Vệ binh Thụy Sỹ không chỉ là một quân đội, mà là một trường học đức tin

970

Vệ binh Thụy Sỹ không chỉ là một quân đội, mà là một trường học đức tin

Khi 40 tân Vệ binh Thụy Sĩ tuyên thệ bảo vệ Đức Giáo hoàng Phanxicô, chỉ huy của họ đã nhấn mạnh rằng vai trò của Vệ binh Thụy Sĩ không chỉ là lực lượng bảo an mà còn mang khía cạnh thiêng liêng nữa.

“Nếu trong buổi phỏng vấn, ai đó chỉ nói về chuyện an ninh và không biết mình bảo vệ an ninh cho điều gì… Thì tôi thấy đó không phải là người hợp với Vệ binh. Với tôi, một ứng viên cho Vệ binh Thụy Sỹ, phải có nền tảng đức tin, phải là một người Công giáo sống đạo, đi lễ và cầu nguyện. Nếu một chàng trai trẻ chẳng biết gì về đức tin, thì tôi chẳng hiểu anh ấy tìm gì trong đội Vệ binh Thụy Sỹ nữa.

Bởi đội Vệ binh liên kết chặt chẽ với Đức Giáo hoàng và Giáo hội, nên điều căn bản là phải có một đời sống đức tin vững vàng, thậm chí có thể giúp người khác trên con đường đức tin. Để bước vào hàng ngũ bảo vệ cho Giám mục thành Roma, một Vệ binh còn phải là một nhà truyền giáo, không chỉ bảo vệ Đức Giáo hoàng bằng vũ khí, mà còn bằng đức tin. Bằng lời cầu nguyện.”

Đây là những lời chia sẻ của ông Christoph Graf, Chỉ huy của Đội Vệ binh Thụy Sỹ Giáo hoàng, trong buổi họp báo một ngày trước khi các tân Vệ binh tuyên thệ.

Với khoảng 100 đơn xin gia nhập cho khoảng 30 đến 35 vị trí mới mỗi năm trong Đội Vệ binh Thụy Sỹ, thì sẽ có một tiến trình sàng lọc các ứng cử viên xuống còn khoảng 40-45 người dự vòng phỏng vấn cuối cùng. Sau khi nói chuyện với họ khoảng 20 phút, “bạn sẽ biết ai là người xứng đáng thực sự.”

Những người này chấp nhận phục vụ trong Đội Vệ binh ít nhất là hai năm, nhưng sau đó có thể ở lại thêm một hoặc hai năm nữa.

Với khẩu hiệu “Dũng cảm và Trung thành,” Đội Vệ binh Thụy Sỹ hiện tại có hơn 110 thành viên, là quân đội lâu đời nhất nhưng có quy mô nhỏ nhất trên thế giới.

Lễ tuyên thệ chính thức diễn ra vào ngày 06-5, kỷ niệm biến cố cùng ngày vào năm 1527, hay còn gọi là “Cuộc cướp phá thành Roma,” một sự kiện đau lòng nhưng dũng cảm trong lịch sử Vệ binh Thụy Sỹ. Trong trận đánh đó, 147 vệ binh đã hy sinh mạng sống khi chiến đấu với quân đội Đế chế La Mã để bảo vệ Đức Clement VII.

Tối ngày 05-5, thành viên gia đình của các tân vệ binh sẽ dự buổi kinh chiều ở nhà thờ Santa Maria della Pieta. Rồi sau đó, nghi lễ tuyên thệ diễn ra trong buổi lễ tưởng niệm các vệ binh đã hy sinh trong trận chiến can trường năm 1527. Trước khi tuyên thệ vào buổi chiều, các vệ binh tham dự thánh lễ ở Vương cung Thánh đường thánh Phêrô, với Hồng y Gerhard Müller chủ tế.

Rồi họ gặp Đức Giáo hoàng Phanxicô trước khi sẵn sàng tuyên thệ lúc ban chiều ở sân San Damasco của dinh thự tông đồ, với sự hiện diện của Chỉ huy Graf và các đại diện của Quân đội cùng Chính phủ Thụy Sỹ, cũng như Hội đồng Giám mục Thụy Sỹ.

Trong sự kiện, các tân binh sẽ tiến đến lá cờ của Vệ binh Thụy Sỹ khi được xướng tên. Tay trái nắm lấy biểu tượng, tay phải đưa lên với ba ngón tay chỉa ra thể hiện đức tin vào Ba Ngôi Thiên Chúa, các vệ binh sẽ đọc lời tuyên thệ: “Tôi xin thề tôi sẽ thành tín, trung thành, và vinh dự phục vụ Đức Giáo hoàng Phanxicô và người kế vị hợp pháp của ngài, và công hiến hết sức lực tôi, hy sinh mạng sống tôi nếu cần thiết để bảo vệ các ngài. Tôi cũng tận tụy như thế với Hội đồng Hồng y vào thời điểm trống tòa. Hơn nữa, tôi cam kết tôn trọng, trung thành, và vâng lệnh Chỉ huy và các cấp trên của tôi. Tôi xin thề hứa như thế! Xin Chúa và các thánh phù trợ tôi!”

Trả lời với CNA, Filippo Inches, một trong các tân vệ binh, đã nói về mối liên kết giữa công tác của mình và đức tin, “chắc chắn đức tin của tôi đang và sẽ được củng cố tăng cường. Bởi sống 24/7 trong môi trường này, trong khung cảnh Vatican với sự hiện diện của các linh mục, giám mục và Giáo hoàng, tham dự ít nhất một hay hai sự kiện của ngài và lắng nghe ngài giảng, thì tự nhiên trong bạn sẽ nảy sinh và bén rễ được gì đó.”

Tân vệ binh Inches chia sẻ anh đã mong muốn gia nhập hàng ngũ này từ lâu rồi. Anh từng đến Roma lúc còn nhỏ, và luôn chú ý đến các Vệ binh Thụy Sỹ, nhưng đến khi theo học khoa nhân văn ở đại học, anh mới quyết định mình sẽ “phiêu lưu” trở thành một người trong hàng ngũ các vệ binh vinh dự này. Với anh, “Bảo vệ Đức Giáo hoàng nghĩa là dự phần vào lịch sử của quân đội lâu đời này. Tôi rất tự hào khi nằm trong hàng ngũ này, bởi bạn sẽ được thấy tầm vóc bao quát cả trong Giáo hội lẫn lịch sử.”

Anh còn cho biết, “Ở đây, tôi có thể gặp Đức Giáo hoàng, được ngài hỏi thăm, bắt tay, và nói đùa vài chuyện, và tôi thấy xúc động nhất là khi ngài bước ra khỏi phòng, với vẻ mặt vô cùng thân thiện như người một nhà với tôi.”

Trong bài nói chuyện với các vệ binh và gia đình của họ trước buổi tuyên thệ chính thức, Đức Giáo hoàng Phanxicô đã nhắn nhủ các vệ binh rằng có thể họ không được kêu gọi để trao cả mạng sống như 147 vệ binh năm xưa, nhưng họ được kêu gọi hy sinh một sự không kém phần trọng đại, là phục vụ đức tin.

“Đây thật sự là thành lũy để ngăn chặn những thế lực của thế gian và trên hết là ngăn chặn ma quỷ, vua của thế gian. Các anh em được kêu gọi sống mạnh mẽ và dũng cảm, được nâng đỡ bởi Chúa Kitô và Lời Cứu độ của Ngài.”

J.B. Thái Hòa chuyển dịch