Vinh danh tài năng và đáng kính

152

Vinh danh tài năng và đáng kính

Ronald Rolheiser, 12-8-2014

Với những ai không phải là người Canada, có lẽ cái tên này chẳng nói lên gì, nhưng, tuần qua, Canada đã mất một trong những biểu tượng văn hóa vĩ đại của mình, Jean Beliveau, một nhà thể thao lừng danh. Ông qua đời, và tất cả người Canada, kể cả những người xa xứ đã khóc thương tiếc cho sự ra đi của ông.

Jean Beliveau còn hơn cả một vận động viên, dù chắc chắn ông là vận động viên cả triệu người mới có một. Kỷ lục các thành tích của ông gần như không thể tin nổi. Ông chơi trong Giải Băng cầu Vô địch Quốc gia (hockey) trong 20 mùa giải, và có được 10 chức vô địch. Về sau, với vai trò điều hành, ông góp phần đem về thêm 7 chức vô địch khác. Hãy tưởng tượng, có ai, trong bất kỳ môn thể thao nào ở mức độ cao nhất, lại giành được 17 chức vô địch.

Nhưng đây không phải là những gì làm nên sự vĩ đại của ông, cũng như không phải là lý do cả đất nước yêu mến ông và biến ông thành một biểu tượng quốc gia. Nhưng chính trong thái độ đáng mến của ông, cách hành xử ngoại hạng cả trong và ngoài sân đấu. 17 chức vô địch thật phi thường, nhưng thành tựu thực sự của ông chính là sự tôn trọng mà tất cả mọi người dành cho ông, cả trong và ngoài sân đấu. Tôi không biết bất kỳ vận động viên chuyên nghiệp nào, ở bất kỳ môn nào lại có được sự tôn trọng như ông đã có. Thật vậy, rất lâu sau khi ông giải nghệ, thủ tướng Canada đã mời ông làm Toàn quyền Canada, một chức vị chỉ dành cho những người mà toàn quốc xem như biểu tượng của sự hiệp nhất, phẩm giá và vinh dự. Ông đã nhã nhặn từ chối.

Điều gì đã khiến ông trở nên độc nhất vô nhị? Cũng có các vận động viên và ngôi sao ca nhạc lừng lẫy nhưng biết khiêm tốn và đáng mến. Điều gì khiến ông khác hẳn phần còn lại? Sự vĩ đại là một sự không thể nắm bắt rõ ràng được, thật khó để có thể chính xác đưa ra điều gì làm cho  người đó nổi bật như thế? Vậy tại sao lại là Jean Beliveau? Xét cho cùng, ông chỉ là một nhà thể thao chơi hockey. Vậy điều gì khiến cho ông có được một sự tôn trọng quá phi thường?

Nhà tâm thần học Ba Lan lừng danh, Kasmir Dabrowski, có một thuyết gợi nhiều suy tư về sự trưởng thành của con người, và điều gì đã làm cho con người được sự trưởng thành đó. Theo ông, chúng ta lớn lên bằng sự đổ vỡ, bằng việc khụy gối do các cơn khủng hoảng đã gặp nên đã thúc đẩy chúng ta vươn lên khỏi các lề thói tầm thường và sự non nớt của mình. Richard Rohr gọi điều này là ngã lên [không phải ngã xuống]. Chúng ta trưởng thành hơn qua thất bại, trở nên kiêu ngạo vì thành công. Hầu như đúng là thế. Thành công hủy hoại đời sống còn hơn là do thất bại.

Nhưng như thế có hợp lý hay không? Lớn lên nhờ thành công không phải hợp lý hơn sao? Thành công khơi gợi lên lòng biết ơn trong lòng chúng ta và làm cho chúng ta quảng đại, độ lượng hơn không phải sao? Một vài người đã hỏi Dabrowski câu hỏi trên, và đây là câu trả lời của ông: “Anh đúng, thành công sẽ làm chúng ta trở nên biết ơn và độ lượng hơn, đó là cách lý tưởng để lớn lên … ngoại trừ một việc, là trong suốt 40 năm kinh nghiệm hành nghề, tôi chưa bao giờ thấy mọi chuyện diễn ra như thế. Cách này chỉ xảy ra với những trường hợp đặc biệt, cực hiếm … và tôi tin rằng, đây là những gì làm nên một con người vĩ đại.” Một người vĩ đại là người mà, thành công sẽ mở rộng tâm hồn hơn là thả lỏng cái tôi.

Khi Jean Beliveau bước chân vào Băng cầu Quốc gia, ông là người cao nhất, có kỹ thuật nhất, đáng mến nhất, và đẹp trai nhất giải. Thật không phải là những thiên khiếu bình thường. Ông có đôi chút giống Vua Saul khi mới được phong vương lúc còn trẻ. Trong số các con của Benjamin, có một người tên là Saul, một người trẻ tuổi đẹp trai. Trong tất cả dân Israel, không ai đẹp trai hơn ông, khi đứng, ông cao hơn bất kỳ ai. Nhưng, đáng buồn thay, tất cả mọi thiên khiếu và thành công đó không làm cho Saul trở nên một vị vua tốt. Nhưng lại hủy hoại ông. Bám chặt một cách sai lầm vào thiên phú của mình, ông đã biến đời mình thành bi kịch. Chiều cao, đẹp trai và sự đáng mến của ông, làm cho ông ghen tỵ trước thiên khiếu của người khác, và ông trở nên hoang tưởng, hằn học, để rồi cuối cùng tự kết liễu cuộc sống mình. Câu chuyện của Saul là một trong những bi kịch lớn nhất từng được viết ra: đáng buồn thay, nó vẫn được viết đi viết lại trong cuộc đời của những tài năng lớn. Thiên phú đến cùng với những nguy cơ của nó. Thiên phú và thành công, dễ dàng thổi phồng cái tôi cũng như dễ dàng mở rộng linh hồn.

Đáng buồn thay, ngày nay, chúng ta thấy điều này nơi rất nhiều người, không phải chỉ trong thể thao nơi cái tôi và cảm xúc riêng thường được hợp lý hóa và được xem như một phẩm chất đáng ao ước của một vận động viên, đây được xem là một tính tốt hơn là một tính xấu, vì một tên khệnh khạng bạo dạn và ngông ngạo sẽ góp phần hù dọa đối thủ, giúp thắng trận, và làm cho cả thế giới phải dán mắt theo dõi. Nó làm nên màu cờ sắc áo, tiếng tăm, có nhiều người hâm mộ, nổi tiếng và danh vọng. Màu cờ sắc áo và tiếng tăm lớn hơn cá tính, và kiêu ngạo có thể góp phần đem lại thắng lợi.

Do thế, tôi thật mừng vì đã có một thời buổi khác hẳn, khi các vận động viên và hầu hết mọi người phải thấy ngại về cái tôi và thói tự tâng bốc mình. Tôi mừng là khi tôi còn nhỏ, đam mê thể thao, và thần tượng các vận động viên, đã có một ngôi sao là Jean Beliveau, người tránh các thói kiêu căng, làm dáng, khệnh khạng, mắng nhiếc đối thủ, và tự tâng bốc mình một cách thô bỉ, để chơi với một sự đáng mến và khiêm tốn, làm cho mọi người ngưỡng mộ một cách  đúng đắn, dù ông vẫn thắng trận.

J.B. Thái Hòa dịch