Những tiếng gọi mạnh mẽ từ bên trong

433

Những tiếng gọi mạnh mẽ từ bên trong

 

Ronald Rolheiser, 2012-07-15

Trong rất nhiều tiếng nói đang kêu gọi chúng ta, thật khó để phân định được đâu là tiếng nói của chân lý. Thậm chí còn khó phân định được khi nào thì chúng ta thật sự chân thành: Thật sự tôi là ai? Cái gì phù hợp đích thực với lợi ích tốt đẹp nhất của tôi? Trong số nhiều tiếng gọi tôi nghe thấy, đâu là tiếng gọi mà cuối cùng sẽ mang tôi đến với cuộc đời? Đâu là tiếng nói của Chúa trong đời tôi?

Vô số tiếng gọi từ bên ngoài đang tấn công chúng ta không ngưng nghỉ: bảng thông báo tin tức, truyền hình, báo chí, internet, ý thức hệ, tôn giáo, nghệ thuật, văn hóa bình dân, thời trang, chiến dịch quảng cáo, sức hút của những người nổi tiếng, và nhiều thứ khác. Nhưng thường thì chúng ta cũng không khó khăn mấy để nhận ra mình đang bị những tiếng gọi này tấn công túi bụi, những tiếng gọi này đều có những yêu cầu giới hạn của nó. Mỗi thứ mỗi yêu cầu: chúng muốn túi tiền, lá phiếu, sự yểm trợ, lòng thông cảm, lòng trung thành, chú ý, tham gia, ngưỡng mộ của chúng ta, hay một điều gì đó khác từ chúng ta. Tinh tế không phải là phẩm chất của chúng và thường chúng ta cũng không ngây thơ đến mức nghĩ rằng chúng hết sức lưu tâm đến lợi ích tốt đẹp nhất của ta; mặc dù trong một số trường hợp, như tôn giáo, nghệ thuật và thời trang, những biểu đạt tốt đẹp nhất của chúng là để cho chúng ta hưởng lợi. Nhưng chúng ta không dễ gì bị thuyết phục bởi những tiếng gọi từ bên ngoài.

Chỗ mà chúng ta ngây thơ hơn là với những tiếng gọi và những tiếng nói từ bên trong tự cho là đang nêu lên chân lý. Bởi vì những tiếng nói này nằm trong lòng chúng ta nên điều tự nhiên là chúng ta nghĩ chúng rất quan tâm đến những lợi ích tốt đẹp nhất của chúng ta, rằng chúng nói vì ta, rằng chúng là tiếng nói của chân lý.

Những tiếng nói tấn công chúng ta từ bên trong, cũng như tiếng nói từ bên ngoài, là gì? Đây là một số ví dụ nổi bật:

Tiếng nói của vĩ cuồng cá nhân, bản ngã, tư lợi, và biếng nhác. Bản chất của chúng ta không phải là vì người khác. Do các bản năng tự nhiên của mình, chúng ta đến thế giới này với bản năng cố hữu là tự kiêu, coi mình là trung tâm, tự yêu mình, và quan tâm trước và trên hết đến an lạc, vui thú và tiện nghi của chính mình. Khi trưởng thành, chúng ta biết rằng tiếng nói tư lợi không hẳn là tiếng nói gọi chúng ta đến với cuộc đời; nhưng, ở phía bên này của vĩnh cửu, tiếng nói đó không bao giờ tắt và luôn luôn vẫn còn trong lòng chúng ta như là một tiếng nói sẵn sàng át đi tất cả các tiếng nói khác.

Tiếng nói của vết thương và nỗi tức giận. Không ai lớn lên mà không hề va chạm. Đây không phải là chuyện liệu chúng ta bị tổn thương hay không, nhưng vết thương này là gì, và ở đâu. Tiếng nói của tổn thương luôn luôn cất lên trong lòng chúng ta, vừa vi tế vừa không vi tế, thôi thúc chúng ta bất kính, thấy mình bị coi thường, bị xúc phạm, tức giận và hằn học. Chẳng ai miễn nhiễm được. Tiếng nói này mãi mãi nói với chúng ta rằng bệnh đa nghi, chứ không phải niềm ăn năn hối hận, là cái sẽ dẫn dắt chúng ta đến với cuộc đời.

Tiếng nói của trầm cảm về mặt cảm xúc và tâm lý. Trầm cảm dễ ngụy trang dưới tấm áo của lòng vị tha, tâm hồn sâu sắc, đời sống thiêng liêng, và do đó nó có thể lừa bằng cách làm cho chúng ta tin rằng tinh thần trì trệ như thế này mới tạo nên cuộc sống, trong khi thật sự nó đã rút hết sức lực và sự sống của cơ thể và tâm hồn chúng ta. Thường thường tiếng nói của trầm cảm hay bị nhầm với tiếng nói của tôn giáo vì nó có vẻ như vinh danh cho khắc khổ, những chuyện của một thế giới khác và là bước thử thách, trong khi thực tế không phải vậy.

Tiếng nói của ủy mị và sùng tín. Ủy mị và sùng tín rất dễ bị nhầm với thấu cảm đích thực và tận hiến đích thực. Nhưng có một khác biệt rất dễ nhận ra: Trong thấu cảm đích thực và tận hiến đích thực, những giọt nước mắt khóc là khóc cho người khác, còn trong ủy mị và sùng tín, những giọt nước mắt khóc là khóc cho chính mình.

Tiếng nói của nỗi ám ảnh, của những “thiên thần” và “quỷ dữ” bên trong. Có một tranh cãi từ xưa về chuyện điều gì ảnh hưởng tối thượng lên hành vi của chúng ta: do bản tính hay do giáo dưỡng? Gen di truyền hay môi trường? Một số nhà tư tưởng, trong đó có James Hillman, sẽ cho rằng điều ảnh hưởng nhất đến hành vi chúng ta không phải là bản tính cũng không phải là giáo dưỡng, mà do những “tay ma lanh” (daimon) bên trong tấn công chúng ta, gây ám ảnh, tước mất tự do của chúng ta. Bất kỳ ai đã từng yêu trong bất lực và tuyệt vọng đều nhận ra chính xác những gì “quỷ dữ” hay “thiên thần” bên trong có thể làm được. Có một số ít lực lượng làm tê liệt đời sống chúng ta và có một số ít tiếng nói có thể khiến cho chúng ta tin sâu sắc rằng một người nào đó (và chỉ duy nhất người này) mới có thể mang chúng ta đến với cuộc sống. Nếu bạn là người lãng mạn, tiếng nói này sẽ vừa là nguồn năng lượng lớn nhất vừa là nguồn gây phiền muộn lớn nhất đời; và như kinh nghiệm cay đắng cho thấy, không phải lúc nào nó cũng là tiếng nói của cuộc đời.

Tiếng nói của mô thức tâm lý, gen, sắc tộc và giới tính. Máu thì đậm hơn nước lã, và đó là một thứ tiếng nói rất mạnh mẽ trong lòng chúng ta mà chẳng bao giờ hoàn toàn im lặng. Chúng ta không đến thế giới này như tấm giấy ảnh trinh trắng trên đó chưa từng in gì. Đúng hơn, chúng ta bước vào cuộc đời với một tiềm năng ADN mạnh mẽ, cả ở trong cơ thể lẫn trong tâm hồn, trong đó nhiều điều đã được in dấu đậm không thể nào xóa được. ADN của chúng ta, về mặt cơ thể lẫn tâm lý, vẫn luôn luôn là tiếng nói mạnh mẽ bên trong, và, giống như tiếng nói của chứng vĩ cuồng cá nhân, không phải lúc nào nó cũng hết lòng quan tâm đến lợi ích tốt đẹp nhất của chúng ta.

Chẳng có câu trả lời dễ dàng nào thích đáng để đối xử với những tiếng nói bên trong này chúng ta, nhưng, theo lời James Hillman, một triệu chứng sẽ gây đau đớn nhất khi không biết nó thuộc về cái gì!

J.B. Thái Hòa dịch