Trích sách Tập sống vượt lên nỗi sợ, Forgotten among the Lilies, Learning to Love Beyond Our Fears, Ronald Rolheiser
Chúng ta sống quá sợ Thiên Chúa, quá ít trông cậy Chúa hiểu và chấp nhận con người thường của chúng ta, với những lầm lỗi, bội phản và yếu đuối vì trẻ người non dạ.
Minh họa cho điều này, tôi xin kể một sự việc nhức nhối tôi từng chứng kiến. Trước đây tôi có cử hành Thánh Lễ cho đám tang một anh mới ngoài hai mươi tuổi chết, trong một tai nạn mô tô, vì say rượu.
Chết vì thiếu trách nhiệm và say mèm! Lại thêm mấy năm cuối đời anh không đi lễ, không nhận các bí tích và chung sống với bạn gái chưa kết hôn. Linh đạo cổ điển khó gọi đây là “cái chết lành.”
Xuất thân trong một gia đình tốt và đạo đức, dù những năm cuối đời của anh nổi loạn và non dại, gia đình vẫn yêu thương anh hết lòng.
Nhìn nét mặt mọi người trong đám tang, rõ ràng là có một cái gì đó hơn là nỗi buồn. Ở đó có nỗi sợ, nỗi sợ cho thanh niên trẻ được yêu thương, được thấu hiểu, có quả tim tốt, cách này hay cách khác sẽ không được vào thiên đàng, bị đày xuống hỏa ngục vì, một vài năm thiếu thời, xáo trộn và hơi thiếu trách nhiệm.
Lạ và buồn là chúng ta lo Chúa không hiểu. Chúng ta, với tâm trí và quả tim hữu hạn, lại hiểu. Chúng ta, dù mây mù che lấp hiểu biết, nhưng đều biết rằng, dưới những chuyện này, dù bối cảnh sống và chết của anh có thế nào, anh cũng có một quả tim tốt, một quả tim nồng ấm, một quả tim biết yêu thương chỉ cần thêm một ít thời gian và tình yêu nữa thôi thì ngọn lửa bác ái, khiết tịnh và đức tin sẽ bùng lên. Lạ là chúng ta cảm nhận Thiên Chúa không nhận ra điều đó.
Chúng ta đều biết quả tim của thanh niên này tốt như thế nào. Chúng ta cũng biết sự thiếu trách nhiệm của anh thì cũng là kết hợp của tính non dại của người trẻ, tính làm biếng, áp lực sâu xa và ảnh hưởng xấu của nến văn hóa phi luân. Sâu thẳm anh không xấu, thiếu đạo đức, một đối tượng để lên án. Anh ít nhiều chỉ như một đứa trẻ, chiến đấu, nghịch ngợm, muốn chứng tỏ mình, bất an, tìm kiếm sự chấp nhận và tình yêu.
Dựa vào điều đó, liệu chúng ta đã nghiêm túc khi suy nghĩ rằng anh có khả năng bị loại ra khỏi cộng đoàn đời sống không? Thật là hoàn toàn phi lý!
Một đứa trẻ trong tình cảnh này cần, có lẽ, một cái phát vào mông, một thách đố, một hành động gây bất ngờ, nhưng còn lâu mới xuống hỏa ngục.
Tôi biết cha mẹ của anh. Là người có đạo, họ bị tổn thương sâu xa vì tuổi trẻ non nớt của anh, vì anh không giữ đạo, vì anh coi nhẹ giáo dục giới tính. Những năm cuối đời và đặc biệt cái chết của anh đã là một tổn thương sâu xa.
Song, khi đứng bên mộ phần của anh, nếu họ có thể chạm được tới anh, dù trong một giây, họ cũng không có bất cứ lời trách mắng, cay chua, đòi hỏi giải thích và xin lỗi nào. Tay trong tay, họ ôm anh như ôm đứa bé bị tổn thương và truyền đến anh một loại ngôn ngữ sâu đậm hơn ngôn ngữ chúng ta có thể hiểu được.
Như người cha của đứa con hoang đàng, họ muốn thoát khỏi nỗi đau của mình trước khi đòi hỏi hay muốn bất cứ sự chuộc tội nào. Họ chỉ đơn giản ngập chìm trong niềm vui gặp lại đứa con.
Thiên Chúa là Thiên Chúa của tình yêu. Còn hơn cả cha mẹ của anh, Ngài hiểu sự tốt lành của quả tim anh.
Tôi chắc chắn Thiên Chúa đã đón chào anh bằng vòng ôm của chấp thuận và chữa lành như vòng ôm của người cha dành cho đứa con hoang đàng.
Tôi ngờ rằng vật duy nhất bị chịu tội hôm đó là con chiên mập – cho bữa tiệc.
Mục đích của việc này là để không dừng lại ở một ví dụ đặc thù, nhưng là để thách đố chúng ta tin tưởng sâu đậm hơn rằng Thiên Chúa hiểu chúng ta. Nói một cách thô tục, Thiên Chúa không ngốc!
Nếu chúng ta, với những hữu hạn của mình, có thể vượt lên tổn thương và chiến đấu để thấy sự tốt lành vẫn còn ẩn sâu trong quả tim con người thì, Thiên Chúa có thể thấy sự tốt lành của chúng ta, hiểu cuộc chiến đấu của chúng ta và tha thứ cho sự yếu đuối của chúng ta nhiều hơn thế nữa. Nếu chúng ta tin điều này, chúng ta sẽ để Thiên Chúa bước cùng chúng ta qua tất cả mọi cảnh huống đời mình, dù là tăm tối hay hư hỏng. Không tin vào điều này, sẽ dẫn chúng ta đến sai lầm tín ngưỡng nguy hiểm nhất: chúng ta chạy trốn khỏi Thiên Chúa những lúc chúng ta cần Ngài nhất.
Chính trong lúc chúng ta sa ngã, khi tinh thần chúng ta kiệt sức, sụp đổ, gặp khó khăn, không đứng vững, không trong sạch, tội lỗi trong lòng, mà hầu hết chúng ta, như một đứa trẻ đang tổn thương, cần vòng ôm của người mẹ hay người cha.
Khổ thay, thường thường đó là lúc chúng ta ngừng cầu nguyện, ngừng đi nhà thờ, ngừng nhận các bí tích và ngừng đặt mình trong tay Thiên Chúa. Tại sao?
Bởi vì chúng ta cảm thấy chúng ta trước hết phải, bằng chính nỗ lực của mình, dọn sạch nhà cửa một chút và chỉnh trang lại cuộc sống của mình trước khi đến gần vòng tay Thiên Chúa; như thể đến gần Thiên Chúa thì trước nhất cần phải có một tối thiểu đạo đức cơ bản nào đó vậy. Như thể dọn dẹp nhà cửa xong, rồi mới gọi thợ đến lau chùi!
Nguyễn Kim An dịch
Xin đọc: Giảm nhẹ Chân lý?