Dẫn nhập sách Phanxicô, con người của cầu nguyện

511

Dẫn nhập sách Phanxicô, con người của cầu nguyện

Trích sách Phanxicô, con người của cầu nguyện, Mario Escobar

 

Đây là một trong những nghi lễ ấn tượng nhất thế giới: một trăm mười lăm hồng y đi từ Nhà nguyện Pauline dưới những bức tranh tường tuyệt phẩm của Michelangelo qua Sala Reiga để tự khóa kín mình trong một trong những gian phòng đẹp nhất do bàn tay con người làm ra, Nhà nguyện Sistine. Và họ ở đó cho đến khi, nhờ Đức Chúa Thánh Thần thúc đẩy, bầu ra được người sẽ lãnh đạo Giáo hội Công giáo.

Các hồng y tuần tự đi vào Nhà nguyện Sistine và vào chỗ của mình. Họ hát bài Veni Creator, một bản kinh cổ xưa để xin ơn Chúa Thánh Thần. Rồi họ tuyên thệ, từng người một, sẽ theo sát các luật của Mật nghị hồng y. Các luật này có thể tóm tắt thành hai điều: 1) trung tín hoàn thành sự ủy thác từ thánh Phêrô nếu được chọn làm giáo hoàng, và 2) không tiết lộ các bí mật liên quan đến việc bầu giáo hoàng.

Một khi lễ tuyên thệ đã xong, Trưởng ban Nghi lễ Phụng vụ của Giáo hoàng đọc lệnh bằng tiếng La Tinh, “Extra omnes!” nghĩa là “Những người khác, ra ngoài!” Cánh cửa đóng lại, và các hồng y bắt đầu hội nghị.

Bên trong các bức tường của Vatican, thời gian như ngừng trôi, sự hối hả náo động của thế giới hiện đại gần như không thể hiện diện ở đây, một quốc gia nhỏ bé nhất thế giới. Bên ngoài các bức tường là cảnh náo nhiệt của hơn sáu ngàn ký giả và nhiếp ảnh với máy ảnh cầm tay, buộc phải giữ khoảng cách với hội nghị tôn giáo quan trọng nhất này nhưng tất cả đều háo hức muốn là người đầu tiên chụp được một tấm hình hay một báo cáo về giáo hoàng mới được bầu.

Khi ngọn “khói trắng” (fumata bianca) chờ đợi được bốc lên khỏi ống khói Nhà nguyện Sistine, thì sự kích động trong đám đông ở Quãng trường thánh Phêrô nổ bùng thành lễ hội lớn của các tín hữu Công giáo. Truyền hình, truyền thanh, báo chí trên toàn cầu thấp thỏm chờ đợi tân giáo hoàng xuất hiện trên ban công chính. Trong khi đó, tân giáo hoàng chuẩn bị sẵn sàng trong Gian phòng Nước mắt, nơi ngài thú mình với Thiên Chúa trước khi tỏ mình với thế giới.

Sau một khoảng thời gian ngắn, nhưng đối với nhiều tín hữu khoảng khắc này lại như vô tận, tân giáo hoàng vừa được bầu bước ra chào Giáo hội Công giáo toàn cầu. Ngài cất giọng và ban lời chúc lành cho Thành Roma và cho Thế giới (Urbi et Orbi). Quãng trường thánh Phêrô vang dội tiếng reo hò, và phần lớn thế giới được biết gương mặt tân giáo hoàng qua truyền hình và vi tính.

Khi Giáo hoàng Phanxicô, Hồng y Jorge Mario Bergoglio, giang cánh tay giơ cao và bàn tay mở rộng hướng về đám đông, nói những lời đầu tiên của ngài thì quãng trường thánh Phêrô ngay lập tức thinh lặng:

Thân chào anh chị em!

Như quý anh chị em biết, trọng trách của Mật nghị hồng y là chọn ra giám mục thành Roma. … Cộng đoàn giáo phận Roma giờ đã có giám mục của mình…

Tôi muốn ban phúc lành, nhưng trước hết – trước hết, tôi xin anh chị em một điều: trước khi Giám mục chúc lành cho tín hữu, tôi xin anh chị em cầu nguyện xin Chúa chúc lành cho tôi: lời cầu nguyện của dân xin phúc lành cho Giám mục của mình.1

Trước đó chẳng bao lâu, thật sự ít ai biết Giáo hoàng Phanxicô, không chỉ trong thế giới nói chung, mà đa số tín hữu Công giáo cũng vậy. Có quá nhiều chất vấn và hoài nghi khơi lên về đường hướng ngài sẽ đem lại cho Giáo hội Công giáo trong những năm sắp tới: Liệu Giáo hoàng Phanxicô sẽ là người đưa Giáo hội Công giáo đi vào thế kỷ XXI không? Liệu ngài sẽ trở thành người đầu tiên phê chuẩn cho linh mục được phép kết hôn? Ngài sẽ xử lý các vụ tai tiếng bủa vây Giáo hội Công giáo trong những năm vừa qua như thế nào? Liệu Giáo hoàng Phanxicô vẫn giữ lập trường ủng hộ người nghèo của ngài? Liệu ngài sẽ tăng cường đối thoại liên tôn?

Để trả lời cho những câu hỏi này và cả những câu hỏi khác nữa, quyển sách này sẽ đi sâu vào cuộc đời, lời nói, và suy tư của một trong những người quyền lực nhất trên thế giới.

Gốc gác của Jorge Mario Bergoglio, người châu Mỹ La tinh đầu tiên được bầu làm giáo hoàng, sẽ biểu lộ những yếu tố ảnh hưởng đã định hình nên ngài xuyên suốt đời tư lẫn đời sống trong giáo hội của ngài. Nền tảng đào tạo của Dòng Tên, những tập trung học thuật về khoa học và văn học, thiên hướng đại kết đối với các tín ngưỡng khác, nhiệt thành muốn đối thoại với các tôn giáo khác, và lòng tâm tâm giúp đỡ người nghèo, tất cả những điều trên chắc chắn sẽ có dấu ấn trong triều giáo hoàng thứ ba của thế kỷ XXI và cũng là thiên niên kỷ mới.

Với một trong những phát biểu đầu tiên trong địa vị giáo hoàng, các lời của Giáo hoàng Phanxicô không thể nào thẳng thắn hơn:

Và những lời này cứ vang lên trong tôi: người nghèo, người nghèo. Rồi, ngay lập tức, khi nghĩ đến người nghèo, tôi nghĩ đến thánh Phanxicô thành Assisi. Rồi tôi nghĩ về tất cả các cuộc chiến tranh, và cứ như thế mãi cho đến khi các lá phiếu được kiểm xong. Thánh Phanxicô cũng là một con người của hòa bình. Đó là cách mà cái tên này đến với lòng tôi.

Rụt rè, tách biệt, một người kiệm lời, ngài tránh né việc mưu cầu thăng tiến, nhưng chính đó là phẩm chất được xem là một trong những nét vĩ đại nhất của ngài. Sự đơn sơ và tiết kiệm, cùng với đời sống tâm linh bừng cháy, là những điều góp phần làm cho ngài được bầu làm giáo hoàng. Sandro Magister, chuyên gia Vatican, L’Expresso

Giáo hoàng Phanxicô là người đặt trọng tâm của mình vào Chúa Giêsu,  ngài đọc Kinh thánh mỗi ngày. Luis Palau, Mục sư Phái Phúc Âm

Thay mặt cho dân chúng Hoa Kỳ, Michelle và tôi xin gởi lời chúc tốt đẹp đến Đức Thánh Cha Phanxicô khi ngài kế thừa Ngai thánh Phêrô và khởi đầu triều giáo hoàng của mình … Là giáo hoàng đầu tiên đến từ Mỹ châu, việc này nói lên sức mạnh và sức sống của vùng đất đang ngày càng có vai trò định hình trên thế giới, và cùng với những người gốc Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha ở Mỹ châu, chúng tôi, những người ở Hoa Kỳ, cùng chia sẻ niềm vui của ngày lịch sử này. Barack Obama, Tổng thống Mỹ

Tôi cầu chúc tân Giáo hoàng, Đức Thánh Cha Phanxicô, được nhiều soi sáng và sinh lực mạnh mẽ để dẫn dắt tín hữu Công giáo. Lionel messi, Cầu thủ bóng đá Argentina 

Thật là hổ thẹn, những năm trước đây chúng tôi có tham dự những buổi tiệc xa xỉ ở Caritas nơi bán trang sức và những đồ xa xỉ phô trương khác để gây quỹ. Như thế là sai, như thế không phải là Caritas. Giáo hoàng Phanxicô, trong dịp Đại hội caritas Quốc gia năm 2009 

Ngày nay, có những thứ đạo đức giả: những người “giáo quyền hóa” giáo hội, những người muốn kéo dân Chúa ra xa ơn cứu độ. Và hãy nhìn cô gái tội nghiệp đó, cô đã có thể giết đứa con trong bụng, nhưng cô đã can đảm mang đứa bé ra đời, và bây giờ cô lại phải đi gõ cửa từng giáo xứ để cố gắng xin cho con mình được rửa tội. Giáo hoàng Phanxicô, Thánh lễ bế mạc Hội nghị Mục vụ Urbana năm 2012 

Chúng ta, các linh mục, có khuynh hướng “giáo quyền hóa” trên giáo dân. Và giáo dân, không phải tất cả, nhưng nhiều người, quỳ gối xin chúng ta giáo quyền hóa họ, vì làm một cậu bé giúp lễ đứng cạnh linh mục thì oai hơn là làm một nhân vật lớn phía dưới giáo dân. Chúng ta không được rơi vào cái bẫy này. Đó là tội đồng lõa… Giáo dân không phải là linh mục nhưng giáo dân là người dự phần trong giáo hội, và họ phải sống như thế với sức mạnh từ phép rửa tội … mang lấy thập giá hàng ngày của mình như chúng ta vậy.

Họ mang thập giá của giáo dân, chứ không phải của linh mục. Thập giá của linh mục thì linh mục phải vác lấy vì Thiên Chúa đã cho linh mục đó một đôi vai đủ rộng để vác nó rồi. Giáo hoàng Phanxicô, tháng 11 năm 2011

Phanxicô, con người của cầu nguyện

Francis, Man of Prayer, Mario Escobar, nxb. Thomas Nelson

J.B. Thái Hòa dịch