Thánh thiện, toàn vẹn và trầm cảm

135

Thánh thiện, toàn vẹn và trầm cảm

Ronald Rolheiser, 01-26-2014

Vẻ bên ngoài có thể dễ dàng lừa phỉnh chúng ta, và thường là thế. Đó là sự thật xảy ra trong đời sống nhân loại, và tôn giáo cũng không ngoại lệ.

Vài năm về trước, tôi sống trong một chủng viện với một chủng sinh trẻ tuổi, xét theo bề ngoài, có lẽ anh là ứng viên lý tưởng cho chức linh mục và công tác mục vụ. Anh thông minh, tận tụy, chăm cầu nguyện, chuyên chú vào việc học, và quan tâm sâu đậm đến người nghèo, dường như anh đã vượt ra khỏi những lo toan thế tục thường có. Anh không thích uống bia, bàn chuyện bóng đá, tán gẫu, thóc mách, hay lãng phí thời gian với các chủng sinh khác. Trong khi người khác làm những chuyện phiếm này, thì anh vào nhà nguyện, thư viện, bàn học, bận rộn với những việc hệ trọng hơn. Hơn nữa, anh luôn nhã nhặn và lịch sự vô cùng, chẳng nói nặng lời, chửi thề, hay có lời đùa cay độc nào. Anh làm toàn những việc đúng đắn.

Nhưng không ai sống chung với anh, kể cả tôi, xem anh là thánh. Anh là một thanh niên ngay thật, nhưng không phải là người hạnh phúc. Tại sao lại không? Vì, trong khi bề ngoài mọi thứ anh làm đều đúng đắn, nhưng cái chất tỏa ra từ con người anh lại không phải là sinh khí mà là suy sụp. Khi bước vào một căn phòng, dường như anh làm khô cằn sinh khí trong căn phòng đó. Anh làm mọi chuyện điều đúng, nhưng sinh khí của anh lại không ổn. Các chủng sinh khác, với đủ lo toan trần tục của họ, họ đủ tốt bụng và nhạy bén để nhận ra anh cần được giúp đỡ, và họ đóng vai người Samari nhân hậu, thay nhau đến ngồi với anh, hy vọng anh sẽ vui hơn đôi chút. Cha giám đốc chủng viện cũng nhận ra vấn đề và gởi anh đến một nhà tâm lý, ông bảo anh đang ở trên bờ vực của chứng trầm cảm và tốt nhất anh nên rời chủng viện, ít ra là trong một thời gian. Chàng trai trẻ đã rời chủng viện, cuối cùng anh phục hồi được sức khỏe, và bây giờ, anh là người tăng truyền sinh khí mạnh mẽ cho người khác.

Đây không phải là một ví dụ ít gặp. Một trong những đấu tranh chúng ta thường đối diện trong vấn đề nhận thức tôn giáo chính là việc chúng ta dễ dàng nhầm lẫn trầm cảm với thánh thiện, ủy mị với sùng mến, cứng nhắc với chính thống, bè phái hẹp hòi với trung kiên, áp chế tính dục với sự toàn vẹn, và việc phủ nhận sự phức tạp của con người với tính kiên định. Trầm cảm có thể được nhận là thánh thiện, bởi người đang rơi vào trầm cảm sẽ có vẻ như không bận tâm đến những thôi thúc bình thường của những say mê mang tính thế tục của chúng ta. Tính ủy mị luôn luôn có chiều hướng được xem là sùng mến, và tự biến mình thành lòng sùng kính. Sự cứng nhắc luôn che đậy mình thành người nhiệt thành quan tâm đến chân lý và tính chính thống, cũng như thói bè phái hẹp hòi luôn tỏ ra mình có lòng trung kiên mãnh liệt, và sự áp chế tính dục cũng như sự phủ nhận tính phức tạp của con người, đặc biệt là sự phức tạp về mặt tính dục, thường đội lốt qua sự toàn vẹn và kiên định. Trầm cảm, ủy mị, sợ sệt, cứng nhắc, bè phái, áp chế, và chối bỏ, những thứ này thích ẩn mình sau những đức tính cao quý.

Tôi nói ra các điều này với lòng thông cảm. Vì không một ai trong chúng ta tránh được những đấu tranh này. Nhưng, khi nhận thức được, chúng ta đừng để bị lừa phỉnh vì sự thánh thiện giả. Trầm cảm, ủy mị, sợ sệt, hẹp hòi, cứng nhắc, và áp chế, chúng triệt tiêu sinh khí. Còn sự thánh thiện, chính thống, trung kiên, toàn vẹn, và kiên định thật sự, thì đem lại sinh khí, và bạn sẽ không phải khó khăn đón nhận hay cảm thấy tội lỗi vì dòng máu trong bạn đang tràn đầy một luồng sinh khi dào dạt. Thánh thiện thật sự cho bạn tự do và cho bạn cảm thấy tốt về nhân tính của mình, bất kể bạn ra sao. Thánh thiện thật sự lôi cuốn và chiếu tỏa sự sống, nó không vô thức nài nỉ bạn phải chơi trò người Samari nhân hậu để lôi kéo nó ra.

Chúng ta thấy rõ nơi gương mẹ Têrêxa. Như chúng ta biết, trong nhật ký của mình, sáu năm cuối đời, mẹ đã sống trong đêm đen sâu thẳm đau khổ của tâm hồn. Trong sáu năm cuối đời đó, mẹ đã phải đấu tranh nội tâm để tâm hồn được bình an, nhưng từ mẹ lại tỏa ra toàn những điều ngược lại. Mẹ mang đầy sinh khí cho người khác. Mẹ thắp sáng căn phòng với một bóng đèn cực sáng. Mẹ không chỉ làm toàn những việc tốt, mà còn tỏa ra một sinh khí đem lại sự sống nữa.

Và xét cho cùng, đó là cách chúng ta cần phải phân biệt được sự thánh thiện thật, sùng mến thật, chính thống thật, trung kiên thật, và toàn vẹn thật trước những thứ đội lốt giả tạo. Sự thánh thiện thật đem lại sinh khí, trầm cảm tước mất sinh khí. Sùng mến thật như một hình ảnh đẹp lôi cuốn bạn, còn ủy mị khiến bạn khó chịu muốn nhắm mắt lại cho khuất mắt. Tính chính thống thật khiến bạn muốn ôm lấy cả thế giới, còn tính cứng nhắc khiến bạn thấy sợ sệt và nhỏ nhen. Trung kiên thật khiến bạn đứng lên bảo vệ cho những người thân yêu, còn óc bè phái hẹp hòi làm cho bạn thành kẻ mù quáng. Sự toàn vẹn thật phải đứng ra đối mặt với khối hỗn độn tối tăm của nhân sinh và sự phức tạp của tính dục, còn áp chế và chối bỏ chỉ khiến bạn rụt lại sợ sệt trước những góc tối đó mà thôi.

Và chúng ta có hai đòi hỏi song hành cần phải làm: Thứ nhất, vì điều này can hệ với cuộc đời mình, nên chúng ta phải thành thật và dũng cảm đối diện với những hỗn loạn của riêng mình và nhận ra thiên hướng cố hữu của mình là đánh lận những yếu đuối thành nhân đức. Thứ hai, như nhà thơ William Stafford nói, chúng ta phải chắc chắn chúng ta không đi theo lầm ngôi sao dẫn đường đời mình.

J.B. Thái Hòa dịch