Về khóc than và nhảy múa

192

Về khóc than và nhảy múa

Ronald Rolheiser,2012-02-05

Cha Henri Nouwen thường xuất bản một số trang nhật ký của mình dưới tựa đề “Về khóc than và nhảy múa.” Tựa đề này hoàn toàn phù hợp vì phần lớn các trang nhật ký ghi lại theo thứ tự thời gian các cuộc đấu tranh nội tâm của chính cha để diễn đạt công khai những gì đang sôi sục trong lòng, đồng thời cũng tôn trọng bản tính e dè và kín đáo hết sức nhạy cảm khiến cha ngần ngại thể hiện ra ngoài những cảm xúc đó. Vậy là những gì cha viết bộc lộ hiếm có của cả tự do nội tâm lẫn nỗi sợ hãi nội tâm. Suy nghĩ và tình cảm của cha đôi khi bị dằn vặt, nhưng đó là điều khiến chúng trở nên phong phú. Không phải lúc nào cũng dễ dàng có được cân bằng tinh tế như vậy giữa tự biểu đạt lành mạnh và phô trương thiếu lành mạnh, kể cả khi mình là Henri Nouwen, mà có lẽ đặc biệt nếu mình là Henri Nouwen.

Cuộc đấu tranh để tìm cách biểu lộ bản thân tự do và sâu sắc, nhưng không vượt quá giới hạn để trở nên phô trương thiếu lành mạnh là một nhiệm vụ khó khăn đối với tất cả mọi người. Chúng ta chỉ thấy trong một vài trường hợp hiếm, Giêsu và một số người vĩ đại như Mẹ Têrêxa. Họ có thể vĩ đại mà không khuếch trương và có thể có các bộc lộ công khai những gì sâu kín nhất trong lòng họ mà không làm họ khó chịu hay cảm thấy bất tiện hay ngượng ngùng. Nhưng tài năng đó hiếm thấy; cứ thử tìm ở bất cứ sàn nhảy nào.

Cách một người khiêu vũ là dấu chỉ cho một kiểu cân bằng mà người đó có thể đạt được về vấn đề này. Đôi khi bạn thấy một người khiêu vũ lành mạnh không e dè kiềm chế bản thân, đồng thời cũng không tập trung quá mức vào bản thân hay buông thả bản thân quá mức. Những bước nhảy của người khiêu vũ lành mạnh bước theo tự nhiên, dễ dàng mà thu hút, bạn nhìn vào và chú ý đến điệu nhảy chứ không phải người nhảy. Hơn nữa, kể cả trong khi nhảy, người khiêu vũ lành mạnh vẫn được dễ nhận ra là một người có nhân cách mà bạn biết, chứ không phải là người không có cá tính, một năng lượng vô danh đang nhảy. Nhưng khó mà nhảy đẹp được.

Thường thường, bước nhảy của một người được tô màu do cuộc đấu tranh nội tâm và do nơi la bàn nội tâm của người đó đã được ấn định: quá chú ý bản thân, quá cẩn trọng, quá sợ hãi, chúng ta sẽ thấy những bước nhảy dè dặt, ngập ngừng và ngượng ngịu. Trái lại, quá ít ý thức về bản thân thì chúng ta sẽ thấy một bước nhảy tự do và không hề kiềm chế nhưng bộc lộ một kiểu phô trương thiếu lành mạnh. Đôi khi các bước nhảy của chúng ta diễn tả quá ít, nhưng có khi lại diễn tả quá nhiều, chúng ta vượt quá ranh giới khi bước diễn trở thành ra vẻ và người ta thấy một kiểu tự yêu mình, tự buông thả thiếu lành mạnh trong bước nhảy của chúng ta, họ xấu hổ cho chúng ta.

Và điều này, gắng gỏi để nhảy đẹp, là sự phản chiếu mối căng thẳng khác bên trong chúng ta, là đấu tranh giữa trầm cảm và cao hứng, giữa cảm thấy quá phấn khích hay cảm thấy quá trầm uất. Cũng giống như bước nhảy lành mạnh, tâm lý lành mạnh cũng không dễ đạt được, một tâm lý trong đó năng lượng được buông tự do, không tự yêu hay phô trương thiếu lành mạnh. Vấn đề ở đây là mãi mãi chúng ta bị kéo lên hay trì xuống, bị kích thích quá mức để khuếch trương hay bị hạ thấp giá trị hơn bình thường. Cả hai điều này đều làm cho chúng ta không ổn định.

Chỉ có những người chín chắn nhất và bình an nhất trong số chúng ta mới không nghiêng ngả quá mức giữa các kiểu tâm trạng và hành động với những khẳng định và phủ nhận mà chúng ta gặp trong đời sống hàng ngày. Trong môi trường sống của chúng ta, gia đình, bạn bè, nơi làm việc, giáo hội và ngay cả trong nhiều mối liên hệ đơn giản không mang tính con người với người khác trong đời sống công cộng, chúng ta vẫn thường xuyên gặp phải hoặc là sự khẳng định hoặc sự phủ nhận theo một kiểu nào đó (một nụ cười, một lời cảm ơn, một lời khen, một cái vỗ nhẹ thân mật trên lưng, một sự công nhận đã làm việc tốt, một cử chỉ thương yêu nào đó, hay ngược lại, một thái độ lạnh lùng, một chuyện làm bẽ mặt, một lời lăng nhục, một lời chỉ trích, một sự coi khinh, hắt hủi). Bất cứ khi nào xảy ra như vậy chúng ta đều bất lực trong việc tự bảo vệ bản thân trước tác động của chúng đối với tâm lý và tình cảm của mình. Nhiều khẳng định thì chúng ta dễ dàng thấy mình tự mãn mà thiếu Chúa và tha nhân. Quá nhiều lạnh lùng và hắt hủi thì chúng ta dễ dàng thấy mình tự ti và thiếu năng lượng tuyệt vời của Chúa trong lòng chúng ta.

Tôi nói điều này một cách thông cảm. Cuộc sống khó khăn với tất cả, đặc biệt nếu bạn đang cố gắng sống với lòng tôn trọng người khác cũng như với chính mình. Nếu bạn nhạy cảm một cách lành mạnh thì luôn luôn đó là một cuộc đấu tranh: Làm thế nào để bạn tôn trọng, thể hiện và ăn mừng những năng lượng hơn cả mức dồi dào của mình một cách phù hợp mà hoàn toàn tôn trọng người khác và không vượt quá ranh giới đạo đức hay thẩm mỹ? Một công thức chẳng dễ dàng gì. Nếu dành quá ít cho xúc cảm dồi dào thì bạn sẽ thấy mình dè dặt quá mức, cứng lưỡi, chán chường, cằn cỗi, và xử lý mọi việc một cách tức giận; còn nếu dồi dào không kiểm soát quá thì bạn sẽ thể hiện ra theo những cách làm cho bạn và người khác xấu hổ.

Và như vậy chúng ta cần chấp nhận cuộc đấu tranh này là chuyện đương nhiên và không nên khắt khe quá đối với người khác cũng như đối với mình. Chúng ta là con người và vì vậy cần tha thứ cho nhau và cho chính mình, vì đã cứng ngắt và ngượng nghịu khi nhảy, cũng như tha thứ cho người khác và chính mình vì đã phô diễn trên cùng những sàn nhảy đó. Có rất ít người tự do và hoàn toàn khỏe mạnh trên thế giới này. Không ai nhảy hoàn hảo cả.

J.B. Thái Hòa dịch