Đối với các tu sĩ về hưu, đời sống cộng đoàn là khí cụ để chống lại tình trạng mong manh bấp bênh

389

Đối với các tu sĩ về hưu, đời sống cộng đoàn là khí cụ để chống lại tình trạng mong manh bấp bênh

lavie.fr, Alice Papin, 2018-04-11 

© Florence Brochoire, Báo Sự Sống

Trong căn nhà mới Catherine-Labouré ở Paris, cùng nhau các tu sĩ Dòng Đa Minh đối diện với tuổi già.

Với giọng nói vui vẻ, linh mục Jean Lafond loan báo cho cộng đoàn nhỏ của mình: “Đến giờ kinh trưa”. Sắp đến giờ ăn, một nhóm tu sĩ Dòng Đa Minh đọc thánh vịnh trong ngày. Và tuổi già đã đến, các tu sĩ tuổi từ 76 đến 99, họ không còn nghe rõ, nhiều khi nói cũng khó khăn, họ mất các định chuẩn như bây giờ không biết là giờ nào, ngày nào. Tuy sức khỏe mong manh nhưng đức tin không mong manh, một đức tin đã được họ nuôi dưỡng suốt đời. Đây không phải là tu viện nhưng là một căn phòng ở nhà hưu dưỡng Catherine-Labouré, một trung tâm dành cho những người phải sống phụ thuộc (Ehpad). Trung tâm có tên Catherine-Labouré là nữ thánh đã phục vụ ở đây trong vòng 46 năm.

Trước đây, các tu sĩ ở rải rác trong các nhà hưu dưỡng, họ cảm thấy bị cô lập và thường sống thu mình lại. – Linh mục Jean Lafond 

Trung tâm Catherine-Labouré ở quận XII, Paris, có 96 phòng do Hiệp hội Monsieur Vincent điều hành. Trung tâm tiếp nhận các tu sĩ, giáo dân tự lập hay không tự lập, trong số này có khoảng mười lăm nữ tu Dòng Nữ tử bác ái và tám tu sĩ Dòng Đa Minh. Dòng Đa Minh lo cho các tu sĩ lớn tuổi của Dòng, Dòng đã chọn trung tâm này để đưa các tu sĩ lớn tuổi về đây và thành lập nhà Đức Bà của các tu sĩ rao giảng, nhà được hợp pháp theo giáo luật từ tháng 11 năm 2017. Linh mục Jean Lafond, bề trên của cộng đoàn cho biết: “Trước đây, các tu sĩ ở rải rác trong các nhà hưu dưỡng, họ cảm thấy bị cô lập và thường sống thu mình lại. Ở đây tuy đời sống cộng đoàn không cất đi gánh nặng bệnh tật, nhưng họ cảm thấy được an toàn và họ tìm lại được đời sống cộng đoàn quen thuộc của mình”.

© Florence Brochoire, Báo Sự Sống

Các tu sĩ cùng ở chung với nhau ở lầu bốn. Buổi trưa và buổi chiều họ ăn chung với nhau ở một căn phòng có cửa sổ lớn và mỗi tuần dự thánh lễ năm ngày ở nhà nguyện của Trung tâm Ehpad. Linh mục Jean Lafond cho biết: “Tất cả đều vui vẻ tham dự thánh lễ, kể cả những người mất tự động nhất, họ đến đọc các kinh họ đã thuộc lòng và tươi cười trao đổi bình an cho nhau”. Linh mục Paul-Henri Coutagne, 91 tuổi, là giáo sư triết lý cho biết: “Chúng tôi được săn sóc kỹ. Ở tu viện Đức Mẹ La Tourette cách Lyon 30 cây số, nơi tôi ở trước đây, mỗi lần cần đi bác sĩ, chúng tôi phải tìm một ai rãnh để chở chúng tôi đi”. Từ khi nhóm đến đây cách đây ba tháng, linh mục Jean Lafond ghi nhận có nhiều cải thiện: “Một trong các tu sĩ trước đây nằm trên giường không nói một tiếng. Bây giờ sư huynh đi được, nói được, hôm qua trong bữa ăn tối sư huynh còn nói chuyện đùa về thuốc lá làm cho chúng tôi được một trận cười”.

© Florence Brochoire, Báo Sự Sống 

Ở Paris và Tours, các nữ tu Dòng Đa Minh chia sẻ chỗ ở

Để lo cho các nhu cầu trong tương lai? Đó là điều nữ tu Véronique Margron, bề trên tỉnh dòng các Nữ tử bác ái Đa Minh rất quan tâm, ơn gọi của Dòng là phục vụ người nghèo nhất. Hiện nay nữ tu điều phối hai công trường: xây dựng nhà tiếp nhận Saint-Charles ở Paris, sẽ khánh thành vào năm 2020 ở địa điểm dòng tu đường Vaugirard. Một trung tâm cùng hợp tác với chương trình Nhà ở và Nhân đạo (Habitat et Humanisme) có thể đón nhận 50 người với thời gian có hạn. Mục đích? Nới rộng thành phần: người lớn tuổi, gia đình đơn thân, sinh viên và các người trẻ có nghề nghiệp, với các phòng dành cho khách, các phòng họp dành cho các người trong khu phố. Ở thành phố Tours, tại tu viện Grande-Bretèche nơi có nhà mẹ của Dòng có một trung tâm dành cho người lớn tuổi, có 20 căn phòng dành cho các đôi cặp hay những người sống một mình sẽ được khánh thành, cùng một Trung tâm Ehpad và một căn nhà dành cho các nữ sinh. Trung tâm Ehpad sẽ đón nhận các nữ tu lớn tuổi, trong số này có khoảng hai mươi nữ tu sống lệ thuộc, nhưng cũng có những người ở Indre-et-Loire đến ở. Nữ tu Véronique cho biết: “Phải nghĩ đến tương lai. Căn nhà này quá đẹp nhưng sẽ hữu ích cho ai?” Vì thế nhà Dòng quyết định mang lại một tâm hồn mới cho những nơi này, nhắm đến việc các tầng lớp xã hội và các thế hệ khác nhau cùng ở chung với nhau.

Marta An Nguyễn dịch