Thánh lễ tại Nhà thờ Đức Bà: Biểu tượng Giáo hội sống động tiến lên giữa đống gạch vụn

482

Thánh lễ tại Nhà thờ Đức Bà: Biểu tượng Giáo hội sống động tiến lên giữa đống gạch vụn

famillechretienne.fr, Samuel Pruvot, 2019-06-15 

Thánh lễ tại Nhà thờ Đức Bà Paris chiều thứ bảy 15 tháng 6-2019  ©KTO TV

Các hình ảnh này sẽ in lại trong lịch sử. Tại Pháp, chưa từng bao giờ thấy một Tổng Giám mục dâng thánh lễ trong chính nhà thờ chính tòa của mình như dâng thánh lễ giữa chiến trường. Đội mũ bảo hiểm trắng trên đầu. Với “mũ cứu rỗi (vô hình)” mà Thánh Phaolô nói. Đức Tổng Giám mục Aupetit cầu nguyện không xa đống gạch vụn thành than của vụ hỏa hoạn mà hình ảnh truyền khắp thế giới vẫn còn đọng lại trong tâm trí người xem. Các đà thời vua thánh Lu-i nằm chồng chất thành một đống đen, trên đó là một lỗ hổng khổng lồ.

Ngày được chọn để dâng thánh lễ không phải là một ngày ngẫu nhiên. Trong lịch phụng vụ, lễ thánh hiến nhà thờ chính tòa là ngày lễ trọng. Nó nhắc lại ngày nhà thờ tuy được xây dựng bằng bàn tay con người nhưng được Chúa giao phó. Từ ngày đó, nhà thờ chính tòa mang mùi hương vĩnh cửu mạnh hơn là đống tro tàn. Nhà thờ Đức Bà luôn là hình ảnh của một nhà tạm khiêm nhường của một vinh quang không kể xiết.

Nhưng chuyện gì xảy ra khi nhà tạm bị cháy và có nguy cơ sụp đổ? Không có gì xảy ra, các thảm họa dù có nặng nề như thế nào cũng không thể làm thay đổi sự hiện diện của Thiên Chúa giữa chúng ta. Mở đầu thánh lễ, Đức Tổng Giám mục Aupetit nói: “Nhà thờ Đức Bà luôn sống.” Chúa ở bên cạnh chúng ta giữa đống gạch vụn, giữa công trình khổng lồ. Đây là ý nghĩa ban đầu của lễ thánh hiến đền thờ trong Thánh Kinh. Đó là năm 165 trước công nguyên. Ông Giuđa Macabê, người chiến thắng của dân ngoại vừa lấy lại thành phố Giêrusalem. Việc cấp bách đầu tiên của ông là thanh tẩy Đền thờ và khôi phục lại việc thờ phượng.

Thánh lễ với mũ bảo hiểm và mũ miện là dụ ngôn của người công giáo. Mũ bảo hiểm là biểu tượng của Giáo hội Pháp không còn thực sự đứng vững. Các nhà xã hội học như Yann Raison du Cleuziou và Jérôme Fourquet tiên đoán sự biến mất có thể có của Công giáo ở Pháp vào năm 2050. Họ đo lường sự suy giảm chưa từng có từ thời hậu chiến. Mũ miện là dấu hiệu của quyền uy tông đồ không sợ tiến lên giữa các đống gạch vụn. Dĩ nhiên các đống gạch vụn gây ra do các lạm dụng trong Giáo hội, nhưng cũng do sự mất cái mà nhà sử học Guillaume Cuchet gọi là ý nghĩa của cánh chung. Đúng, người công giáo được tạo ra để chờ Chúa Kitô trở lại trong vinh quang. Khi họ ổn định thoải mái trên mặt đất và trưởng giả hóa với các suy nghĩ trần tục của mình thì tất cả sẽ sụp đổ. Tâm hồn người công giáo bị thấp khớp, họ không còn đứng vững trên đôi chân của mình.

Những gì Đức Tổng Giám mục Aupetit làm ngày hôm nay là một bài học lớn lao. Ngài thẳng thắn chất vấn: “Chúng ta có xấu hổ về Chúa Kitô và đức tin của tổ tiên chúng ta không?” Tôi xin nhấn mạnh: “Chúng ta có thể nào tách văn hóa ra khỏi thờ phượng không? Một nền văn hóa không có thờ phượng sẽ trở thành không văn hóa!” Và ngài công kích, “sự thiếu hiểu biết sâu thẳm về tôn giáo của người đương thời nhân danh thế tục loại trừ mọi chiều kích của một tôn giáo hữu hình.” Đức Tổng Giám mục đã nói vượt ra khỏi khuôn khổ hạn chế của các tín hữu tham dự thánh lễ ngày chúa nhật. “Thánh hiến có nghĩa thánh hiến trong việc thờ phượng. Lý do sâu xa của Nhà thờ Đức Bà được xây dựng là để thể hiện tấm lòng của con người hướng về Chúa.” Vì lý do này mà Đức Tổng Giám mục giáo phận Paris nói lên “lòng nhiệt thành của các công nhân”, những người đang nỗ lực dựng lại nhà thờ. Đức Giám mục Aupetit cũng nhắc lại sự xúc động của hàng triệu người Pháp đã khóc khi thấy Nhà thờ Đức Bà bị cháy. Trong ngọn lửa đang cháy, họ tìm lại ngọn lửa rửa tội của mình, ngọn lửa này của Thần Khí không tắt dù cho bầu khí thù nghịch của thế tục. Anh chị em đừng nghĩ rằng Nhà thờ Đức Bà sẽ sống mà không có tín hữu kitô. Anh chị em đừng nghĩ các giá trị kitô giáo, mà không có Chúa Kitô, sẽ nhanh chóng thành ngu ngốc như nhà tiên tri Chesterton đã nói.

“Nhà thờ chính tòa được sinh ra từ hy vọng kitô giáo. Nó được xây dựng nhắm đến nhiều thế hệ, một tinh thần hiệp thông vượt lên mọi người. Đây không phải là để lại một cái tên, nhưng để lại một công trình để phục vụ cho tất cả. Đó là một tương lai luôn được xây dựng”. Một tương lai không thể xây dựng mà không có đức tin: “Hòn đá tảng góc tường là Chúa Kitô. Nếu chúng ta rút hòn đá tảng này, nhà thờ chính tòa là một cái vỏ rỗng, một cơ thể không có tâm hồn.”

Đức Tổng Giám mục Aupetit cho biết: “Chúa nhật tuần trước, tôi đã gặp 10.000 thanh thiếu niên trẻ tuổi, họ tặng tôi một món quà để nhắc nhở tôi về những gì đã xảy ra ở nhà thờ Đức Bà: họ tặng tôi một tập sách giống tập sách tôi tặng các nhân viên cứu hỏa – chỉ khác là tập sách này mới, không như tập sách tôi tặng bị hơi cháy một chút để nhớ lại những gì đã xảy ra ngày hôm đó. Và tôi đã nhắc lại với các bạn trẻ, nhà thờ chính tòa đích thực của tôi là họ, là 10.000 viên đá đang ở đây, những người đang xây dựng nhà thờ ngày nay. Nhưng tòa nhà này nhắc rằng những viên đá quý này cần một nơi cũng quý giá như chúng. Và đó là lý do tại sao nhà thờ này được xây dựng”.

Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch

Xin đọc thêm: Đội mũ bảo hiểm, Đức Tổng Giám mục Aupetit dâng thánh lễ đầu tiên tại Nhà thờ Đức Bà kể từ khi vụ cháy

Hình ảnh thánh lễ tại Nhà thờ Đức Bà Paris ngày thứ bảy 15 tháng 6-2019. Karine Perret – AFP

Video thánh lễ tại Nhà thờ Đức Bà Paris ngày thứ bảy 15 tháng 6-2019