Các nhóm tín hữu chia sẻ hy vọng của họ trong chương trình đoàn tụ gia đình tại Mỹ

86

Các nhóm tín hữu chia sẻ hy vọng của họ trong chương trình đoàn tụ gia đình tại Mỹ

religionnews.com, Emily McFarlan Miller, 2021-02-02

Các nhóm tín hữu chia sẻ hy vọng của họ trong chương trình đoàn tụ gia đình của tổng thống Biden. Ông David Xol-Cholom ở Guatemala ôm con trai Byron tại Sân bay Quốc tế Los Angeles  ngày 22 tháng 1 năm 2020, khi hai cha con được đoàn tụ, sau thời gian một năm rưỡi xa cách trong cuộc chia cắt quy mô lớn của chính quyền Trump với các gia đình nhập cư. (Ảnh AP / Ringo H.W. Chiu)

Ngày thứ ba 2 tháng 2, Nhà Trắng tuyên bố thành lập một nhóm làm việc trong khuôn khổ của một số chương trình hành động liên quan đến chương trình nhập cư mà Tổng thống Joe Biden dự định sẽ thực hiện.

Các nhóm tín hữu mừng ngày thành lập nhóm làm việc đặc biệt để giúp trẻ em ly tán gia đình được đoàn tụ. Các nhóm này đã tham gia vào việc chăm sóc trẻ em bị tách khỏi cha mẹ ở biên giới Hoa Kỳ-Mexico theo chính sách “không khoan nhượng” của chính quyền Trump. Ngày thứ ba 2 tháng 2, Tổng thống Joe Biden đã ban sắc lệnh thành lập nhóm làm việc, một trong những hành động hành pháp liên quan đến nhập cư mà ông đã ký vào chiều hôm đó.

Tổng thống Biden nói khi ký lệnh tại văn phòng Bầu dục: “Như ông tôi đã từng nói, nhờ ơn Chúa và thiện chí của những người láng giềng, chúng tôi sẽ giúp các em bé này đoàn tụ và phục hồi thanh danh là nơi trú ẩn cho những ai cần đến.”

Theo một tuyên bố bằng văn bản của Nhà Trắng thì nhóm làm việc được thành lập “trên khắp các bang, với các bên liên hệ chính và đại diện các gia đình bị ảnh hưởng, và với các đối tác trên bán cầu để tìm cha mẹ và trẻ em bị chính quyền Trump chia cắt.”

Trong một tuyên bố bằng văn bản, Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành của Dịch vụ Người tị nạn và Nhập cư giáo phái Luther (LIRS), Krish O’Mara Vignarajah gọi đây là “bước vĩ đại đầu tiên để giải quyết vấn đề cấp thiết làm sao chúng ta giúp các gia đình này được đoàn tụ.”

LIRS là một trong hai tổ chức trên lòng tin đã giúp chính phủ đoàn tụ hơn 1.100 gia đình trong khoảng 5 tuần cao điểm của cuộc khủng hoảng chia cắt gia đình năm 2018, tổ chức khác là tổ chức của Hội đồng Giám mục Công giáo Hoa Kỳ (USCCB). Theo một báo cáo chung công bố vào tháng 10 năm 2018, cả hai tổ chức đã làm công việc này một cách chuyên nghiệp dựa “trên cơ sở từ thiện”.

Trong nhiều năm, cả hai tổ chức đã giúp chính phủ chăm sóc trẻ em nhập cư không có người đi kèm, ngay cả trước chính sách của cựu Tổng thống Donald Trump, tổ chức LIRS nói với hãng tin CNR, trong cuộc khủng hoảng, họ chưa bao giờ thấy nhiều trẻ em nhập cư không có người đi kèm cùng một lúc, hoặc những em quá nhỏ nhiều như vậy.

Theo hãng tin NBC, tuy cả hai tổ chức LIRS và USCCB đều đã giúp các em được đoàn tụ gia đình, nhưng các luật sư vẫn chưa liên lạc được với cha mẹ của 666 em bé bị ly tán.

Ông Vignarajah nói: “Các chuyên gia bảo vệ trẻ em cho biết, những thiệt hại không thể bù đắp được vì sự chia ly, cũng như niềm vui đoàn tụ không thể nén được trong suốt quá trình chúng tôi làm việc để giúp 1.100 em được gặp lại cha mẹ của các em. Chúng tôi hy vọng và cầu nguyện để được an ủi, được thấy thêm một lần nữa 600 vụ đoàn tụ mà lẽ ra đã xảy ra từ nhiều năm trước.”

“Công việc này đòi hỏi phải làm việc cật lực, nhưng nhóm làm việc có năng lực cao thể hiện cam kết của chính quyền Biden trong việc khắc phục sai lầm nghiêm trọng đã xảy ra này”. Công việc này bao gồm các khuyến nghị đưa ra cho tổng thống và các cơ quan liên bang về các bước họ có thể thực hiện để đoàn tụ gia đình và ngăn những bi kịch như vậy xảy ra thêm một lần nữa.

Theo ông Timothy Young, phát ngôn viên của tổ chức LIRS, tổ chức không mong đợi họ là một phần của nhóm đặc biệt này. Tuy nhiên, theo ông Nathan Bult, giám đốc phụ trách các vấn đề chính phủ của nhánh Bethany, một trong các nhánh của tổ chức LIRS, đã tham gia vào các các trao đổi trước đây với nhóm chuyển tiếp quyền lực Biden. Những trao đổi này đã đề cập đến tầm quan trọng của việc đoàn tụ gia đình. Một điều mà chính quyền Biden có thể làm để ngăn chặn những việc như thế này tái diễn là tuyển dụng các nhân viên xã hội bảo vệ trẻ em ở biên giới. Nhóm Bethany hy vọng chính quyền Biden sẽ xem xét tình trạng pháp lý cho các gia đình này, gồm dịch vụ đại diện pháp lý và quản lý hồ sơ mà tổ chức đã cung cấp cho một số người trong cuộc khủng hoảng chia cắt.

Theo ông Bult: “Để các gia đình này trở lại toàn vẹn, không chỉ là việc đoàn tụ gia đình, giúp đỡ để khỏi bị trục xuất, mà còn là việc giải quyết những sai trái và đảm bảo họ có thể bắt đầu một cuộc sống mới một cách đúng đắn.”

Bà Ashley Feasley, giám đốc chính sách của Dịch vụ Người tị nạn Di cư của Hội đồng Giám mục Mỹ đã thêm vào danh sách các công việc cần làm, đó là chăm sóc sức khỏe tâm thần. Bà cho biết: “Những người này bị chấn thương nặng, cả người lớn và trẻ em. Chúng tôi thực sự hy vọng có được các dịch vụ pháp lý, dịch vụ xã hội, dịch vụ sức khỏe tâm thần, để đảm bảo họ có thể đương đầu được với các vấn đề này.”

Bà Feasley cũng hy vọng nhóm làm việc đặc biệt này sẽ điều tra những gì đã xảy ra và lên hệ thống để ngăn chặn bất kỳ sự tách biệt nào không cần thiết vì sức khỏe và lợi ích của em bé. Bà hy vọng sẽ hợp tác với các tổ chức ở Mỹ và Trung Mỹ đang nỗ lực tìm kiếm gia đình của các em bé này.

Bà cũng hy vọng sẽ có nguồn lực cho các tổ chức, như Hội đồng Giám mục Mỹ đã làm công việc này mà không có một nguồn tài trợ liên bang nào.

Bà nói: “Chúng tôi hoan nghênh việc thành lập nhóm làm việc về vấn đề ly tán gia đình, đặc biệt vì vẫn còn nhiều gia đình ly tán, và với những gia đình đã được đoàn tụ, những thiệt hại và tổn thương vẫn còn kéo dài và dai dẳng.”

Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch