Đào tạo chủng sinh ở Đại chủng viện Montréal, Canada

709

Đào tạo chủng sinh ở Đại chủng viện Montréal, Canada

“‘Bạn là ấu dâm ư’: các chủng sinh chán ngấy”

 presence-info.ca, François Gloutnay, 2018-12-13

Linh mục Guy Guindon là Giám đốc thứ 30 Đại chủng viện Montréal, Canada.   (Présence/François Gloutnay)

Linh mục Dòng Xuân Bích Guy Guindon là giám đốc thứ 30 Đại chủng viện Montréal, cha nghĩ rằng việc đào tạo các linh mục “phải thích ứng để gắn kết với thực tế ngày nay”. Thời gian này là thời gian thi của các chủng sinh, nhân dịp cha có buổi cà-phê để thảo luận về vai trò của các linh mục, về thượng hội đồng giới trẻ, đức tin và phân định ơn gọi gần đây và về tai tiếng ấu dâm trong Giáo hội. 

Báo Présence: Từ ngày thành lập Đại chủng viện từ năm 1840 đến nay, cha là giám đốc thứ 30. Cha nhắm đến tương lai của Đại chủng viện như thế nào?

Linh mục Guy Guindon: Đại chủng viện được gọi để sống các thay đổi quan trọng theo đường hướng của Đức Phanxicô.

Khi tôi còn trẻ, trong các lễ chịu chức, tôi nghe các giám mục lặp đi lặp lại, linh mục là con người của bí tích hòa giải và của thánh thể. Tất cả quay chung quanh định nghĩa này.

Nhưng từ vài năm nay, nội dung đã thay đổi. Chúng ta nói đến linh mục như thừa tác viên của Lời. Đại chủng viện Montréal phải đào tạo các linh mục để họ sẽ tháp tùng và đào tạo các môn đệ truyền giáo. Linh mục không còn tập trung vào một công việc chính xác mà noi lại gương của chính Chúa Giêsu trong đời sống công khai của Ngài, đó là đào tạo những người đi loan báo Tin Mừng. Ngày nay tất cả giáo dân đã được rửa tội đều được gọi để làm môn đệ truyền giáo, những người dấn thân, những người hành động chứ không phải chỉ là những người tiêu thụ.

Đây là một thay đổi lớn được gọi để sống. Linh mục sẽ ở đàng trước vì linh mục dâng thánh lễ. Linh mục cũng là người ở giữa vì như những người được rửa tội khác, linh mục cùng đi với dân Chúa. Và linh mục cũng là người đi sau vì linh mục phải săn sóc những người cùng khốn, những người bị tổn thương trong cuộc sống.

Trong tài liệu chuẩn bị của thượng hội đồng gần đây về giới trẻ, đức tin và phân định ơn gọi có đề cập đến vai trò của các chủng sinh. Người ta cho rằng con số ứng sinh ngày càng giảm “làm cho việc suy nghĩ lại về ơn gọi chức thánh” là điều cần thiết. Suy nghĩ này như thế nào ở Montréal?

Thượng hội đồng kêu gọi chúng ta phải nhìn lại sứ vụ chức thánh trong điều chủ yếu của nó. Chúa Giêsu đã cho thấy có nhiều dấn thân khác nhau. Ngài chọn 12 tông đồ, rồi 72 môn đệ, các phụ nữ đi theo Ngài. Nhóm chung quanh Chúa Giêsu lo các sứ vụ khác nhau. Chỉ sau này, sau khi Chúa sống lại người ta mới xem lại tất cả những việc này và đi đến việc thành lập một tổ chức.

Nếu nói linh mục phải là một mục tử như Chúa Giêsu, như thế điều này cho thấy linh mục sẽ tháp tùng trong các sứ vụ khác nhau. Ở đây chúng tôi làm việc chặt chẽ với ban phó tế vĩnh viễn. Trong các môn học, chúng tôi có các giáo sư là giáo dân.

Trong buổi họp gần đây của Hội đồng giám mục công giáo Mỹ, một giám mục đã tuyên bố: “Chúng ta đã để cho những kẻ ấu dâm vào các chủng viện của chúng ta”. Về phần mình, các giám mục Canada trong tài liệu mới nhất về các lạm dụng tình dục trong Giáo hội đã lấy làm tiếc “có những người thiếu trưởng thành về mặt tình cảm, xúc cảm và tâm lý giới tính đã vào được chủng viện mà không ai nhận ra, vì thiếu chương trình đào tạo đầy đủ ở chủng viện, chủng viện chỉ ưu tiên tập trung đào tạo về mặt thiêng liêng và thần học hơn là phát triển mục vụ và nhân bản”. Cha phản ứng như thế nào về các lời chỉ trích này?

Suy tư về vấn đề này đã có ở đây trước khi báo chí nói đến. Cá nhân tôi, tôi đã quan tâm đến vấn đề ngay từ khi tài liệu đầu tiên của các giám mục Canada soạn thảo (Từ đau khổ đến hy vọng, năm 1992). Như vậy là đã 25 năm tinh thần ‘không khoan nhượng’ đã có trong Giáo hội Canada. Tôi được đào tạo trong bối cảnh này.

Ở đại chủng viện, điều chúng tôi phải quan tâm, đó là sự nhất quán với kinh nghiệm sống của Phúc Âm. Chúng ta không thể nào chấp nhận đời sống hai mặt. Không thể nào chấp nhận kiểu hành xử ấu dâm. Đơn thuần là không chấp nhận.

Chính vì thế mà chúng tôi đã triển khai các phương tiện và mang đến các phương thức đào tạo mới. Chẳng hạn cách đây hai năm, chúng tôi có một khóa về phát triển tâm lý giới tính với nữ tu Marie-Paul Ross. Các vấn đề thật đã được đề cập đến. Tất cả các vấn đề. Chúng tôi đã thảo luận về giới tính, về thủ dâm, về quyến rũ tình dục, về đồng tính, về dị tính.

Hơn nữa, khi một ứng sinh ghi tên, anh sẽ gặp một tâm lý gia độc lập và tâm lý gia sẽ cho chúng tôi chân dung của ứng sinh này. Khi đó chúng tôi phân định. Người này có theo đuổi được một chương trình đào tạo hay không? Họ có khả năng hay họ có vấn đề tâm lý, tâm thần lớn cần một tiến trình tháp tùng khác ngoài khuôn khổ của tiến trình đào tạo không? Nếu chúng tôi thấy người này không có khả năng đưa ra một phán đoán về đạo đức thì chúng tôi sẽ nói với ứng sinh, họ không được thâu nhận.

Một khi được chấp nhận, trong năm đầu tiên đào tạo, các ứng sinh được một trong ba nhà tâm lý trị liệu của chúng tôi tháp tùng, một linh mục, một phụ nữ đã lập gia đình, một nữ tu.

Việc còn lại chúng tôi phải làm là nhìn xem làm thế nào để giúp các chủng sinh không rơi vào các ‘nghiện ngập thời buổi hiện đại như tiền bạc, sản phẩm khiêu dâm, rượu, ma túy và các dụng cụ điện tử’. Chúng tôi cũng muốn tham khảo với các giám mục để đưa các đề nghị có nội dung này vào trong tài liệu mới về việc bảo vệ những người ở trong tình trạng yếu đuối mong manh.

Điều khó cho các ứng sinh ngày hôm nay, khi họ đi thực tế, họ phải đối diện với những câu hỏi như “Bạn là người ấu dâm à?” Các chủng sinh chán ngấy. Chúng tôi khuyến khích họ đề cập trực tiếp đến vấn đề lạm dụng tình dục.

Một điểm cuối. Các chủng sinh không phải là những người ngoài thế giới này. Thật là ngây thơ khi nghĩ họ sống và lớn lên ngoài thế giới hiện đại, một thế giới mà tự do tình dục là hiển nhiên, cũng như sự chạm trán giữa các ý thức hệ khác nhau. Họ đã đứng trước các vấn đề này, họ đã có kinh nghiệm sống – tuổi trung bình của các chủng sinh bây giờ là 35 tuổi – một vài người chính họ cũng đã là nạn nhân của các vụ lạm dụng. Chúng ta không thể làm công việc đào tạo ngày nay mà nghĩ rằng họ chưa thật sự có kinh nghiệm gì.

Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch 

Nhà nguyện tại Đại chủng viện Montréal