Đức Giám mục San Diego: không công cụ hóa bí tích Thánh Thể

153

Đức Giám mục San Diego: không công cụ hóa bí tích Thánh Thể

Đức Giám mục Robert W. McElroy, Giám mục giáo phận San Diego tuyên bố: “Không bao giờ dùng bí tích Thánh Thể cho mục đích chính trị, dù tầm quan trọng của nó như thế nào”, ngài phản ứng trước lời kêu gọi cấm không cho Tổng thống  Joe Biden rước lễ vì lập trường ủng hộ phá thai.

presence-info.ca, Mark Pattison, 2021-05-10

Ngày 5 tháng 5, trong một bài trên trang web America của Dòng Tên Hoa Kỳ, Đức Giám mục đã viết: “Không bao giờ dùng bí tích Thánh Thể cho mục đích chính trị, dù tầm quan trọng của nó như thế nào.”

Vì đã có nỗ lực của một số giám mục Hoa Kỳ nhằm loại trừ các chính trị gia công giáo – kể cả Tổng thống Joe Biden – không được rước lễ, Đức Giám mục tuyên bố: “Bí tích Thánh Thể đang được quân sự hóa và triển khai như một công cụ của chiến tranh chính trị. Điều này không được xảy ra.”

Ngài nhắc lại lời báo động mà ngài đã đưa ra cách đây ba tháng, trong một diễn đàn trực tuyến tại Đại học Georgetown ngày 1 tháng 2 chống lại việc “vũ khí hóa” bí tích Thánh Thể.

Sau đó, ngài tuyên bố: “Tôi không thấy cách tước bỏ bí tích Thánh Thể của Tổng thống hoặc của các nhà lãnh đạo chính trị khác, vì quan điểm của họ trong các vấn đề chính sách công, có thể được diễn đạt trong xã hội chúng ta như một loại quân sự hóa bí tích và một nỗ lực, để không thuyết phục giáo dân bằng lập luận, đối thoại và lý trí, nhưng là thúc đẩy họ phục tùng vấn đề này”.

Ngầm trả lời cho đồng hữu của ngài ở San Francisco

Bài viết của Giám mục McElroy trên trang America được đăng bốn ngày sau khi Tổng Giám mục Salvatore J. Cordileone của giáo phận San Francisco công bố lá thư mục vụ có nội dung: “Những ai từ chối giáo huấn của Giáo hội về sự thiêng liêng của đời sống con người và những ai không tìm cách sống phù hợp với giáo huấn này đều không nên nhận bí tích Thánh Thể”.

Mặc dù Giám mục McElroy không nêu đích danh Tổng Giám mục Cordileone, nhưng ngài nói rằng “một phong trào đang nổi lên trong Giáo hội Hoa Kỳ” kêu gọi các giám mục Hoa Kỳ loại trừ Tổng thống Biden và các chính trị gia công giáo không được rước lễ vì họ ủng hộ phá thai hợp pháp.

Ngài nói thêm, những người liên kết với phong trào này đưa ra ba lập luận để biện minh cho lập trường của họ ủng hộ một “chính sách quốc gia loại trừ Thánh Thể”: ủng hộ việc phá thai, vốn đi trái với giáo huấn Giáo hội, bằng cách triển khai một thần học về sự bất xứng của đương sự làm cho họ không thích hợp để rước lễ.

Đức Giám mục đã viện dẫn Công đồng Vatican II và ba giáo hoàng gần đây để bác bỏ cách tiếp cận này. Hiến chế Tín lý về Giáo hội, Lumen Gentium, của Công đồng Vatican II khẳng định, Chúa Giêsu lập bí tích Thánh Thể để “tưởng niệm về cái chết và sự phục sinh của Ngài: một bí tích của tình yêu, dấu chỉ của sự hiệp nhất, một liên kết bác ái”.

Giám mục McElroy nói: “Nhưng một chính sách quốc gia nhằm loại trừ các nhà lãnh đạo chính trị ủng hộ sự lựa chọn khỏi bí tích Thánh Thể sẽ là một sự tấn công vào tinh thần hiệp nhất này, vào đức ái này.”

Ngài nói thêm: “Phân nửa người công giáo ở Hoa Kỳ sẽ xem hành động này có tính cách đảng phái, và sẽ gây chia rẽ đảng phái khủng khiếp, vốn đã tác động đến quốc gia chúng ta trong chính hành động thờ phượng, được Chúa mang lại và biểu thị sự đoàn kết của chúng ta.”

Đức Giám mục McElroy nói: “Những người ủng hộ việc loại trừ Thánh Thể trích dẫn lời Thánh Phaolô ‘không được ăn hoặc uống một cách bất xứng ở bàn của Chúa’, nhưng họ làm giảm đi từng yếu tố của Thánh Phaolô, ngoại trừ ‘kỷ luật’, đúng hơn là họ làm ‘một thần học về sự bất xứng.’”

Và, nếu “phá thai và trợ tử là những tệ nạn đặc biệt nghiêm trọng, chúng vốn là xấu và liên quan đến những mối đe dọa đến tính mạng con người,” vậy thì “tại sao phân biệt chủng tộc lại không bao gồm trong kêu gọi trừng phạt Thánh Thể đối với các nhà lãnh đạo chính trị?”, ngài đặt câu hỏi.

Còn phân biệt chủng tộc thì sao?

Giám mục McElroy nói, cả công đồng Vatican II và Đức Gioan-Phaolô II, trong thông điệp Chân lý rạng ngời, Veritatis splendor của ngài đều xem phân biệt chủng tộc là “sự dữ nội tại không cưỡng lại được”, trong khi chính các giám mục Hoa Kỳ, trong thư mục vụ đã mô tả phân biệt chủng tộc “không chỉ là một tội trong số các tội khác; nó là sự dữ tận căn gây chia rẽ gia đình nhân loại và phủ nhận sự sáng tạo mới của một thế giới đã được cứu chuộc”.

Giám mục McElroy tuyên bố: “Sẽ không thể thuyết phục được một số lượng lớn người công giáo ở quốc gia chúng ta, rằng sự thiếu sót này không đến từ việc muốn hạn chế tác động của việc loại các nhà lãnh đạo dân chủ và muốn tránh sự chú ý của việc phá thai.”

Hồng y Joseph Ratzinger, giáo hoàng Bênêđictô tương lai, trong Ghi chú giáo điều của ngài về một số vấn đề liên hệ đến sự dấn thân và ứng xử của người công giáo trong lãnh vực chính trị, đã cảnh báo các giám mục chống lại một con đường như vậy, giám mục McElroy nói thêm: “Vì đức tin là một tổng thể không thể phân chia, nên sẽ không hợp lý nếu tách riêng một trong những yếu tố của nó để làm tổn hại đến toàn bộ giáo điều công giáo.”

Trong Tông huấn Niềm vui Tin Mừng, Evangelii Gaudium, Đức Phanxicô đã đánh giá rước lễ “không phải là cái giá cho sự hoàn hảo, nhưng là một liều thuốc mạnh mẽ và thức ăn cho những người yếu đuối”. Giám mục McElroy tuyên bố, nhưng “thần học Mỹ về sự bất xứng là một thách thức trực tiếp với giáo huấn này và tạo ra các mối nguy hiểm lớn cho đức tin, tâm linh và giữ đạo.” Ngài nói thêm, đó là “một cách biệt đáng kể” so với tinh thần Công đồng Vatican II.

Giám mục McElroy nói: “Khi chúng ta thoát ra khỏi đại dịch và khi chúng ta tìm cách xây dựng lại cộng đoàn Thánh Thể, thì chúng ta sẽ rất đau lòng nếu áp dụng và nhấn mạnh đến một thần học của sự bất xứng, loại trừ hơn là một thần học nhấn mạnh đến lời mời gọi không ngừng của Chúa Kitô cho tất cả mọi người.

Ngài cũng nói thêm, nỗ lực này “cũng ngầm phá công việc to lớn mà các linh mục và các giáo dân có trách nhiệm của chúng ta đã làm để nhấn mạnh tầm quan trọng của mỗi người công giáo trở về với việc tham gia đầy đủ và tích cực vào việc phụng vụ Chúa”.

Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch