Linh mục Lombardi: «Buổi cầu nguyện mới thật sự kết thúc chuyến đi Đất Thánh»

187

Linh mục Lombardi: «Buổi cầu nguyện mới thật sự kết thúc chuyến đi Đất Thánh»

Hình: Tổng thống Israel Shimon Peres, Đức Phanxicô, Thượng phụ Constantinople Bartôlômêô và Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas.

Radio Vatican 9-6-2014

Đức Phanxicô thường hay nói về tầm quan trọng của một nền «văn hóa gặp gỡ», một công thức và một khái niệm được thực hiện một cách hoàn hảo chúa nhật vừa qua tại Vườn Vatican. Hiệp nhất để cầu nguyện, Đức Phanxicô, Thượng phụ Constantinople Bartôlômêô, Tổng thống Israel Shimon Peres và Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas muốn mang đến một dấu chỉ mạnh cho toàn cầu. Linh mục Federico Lombardi nói về ý nghĩa và tầm mức của buổi gặp gỡ cho hòa bình này.

Đức Phanxicô cùng hiệp lòng với các người tham dự, đã muốn đưa ra một dấu chỉ mạnh cho tiếng gọi của Chúa, mở lòng ra và như thế mở một chân trời cho sự dấn thân ngày càng lớn hơn và càng khác hơn để phục vụ cho hòa bình. Như Bề trên dòng Phanxicô quản thủ Thánh Địa nói cách đây hai ngày, chắc chắn hòa bình sẽ không có ngay lập tức và đầu hôm sớm mai chẳng có thể nào có gì thay đổi ngay. Chỉ những người có thiện tâm và những người tin vào Chúa đã đóng góp một cách mới mẻ và mạnh mẽ, với tất cả sức lực của họ, và họ gọi đó là ơn của Chúa, ơn hòa bình – hòa bình là một ơn, chúng tôi tin điều đó -, và tin vào khả năng hoán cải của tâm hồn con người. Đức Phanxicô thường hay nói đến nền văn hóa của gặp gỡ: và hôm qua, đúng thật sự là một buổi gặp gỡ giữa con người với nhau dưới dấu ấn đức tin. 

Ngoài lời nói, các hành vi cử chỉ cũng làm cho tâm hồn xúc động…

Đó là điều chắc chắn. Có những bàn tay đưa ra để nắm lấy nhau, có những vòng ôm chân tình, ngoài hành vi trồng cây ôliu, một hành vi cổ điển trong những lúc con người muốn xây dựng hòa bình. Tôi nhận thấy những vòng ôm thật chân tình. Đặc biệt đã làm xúc động, đã rất được mong chờ là vòng ôm của hai Tổng thống, trong giây phút «giải phóng» của những nhân vật chính, của những dân tộc thật sự khao khát hòa bình nhưng cảm thấy rất khó khăn để đạt được. Và đây: lòng hoài niệm hòa bình này, ý chí muốn có  hòa bình đã thể hiện nơi những vòng ôm ngày chúa nhật vừa qua.

Sáng nay, các báo chí đều nhấn mạnh đến câu của Đức Phanxicô: «Cần phải có can đảm để xây dựng hòa bình»…

Buổi gặp gỡ này cũng là một hành vi can đảm, bởi vì thực tế là có khuynh hướng nghiêng về thái độ bi quan nản chí đứng trước tất cả các thất bại dồn dập trên con đường đi tìm hòa bình. Nhưng người tín hữu, – và những lời trích trong Kinh Thánh vang vọng ngày hôm qua đã nói lên theo nhiều cách, – là người tiếp tục hướng về Chúa, và từ đó, sẽ có được can đảm mà họ cần. Đức Phanxicô thường hay nói đến các điều ngạc nhiên, mà Lịch sử cho thấy ngạc nhiên này có thể có được từ Thần Khí, nó có thể xảy ra: cho các tín hữu Kitô giáo, chúa nhật vừa qua cũng là ngày Lễ Đức Chúa Thánh Thần Hiện Xuống, giây phút mà Đức Chúa Thánh Thần xuống và canh tân lại công trình tạo dựng. Chúng tôi tin một điều mới mẻ là điều luôn luôn có thể có được, chúng tôi cầu xin Chúa ơn này và với tất cả sức lực của chúng tôi, chúng tôi cùng lên đường.

Tầm mức quan trọng nào cho sự hiện diện của Thượng phụ Bartôlômêô?

Thượng phụ Bartôlômêô đã mang lại một dấu chỉ cho tính đại kết của tinh thần Kitô. Xét cho cùng, theo một cách nào đó, cuộc gặp gỡ ngày chúa nhật vừa qua đúng là buổi kết thúc chuyến đi Đất Thánh, vì đó là một sự kiện được đề ra và được chuẩn bị với chuyến đi Đất Thánh, theo đó, Thượng phụ Bartôlômêô là nhân vật chính, cùng với Đức Phanxicô vì đó là dịp tưởng niệm vòng ôm thân tình giữa Đức Phaolô VI và Thượng phụ Athénagoras. Và vì thế Thượng phụ Bartôlômêô đã thể hiện sự kiện này cho tất cả Kitô hữu, cho tất cả mọi giáo phái Kitô. Giêrusalem và Đất Thánh là những nơi nền tảng và tất cả mọi Kitô hữu trên thế giới kết kiệp với nhau trong mong ước và trong buổi cầu nguyện cho hòa bình này. Không phải chỉ duy nhất có Đức Phanxicô và đặc sủng của ngài, cũng không phải chỉ có người Công giáo, cũng không phải chỉ có Kitô hữu kết hiệp với tất cả mọi tín hữu Do Thái, Hồi giáo trong việc tìm kiếm hòa bình trong vùng đất rất quan trọng này của tất cả mọi người. Chính vì điều này mà sự hiện diện của Thượng phụ thuộc nhánh Hy Lạp-chính thống của Giêrusalem, vị giáo trưởng của các cộng đoàn Kitô ở Giêrusalem là quan trọng cũng như Thượng phụ latinh Fouad Twal.

Nguyễn Tùng Lâm dịch