Giáo xứ Pháp ngữ Bangkok chuẩn bị đón Đức Phanxicô
lepetitjournal.com, Catherine Vanesse, 2019-11-19
Hình: Linh mục Nicolas Lefébure trong ngày kỷ niệm 350 năm thành lập Tòa Khâm sứ Xiêm tháng 5-2019.
Cộng đồng công giáo Thái Lan chuẩn bị đón Đức Phanxicô đến thăm đất nước vào ngày 20 đến 23 tháng 11, một chuyến viếng thăm tạo niềm vui lớn cho giáo xứ Pháp ngữ ở Bangkok.
Linh mục Nicolas Lefébure đã ở Thái Lan từ 14 năm nay, và 2 năm gần đây ngài làm việc ở Giáo xứ Pháp ngữ Bangkok do Hội Thừa sai Hải ngoại Paris đảm trách tại nhà nguyện Hiển Linh. Linh mục Nicolas Lefébure người gốc thành phố Rouen nước Pháp, ngài làm việc trong vòng 10 năm ở các cộng đồng thiểu số ở Mae Sot trước khi được chuyển đến Bangkok.
Hình: Linh mục Nicolas Lefébure cùng với người dân tộc Karen trong y phục truyền thống năm 2011.
Ngài nói với báo Lepetitjournal.com vài ngày trước chuyến đi của Đức Phanxicô: “Tôi sống 10 năm ở trong các làng không có điện, ngủ trong các căn nhà bằng gỗ. Ở thủ đô Bangkok, người nước ngoài làm việc trong các công ty quốc tế, đó là môi trường phát triển giáo dục trong một lãnh vực nhất định, sự cách biệt với các bộ lạc rất quan trọng, dù đức tin vẫn là vậy”.
Báo Lepetitjournal.com: Chuyến đi của Đức Phanxicô có ý nghĩa gì với tín hữu kitô?
Linh mục Nicolas: Mọi tín hữu kitô đều mong gặp Đức Giáo hoàng một lần trong đời, dù đó là Ngày Thế giới Trẻ, dù là chuyến hành hương về Rôma hay trong thánh lễ ở một nước khác. Vì thế việc Đức Giáo hoàng đến Thái Lan là một niềm vui, một biến cố lớn đối với tín hữu kitô ở đây.
Chuyến thăm này cũng nhắc cho chúng tôi nhớ, chúng tôi không một mình trong góc của mình, đây là biểu tượng hiệp thông cho các cộng đoàn khác nhau, phân tán và đa dạng. Các tín hữu kitô chỉ chiếm 0,6% dân số Thái Lan, có những gia đình người Trung quốc, Việt Nam, các dân tộc thiểu số Karen, Hmong, Aka…, những người nước ngoài v.v… Trong Giáo hội công giáo, chúng tôi được mời gọi để chia sẻ đức tin trong cộng đồng, chúng tôi tụ họp lại với nhau ngày chúa nhật: trên thực tế, chiều kích cộng đoàn rất quan trọng. Dĩ nhiên mỗi người sống mối quan hệ cá nhân của mình với Chúa, nhưng quan trọng cũng là lắng nghe đức tin của người khác, cùng sống hòa hợp với nhau trong cộng đoàn. Với tôi, Đức Giáo hoàng đại diện cho người bảo vệ đức tin. Giáo xứ Pháp ngữ ở Bangkok không làm những gì mình muốn, các nhà truyền giáo trên miền núi cũng không. Hành vi và lời nói của chúng tôi phải phù với Giáo hội phổ quát. Đức Giáo hoàng đại diện cho đơn vị hiệp nhất mà chúng tôi cần, ngài đến thăm chúng tôi và tụ họp lại các người hành hương để xây dựng các cây cầu giữa các cộng đồng.
Cá nhân tôi, tôi thường học hỏi nơi các bài giảng của Đức Phanxicô, cách chú giải Tin Mừng của ngài. Đó là nhà lãnh đạo Giáo hội mà chúng ta dễ đến gần, ngài là bằng chứng của sự tiếp đón ân cần. Ngài đã gây ngạc nhiên trong thời đầu giáo triều của ngài khi ngài đến thăm các thành phố ổ chuột, chính vì thế mà giáo dân chờ ngài, họ muốn người lãnh đạo gần mình, không có một thần học quá trừu tượng, nhưng có một thái độ mục vụ thời sự.
Giáo xứ Pháp ngữ Bangkok đã chuẩn bị cho chuyến thăm này như thế nào?
Tất cả các ngày chúa nhật, chúng tôi cầu nguyện cho giáo hoàng. Khi ngài đến, chúng tôi chứng kiến một sự thay đổi nhỏ, vì lần này chúng tôi sẽ có thể cầu nguyện với ngài, một bước tiến trong lời cầu nguyện, một sự xích lại gần nhau.
Ngoài ra còn có sự chuẩn bị trong một ước muốn sâu sắc, chúng tôi khuyến khích nhau ghi tên tham dự các buổi lễ. Một nhóm nhỏ 25 người trẻ sẽ tham dự thánh lễ ngày thứ sáu 22 tháng 11 ở nhà thờ chính tòa Đức Mẹ Lên Trời ở Bangkok cùng với 5000 người trẻ khác. Ngày thứ năm một nhóm 170 người trẻ khác sẽ dự thánh lễ ở Sân vận động Quốc gia.
Cha có tiếc khi Đức Phanxicô không đến thăm các dân tộc thiểu số trong thời gian ngài ở đây không?
Không. Tôi nghĩ rằng mình phải chấp nhận trong trường hợp này. Ngài cũng sẽ đến thăm người bệnh ở bệnh viện Thánh Lu-i, chúng ta có nên thêm ngài phải đến thăm các thành phố ổ chuột, hay tiếp xúc với người tị nạn, các dân tộc thiểu số không?
Ngài đã có quan điểm đủ mạnh trong các bài giảng, bài diễn văn của ngài thật sự rõ ràng, thậm chí còn gây phiền toái, ngài tố cáo nền kinh tế hiện đại. Theo tôi, việc ngài gặp Đức Tăng Thống Somdet Phra Maha Munivong là một biểu tượng rất mạnh, nhất là đối với người Thái Lan. Việc ngài luôn quan tâm đến người nghèo, người di dân… là đã được biết đến. Mặt khác, bài diễn văn của ngài về việc xây cầu, về gặp gỡ với các khác biệt mang tính cách ngôn sứ hơn, gương mẫu hơn, rõ ràng hơn trong đối thoại liên tôn giáo và tình huynh đệ của con người.
Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch
Xin đọc thêm: Linh mục Niphot Thianwihan, người phục vụ các cộng đồng thiểu số ở Thái Lan
Thái Lan: Nhóm giáo lý viên Karen được gặp Đức Phanxicô
Các hình ảnh đầu tiên Đức Phanxicô đến thủ đô Bangkok ngày thứ tư 20 tháng 11-2019