Linh mục Pedro: “Chúng ta cùng tạo các ốc đảo hy vọng”

278

Linh mục  Pedro: “Chúng ta cùng tạo các ốc đảo hy vọng”

pelerin.com Christophe Henning, 2017-07-12

Cảm hứng từ các việc làm của Thánh Vinh Sơn Phaolô, Cha Pedro không ngơi nghỉ làm việc cho người nghèo ở Madagascar, cho các gia đình sống ngoài đường, sống nhờ đống rác. © Rijasolo

Từ nửa thế kỷ nay, người môn đệ Achentina của Thánh Vinh Sơn Phaolô làm việc cho người nghèo ở Madagascar. Về Pháp thăm lần này, cha muốn lay động tâm hồn và lương tâm người tín hữu.

Trong quyển sách gần đây của cha, cha mời gọi phải nổi dậy… Không ít sao?

Linh mục  Pedro: Đúng vậy! Tôi giận vì đây là chuyện khẩn cấp. Đối với các chính trị gia, chuyện chống nghèo là chuyện bên lề. Những người cầm đầu nước Madagascar, cũng như các nhà lãnh đạo khác ở Phi châu, Venezuela, Cô-lông-bi, Argentina, họ phải làm việc để đất nước phát triển, để có công chính xã hội. Tôi không hiểu tại sao một chính trị gia lại có thể nói dối với chính con cái mình, với chính dân tộc mình. 

Có phải Tin Mừng là lời kêu gọi nổi dậy không?

Chắc chắn rồi! Chúng ta hơi bị cứng khớp: phải làm giãn khớp. Đức Phanxicô thường kêu gọi phải trở lại điều căn bản của Tin Mừng, đó là chuyện quan trọng. Không phải là chuyện giữ truyền thống: tình yêu, sự thật, đó không phải là truyền thống. Tình yêu, đó là năng lực làm chúng ta hành động. Tin Mừng làm chúng ta đứng dậy: Hãy thức tỉnh! Hãy đứng dậy!

Phải có nhiều “Cha Pedro” hơn?

Không, tôi không thể nào nói vậy. Nhưng có thể chưa có đủ những người tin vào Tin Mừng. Chúa Giêsu đã hiến mạng sống cho anh em mình: tất cả đều bắt đầu từ đó.

Cha nghe tiếng gọi này từ lúc nào?

Mẹ tôi rất quan tâm đến người nghèo: bà yêu thương chăm sóc tám anh em chúng tôi và dạy chúng tôi chia sẻ những gì mình có. Năm 15 tuổi, tôi bắt đầu đọc Tin Mừng, khi khám phá Chúa Giêsu là bạn của người nghèo, tôi nói: “Tôi muốn đi theo người này!” Chính Ngài đã dẫn tôi đến sống với người nghèo.

Gốc rễ của cha quan trọng…

Thành phố Buenos Aires là thành phố có tất cả các sắc dân trên thế giới. Tôi sống giữa hai nền văn minh: sinh ở Argentina, cha mẹ tôi là người Nam-Tư. Trong gia đình tôi, làm việc là hàng đầu. Nhưng khi tôi ra đường thì hội hè! Nếu tôi chỉ biết làm việc, là người luôn nghiêm túc thì tôi sẽ là người rất buồn bã! Nếu tôi chỉ là người Argentina, thì tôi chỉ ham hội hè mà không làm việc: tôi rút phần đẹp nhất của mỗi nền văn minh. Ở Madagascar, đó là làm việc và hội hè.

Cha gặp Đức Phanxicô, người đồng hương với cha ngay sau khi ngài được bầu chọn?

Tình cờ tôi đến Rôma trong thời gian mật nghị. Và một giáo hoàng Argentina được bầu! Ở vườn Vatican, tôi gặp hồng y Claudio Hummes, năm năm trước ngài có đến thăm hiệp hội Akamasoa của tôi. Ngài đưa tôi đến gặp Đức Phanxicô. Tôi thấy Đức Phanxicô hơi xanh: ngài bắt đầu nhận ra chuyện gì đã đến với mình. Sau đó tôi xin ngài ban phép lành cho người dân Madagascar. Chúng tôi đã cùng ở Trường Massimo năm 1967-1968. Tôi là sinh viên mới vào trường, còn ngài thì đã học xong. Bergoglio, tên ngài đã vang lên trong các hành lang.

Đức Phanxicô đã giải thích: “Một tín hữu kitô, nếu không là người cách mạng trong thời của mình thì không phải là tín hữu kitô”, cha đồng ý với ngài?

Tôi nghĩ, một tín hữu kitô phải như Chúa Giêsu. Chính Ngài là tấm gương mình phải theo, chứ không phải các thánh. Phải bắt chước Chúa Giêsu, bạn của người nghèo. Đó là người của sự thật, sống theo những gì mình giảng và hiến mạng sống mình cho anh em mình. Ngài không bao giờ sợ phải tố cáo các bất công. Quả thật Chúa Giêsu là nhà cách mạng. Các tín hữu kitô cũng phải là nhà cách mạng vì chúng ta phải làm mới lại đời sống của mình, làm mới lại cơ cấu, thói quen, phong tục trong đời sống hàng ngày của chúng ta. Người tín hữu kitô phải canh chừng để mình không ngủ quên. Đức Phanxicô tìm cách để mình là người đại diện chân chính của Chúa Kitô. Đưa ra mười lăm bệnh của các hồng y là những người rất được kính trọng như ngài đã làm là một chuyện rất can đảm. Không một giáo hoàng nào trước đây đã làm. Ngài nhắc các hồng y, ngoài mọi thế giá, chúng ta trước hết phải là bạn hữu của Chúa Giêsu, chân thành và chính trực. Hoan hô Đức Phanxicô!

Theo cha, Đức Phanxicô có phải là người mà Giáo hội công giáo cần không?

Tôi sẽ nói, ngài là người mà Giáo hội, dân của Chúa ngày nay cần. Nhưng không phải chỉ có trong giới công giáo. Ngài thức tỉnh chúng ta. Ngài thường đưa ra những chuyện bất ngờ, những câu ngắn mang nhiều ý nghĩa. Dĩ nhiên các thần học gia sẽ chất vấn. Họ nghĩ ngài trở nên quá đơn giản. Nhưng Chúa Giêsu còn đơn giản hơn.

Sự kiện ngài là người Argentina giống cha có tác động trên nhân cách của ngài không?

Đương nhiên. Tính cách và cách sống của người Argentina mang đậm tình huynh đệ, và các mối dây liên hệ nhân bản rất khác. Người dân tự do hơn. Cách rao giảng Tin Mừng ở Châu Mỹ La Tinh có một cái gì mang đến cho Giáo hội hoàn vũ. Cho đến bây giờ các giáo hoàng là người Âu châu, họ ở trong lý luận, suy tư, triết học và thần học sâu đậm. Ngày nay chúng ta trở lại với những chuyện đơn giản gắn liền với Tin Mừng và với thực tế của tình yêu. 

Cha gắn kết với hình ảnh của Thánh Vinh Sơn Phaolô.

Đúng vậy, tôi là linh mục Dòng Vinh Sơn. Thánh Vinh Sơn Phaolô lập hội dòng chúng tôi để lo cho người nghèo. Ngài thấy nơi mỗi người nghèo là hình ảnh của Chúa Kitô: một biểu tượng rất mạnh. Tôi không làm gì phi thường, tôi chỉ hoàn tựu bổn phận là người đã được rửa tội, là linh mục, là tu sĩ Dòng Vinh Sơn. Năm nay (2017) chúng tôi mừng 400 năm thánh hiến của Thánh Vinh Sơn Phaolô. Nhưng đáng tiếc là ở Pháp người ta không nhớ nhiều.

Ngay ngày hôm sau khi được chịu chức ở Argentina, cha nói: tôi tận hiến cho dân tộc này. Cuối cùng cha được gởi đến Madagascar, và cha ở đó đã 47 năm!

Tôi sinh ở Argentina trong một gia đình đến từ Đông Âu. Tôi không gắn vào một dân tộc nào riêng nhưng vào sứ mạng, đó là tình yêu, phục vụ, tình huynh đệ. Dân tộc là khắp mọi nơi: Tin Mừng dạy chúng ta mở ra với mọi người. Nếu hôm nay, nhà Dòng xin tôi đến một nước nghèo hơn Madagascar, tôi sẽ đi liền. Người nghèo là hàng đầu. Đúng là tôi yêu dân tộc Madagascar, nhưng dân Chúa là tất cả mọi dân tộc trên Trái đất này.

Sức mạnh của Giáo hội, đó là tính phổ quát của Tin Mừng và Chúa Giêsu.

Bây giờ với một nhóm rất lớn, cha đón được rất nhiều gia đình, cha mở trường học, bệnh xá, làng mạc, cha thăm người nghèo: cái gì làm cha trụ vững?

Năng lực của tôi đến từ Chúa. Cầu nguyện không phải là lặp đi lặp lại theo công thức. Đời tôi là đời cầu nguyện! Khi tôi đi ngoài đường, khi tôi nhìn người dân, khi tôi làm một cái gì cho người lớn tuổi, đó là lời cầu nguyện của tôi! Có bao nhiêu lần Chúa Giêsu vắng mặt trong khi tôi cầu nguyện? Không quá hai hoặc ba lần. Lời cầu nguyện của Chúa Giêsu là trọn tâm trí trong việc phục vụ.

Tin vào Chúa Giêsu không làm chúng ta xa thế gian…

Chúa Giêsu Nadarét đã Sống Lại, nhưng Ngài ở đâu? Trời trước hết là ở trong tâm hồn chúng ta! Chúa Giêsu mà chúng ta không còn thấy cho đến khi Ngài trở lại, Chúa Giêsu đó ở trong tình yêu anh em của chúng ta, trong các nhà thờ chúng ta, nơi có tình anh em, tình tương trợ, sự hiệp thông. Và đó là Chúa Giêsu sống động. 

Cha có một lời khuyên để cầu nguyện?

Cầu nguyện không phải là nơi chốn, là thời khắc, là câu chuyện, cũng không phải là lời nói đầu môi. Đó là một trạng thái tinh thần và chúng ta có thể ở trong trạng thái tinh thần này suốt ngày. Người ta thường hay nói: “Trong khi cầu nguyện, tôi không cảm thấy gì lớn chuyện.” Nhưng khi tôi làm việc cho người nghèo, khi tôi đến với người lớn tuổi, người nghiện ngập, người bị tù, người nghiện rượu, tôi cảm thấy có niềm vui! Tôi cũng có niềm vui ấy khi tôi dự lễ ngày chúa nhật ở trung tâm Akamasoa, có khi có đến 10 000 người dự lễ! Dân Chúa họp nhau để hội hè: lời cầu nguyện Thánh Thể này như một ân sủng. Giáo dân hát và họ mang sức mạnh. Tôi hân hoan trong thánh lễ: dân Chúa mà tôi thấy họ ngoài đường, trong đống rác, bây giờ tôi thấy họ ở đây, họ ca hát ngợi khen Chúa!

 

Ở Âu châu nhà thờ vắng vẻ hơn…

Ở Âu châu không có trẻ em và không có người trẻ đi lễ. Giáo hội chúng ta cần thay đổi. Vào nhà Chúa với tấm lòng hân hoan và tự phát. Phụng vụ Chúa như một ân sủng thì niềm vui sẽ trở lại. Và giáo dân sẽ trở lại vì chúng ta cần niềm vui.

Cha đã học ở Pháp, cha đến Pháp để xin giúp đỡ cho Madagascar. Cha mong chờ gì ở chúng tôi?

Tôi không đến để xin nhân sự: ở Madagascar chúng tôi có nhiều người trẻ đã học xong, họ rất mong muốn có việc làm.

Đầu tiên trong cuộc chiến chống nghèo là các bạn trẻ Madagascar, chứ không phải các bạn trẻ Âu châu, Mỹ châu hay Úc châu. Nhưng chúng tôi phải sát cánh họ, phải cho họ phương tiện để làm việc. Quý vị có một khả năng mua 60 lần hơn chúng tôi. 60 lần! Chẳng hạn: quý vị có 60 cái chăn trong tủ. Mùa đông quý vị cần 3 hoặc 4 cái chăn… Trên 56 cái còn lại, chúng tôi xin 2 cái: “Yêu là chia sẻ”, linh mục Pierre đã từng nói như thế. Chúng ta phải làm mà không chờ được cám ơn, được biết ơn. 

Akamasoa có nghĩa là “bạn hữu chân thành và tin cậy”: cùng hành động chung, đó là hy vọng của cha?

Không có gì là hoài công, vì chúng ta có ốc đảo bình an. Chúng ta có thể trở thành ánh sáng cho người khác. Khi chúng ta có nhiều ánh sáng, chúng ta sẽ có nhiều ốc đảo bình an, chúng ta chạm đến nhau và như thế chúng ta là một. Nhưng có một điều khẩn cấp: chúng ta phải tạo các ốc đảo hy vọng này.

Marta An Nguyễn dịch

Xin đọc thêm: Đối với linh mục Pedro, giáo dục là ưu tiên tuyệt đối