Khoa học và Tôn giáo

1400

 

Ronald Rolheiser, 2010-04-18

Một số giới tin rằng khoa học cao hơn tôn giáo. Suy nghĩ đó thật đơn giản và không có chỗ cho nhượng bộ: Tôn giáo không thể nào sánh với khoa học. Những sự thật hiển nhiên của khoa học rốt cuộc khiến cho niềm tin trở thành không thể biện hộ được. Cùng với suy nghĩ này là quan niệm niềm tin và tôn giáo tồn tại được là nhờ sự ngây thơ và thiếu can đảm, nghĩa là, nếu người ta đủ can đảm về mặt tri thức để chịu một lần nhìn vào những sự thật hiển nhiên thì họ sẽ phải thừa nhận rằng niềm tin và tôn giáo đi ngược lại các bằng chứng khoa học.

Mỉa may thay, quan niệm này gần gũi nhất với các giới khoa học kiêu căng nhất và những giới chủ trương nguyên giáo nhất. Những nhóm này có thể ghét nhau, nhưng họ đều chung nhau một điểm, đó là đều cho rằng khoa học và tôn giáo là không tương hợp với nhau.

Ý niệm này sai ở đâu? Cả khoa học tốt lẫn tôn giáo tốt đều nghĩ ngược lại vậy. Nhiều nhà khoa học đáng kính có niềm tin tôn giáo và không thấy có sự bất tương hợp nào giữa những gì họ thấy qua các nghiên cứu thực nghiệm của mình và những gì họ thực hành ở nhà thờ. Ngược lại, nhiều người sùng đạo biết tới, tin tưởng và tôn trọng những nhận thức của khoa học, và không thấy trong đó có điều gì đe dọa về những gì họ coi là thiết thân về mặt tôn giáo. Những điều tốt đẹp nhất trong khoa học khẳng định một cách rõ ràng và khiêm  nhường rằng những gì chúng ta có thể nói về thế giới qua các nghiên cứu thực nghiệm là không hề loại bỏ hay trái ngược với những gì có thể được nói về thế giới thông qua lăng kính của niềm tin và tôn giáo. Những điều tốt đẹp trong tôn giáo cũng nói những điều tốt đẹp như vậy trong khoa học. Tôn giáo tốt dành một vị trí đúng đắn cho khoa học, cũng giống như khoa học tốt dành một vị trí đúng đắn cho niềm tin.

Hơn nữa, ý nghĩ rằng khoa học cao hơn tôn giáo thường dựa trên cách diễn giải sai về cái dường như là xung đột giữa hai bên. Charles Taylor, trong tác phẩm lớn Thời đại Thế tục (A Secular Age), cho rằng người ta phần lớn từ bỏ tôn giáo nhân danh khoa học không phải vì khoa học đáng tin hơn tôn giáo (mặc dù đó cũng có thể là điều họ tin). Mà đúng hơn, cái họ đang từ bỏ là “trọn gói”, là toàn bộ cách nhìn nhận Chúa, nhìn nhận thế giới, nhìn nhận ý nghĩa, và nhìn nhận mối quan hệ của chúng ta với quá khứ tôn giáo của mình. Không đơn giản là họ đang đổi ngây thơ (tôn giáo) để lấy chính chắn (khoa học). Họ đang đổi toàn bộ một cách nhìn cuộc sống để lấy một cách khác. Mà cả hai cách đó đều đòi hỏi lòng tin.

Nói vậy nghĩa là gì? Khá đơn giản, cho rằng Chúa không tồn tại thì cũng là một hành động của lòng tin như việc cho rằng Chúa tồn tại, và việc khẳng định rằng mình không tin vì có khoa học thật ra liên quan tới rất nhiều điều hầu như không can hệ gì tới khoa học.

Nói rằng: Tôi tin hay tôi không tin, là liên quan tới rất nhiều điều không phải rút ra từ bằng chứng thực nghiệm. Những điều gì?

Trước hết, một ý niệm nhất định về Chúa. Phần lớn thuyết vô thần, như Michael Buckly khẳng định, là ký sinh trùng của thuyết hữu thần tồi tệ. Vị Chúa mà phần đông người vô thần bác bỏ thật ra cần phải bị bác bỏ bởi vì vị Chúa đó hầu như chẳng có điểm gì chung tới Chúa của Giê-su Ki-tô. Điều này cũng đúng với nhiều người bác bỏ tôn giáo. Cái bị bác bỏ là kiểu tôn giáo tự phục vụ chính tôn giáo đó, chứ không phải là tôn giáo đích thực.

 

Vậy sẽ nảy ra vấn đề làm thế nào chúng ta nhận thức được những cách của Chúa. Thánh Kinh đoan chắc với chúng ta rằng “những cách của Chúa không phải là những cách của chúng ta”, một chân lý mà người Thiên Chúa giáo La Mã đã cố gắng biểu đạt trong triết học với ý niệm về ẩn dụ Hiện thể (Being) và người Tin Lành đã cố gắng giữ gìn qua việc nhấn mạnh vào cái khác biệt (otherness) của Chúa. Khi tôn giáo bị bác bỏ nhân danh khoa học, luôn luôn kiểu tôn giáo đang bị bác bỏ đó không bảo đảm cái khác biệt (otherness) của Chúa, và, dù không cố ý, đã kéo Chúa xuống thành điều gì đó có thể được nắm bắt bằng những phạm trù của con người. Khi bị tước đi sự thiêng liêng và bí ẩn đích thực, vị Chúa như vậy sẽ không tránh khỏi việc không đứng vững qua quá trình chất vấn nghiêm khắc của con người.

Tiếp theo, tính khiêm tốn nhún nhường và tính ngạo mạn cũng góp phần vào mối căng thẳng giữa khoa học và tôn giáo, cũng như khuynh hướng bác bỏ lẫn nhau của hai bên. Kiêu ngạo không lành mạnh và nhún nhường không lành mạnh đổ thêm dầu vào lửa của nhau và tạo ra các tình huống lưỡng phân trái đạo đức vốn dĩ đẩy người ta đến chỗ lựa chọn sai lầm.

Đồng thời, niềm tin và ngờ vực cũng gắn với tính toàn vẹn của đạo đức. Thánh Kinh nói với chúng ta rằng chúng ta chỉ có thể nhìn thấy Chúa khi trái tim mình thanh sạch. Vì vậy, cuộc sống đạo đức của chúng ta hoặc sẽ làm trong sáng hoặc làm vẩn đục nhận thức của chúng ta về Chúa. Tội lỗi ảnh hưởng đến đôi mắt nhìn của chúng ta, và đức hạnh cũng vậy. Đây là một ý nhạy cảm. Ngờ vực và hoài nghi không thể đơn giản bị đánh đồng với kiêu ngạo, giả dối, hay là một đời sống đạo đức tồi tệ. Tất cả chúng ta ai cũng biết những con người tuyệt vời phải chiến đấu với vấn đề hoài nghi của mình. Tuy vậy điều này vẫn cần phải được xem xét. Ai cũng biết những người quá tự cao và ngạo mạn đến nỗi không nhìn rõ ràng được.

Cuối cùng là vấn đề mối quan hệ của chúng ta với quá khứ tôn giáo của mình. Khi niềm tin và tôn giáo bị coi là trẻ con và ngây ngô thì có nhiều thứ ảnh hưởng tới đánh giá đó chứ không hẳn liên quan tới bằng chứng thực nghiệm. Hầu như trong mọi trường hợp, đánh giá đó nhuốm màu và được đắn đo bởi cách người ta cảm thấy như thế nào về quá khứ tôn giáo của mình.

Khoa học không đứng cao hơn tôn giáo và tôn giáo cũng không đứng cao hơn khoa học, vì Chúa duy nhất là tác giả của tất cả những gì tốt đẹp, từ trong khoa học lẫn từ trong tôn giáo.

J.B. Thái Hòa dịch