Đức Phanxicô có phong cách Dòng Tên để điều hành Giáo hội không?

Chắc chắn cách làm việc của ngài giống cách làm việc của các tu sĩ Dòng Tên. Vì thế, với chúng tôi, ai đã quyết định thì phải hoàn toàn chịu trách nhiệm về việc đó. Nhưng để đến được đó, chúng tôi phải trải qua hai bước quan trọng. Trước khi đưa ra quyết định, tôi tham khảo ý kiến của các thành viên trong Đại Hội đồng, chú ý đến sự đa dạng về địa lý, tư tưởng, v.v. của họ. Sau đó, chúng tôi phải lắng nghe Chúa Thánh Thần qua lời cầu nguyện. Đây là cách quản trị được truyền cảm hứng từ linh đạo, và được Đức Phanxicô thực hành.

Ngài có đang thay đổi Giáo hội không?

Tất nhiên là có. Nhưng ngài làm điều này mà không hề che giấu, ngài thành lập các nhóm làm việc, có những biện pháp… Không phải là ngài không gặp khó khăn, nhưng ngài đã bắt đầu thay đổi Giáo triều La-mã, chẳng hạn như ngài thúc đẩy công việc của các ban bộ, hay cải cách truyền thông. Ba thông điệp của ngài cho thấy ngài gắn kết với tinh thần đồng nghị, với phân định… Chắc chắn, đó là những phương pháp dựa trên nền tảng linh đạo của Thánh I-nhã, nhưng chúng cũng có nguồn gốc sâu xa từ Công đồng Vatican II.

Đức Giáo hoàng có sẽ đến thành phố Marseille, nước Pháp để họp mặt gia đình Ignatiô vào ngày lễ Các Thánh không?

Tôi không biết. Ngài đã được mời và chúng tôi rất vui nếu ngài đến được. Cho đến giờ phút này, chúng tôi chưa có tin tức chính thức.

Các tu sĩ Dòng Tên đôi khi nổi tiếng là những người có quyền lực và ảnh hưởng. Cha nghĩ gì về hình ảnh này?

Đúng là tính từ Dòng Tên được dùng cho rất nhiều thứ, và đôi khi còn là từ đồng nghĩa với đạo đức giả hoặc xảo quyệt (machiavellian). Điều này đôi khi bị liên kết với một tiến trình cụ thể hoặc các giai đoạn lịch sử, nhưng phần lớn là huyền thoại. Dòng không phải là một thể chế đi tìm quyền lực, mà là cộng tác viên của giáo hoàng. Trong thời của ngài, Thánh Inhaxiô thường nói, các tu sĩ Dòng Tên phải là một “nhóm tối thiểu”, một đàn nhỏ. Tôi không nghĩ điều này đã thay đổi.

Sách kỷ niệm Năm Inhaxiô

Trong quyển sách Trên đường với Thánh I-nhã (En chemin avec Ignace) được xuất bản vào ngày  11 tháng 5, cha Arturo Sosa nói về ơn gọi của Dòng Tên và sự phát triển của Dòng trên thế giới. Trong cuộc phỏng vấn dài với nhà báo Dario Menor, cha thảo luận về di sản của Thánh Ignatius. Trong quyển sách mang niềm hy vọng và lạc quan, cha Sosa cũng khai triển cách thức mà “tinh thần thích tông đồ phổ quát” nên được khuyến khích để mọi người thể hiện vị trí của mình trong xã hội.

Dòng Tên trên thế giới

Theo số liệu được công bố trong đại hội đồng cuối cùng của Dòng Tên năm 2016, số tu sĩ Dòng Tên là 16.740 trên thế giới vào năm 2015, gồm gần 12.000 linh mục và 1.300 sư huynh, 2.700 sinh viên tu sĩ và 753 tập sinh. Trên thực tế, đây là dòng tu đông nhất trong Giáo hội công giáo.

Có 5.600 tu sĩ Dòng Tên ở Châu Á (4.000 ở Ấn Độ), 5.000 tu sĩ ở Châu Âu, 2.600 ở Bắc Mỹ, 2.400 ở Châu Mỹ Latinh và 1.600 ở Châu Phi. 60% sinh viên và người mới đến từ Châu Phi và Châu Á.

Năm Ignatiô, khai mạc vào ngày 20 tháng 5, kỷ niệm 500 năm ngày Thánh Ignatius bị thương trong một trận chiến ở Pamplona năm 1521. Chính sự kiện này đã làm cho ngài trở lại.

Tại Pháp, gia đình Inhaxiô có buổi họp mặt tại Marseille vào ngày lễ Các Thánh năm 2021 (từ ngày 29 tháng 10 đến ngày 1 tháng 11) mang chủ đề “Ra khơi với Thánh I-nhã”.

Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch

Linh mục Sosa: Tự do nội tâm là điều cần thiết để được Thánh Linh hướng dẫn