Đức Phanxicô chiến đấu

336

ledevoir.com, Louis Cornellier, 2017-02-13

Người mà các người ủng hộ trìu mến gọi là “Giáo hoàng Phanxicô tốt lành” không chỉ có tuyền bạn. Quý vị nên quên các người chống đối đường lối đạo đức của Giáo hội về mặt tình dục; trong quyển sách vững chải “Các kẻ thù của giáo hoàng”, tác giả Ý Nello Scavo còn đưa ra các lời bất bình đến từ các nguồn tin đáng tin cậy.

Ngày 4 tháng 2 vừa qua, Rôma thức dậy với các bức áp-phích chống Đức Phanxicô dán ở trung tâm thành phố Rôma, những người chống đối cho rằng cách “quản trị của ngài quá uy quyền” trên các vấn đề của thể chế. Phong trào chống-Đức Phanxicô này được gán cho các người công giáo bảo thủ chống các “quan điểm cải tổ của giáo hoàng”. Tác giả xác nhận, họ không phải là những người duy nhất. Tác giả Scavo cũng là tác giả của một quyển sách nói về lòng dũng cảm của Đức Bergoglio khi ngài ở dưới chế độ độc tài ở Argentina.

Khi công bố Tông huấn Niềm vui Tin Mừng (2013) và Thông điệp Chúc Tụng Chúa (2015), Đức Phanxicô đã tạo cả một xáo động nơi hàng ngũ các giám chức cao cấp. Trong Tông huấn Niềm vui Tin Mừng, ngài công kích thuyết của “bàn tay vô hình”  và của “lợi nhuận ưu đãi”, thậm chí ngài còn nêu lên một “nền kinh tế giết người”. Trong Thông điệp Chúc tụng Chúa, Đức Giáo hoàng nhận thấy trách nhiệm của con người trong hiện tượng khí hậu nóng lên, đặt lại vấn đề tính thích đáng của các tổ chức Sinh vật biến đổi gen (GMO) và ngài còn công kích một chủ nghĩa tư bản hủy hoại.

Tác giả Scavo ghi nhận, các quan điểm như vậy làm cho ngài bị các phần tử ưu tú trong lãnh vực tài chánh tấn công, họ muốn khóa miệng ngài. Tạp chí Kinh tế (The Economist) cho Đức Phanxicô là người theo chủ thuyết “lênin” và các người đứng đầu đảng Cộng hòa như John McCain, Sarah Palin, Paul Ryan, Jeb Bush và Marco Rubio thì vội vã hạ uy tín ngài, dưới mắt họ ngài không được làm chính trị. Theo tác giả Scavo thì ngân hàng J.P. Morgan còn trả đủa gián tiếp bằng cách đánh giá tiêu cực hai công ty Unilever và Vodafone, phạt họ vì họ đã tài trợ cho các buổi hội thảo có lợi cho giáo điều xã hội công giáo.

Một nền ngoại giao tích cực

Trái với mong muốn của các ông trùm tư bản, Đức Giáo hoàng không ngần ngại lao vào cuộc tranh cãi, làm cho họ áy náy lương tâm. Với nhiều chi tiết vững chải, tác giả cho thấy Đức Phanxicô, cùng với sự hỗ trợ của Hồng y Quốc Vụ Khanh Pietro Parolin đã có các hoạt động ngoại giao chưa bao giờ mạnh như vậy ở cả Vatican lẫn trên thế giới.

Tác giả kể, Đức Giáo hoàng đã có vai trò hàng đầu trong việc Cuba và Mỹ xích lại gần nhau, cũng như các thỏa thuận giữa Mỹ và Iran về năng lượng hạt nhân. Các sáng kiến này đã đụng đến Thủ tướng Israel Benjamin Nétanyahou, người chủ trương cứng rắn với Iran, và với các người cực kỳ bảo thủ ở Mỹ. Trên các vấn đề này, có khả năng có mâu thuẫn giữa Đức Giáo hoàng và Tổng thống Mỹ Donald Trump.

Hoạt động ngoại giao và chính trị của Đức Giáo hoàng không ngừng ở đó. Quả vậy, Đức Phanxicô và các sứ giả của mình đã mạnh mẽ chiến đấu chống lại các tay buôn vũ khí hưng thịnh, chống nạn buôn người, một nạn nuôi dưỡng vấn đề người tị nạn, chống các công ty đa quốc gia bắt hàng triệu người lao động cưỡng bức, chống nạn mafia dưới mọi hình thức, chống sự bảo vệ xưa cổ của giáo triều muốn giữ các đặc quyền của mình.

Kết quả: CIA do thám các hoạt động của giáo hoàng Argentina, các người công giáo bảo thủ đồng minh với các cá mập tư bản quyết hạ uy tín ngài, nạn mafia đe dọa người thân của ngài, quân khủng bố hồi giáo tìm cách giết ngài (nhất là trong lần ngài ở Manila, thủ đô Phi Luật Tân tháng 1 năm 2015), tác giả Scavo tóm tắt như trên. Ông là ký giả chuyên về tội ác có tổ chức và khủng bố quốc tế, ông cho biết ông bị đe dọa khi xuất bản quyển sách này ở Ý. Dù ở trong tình thế tuyệt vọng, Đức Giáo hoàng chọn  lâm trận.

Trong quyển sách “Phía ẩn giấu của Đức Phanxicô” (La face cachée du pape François, Max Milo, 2016), nhà chính trị học Pháp Paul Ariès đưa ra tranh cãi lòng can đảm của Đức Giáo hoàng, ông xem ngài như người phản động, cải cách một cách giả tạo. Cuộc điều tra của ký giả Nello Scavo chủ yếu cho thấy lập luận của Paul Ariès là sai, ông chứng minh cho thấy Đức Phanxicô là niềm vinh dự của Giáo hội công giáo.

Các kẻ thù của Đức Giáo hoàng, Nello Scavo (Les ennemis du pape, Geneviève Lambert dịch từ tiếng Ý, Novalis, Montréal, 2016)

Hình: Với sự trợ giúp của Hồng y Quốc Vụ Khanh Pietro Parolin (giữa), Đức Phanxicô có hoạt động ngoại giao mạnh hơn bao giờ hết ở Vatican và trên thế giới (Alberto Pizzoli / Pool / Agence France-Presse)

 

Giuse Nguyễn Tùng Lâm chuyển dịch