Vì sao Vatican nghĩ các linh mục nên học về nghệ thuật và mỹ thuật

447

Vì sao Vatican nghĩ các linh mục nên học về nghệ thuật và mỹ thuật

catholicnewsagency.com, Hannah Brockhaus, 2017-01-29

Nhà thờ xấu xí, âm thanh dỡ là không công bằng với sự phong phú và nét đẹp của phụng vụ, vì thế kết nối giữa nghệ thuật và đức tin là điều quan trọng. Đức Hồng y Gianfranco Ravasi, Chủ tịch Hội đồng Giáo hoàng về Văn hóa nhấn mạnh, ngày nay các linh mục cần hiểu điều này.

Hội đồng Giáo hoàng về Văn hóa của Vatican đang nghiên cứu một dự án nhằm đào tạo các linh mục và các nhân viên làm việc trong lãnh vực văn hóa của Giáo hội về thẫm mỹ, lịch sử nghệ thuật, đặc biệt góp phần vào việc tạo ra nghệ thuật tôn giáo phù với các nơi thờ phượng.

Cùng với Hội đồng Giám mục Ý và với sự hỗ trợ của Quỹ Nghệ thuật và Văn hóa Nghệ thuật, dự án sẽ nghiên cứu việc đào tạo các lãnh đạo của giáo phận như giáo sĩ, các giáo sư tôn giáo, giáo lý viên về việc liên kết giữa đức tin và nghệ thuật.

Một thông báo đưa ra cho biết, Hội đồng đang nghiên cứu việc đào tạo cụ thể cho các nghệ sĩ trong Giáo hội, như kiến trúc sư, họa sĩ, nhà điêu khắc, và nhạc sĩ để họ được trang bị, nhằm sáng tạo các tác phẩm “phù hợp với nơi thờ phượng và phục vụ phụng vụ”.

Ngày 19 tháng 1-2017, Đức Hồng y Gianfranco Ravasi, Chủ tịch Hội đồng Giáo hoàng về Văn hóa cho biết, điều này rất quan trọng vì không chỉ có thể trải nghiệm Thiên Chúa qua nghệ thuật, mà đây là con đường có thể đưa chúng ta đến chiêm niệm, và đó là trọng tâm của đức tin.

Ngài tuyên bố với hãng tin CNA: “Hình dung một nhà thờ được xây dựng thanh lịch, nó sẽ nói lên nét đẹp sâu đậm. Và chúng ta sẽ tìm thấy được ở nơi này khả năng thinh lặng, chiêm niệm, có nghĩa là con mắt đã thấy. Bởi vì đức tin được tạo ra trên hết qua chiêm niệm”.

Ngài nói tiếp: “Mặt khác, đức tin cũng là một cách diễn tả, diễn tả qua lời cầu nguyện, qua gặp gỡ ở cộng đoàn, qua phụng vụ, qua âm nhạc”.

Hồng Y Ravasi giải thích: “Vai trò của mỹ thuật trong phụng vụ và trong việc thờ phượng có liên quan đến các giác quan. Vì vậy cần có nơi chốn thiêng liêng phù với nội tâm, để các tín hữu có thể ca ngợi một cách trong sáng, họ dễ dàng lắng nghe trong bầu khí này. Nên khi nhà thờ không có, chẳng hạn một âm thanh tốt, thì nó không hoàn thành được sứ mệnh thiêng liêng của mình, vì nghe cũng quan trọng như chiêm niệm”.

Ngài cho biết: “ Phần đầu của dự án đang tiến hành nhằm tập trung nghiên cứu về các hoạt động giáo dục hiện tại ở Ý. Sau khi kết thúc nghiên cứu, nhóm sẽ xem xét kết quả và xác định các câu hỏi và vấn đề họ muốn tập trung, sau đó sẽ bắt đầu thực hiện các sáng kiến phù hợp”.

Nghiên cứu này chủ yếu được tiến hành qua cuộc thăm dò trực tuyến.

Đức Hồng y Rivasi giải thích: “Chủ đích nghiên cứu của nhóm tập trung vào giáo dục, vì việc đào tạo nghệ thuật là “chức năng của trường học”. Nó cũng vô cùng quan trọng đối với xã hội, vì các tòa nhà xấu xí hoặc không đặc trưng không nuôi dưỡng cho hạnh phúc bên trong và không làm cho giáo dân chiêm ngưỡng cách mà mỹ thuật có thể mang lại”.

Giáo hội từ lâu đã tin tưởng mạnh vào sự kết nối quan trọng giữa nghệ thuật và đức tin mà theo Hồng Y Rivasi là “keo sơn với nhau vì cả hai có nhiệm vụ chính là cố gắng không những chỉ để đại diện cho những gì có thể được nhìn thấy hay trên bề mặt của sự vật, mà còn tìm ý nghĩa sâu sắc hơn của chúng.”

Hồng y giải thích: “Một trong những nghệ sĩ vĩ đại của thế kỷ vừa qua, họa sĩ Paul Klee nói rằng nghệ thuật không đại diện cho cái nhìn thấy được, nhưng cái không thể nhìn thấy được. Vì vậy, đức tin là vô hình, đại diện cho điều vô hình là điều quan trọng hàng đầu vì nó nói về Thiên Chúa, nghệ thuật và đức tin đều có nhiệm vụ cố gắng đi tìm những gì vượt quá bề ngoài của sự vật”.

“Đó là lý do vì sao nghệ thuật và đức tin phải gắn liền với nhau, dù trong thế kỷ vừa qua nghệ thuật và đức tin đã tách nhau để đi theo các con đường khác nhau.”

Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch