Sơ Nathalie Becquart, phụ nữ đầu tiên có thể bỏ phiếu tại Thượng hội đồng Giám mục

132

Sơ Nathalie Becquart, phụ nữ đầu tiên có thể bỏ phiếu tại Thượng hội đồng Giám mục

la-croix.com, Loup Besmond de Senneville, Rôma, 2021-02-06

Ngày thứ bảy, 6 tháng 2, sơ Becquart được bổ nhiệm vào chức vụ Phó thư ký Thượng Hội đồng Giám mục, tương đương với nhân vật thứ hai của Thượng Hội đồng Giám mục, và vì thế sơ Nathalie Becquart là phụ nữ đầu tiên có quyền bỏ phiếu tại Thượng Hội đồng. Sơ Becquart, dòng Xaviê, 52 tuổi đã là cố vấn cho Thượng Hội đồng từ năm 2019, và đã nhiều năm làm mục vụ cho giới trẻ.

Sơ Nathalie Becquart, trong Thượng hội đồng Giám mục, tại Vatican tháng 10 năm 2018. M.Migliorato / CPP / Ciric / Catholic Press Photo

Đây là một bước nữa, nhưng một bước không kém phần quan trọng trong việc phụ nữ hóa Giáo triều mà Đức Phanxicô hằng mong muốn. Ngày thứ bảy, 6 tháng 2, Vatican thông báo việc bổ nhiệm hai phó thư ký mới cho Thượng Hội đồng Giám mục, tương đương với nhân vật số 2 của Thượng Hội đồng, sơ Becquart, người Pháp và Linh mục Marin người Tây Ban Nha. Như thế sơ Becquart sẽ là phụ nữ đầu tiên có quyền bỏ phiếu tại Thượng hội đồng Giám mục. Và sơ sẽ được gọi là “mẫu phụ thượng hội đồng” đầu tiên của Giáo hội công giáo.

Thượng hội đồng là cơ quan giúp giáo hoàng tham khảo ý kiến của các giám mục về những vấn đề quan trọng. Trong một thông báo của Vatican News, hồng y Mario Grech, Thư ký Thượng hội đồng cho biết: “Trong các Thượng hội đồng vừa qua, nhiều nghị phụ đã nhấn mạnh đến sự cần thiết phải có phụ nữ trong toàn thể Giáo hội để suy tư về vị trí và vai trò của phụ nữ trong Giáo hội. Với việc bổ nhiệm sơ Nathalie Becquart và khả năng sơ tham gia với quyền bầu cử, một cánh cửa đã được mở ra; chúng tôi sẽ xem các bước khác sẽ có thể được thực hiện trong tương lai.”

Nữ tu và tốt nghiệp trường Cao đẳng Thương mại HEC

Sơ Becquart quen thuộc với đường lối của Giáo hội công giáo. Năm 2019, sơ được bổ nhiệm trong số các cố vấn vào ban thư ký của Thượng Hội đồng Giám mục, sơ chuyên về Giáo hội học và đã tham gia Thượng hội đồng Giới trẻ năm 2018. Với tính xác quyết, sơ biết cách hướng dẫn một thế giới rất nam tính và đảm nhận những trọng trách cao.

Sơ làm việc trong lãnh vực giới trẻ, đặc biệt là trong các ban tuyên úy sinh viên, xơ tốt nghiệt trường Cao đẳng Thương mại HEC, vào dòng Xaviê năm 1995, theo thời gian, sơ  trở thành người được các giám mục Pháp hỏi ý kiến về mục vụ giới trẻ. Sau khi làm tuyên úy cho sinh viên ở Créteil, vùng Paris, sơ tham gia vào Hội đồng Giám mục Pháp trong chín năm, trong đó sáu năm, từ năm 2012 đến năm 2018, sơ là giám đốc Dịch vụ Quốc gia về việc Phúc âm hóa người trẻ và ơn gọi.

Ngoài việc mang tính biểu tượng cao về quyền bầu cử, sơ Nathalie Becquart là phụ nữ đầu tiên giữ vị trí số hai của một cơ quan ở Vatican. Sơ cũng có chân trong một nhóm rất nhỏ người Pháp giữ một vị trí trách nhiệm cao trong Giáo triều Rôma, cùng với hồng y Dominique Mamberti (Chủ tịch Tối cao Pháp viện Tòa Thánh), Đức ông Bruno-Marie Duffé (Tổng thư ký bộ Phát triển Toàn diện), Đức ông Maurice Monier (Chưởng ấn Tông tòa) và Đức ông Joël. Mercier (Giáo sĩ).

Cùng với Linh mục người Tây Ban Nha Luis Marin, giáo phận San Martin cũng được bổ nhiệm làm phó thư ký, như thế nữ tu Becquart có một nhiệm vụ chiến lược dưới mắt Đức Phanxicô. Đức ông Dominique Le Tourneau viết trong Từ điển Lịch sử giáo hoàng: “Được tôi rèn trong bầu khí của Công đồng Vatican II, kể từ cuối những năm 1960, Thượng hội đồng Giám mục là cơ quan mà giáo hoàng thường xuyên họp với các đại diện của giám mục để thảo luận các vấn đề đặc biệt quan trọng”.

Một thượng hội đồng … về tính đồng nghị được dự trù cho năm 2022

Nhưng gần đây, cơ quan này đã có một chiều hướng mới, dưới sự lãnh đạo của Đức Phanxicô, ngay từ khi được bầu chọn ngài thấy cần phải thay đổi hoàn toàn cách thức đưa ra quyết định trong Giáo hội. Kể từ đó, ngài đã tổ chức nhiều cuộc họp của các giám mục, năm 2014-2015 về gia đình, năm 2018 về giới trẻ và năm 2019 về vùng Amazon. Và ngài còn có kế hoạch đưa suy tư này đi xa hơn, tháng 10 năm 2022, với một thượng hội đồng lần này nhằm nghiên cứu các phương pháp ra quyết định chính trong Giáo hội: “Cho một Giáo hội đồng nghị: hiệp thông, tham dự và truyền giáo.”

Trong những năm gần đây, khi sửa đổi các quy tắc của Thượng hội đồng, một cách đáng kể, Đức Phanxicô đã bãi bỏ điều kiện phải là linh mục mới được bầu trong các buổi họp của thượng hội đồng, điều này mở ra khả năng phụ nữ có thể được bầu. Nhưng thực tế vẫn chưa thay đổi: các đại diện tu sĩ là các nghị phụ mới có quyền bỏ phiếu, dù họ không phải là linh mục, trong khi các nữ tu chỉ là dự thính viên, không có quyền bỏ phiếu.

Marta An Nguyễn dịch

Bài đọc thêm: Sơ Becquart: “Dấu hiệu của Giáo hội tin tưởng ở phụ nữ”