Trụ vững chính mình cho một tiến trình lâu dài

267

Trụ vững chính mình cho một tiến trình lâu dài

 

Chương 8: Linh đạo của Công lý và Kiến tạo hòa bình (7/7)

 

Trích sách: Khát Khao Nên Thánh, Đi tìm một Linh đạo Kitô, The Holy Longing: The Search for a Christian Spirituality, Ronald Rolheiser

 Trụ vững chính mình cho một tiến trình lâu dài 

Sau Chiến tranh vùng Vịnh năm 1991, Jim Wallis, người sáng lập Sojourners, được đài phát thanh quốc gia Hoa Kỳ phỏng vấn. Wallis đã trình bày những dè dặt lớn lao về cuộc chiến đó và đặc biệt là về các lễ kỷ niệm chiến thắng được tổ chức sau đó. Có một lúc, người phỏng vấn nói với ông: “Lúc này, những người phản đối cuộc chiến đã chấp nhận mình sai. Dân tộc Mỹ ủng hộ cuộc chiến, không phải những người phản kháng.” Wallis chỉ trả lời:“Chúng ta không sai, chúng ta chỉ mất mát! Đó là sự khác biệt.”

Lời của Wallis thật hữu ích, để là điểm tựa cho chính mình trong cuộc đấu tranh cho công lý và hòa bình của người Kitô hữu. Cuộc đấu tranh cho công lý và hòa bình không phải hướng đến cuối cùng chiến thắng hay thất bại, nhưng hướng đến trung thành.

Tin Mừng của Chúa Giêsu đặt ra một đòi hỏi không nhân nhượng là chúng ta thực thi công lý và hòa bình trên thế giới, nhưng không buộc chúng ta phải thắng. Hiệu quả chính trị ngắn hạn không quan trọng bằng lòng trung thành lâu dài với lương tâm, niềm tin, đức ái cá nhân. Chúng ta không biết cuối cùng mọi sự sẽ như thế nào, nhưng chúng ta biết những gì Tin Mừng nói với chúng ta, nghĩa là chính chúng ta phải yêu thương, bác ái, hiểu biết, đồng cảm, tha thứ và sống đời luân lý nội tại ngay trong chính đời sống riêng tư của mình. Chúng ta không phải lúc nào cũng biết chiến lược chính trị nào là tốt nhất nhưng cần biết rằng Thiên Chúa chăm sóc tất cả mọi nạn nhân, rằng Chúa Giêsu ở trong chính những tâm hồn tan vỡ và chúng ta phải trung thành với Tin Mừng, chính chúng ta cũng ở trong đó.

Có câu chuyện của một mục sư Na Uy, người Tin Lành trong Thế chiến thứ hai đã bị Gestapo bắt và bị tra hỏi. Khi nhân viên Gestapo bước vào phòng, ông đặt khẩu súng lục trên bàn và nói: “Thưa Cha, điều này cho cha biết đây là một việc nghiêm trọng!” Người mục sư Tin Lành, một cách thật tự nhiên, lấy ra quyển Thánh Kinh đặt bên cạnh khẩu súng lục. Tên nhân viên hỏi: “Vì sao ông như vậy?” Vị mục sư trả lời: “Anh đưa ra vũ khí của anh, tôi đưa ra vũ khí của tôi.”

Ở Nam Phi, trước khi xóa bỏ nạn kỳ thị chủng tộc, người dân thường đốt một ngọn nến và để ở cửa sổ nhà họ như một dấu hiệu của hy vọng, dấu hiệu có một ngày sự dữ này sẽ được chế ngự. Có một lúc, nó bị cho là bất hợp pháp, cũng như mang súng là bất hợp pháp. Trẻ con thường nói đùa về điều này: “Chính phủ chúng ta sợ ngọn nến thắp sáng!” Cuối cùng, như chúng ta biết, nạn kỳ thị chủng tộc đã bị xóa bỏ. Khi suy nghĩ về những gì rốt cuộc đưa đến sự sụp đổ của chủ nghĩa phân biệt chủng tộc, thật công bằng khi cho rằng “những ngọn nến thắp sáng” (mà chính phủ đã sợ hãi một cách khôn ngoan) đã mạnh mẽ hơn súng ống. Trong cuộc đấu tranh cho công lý và hòa bình vũ khí thật sự của chúng ta, người Kitô hữu, không phải tư tưởng và súng ống, nhưng là ngọn nến, hy vọng, nhân phẩm, bác ái và cầu nguyện.

Kinh Lạy Cha cho Công lý     

Trong mô hình thế giới của sự vật, người nào mạnh là người đó sống. Trong mô hình của Thiên Chúa thì ngược lại. Thiên Chúa luôn luôn đứng về phía kẻ yếu và nơi đó, trong số những kẻ yếu hèn, chúng ta tìm thấy Thiên Chúa.

Với sự thật đó, thỉnh thoảng chúng ta có thể cầu nguyện với Kinh Lạy Cha theo cách này:

Lạy Cha chúng con… Đấng luôn đồng hành với người yếu đuối, bất lực, nghèo khổ, bị bỏ rơi, bệnh tật, già nua, thơ bé, thai nhi, và những người phơi lưng quần quật vì hoàn cảnh bắt ép.

Ở trên trời… nơi mà tất cả mọi thứ sẽ bị đảo ngược, kẻ trước hết sẽ nên sau hết và kẻ sau hết sẽ nên trước hết, nhưng cũng là nơi mà tất cả sẽ nên tốt đẹp và tất cả lề lối cũng sẽ nên tốt đẹp.

Chúng con nguyện danh Cha cả sáng… xin cho chúng con luôn luôn nhận ra sự thánh thiện của Cha, cũng như tôn kính rằng đường lối của Cha không giống đường lối chúng con, chuẩn mực của Cha không giống chuẩn mực chúng con. Xin cho lòng tôn kính của chúng con đối với danh Cha kéo chúng con ra khỏi sự ích kỷ đã ngăn không cho chúng con nhìn nỗi đau của người anh em bên cạnh chúng con.

Nước Cha trị đến… xin giúp chúng con tạo ra một thế giới vượt ra ngoài các nhu cầu và khổ đau của riêng chúng con, nơi chúng con sẽ thực thi công lý, tình yêu nhân hậu, và bước đi trong khiêm tốn với Cha và với người khác.

Ý Cha thể hiện. . . xin mở rộng tự do của chúng con để Cha đến, sao cho kết hiệp hòa hợp hoàn toàn của Cha có thể tuôn chảy trong huyết mạch chúng con, qua đó cuộc sống chúng con có thể tỏa lan tình yêu công bình của Cha cho mọi người, và tình yêu đặc biệt Cha dành cho người nghèo.

Dưới đất cũng như trên trời… xin cho các công trình do tay chúng con, đền đài, kiến trúc chúng con xây ở thế gian này, phản ảnh đền thánh và công trình của vinh quang Cha để niềm vui, ân sủng, dịu êm và công lý tự trời cao sẽ tỏ lộ ra trong tất cả các công trình của chúng con trên mặt đất này.

Xin ban… cuộc sống và tình thương cho chúng con và giúp chúng con luôn thấy mọi sự là tặng vật. Xin giúp cho chúng con nhận ra, không có gì chúng con có được là do quyền của chúng con, chúng con phải biết cho vì chúng con đã nhận. Xin giúp chúng con nhận ra rằng chúng con phải biết trao ban người nghèo, không phải vì họ cần, nhưng vì sự lành mạnh của chúng con tùy thuộc vào việc chúng con cho họ.

Cho chúng con… chúng con ở số nhiều. Xin ban cho không chỉ riêng chúng con nhưng cho tất cả mọi người, kể cả những người rất khác biệt với chúng con. Xin ban hồng ân Cha cho tất cả chúng con đồng đều.

Hôm nay… không phải ngày mai. Đừng để chúng con đẩy mọi thứ vào một tương lai bất định, để chúng con tiếp tục sống cuộc sống chân chính khi đối diện với bất công, vì chúng con có những biện bạch hay ho cho tình trạng bất động của chúng con.

Lương thực hằng ngày… để mỗi người trên thế giới có đủ lương thực, đủ nước sạch, đủ không khí trong lành, được chăm sóc sức khỏe đầy đủ, được giáo dục hoàn chỉnh để có một cuộc sống khỏe mạnh. Xin dạy cho chúng con biết cho với những gì chúng con có, chứ không phải chỉ cho những gì chúng con dư thừa.

Và tha nợ chúng con… xin tha thứ cho sự mù tối của chúng con đối với tha nhân, tính ích kỷ, nạn kỳ thị chủng tộc, kỳ thị giới tính, khuynh hướng bất trị của chúng con vốn chỉ lo lắng về bản thân và những gì của chính chúng con. Xin tha thứ cho chúng con vì việc chúng con xem tin tức buổi tối và chẳng làm gì về điều đã thấy.

Như chúng con cũng tha cho kẻ có nợ chúng con… xin giúp chúng con tha thứ cho những ai làm hại chúng con. Xin làm cho tâm hồn chúng con hiền lành, không trở nên cay đắng vì tuổi tác, để tha thứ cho bậc cha mẹ không hoàn hảo của chúng con và những cơ chế đã làm tổn thương, nguyền rủa, và để mặc chúng con.

Xin chớ để chúng con sa chước cám dỗ… xin đừng xét xử chúng con chỉ với tiêu chuẩn cho kẻ đói khát ăn uống, cho người trần trụi áo mặc, thăm nom người bệnh hoạn, hoặc cố gắng sửa quy chế đã gây bất công cho người nghèo. Xin cứu chúng con khỏi phán xét này, vì không ai trong chúng con có thể đứng vững trước phán xét này. Thay vào đó, xin cho chúng con thêm thời gian để sửa chữa đường lối, tính ích kỷ và các cơ chế của chúng con.

Nhưng cứu chúng con cho khỏi sự dữ… đó là, cứu chúng con khỏi sự mù quáng làm  chúng con tiếp tục tham dự vào các cơ chế vô danh, trong đó chúng con không cần biết ai nhận ít hơn, miễn là chúng con nhận nhiều hơn.

Amen. 

Nguyễn Kim Long dịch

Hết Chương 8: Linh đạo của Công lý và Kiến tạo hòa bình 

1- Thực thi Công lý – Mệnh lệnh cao cả

2- Công bằng xã hội Kitô giáo là gì?

3- Nền tảng Kinh Thánh về Côg Bằng Xã Hội

4- Kiến tạo hoà bình bất bạo động

5- Một mệnh lệnh về bất bạo động

6- Một Thiên Chúa bất bạo động, Đấng bảo trợ cho công lý và hòa bình