Tại sao Đức Phanxicô là một ơn cho đời sống tu trì?

305

Tại sao Đức Phanxicô là một ơn cho đời sống tu trì?

fr.aleteia.org, Elisabeth de Baudoüin, 2014-11-07

Tại sao Đức Phanxicô là một ơn cho đời sống tu trì?

Linh mục Luciano Manicardi, phó Viện trưởng Tu viện Đại kết Bose cho biết: “Cải cách dựa trên nền tảng trở về với Phúc Âm mà Đức Phanxicô mong muốn mang lại cho Giáo hội là nhắm đến các cộng đoàn tu sĩ, cộng đoàn mà chính ngài cũng là một tu sĩ.

“Đời sống tu trì đã có một ‘dịp may’ rất hiếm, có thể nói là một ơn mà chúng ta phải ý thức: chúng ta có một giáo hoàng hiểu và biết đời sống tu trì từ bên trong.” Đó là niềm xác quyết mà linh mục Luciano Manicardi, Phó Viện trưởng Tu viện Đại kết Bose đã chia sẻ nhân dịp họp Đại hội lần thứ 54 của các bề trên tham dự Hội đồng các Bề trên thượng cấp các dòng Nam ở Ý diễn ra tại Rôma từ ngày 3 đến 7 tháng 11-2014.

2015, năm của đời sống thánh hiến: không phải là chuyện tình cờ

Linh mục Manicardi nói tiếp, đây không phải trường hợp của các giám mục, những người thường cho rằng đời sống tu trì nhất là đời sống tu trì của các dòng nữ là “phương tiện hữu ích”, nhưng là chọn lựa của giáo hoàng Dòng Tên – giáo hoàng đầu tiên xuất thân từ một Dòng tu kể từ thời giáo hoàng Gregoria XVI, được bầu chọn vào năm 1831; Đức Phanxicô chọn năm 2015 là năm đời sống thánh hiến không phải là thành quả của một chuyện tình cờ, nhưng chính là ơn gọi đời sống tu trì của ngài.

Một giáo hoàng đối diện với một Giáo hội đang gặp cơn khủng hoảng

Linh mục Luciano Manicardi nói tiếp: “Cải cách mà Đức Phanxicô đang muốn thực hiện Giáo hội công giáo tạo nên một bầu khí thuận lợi cho một tầm nhìn can đảm trên thực tế đời sống tu trì và sự canh tân phải có của nó. Đây là một cơ may rất lớn mà chúng ta sẽ có tội nếu không nhận biết và đón nhận, nhất là ở các bề trên và những người có trách nhiệm của các cộng đoàn (…). Linh mục Manicardi nhận xét về phong cách Bergoglio: “Vị giáo hoàng 78 tuổi (2014) nhưng ngài đã làm năng động tuổi già của mình với một đức tin và một tấm lòng nhiệt huyết, làm cho ngài trẻ hơn những người ít tuổi hơn ngài”. Đức Phanxicô đứng đầu một Giáo hội đang đi qua cơn khủng hoảng về uy tín của mình (nạn ấu dâm, bê bối về tài chánh, chia rẽ và thậm chí còn gãy đổ trong nội bộ hàng giáo sĩ), nhưng còn đối diện với cơn khủng hoảng động lực, nhất là ở những nước có truyền thống Công giáo lâu đời, nơi sự mệt mỏi đã trở thành buồn chán, nơi không còn thấy niềm vui Tin Mừng, niềm vui của một chứng nhân vui vẻ phải toát ra do được kết hiệp với Chúa.”

Đức Phanxicô mang lại lòng tin tưởng vào Tin Mừng vì ngài tin và sống với Phúc Âm

Linh mục Manicardi mời mọi người nhìn và theo gương của Đức Phanxicô  trước khi nghe các bài diễn văn của ngài: “Chúng ta hãy nhìn cách ngài sống, cách ngài di chuyển, cách ngài ôm hôn, cách ngài nói, cách ngài ở bên cạnh những người ngài gặp, cách ngài ‘đi ra’ để hiện thân ‘lời’ quen thuộc của ngài, ngài không sống trong dinh thự Vatican, nhưng sống ở ngoài, thích vùng ngoại vi, thích ở bên cạnh những người ngoài lề. Đức Phanxicô mang lại lòng tin tưởng vào Tin Mừng, trọng tâm nổi bật thông điệp của ngài cũng như chương trình cải cách đời sống tu trì vì ngài tin và sống với Tin Mừng, đó là sức mạnh của ngài”. 

Thời điểm “khả dĩ lớn nhất” của đời sống tu trì

Đức Phanxicô đang mong Giáo hội có khả năng và can đảm để cải cách, để thay đổi, để canh tân và điều này cũng áp dụng một cách đặc biệt cho đời sống tu trì, một đời sống sáp nhập chí tử vào Giáo hội. Không một lý do, một thoái thác, một biện minh nào đàng sau thực tế già nua, mệt mỏi, kiệt sức, thiếu thế hệ tương lai của đời sống tu trì. Và đây là thực tế mà chúng ta được mời gọi để làm cho nó thành sinh động. Đối với đời sống tu trì, đây là dịp của một khả thể lớn, một tinh thần can đảm, một dịp may không thể nào bỏ qua. Người có trách nhiệm với cộng đoàn biết họ có trách nhiệm này trước mặt Chúa.

Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch