Biện hộ cho Linh hồn

473

Biện hộ cho Linh hồn

Linh mục Ron Rolheiser, OMI

2017-10-30

Thật khó để tìm tri kỷ nơi một người không tin bạn có linh hồn.

Mới đây trên Radio The Moth, một cô gái trẻ chia sẻ câu chuyện của mình, kể về việc cô chia tay một người mà cô có tình cảm sâu đậm. Vấn đề là, cô có một đức tin sâu sắc, và phải đấu tranh với chủ nghĩa duy vật của bạn trai. Với anh ấy, linh hồn không tồn tại, chỉ có thế giới vật chất mà thôi. Cô cứ hỏi xem anh có tin mình có linh hồn không. Anh ấy không thể bắt mình tin như thế được. Và cuối cùng, dù đau lòng, nhưng họ đã chia tay. Tại sao lại thế? Nói theo lời cô ấy thì: “Thật khó để tìm tri kỷ nơi một người không tin bạn có linh hồn.”

Nỗi thất vọng của cô, vô số người cũng từng gặp. Thế giới của chúng ta ngày càng chối bỏ sự tồn tại của linh hồn. Nhưng không phải lúc nào cũng như thế. Cho đến trước thời hiện đại, thường thì chính vật chất và thân thể mới không được tôn vinh xứng đáng. Nhưng mọi thứ đã thay đổi, một cách triệt để.

Bắt đầu từ Darwin, người đặt nguồn gốc của chúng ta vào lịch sử thân thể hơn là linh hồn. Và điều này càng thành hình rõ hơn trong triết học cơ giới của thế kỷ trước, xem cả vũ trụ và chúng ta là những cỗ máy vật chất. Rồi điều này càng được củng cố hơn khi y học hiện đại và tâm lý kinh nghiệm ngày càng giải thích rằng, não trước hết là một phức hợp carbon và phản ứng hóa học. Rồi tâm thức này càng phát triển hơn nữa khi các trường đào tạo cấo cao của chúng ta tập trung vào kỹ thuật công nghệ hơn là về suy tư. Và tâm thức này cũng tích tụ trong nền văn hóa phổ biến hiện thời, khi tình yêu và tình dục được giải thích theo kiểu hóa sinh hơn là theo linh hồn. Thật chẳng có gì bất ngời khi câu khẩu quyết cho các ca sĩ pop thời nay là: “Em muốn cơ thể anh! Anh muốn cơ thể em!” Chúng ta đã đi quá xa khỏi hôn nhân của tâm trí đích thực của Shakespeare, và tình yêu của linh hồn lữ hành của Yeat.

Tất nhiên, tôn giáo luôn phản đối chuyện này, nhưng thường thì nhận thức của tôn giáo về linh hồn lại quá hẹp để có đủ sức mạnh kéo nền văn hóa vật chất về lại khao khát khám phá và lắng nghe linh hồn. Mỉa mai thay, một nhân vật không có tôn giáo, Carl Jung, lại nói về linh hồn theo một cách tri thức. Và chính nơi người bệnh, người điên, người tự tử, và những người có cuộc sống bị sụp đổ, mà Jung bắt đầu nghe ra tiếng kêu của linh hồn (với những đòi hỏi đôi khi rất khác với những đòi hỏi của thân thể, và với nhu cầu còn hơn xa yêu cầu tiện nghi và sống thọ).

Những khẳng định của Jung và các môn đồ của ông, có thể xem là một lời kháng nghị cho linh hồn. Chẳng hạn như trong bài viết của James Hillman. Mỉa mai thay, một người theo thuyết bất khả tri như ông có thể nói về linh hồn thật sâu sắc đến nỗi những người theo đạo như chúng tôi phải thấy mình nhỏ bé và ghen tị. Như Jung, James cũng rút ra nhiều thấu suốt của mình từ việc lắng nghe linh hồn kêu lên ý nghĩa và nỗi đau của mình qua tiếng nói của người bệnh, người điên, người sụp đổ và tự tử. Ông tin rằng tôn giáo, y học và tâm lý học, không lắng nghe tiếng kêu của linh hồn. Chúng không ngừng cố gắng sữa chữa, trị bệnh, hay cứu linh hồn, hơn là lắng nghe linh hồn. Mà linh hồn không mong muốn hay cần được chữa trị. Linh hồn là bất diệt rồi. Linh hồn cần được nghe, và nghe với hết sự tốt lành thiêng liêng và phức tạp trần gian của nó. Và đôi khi điều linh hồn nói với chúng ta lại đi ngược với mọi thường thức, kiến thức y học và cả các linh đạo tối giản mà chúng ta thường xem là tôn giáo.

Để gắn bó hơn với linh hồn của mình, chúng ta nên xem lại một ngôn ngữ cổ xưa hơn, ngôn ngữ mà tôn giáo, thi sĩ, thần thoại, và những người đang yêu đã dùng, trước khi chủ nghĩa vật chất thống trị biến ngôn ngữ về linh hồn của chúng ta thành ngôn ngữ của hóa sinh và cơ giới. Chúng ta không thể hiểu được linh hồn qua một mô tả khoa học, nhưng chỉ có thể hiểu bằng cách xem xét hành vi, sự ham muốn, bất mãn và phản kháng của linh hồn. Không thể giải thích, mà phải cảm nghiệm linh hồn, và cảm nghiệm linh hồn luôn nằm trong thâm sâu, khao khát, trong cái tôi, trong giới hạn, trong cảm giác lữ hành, trong nhu cầu cần một tri kỷ.

Đáng mừng là, ngày nay, chúng ta vẫn bộc phát kết nối linh hồn với những sự vượt trên hóa sinh và cơ giới. Như Hillman chỉ ra rằng: “Chúng ta liên kết từ “linh hồn” với tâm trí, tinh thần, tâm hồn, sự sống, hơi ấm, nhân văn, nhân cách, cá tính, ý định, bản chất, nội tại, mục đích, cảm xúc, phẩm chất, đức hạnh, tội lỗi, khôn ngoan, sự chết, Thiên Chúa. Và chúng ta nói linh hồn là “phiền phức” “già cỗi” “vô hình” “bất tử” “lạc lối” “ngây thơ” “hứng khởi”. Chúng ta có thể nói đôi mắt “có hồn” bởi đôi mắt là tấm gương của linh hồn, và những người không có lòng thương là người “vô hồn”.

Chúng ta hiểu rõ cấu thành của sự gì đó khi nó vỡ ra. Vậy nên có lẽ thời nay, chúng ta có thể hiểu rõ sự vô hồn trong việc chúng ta ngày càng chấp nhận khiêu dâm và tình dục qua đường, việc chúng ta thấy cần thiết và có chủ ý loại bỏ linh hồn khỏi những trải nghiệm mang tính linh hồn nhất.

J.B. Thái Hòa chuyển dịch