Hà tiện

268

Hà tiện

 Bernard Frank, (1929-2006), báo: L’Évènement du Jeudi

Trên sân khấu của bất cứ nước nào cũng có diễn những vở kịch mà người kịch sĩ mặt mày điểm tô ra vẻ văn nhân, dáng điệu thanh nhã, như tôi đây chẳng hạn, tiến ra phía trước sân khấu và nói: «Đồ ôn dịch, bắt lũ hà tiện và lũ biển lận rán sành ra mỡ». Điều đó rõ ràng đâu cũng có người hà tiện, nó ở trong chính mình. Tuy nhiên tôi muốn biết tờ báo L’évènement du Jeudi sẽ trả tôi bao nhiêu tiền cho cái bài đòi hỏi tôi phải nghiên cứu, phải mất thì giờ này. Và khi nào thì tôi sẽ nhận tấm chi phiếu đây. Thay vì chọn viết về tội lười biếng như tờ báo đề nghị, tôi chọn hà tiện, như thế tôi đã nhổ bớt một cái gai dưới chân cho các đồng nghiệp của tôi. Quý vị đồng nghiệp của tôi, tôi biết họ quá mà. Tội kiêu ngạo: họ sẽ giành nhau viết. Kiêu ngạo quá huy hoàng tráng lệ. Tội mê đắm sắc dục: trước khi có bệnh si-đa, đó là tội của thời thượng. Thèm muốn: họ cũng giành nhau viết, đó là tội của nghề nghiệp và cũng là một trong những rủi ro của nghề nghiệp. Nó cho phép mình tự cười bằng chính chữ nghĩa của mình. Tội tham ăn: thật dễ thương và hấp dẫn. Đó là một tội nho nhỏ, xinh xắn tròn trịa như hoàng tử đẹp trai. Hơn nữa nó lại phù hợp với khiếu bếp núc của tôi. (Rõ ràng tác giả muốn ám chỉ bí quyết nghề nghiệp đâu đến nỗi bí mật như thế, ông viết các bài tùy bút về ăn uống, làm cho ông có cảm tưởng mình vừa là Nietzsche, vừa Curnonski – và xéo đi, anh đâu phải là bố tôi!) Tội giận dữ: chẳng phiền hà chi. Khi nào người ta cũng có thể nổi giận. Tội đó thiên hạ cho là tội chính, nhưng e gần như là một đức hạnh của văn chương chữ nghĩa. Còn tội lười biếng: chỉ là bánh ngọt. Nét duyên dáng tiêu biểu. Một nét đặc thù nhỏ nhoi. Chẳng bao giờ đúng. «Người ta bảo nó lười, nhưng thật là một kẻ lao động cần cù đáng phục!» Nó giả bộ lười, nhưng đó là phong cách tao nhã của nó.

Hà tiện, lại là một chuyện khác. Độc giả bắt đầu lơ đãng rồi. Hà tiện không đẹp đẽ gì, là bủn xỉn, là ti tiện. Chắc chắn như vậy. Người ta lùi bước thật sự trước hà tiện. Đó là «người do thái» của bảy mối tội. Người có con mắt đa nghi. Vì đãng trí, độc giả sẽ lẫn lộn nhà văn với đề tài ông chọn viết. Khói nào mà không có lửa, chọn lựa nào mà không có thuận tình. Hơn nữa, Sartre đã chẳng nói người ta chẳng bao giờ làm chuyện đùa. Frank là bủn xỉn, bủn xỉn là Frank. Một là hai, hai là một. Vậy thì Frank có phải là người do thái không, không phải à? Không một đồng nghiệp nào của tôi chọn đề tài này. Tôi quá biết họ, biết tim đen họ. Họ sẽ mỉm cười, ra vẻ khó chịu:  Thật là khôi hài khi bạn nghĩ về tôi như vậy. Cái thúng không đáy là tôi đây. Tôi không để dành nổi một xu. Các bạn tôi sẽ rủ ra cười. Họ sẽ không còn nhận ra tôi. Hắn mà hà tiện? Đó là chuyện đùa!» Bạn nói vậy. Tất cả, tất cả bọn họ đều vậy cả.

Tất cả đều nghĩ đến tiền. Bực, đó không phải là đề tài để viết. Về điểm này của các nhà văn, tôi có thể nói cho bạn nghe, tôi dành trước, nhưng để lần sau tôi sẽ nói cho bạn nghe. Hà tiện, tôi đã làm cho các bạn hiểu, tôi đã được trả lương xứng đáng. Giá công gấp đôi đấy: làm ngày làm đêm, làm cả ngày lễ. Phải chi tôi được trả thêm cho công lao khó nhọc và nổi ô nhục vô phúc chuốc lấy.

Kịch sĩ, nhân vật lúc nảy, đã nói hết, nhưng để có thêm vài trang báo, ông trở lại sân khấu. Chẳng hạn bài viết có thể được François Perrier đọc, đọc khá thành công. Như bạn biết, kịch ngắn hài hước đó không đòi hỏi cảnh trí huy hoàng, loại dàn cảnh tốn phí chỉ làm phá sản, vậy mà đem đến lợi nhuận ra phết! Tựa đề tôi sẽ đặt là: Ứng khẩu của người hà tiện hay Người hà tiện ứng khẩu. Một cái gì đại loại như vậy. Và sẽ được diễn ra mắt lần đầu tiên ở Câu lạc bộ tòa soạn L’Évènement du Jeudi, đường Christine. Để kể câu chuyện nho nhỏ này, chính xác hơn là hài kịch ngắn ứng khẩu – tác giả chú trọng rất nhiều đến danh từ này – kịch ngắn ứng khẩu xuất xứ từ sự nghiệp phi thường của tác giả, cuối đời ông được nổi danh ở sân khấu kịch nghệ. Kịch sĩ tiến đến gần sân khấu và bắt đầu màn độc thoại, vì rốt cuộc, cũng chỉ là một màn độc thoại. «Tôi không chối cãi thiên tài của Molière, nhưng cũng tùy lúc, hơn nữa đó cũng chẳng phải là tác giả ưa chuộng của tôi. Vâng đúng thế, người ta có quyền có các văn sĩ ưa thích riêng, nhưng kịch bản Người hà tiện quả có nhiều thiếu sót.» Ngưng. Đây không phải là chuyện của tấm vé ngẫu hứng, tờ giấy nghỉ hè, tôi sẽ nói với bạn nhiều hơn về chuyện này. Lòng quảng đại có những giới hạn của nó. Có những điều tốt trong tính hà tiện, nhưng lại không có ở lòng quảng đại. Người hà tiện không ngừng trước một trở ngại nào để cứu kho tàng của họ. Giã từ lễ nghi, gia đình, lạc thú ăn uống, da thịt tươi mát, giã từ mọi lạc thú cuộc đời, trong cái hoang phí của mình, người hà tiện sẵn sàng vứt hết để chỉ giữ lấy cái tối cần, cái cho phép y, trong thực tế, có được những điều điên rồ mà mọi người ham muốn. Trong cái khôn ngoan của mình, người hà tiện hiểu rằng vàng cũng như cục pin chỉ mòn khi người ta dùng đến nó.

Nhân vật độc thoại kia có thể diễn lại từng màn một của vở kịch Người hà tiện. Từng nhân vật một. Kịch bản trong tay, ông cho thấy chỉ có một nhân vật chắc nịch, đáng ngừng lại để xem, đó là người hà tiện. Rõ ràng những kẻ trái ý ông chỉ là những kẻ bung xung. Đứng trước Harpagon, các vai phụ Cléante, Elise, Valère, Mariane và Anselme đều không có mặt. Và nếu Flèche, Frosine và nhất là Maitre Jacques làm cho người ta tò mò, chính vì họ là những người trong nhà. Khi Harpagon nổi hứng nhắc đến món đậu ha-ri-cô xanh béo ngậy, với một ít pa-tê trong hủ hạt dẻ đầy ắp và «ước gì tất cả ngần ấy sự sinh sôi nẩy nở như thỏ mùa phục sinh», thì phần còn lại chỉ là loại bếp núc bà lơn. Xin tính tiền ngay lập tức, dĩ nhiên, biên lai thuộc về nhà xuất bản.

Marta An Nguyễn dịch

Xin đọc thêm: Kiêu ngạo    

Linh mục Olivier Turbat: “Thuốc giải độc cho bệnh kiêu ngạo là buông bỏ trong tin tưởng ”

Bảy mối tội đầu: Triệu chứng và chữa trị