Ở Pellevoisin, từ nghiện ngập đến sự sống

178

Ở Pellevoisin, từ nghiện ngập đến sự sống

Sau một ngày làm việc, các bạn trẻ và các Sư huynh cùng ăn với nhau bánh mì họ làm sáng nay.

 

famillechretienne.fr, Bertille Perrin, 2017-03-04

Ở Pellevoisin (Indre), hiệp hội Thánh Gioan Hy vọng đón nhận người trẻ nghiện ngập mong muốn bỏ nghiện. Và sống lại.

Mới 6 h 35 sáng. Mặt trời chưa mọc ở Touraine, nhưng nông trại Besses đã sôi sùng sục. Nhờ anh Jean-Pierre, lò bánh mì đã nổ lách tách từ hơn hai giờ nay. Bảy thanh niên trẻ khác được hội Thánh Gioan Hy vọng đón nhận đang chờ lần chuỗi buổi sáng, buổi đi bộ lần chuỗi không thể thiếu trong ngày. Đi trong bóng tối lờ mờ và trời lạnh buổi sáng, họ vừa đi chung quanh nhà vừa lần hạt, đôi bàn tay chai sạn vì cuộc sống, vì công việc lăn từng hạt chuỗi nhỏ. Thay phiên nhau, họ to giọng đọc Kinh Lạy Cha, Kinh Kính Mừng và ý chỉ cầu nguyện. Chỉ mới mấy tháng trước đây, các thanh niên ba-gai này còn chìm trong ma túy, trong bạo lực, trong nói dối, bây giờ các bạn trẻ như những đứa con nít, đơn sơ phó đời mình trong tay Mẹ hiền.

Sau khi lần chuỗi xong, họ về lại căn nhà ấm, bây giờ là giờ súc miệng, rửa mặt, cạo râu, sau đó là dọn phòng, ăn sáng. Ở đây, tất cả đều theo giờ giấc cố định: vệ sinh là chuyện cần thiết cho các bạn trẻ này, vì trước đây, nếp sống không kỷ luật đã dẫn họ đến tai họa cả đời. Các sinh hoạt nối tiếp nhau, để không còn chỗ cho “bánh xe nội tâm quay”, cho tưởng tượng vì các người điều hành biết các em thường bị xáo trộn do thói quen nghiện ngập cũ. 

Băng bó cơ thể và băng bó trí hiểu biết

Sau giờ ăn sáng là giờ sinh hoạt trong căn phòng nhỏ làm phòng học. Sách vở, bút mực, thước kẻ, các anh chăm chú học mỗi ngày, lớp do một Sư huynh dạy. Đời sống kitô, tâm lý, triết học hay nhân chủng học: nhiều đề tài khác nhau nhưng luôn được dạy một cách cụ thể. Thêm một lần nữa, chúng ta ngạc nhiên trước sự dễ bảo của những thanh niên tuổi từ 20 đến 35 này, họ “đến trường” nghe một tu sĩ trẻ dạy. Sư huynh Fabian giải thích: “Không phải chỉ cơ thể và tâm lý mới cần băng bó, mà cần băng bó cả trí hiểu biết nữa. Tự do, chọn lựa, các quan hệ đúng đắn… Khi học hỏi về các vấn đề này, các người trẻ sẽ tự biết mình, và biết mình là điều rất tốt cho đời sống cộng đoàn. Sư huynh Éric phụ trách khoa sư phạm nói thêm: “Phải làm cho các bạn trẻ khôn ngoan để sau đó bổ túc thêm cho các bạn hành trang để đương đầu với cuộc sống. Chẳng hạn, chúng tôi giải thích cho các em, các em luôn yếu đuối khi đứng trước các chất nghiện và các em phải cẩn thận để không rơi vào con đường nghiện ngập nữa”.

Phải nói là với phần lớn các bạn trẻ này, thời gian suy tư là rất quý: suy tư làm các bạn nhớ lại các kinh nghiệm cụ thể và giúp các bạn tiến bộ. Ngoài các lớp học hàng ngày, mỗi sáng thứ bảy các sư huynh tổ chức họp nhóm để các bạn trẻ trao đổi về các tiến bộ cá nhân của mình: mỗi người chia sẻ mình sống tuần vừa qua như thế nào, các người khác nói lên các điểm tích cực họ thấy nơi đương sự, luôn trong mục đích để các bạn trẻ trưởng thành lên. Vào cuối buổi họp, các Sư huynh cho các bạn chủ đề để làm việc vào tuần tới. Một cách xét mình đôi khi đau đớn nhưng mang lại hoa trái. Sư huynh Fabian cho biết: “Đối với tôi, đây là trọng tâm của đời sống ở đây”. Sư huynh Damien kể: “Các buổi này làm cho các mặt nạ bị rơi xuống, đời sống cộng đoàn lúc nào cũng có các mâu thuẫn, các xung đột, nhưng đối với tôi, đây lại là món quà, nó giúp chúng tôi củng cố để vượt lên và để giải quyết vấn đề một cách êm đẹp, không gây bạo lực. Trước đây, chúng tôi thường có khuynh hướng gặp khó khăn thì quay đi; nhưng bây giờ thì không thể quay đi, vì thế làm cho mọi người nên tốt!”, sư huynh Fabian đã ở cộng đoàn Besses từ mười sáu tháng nay.

Sau ba mươi phút học, chuông reo. Bây giờ là giờ làm việc, ngoài cầu nguyện và đời sống huynh đệ, đây là trụ thứ ba của khoa mô phạm ở đây. Sáng nay là ngày mổ gà! Anh Rémi và Jean có vẻ như làm công việc này suốt đời mình. Hai anh kiên nhẫn lặp lại, cùng một động tác dù công việc chẳng thích thú gì. Trong lúc đó thì hai anh Marc và Jean-Pierre bỏ bánh mì vào lò, chiều nay họ sẽ đem bán cho một số bạn bè của Cộng đoàn. Sau khi ăn trưa và nghỉ trưa, các bạn  lại làm việc tiếp. Chiều nay các anh Jean và Rémi lo nông trại, công việc của hai anh dễ dàng: cho các con cừu non uống sữa. Các anh vừa vào chuồng là chúng ùa tới uống sữa trong bình các anh đã pha sẵn, ở đây mỗi con đều có tên riêng của mình, cô Công chúa, cô Nữ hoàng… Cảnh này thật nên thơ và rất xúc động khi biết chỉ mới cách đây vài tháng, họ là những “con chiên đi lạc”. 

Địa ngục của nghiện ngập

Tuy kín đáo về quá trình của mình, nhưng tất cả đều nếm mùi địa ngục của nghiện ngập. Lâm vào cảnh nghiện cần sa, hê-rô-in, cô-ca-in, rượu chè khi vào đây, Tất cả đã ở tận đáy vực. Vì để duy trì và chấp nhận lối sống với tất cả các điều bắt buộc – không điện thoại, không Internet, không ra ngoài -, thì họ phải ý thức đây là cơ hội cuối cùng. Anh Damien xác nhận: “Có vẻ như tôi phải đi qua hết tất cả hỗn độn trong đời mới tìm được ánh sáng”. Bây giờ không những anh bỏ nghiện mà còn tìm được đức tin. Anh kể: “Khi tôi trẻ hơn, tôi đi hành hương với cha mẹ. Tôi đã muốn buông rơi tất cả, nhưng Đức Mẹ đã chụp tôi lại. Tôi buông mình để Đức Mẹ chạm đến tôi qua tràng chuỗi và qua giờ cầu nguyện trước Thánh Thể, cuối cùng tôi thật sự mở lòng ra với Chúa Giêsu”. Anh Damien rất mê nhạc, bây giờ anh sáng tác các ca khúc đạo và chuẩn bị nhận bí tích Thêm sức. Còn anh Jean-Pierre, 21 tuổi thì gần đây anh “về lại với đức tin” trong một cuộc họp hướng đạo ở Vézelay, nơi anh được phép đi sau sáu tháng ở cộng đoàn, anh cho biết: “Bây giờ tôi hiểu, đức tin thật đơn giản!”

Trùng hợp hay không, nhưng cách nông trại vài phút là đền thánh dâng kính Đức Mẹ có tên là Đức Bà Thương xót. Năm 1876, Đức Mẹ hiện ra với cô Estelle Faguette, nhân viên của một gia đình giàu có trong vùng. Ở Besses, sứ vụ bên cạnh những người trẻ này thì không thể tách rời được sứ điệp của Đức Mẹ nói với cô Estelle: “Hãy đơn sơ”, “Mẹ đầy lòng thương xót”, “Mẹ chọn những người nhỏ bé, những người yếu đuối làm vinh quang của Mẹ”.

Marta An Nguyễn dịch

Xin đọc: Từ nghiện ngập nặng đến áo nâu dòng

Từ nghiện ngập đến chức thánh, vị linh mục của những người vô gia cư