Các điều kiện làm việc của các nữ tu ở Vatican tạo tiếng vang

220

Các điều kiện làm việc của các nữ tu ở Vatican tạo tiếng vang

Một số nữ tu làm việc tại Vatican cảm thấy mình không được công nhận

cath.ch/, Raphael Zbinden, 2018-03-08

Bài viết trên báo L’Osservatore Romano vào đầu tháng ba về các điều kiện làm việc của các nữ tu ở Vatican đã tạo tiếng vang. Nữ tu Isabelle Donegani, Dòng Nữ tu Thánh Maurice ở Bex thấy đây là sự mở đầu cho việc giải phóng lời cho các nữ tu và cũng là dịp để Giáo hội nhìn lại vai trò của phụ nữ trong thể chế của mình.

Nữ tu Isabelle Donegani ghi nhận: “Sự việc các nữ tu làm những việc không xứng là một thực tế của Giáo hội. Một thực tế mà ai cũng biết, nhưng không ai dám nói ra”. Nữ tu cho biết xơ quan tâm đến việc này nhưng không ngạc nhiên trước bài báo đăng ngày 2 tháng 3 trong phần phụ trương (Donne Chiesa Mondo) hàng tháng dành cho phụ nữ của nhật báo L’Osservatore Romano của Vatican.

Giờ làm việc không chịu đựng được

Ở Vatican, việc các giám mục, các hồng y được các nữ tu phục vụ là phong tục có từ nhiều thế kỷ. Trong bài viết có tựa đề Công việc (gần như) không công của các nữ tu, nữ ký giả Pháp Marie-Lucile Kubacki đã gom lại các chứng từ ẩn danh của nhiều nữ tu mô tả công việc cực nhọc và thiếu công nhận mà họ phải chịu đựng. Bài viết có cuộc điều tra: “Họ dậy từ sớm để chuẩn bị bữa ăn sáng và chỉ được đi ngủ một khi bữa ăn tối đã phục vụ xong, nhà cửa được dọn dẹp, áo quần đã giặt ủi xong”. Bài báo còn cho biết lương của các nữ tu rất thấp, thậm chí nhiều khi còn không có lương. Một khía cạnh đặt ra nhiều vấn đề cho việc quản trị của các cộng đoàn nữ tu này. 

Trong luống đi của vụ Weinstein

Nữ tu Donegani giải thích: “Lối làm việc này chắc chắn bình thường với một số Dòng. Đôi khi họ còn cảm thấy vinh dự Dòng mình gởi các nữ tu này đi Vatican phục vụ cho các giới chức cao cấp ở Vatican. Họ làm trong tinh thần quảng đại và phục vụ, đó là điều chắc chắn nhưng đôi khi họ quên tự hỏi mình có quên đi những nhu cầu nhân bản căn bản như giờ nghỉ ngơi, giờ tự do không”. Xơ Donegani nhắc lại, ai cũng có quyền, rằng công việc của mình phải được công nhận theo đúng giá trị của nó và phải được trả lương. “Vâng lời cấp trên trong Giáo hội là chủ yếu, nhưng vâng lời công chính xã hội phải đặt lên trên”.

“Trong Giáo hội có những vùng cần được thay đổi”

Theo nữ tu Isabelle, các phàn nàn của các nữ tu ở Vatican cho thấy vấn đề toàn diện hơn về vai trò của phụ nữ trong Giáo hội. “Chúng ta đang ở trong thời kỳ giải phòng lời, trong luống đi của vụ Weinstein. Dù chắc chắn chúng ta không đặt hai vụ này vào cùng một mức độ”. Theo nữ tu, vấn đề là các nữ tu đã nói với tư cách ẩn danh với báo chí. “Đối với họ, chắc chắn đây là cách duy nhất để tiếng nói của họ được nghe”.

Cái bóng của một xã hội gia trưởng

Thường thường các vấn đề này được giải quyết trong nội bộ. Nữ tu Marcelle Allaman, cựu bề trên Dòng Nữ tử Bác ái ở Fribourg cho biết: “Nếu các nữ tu có vấn đề với cấp chủ nhân của họ, thì trước hết họ phải nói với bề trên của mình, bề trên sẽ giải quyết vấn đề”. Rất nhiều nữ tu của Dòng Nữ tử Bác ái làm việc ở Nhà Thánh Marta. Nếu xơ xác nhận không biết các điều kiện làm việc của các nữ tu ở Vatican là vì xơ không bao giờ nghe than phiền. “Rõ ràng các nữ tu phải có giờ giấc làm việc đúng lý. Một số xơ lớn tuổi nói với tôi: ‘chúng tôi làm việc rất nhiều’. Và trong quá khứ đã có những quá độ trong lãnh vực này. Nhưng bây giờ các bề trên Dòng Nữ tử Bác ái trên thế giới đã thu xếp để các nữ tu của họ không làm việc quá sức”. 

“Không phải là ném đá vào Giáo hội”

Nữ tu Isabelle Donegani công nhận các sự việc này chỉ đụng đến một số phân bộ nào đó trong Giáo hội. Đa số linh mục không có tinh thần “chèn ép phụ nữ”. Tuy nhiên điều này làm lộ ra một não trạng cơ bản trong Giáo hội, duy trì phụ nữ trong một cảm nhận thấp kém. “Chuyện này không phải chỉ có trong Giáo hội mà ở cả ngoài xã hội, xã hội vẫn còn đánh dấu mạnh bởi thành kiến gia trưởng. Khi tôi nói cho cha tôi biết tôi sẽ đi tu, cha tôi nói: ‘Con muốn làm ông cha à?’ Một quan điểm trong cách nhìn của ông rõ ràng là tụt hậu”.

Nhìn những người mà chúng ta thường không nhìn thấy

Nữ tu Isabelle hy vọng nhờ các lời phản kháng của các nữ tu sẽ giúp thúc đẩy các cuộc thảo luận trong Giáo hội. “Trong Giáo hội có những vùng cần được thay đổi. Và tôi nghĩ cái nhìn về phụ nữ là một trong số đó. Việc đặt vấn đề phải đặt ra với các linh mục và các giới chức cao nhưng cũng đặt ra với các nhà dòng và với chính các nữ tu. Như thế cần phải giáo dục để có được tự do nội tâm, một việc đôi khi không dễ dàng”.

Nữ tu Donegani đặt rất nhiều hy vọng trong ý muốn cải cách của Đức Phanxicô. Ngày đăng bài báo trên L’Osservatore Romano cũng là ngày bức thư ngài cám ơn nữ văn sĩ Tây Ban Nha Maria Teresa Compte được công bố, bà Maria Teresa là tác giả quyển sách Mười chuyện Đức Phanxicô đề nghị với phụ nữ. Trong bức thư này, ngài nhắc lại một sự canh tân  nhân chủng học về các căn tính của phụ nữ, của đàn ông trong nền văn hóa tế nhị hiện đại của họ. Nữ tu Isabelle Donegani nhấn mạnh: “Nếu các nữ tu này không cảm nhận Đức Phanxicô quan tâm đến điều kiện sống của họ, thì lời nói này chắc chắn sẽ không bao giờ được giải phóng. Đây không phải là vứt cục đá vào Giáo hội, nhưng cùng nhau suy nghĩ về lối làm việc mà chúng ta thừa hưởng, để nhìn những người mà chúng ta thường không nhìn thấy, để học xem người kia – đặc biệt là phụ nữ – trong nhân phẩm trọn vẹn của họ”.

Các phản ứng tương phản trong giáo triều

Theo hãng tin I.MEDIA, bài báo đã tạo nhiều phản ứng đối nghịch nhau trong giáo triều. Nhật báo Ý Il Corriere della serra số ra ngày 4 tháng 3 – 2018, nữ tu Carmen Sammut, chủ tịch Hiệp hội Quốc tế các bề trên thì khẳng định, “ở Vatican, chúng tôi chưa bao giờ được hỏi ý kiến”.

Nhưng cũng có các tiếng nói khác không đồng ý. Một nữ tu phụ trách giáo triều Rôma cho biết, tình trạng này “không phù với thực tế”. Xơ không muốn đặt quá nhiều quan trọng trong việc tranh cãi này.

Các nữ tu khác thân cận trong lãnh vực này cho biết, có các nữ tu ở bên cạnh một hồng y, chăm sóc căn hộ và có lương, và có thể họ được ở miễn phí. Một nữ tu Việt Nam được một hồng y cho chỗ ở, xơ giải thích nhờ vậy xơ mới có thể học y tá. Còn việc dọn dẹp văn phòng Tòa Thánh thì công việc này được giao cho giáo dân qua công ty tư nhân.

Theo hãng tin I.MEDIA, thực tế của sự kiện này cần được làm sáng tỏ. Theo một nữ chuyên gia của Tòa Thánh, “các tình trạng này có thể được xác nhận, tuy nhiên nó không phải là chuẩn mực” trong Giáo hội.

Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch

Xin đọc: Nhật báo Vatican tố cáo sự khai thác các nữ tu trong Giáo hội